Truy xuất nguồn gốc dược liệu: Thanh, kiểm tra giữ vai trò quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đó là ý kiến của ông Mai Văn Mười – Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam - về truy xuất nguồn gốc dược liệu tại các cơ sở khám, chữa bệnh có sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền trên địa bàn.

Truy xuất nguồn gốc dược liệu, bài toán nan giải đối với cơ quan quản lý
Truy xuất nguồn gốc dược liệu, bài toán nan giải đối với cơ quan quản lý

Thông tư 13 của Bộ Y tế quy định về chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền có hiệu lực từ 30/6/2018. Trong đó có quy định các cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền, cơ sở khám, chữa bệnh có sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền phải thiết lập hệ thống định danh, truy xuất nguồn gốc dược liệu để bảo đảm nhận diện, truy tìm sản phẩm tại các công đoạn của quá trình nuôi trồng, thu hái dược liệu, kinh doanh, sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền.

Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền trên địa bàn đều cho rằng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện quy định. Để rõ hơn những vấn đề này, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn với TS.BS Mai Văn Mười – Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam.

- Ông có thể cho biết, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có bao nhiêu phòng khám đông y và công tác quản lý hoạt động đối với các cơ sở này như thế nào?

TS.BS Mai Văn Mười: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khoảng 146 cơ sở chẩn trị y học cổ truyền hoặc khám chuyên khoa y học cổ truyền đang hoạt động. Các cơ sở này đã được đăng ký, thẩm định và cấp phép theo quy định.

Để quản lý hoạt động của các cơ sở này trong việc duy trì và tuân thủ các quy định về khám, chữa bệnh y học cổ truyền đã được cấp phép, trọng tâm là các quy định về nhân sự, về danh mục kỹ thuật đã đăng ký, về cơ sở hạ tầng, về trang thiết bị…thì định kỳ, các phòng chuyên môn của Sở Y tế có các đợt kiểm tra, giám sát, đánh giá, xem xét việc chấn chỉnh hoặc dừng hoạt động nếu không đảm bảo được các quy định.

- Thông tư 13 của Bộ Y tế có hiệu lực từ 30/6/2018 đã quy định rõ về chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền. Tuy nhiên, việc thiết lập truy xuất nguồn gốc để nhận diện, truy tìm sản phẩm đang được cho là thách thức đối với cơ quan chức năng. Vậy với vai trò quản lý của mình, Sở Y tế tỉnh đã làm gì để đảm bảo yêu cầu quy định nói trên?

TS.BS Mai Văn Mười: Thông tư số 13/2018/TT-BYT ngày 15/5/2018 của Bộ Y tế về quy định chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền, có hiệu lực chính thức từ ngày 30/6/2018 thì hiện nay Thông tư này đã hết hiệu lực, thay vào đó Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 38/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 quy định về chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền.

Trong Thông tư số 38/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 đã quy định rất rõ về tài liệu để truy xuất nguồn, xuất xứ của dược liệu, thuốc cổ truyền và cũng như trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức. Về vấn đề truy xuất nguồn gốc dược liệu, thuốc cổ truyền: Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc của các dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền.

Với vai trò của mình, Sở Y tế đã thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm theo đúng quy định tại thông tư, đặc biệt tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động khám chữa bệnh và kinh doanh sản phẩm liên quan đến dược liệu, thuốc y học cổ truyền.

dong-y-chua-benh-4699589_1522020.png
Công tác thanh kiểm tra giữ vai trò quan trọng trong truy xuất nguồn gốc dược liệu, nhất là trong hoạt động khám chữa bệnh Đông y

Các hoạt động thanh tra, kiểm tra không chỉ thực hiện thường xuyên theo kế hoạch, mà còn triển khai đột xuất nhiều đợt, nhằm phát hiện, chấn chỉnh các vi phạm, thiếu sót của các cơ sở khám, chữa bệnh, kinh doanh dược liệu, thuốc y học cổ truyền nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ sở đối với việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

- Quảng Nam là một trong những địa phương xây dựng định danh, truy xuất nguồn gốc dược liệu khá hiệu quả. Vậy ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của địa phương trong vấn đề này?

TS.BS Mai Văn Mười: Thời gian qua, ngành y tế Quảng Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc định danh và truy xuất nguồn gốc dược liệu. Kết quả bước đầu khá tích cực.

Có thể lấy bài học về sâm Ngọc Linh làm ví dụ.

Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế cùng các sở, ngành địa phương xây dựng chiến lược phát triển, định danh và truy xuất nguồn gốc của cây sâm Ngọc Linh đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, quy hoạch vùng trồng…

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng đã đưa cây sâm Ngọc Linh và sản phẩm dược liệu lên sàn thương mại điện tử. Đây cũng có thể nói là 1 bước để định danh nguồn gốc xuất xứ dược liệu mà Quảng Nam đã thực hiện trong thời gian qua.

Cảm ơn ông!