Chưa khai thác hết cơ hội lớn từ nguồn cầu dược liệu
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế về công tác quản lý và phát triển dược liệu, Việt Nam sở hữu hơn 5.000 loài cây thuốc, đặc biệt là cộng đồng các dân tộc có nhiều kinh nghiệm nuôi trồng và sử dụng các loài cây, con làm thuốc với gần 1.300 bài thuốc dân gian chữa bệnh....
Những bài thuốc này đã phục vụ cho việc nghiên cứu sàng lọc, phát triển, tạo sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống bệnh rất hiệu quả.
Mặc dù thời gian qua, Chính phủ, Bộ Y tế đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển dược liệu, nhưng kết quả vẫn chưa xứng tầm, chưa đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Đặc biệt, dược liệu trong nước còn bị cạnh tranh bởi dược liệu nhập lậu, dược liệu không rõ nguồn gốc.
TS.Trần Minh Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y - Dược cổ truyền Bộ Y tế - cho biết, với xu thế chung toàn cầu về việc sử dụng các sản phẩm từ tự nhiên, dược liệu được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người như thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hóa mỹ phẩm, thực phẩm thực dưỡng, đồ uống thảo dược… ngày càng cao. Tổng quy mô thị trường dược liệu, thuốc từ dược liệu và thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ dược liệu ở trong nước năm 2020 ước tính đạt trên 1 tỉ USD.
Theo Fortune Business Insights, quy mô thị trường thuốc thảo dược quốc tế năm 2021 khoảng 230,03 tỉ USD, tăng trưởng đạt 430,05 tỉ USD vào năm 2028, với độ tăng trưởng kép CAGR là 11,32%; thị trường sản phẩm làm đẹp từ thảo dược toàn cầu năm 2020 đạt 64,7 tỉ USD, có thể tăng trưởng đạt 117,3 tỉ USD vào năm 2027; quy mô thị trường thực phẩm bổ sung thảo dược được định giá ở mức 48,1 tỉ USD vào năm 2022. Ngành thị trường thực phẩm bổ sung thảo dược dự kiến sẽ tăng lên 87,98 tỉ USD vào năm 2030.
Cũng theo TS.Trần Minh Ngọc, dược liệu còn được ứng dụng làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm trong ngành nông nghiệp như thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… cho thấy thị trường tiêu thụ dược liệu, sản phẩm thảo dược toàn cầu là rất lớn.
“Đây là cơ hội để tập trung đầu tư nuôi trồng, phát triển dược liệu Việt Nam trở thành ngành công nghiệp, tham gia thị trường thảo dược quốc tế”- TS.Trần Minh Ngọc nói.
Để nắm bắt cơ hội này, Việt Nam từng bước xây dựng được mạng lưới bảo tồn nguồn gene và trung tâm nghiên cứu giống cây thuốc trong cả nước, trải dài ở các vùng sinh thái. Hiện Việt Nam đã lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gene thuộc 884 loài cây thuốc, có nhiều loài quý hiếm thuộc diện có nguy cơ bị tuyệt chủng, loài đặc hữu, loài có giá trị kinh tế; tại các vườn cây thuốc trên diện tích phát triển cây dược liệu hơn 357,17ha.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành được trên 150 quy trình kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, chế biến của 40 loài cây thuốc làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân tham khảo; đã đánh giá chất lượng nguồn gene, chọn lọc tạo được 74 giống cây dược liệu; việc nuôi trồng dược liệu đáp ứng đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và khai thác dược liệu tự nhiên của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO) bước đầu được quan tâm đầu tư với 76 vùng trồng được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận GACP-WHO.
Về chính sách, Việt Nam đã xây dựng nhiều chính sách đặc thù trong phát triển dược liệu, nhất là các dược liệu quý hiếm; ưu tiên đầu tư và tập trung phát triển các vùng chuyên canh, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu; tăng cường kiểm soát chất lượng dược liệu ngoại nhập; giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn dược liệu của nước ngoài.
Đặc biệt, Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2030, với việc hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi góp tăng thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và giảm tỷ lệ các hộ nghèo bền vững… được xem là chính sách quan trọng thúc đẩy phát triển dược liệu.
“Tuy nhiên, việc triển khai tại các địa phương vẫn còn hạn chế, nguồn lực đầu tư còn chưa tương xứng. Các sản phẩm phần nhiều mang tính tự cung tự cấp tại địa phương, do cách làm manh mún, tự phát, thiếu liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị và đặc biệt thiếu thông tin thị trường quốc tế. Đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nuôi trồng, chế biến sản xuất đáp ứng nguyên tắc tiêu chuẩn quốc tế còn hạn chế. Các sản phẩm từ dược liệu trong nước thiếu sức cạnh tranh, do ít được đầu tư nghiên cứu chứng minh an toàn, hiệu quả”- TS.Trần Minh Ngọc chia sẻ.
Cũng theo TS.Trần Minh Ngọc, một lý do nữa khiến ngành dược liệu trong nước chưa khai thác hết tiềm năng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược liệu có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, ít đầu tư nghiên cứu nhu cầu thị trường quốc tế, chưa tham gia vào chuỗi cung ứng thảo dược toàn cầu, chưa xây dựng được thương hiệu thảo dược Việt trên trường quốc tế...
Góc nhìn kinh tế dược liệu
Để phát triển công nghiệp dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và trên thế giới, TS.Trần Minh Ngọc cho rằng: "Cần tập trung đầu tư phát triển các vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng theo nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế. Tăng cường nghiên cứu nhu cầu thị trường quốc tế, xúc tiến thương mại, xây dựng quảng bá thương hiệu dược liệu Việt trên trường quốc tế".
Bên cạnh đó, cần thực hiện hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và chính sách tín dụng ưu đãi cho nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Còn PGS.TS. Trần Văn Ơn - Trường Đại học Dược Hà Nội – đặt câu hỏi: “Mặc dù đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển cây dược liệu nhưng việc phát triển dược liệu vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Các từ khóa manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng lộn xộn,... vẫn được nhắc tới liên tục. Nhiều doanh nghiệp đã phải bỏ cuộc sau khi thua lỗ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng. Vấn đề là tại sao?”
Cũng PGS.TS. Trần Văn Ơn: “Nhiều người nghĩ đơn giản phát triển dược liệu là trồng cây thuốc và dùng để sản xuất thuốc chữa bệnh. Các chính sách chủ yếu nhấn mạnh đến sản xuất dược liệu, như đất đai, nhà xưởng, giống, trồng trọt,... các yếu tố quan trọng nhất là kinh tế đã không được quan tâm đúng mức”.
Đưa ra khái niệm về kinh tế thảo dược, PGS.TS. Trần Văn Ơn cho rằng, cần lựa chọn các nguồn lực lợi thế, từ đó tạo ra giá trị cho khách hàng và thông qua đó để kiếm tiền. Theo cách hiểu như vậy, chúng ta cần xem xét việc khai thác lợi thế của cây dược liệu, sử dụng tri thức gắn với việc phát triển cây thuốc,… từ đó khai thác tối đa các lợi thế của nguồn tài nguyên này.
“Tiếp đến, cần nhìn nhận rõ giá trị của thảo dược và từ thảo dược có thể làm ra những sản phẩm, dịch vụ gì. Nếu khai thác dược tính, chúng ta có thể tạo ra một tháp sản phẩm: Tầng các sản phẩm “hỗ trợ điều trị”, gồm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hương trị liệu; tầng các sản phẩm điều trị, được gọi là “thuốc”, gồm dược liệu thô, thuốc phiến, thuốc Y học cổ truyền, thuốc từ dược liệu và thuốc Y học hiện đại mà ta quen gọi là thuốc Tây”- PGS.TS. Trần Văn Ơn chia sẻ.
Ngoài ra, PGS.TS. Trần Văn Ơn cho rằng, ở góc độ sản phẩm dược liệu, có thể tạo ra các sản phẩm trung gian như cao dược liệu chuẩn hóa, chất tinh khiết dùng để sản xuất ra sản phẩm chăm sóc sức khỏe và điều trị... Bên cạnh đó, nếu khai thác góc độ văn hóa, cảnh quan, Việt Nam có thể xây dựng được tháp dịch vụ, du lịch gắn với sản phẩm dược liệu và trải nghiệm văn hoá bản địa.
Một vấn đề nữa được PGS.TS. Trần Văn Ơn đưa ra là cần trả lời cho được các câu hỏi như định hướng thị trường dược liệu Việt Nam là ai? Làm thế nào để cạnh tranh, tăng khả năng cạnh tranh? Nhận diện đối thủ cạnh tranh về sản phẩm dược liệu của Việt Nam? Làm thế nào để phát triển bền vững? Và nhất là cần có kế hoạch tổng thể cho chiến lược phát triển kinh tế dược liệu.
“Thực hiện tất cả các vấn đề trên là điều không dễ dàng. Bởi vậy chúng ta cần xây dựng một “Kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế dược liệu” cho Việt Nam, trong đó nêu rõ sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược, các mục tiêu một cách cân bằng và toàn diện, lộ trình, các nguồn lực và các cơ quan/ngành tham gia, trong đó ít nhất có nông nghiệp, y tế, công thương, khoa học công nghệ, du lịch.
"Nếu chúng ta nghiêm túc nhìn nhận lại việc phát triển dược liệu theo hướng là một “ngành kinh tế", thảo dược có thể mang lại giá trị hàng chục tỉ USD cho nền kinh tế đất nước. Việc phát triển cần tuân thủ các quy luật kinh tế và cần có kế hoạch. Vì chiến lược này liên quan đến nhiều ngành, nên việc triển khai kế hoạch này cần do Chính phủ trực tiếp chỉ đạo”- PGS.TS. Trần Văn Ơn nhấn mạnh.