Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 31/8 dẫn tờ JoongAng Ilbo Hàn Quốc ngày 30/8 cho biết đầu tháng 8, Ủy viên Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Thượng tướng Trương Hựu Hiệp đến Tập đoàn công nghiệp nặng tàu thủy Đại Liên thị sát công tác chế tạo chiếc tàu sân bay nội đầu tiên, hình ảnh về chuyến đi thị sát này đã các trang mạng đăng tải.
Trong các hình ảnh này còn có thể nhìn thấy ở Đại Liên thân tàu sân bay này hầu như đã chế tạo xong, đài chỉ huy tàu sân bay cũng đã chế tạo xong toàn bộ, chỉ chờ tiến hành công tác lắp ráp cuối cùng.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tào Vệ Đông cho rằng: "Dự tính, tàu sân bay nội sẽ hạ thủy vào cuối năm 2016, từ khi hạ thủy đến khi triển khai chiến đấu phải mất thời gian khoảng 2 – 3 năm". So với các hình ảnh vệ tinh được tiết lộ 1 năm trước, tiến độ này đã vượt xa dự kiến.
Một nguồn tin quân sự từ Trung Quốc cho rằng: “Căn cứ vào hình ảnh tàu sân bay công khai và khả năng công nghệ của Trung Quốc để tiến hành phán đoán tổng hợp, có thể suy đoán ra tàu sân bay mới có thể có sức chiến đấu tương đương với tàu sân bay cỡ trung bình Nữ hoàng Elizabeth của Anh”.
Nguồn tin nói: “Tàu sân bay dài khoảng 300 m, lượng giãn nước tối đa khoảng 65.000 tấn, tốc độ có thể đạt 25 hải lý/giờ (46 km/giờ) trở lên”.
Nguồn tin này dự đoán: “Tàu sân bay mới có thể chở được 40 – 50 máy bay, trong đó có 24 – 32 máy bay chiến đấu J-15, ngoài ra còn có máy bay cảnh báo sớm, máy bay tác chiến điện tử, máy bay trực thăng v.v…”. Số lượng này tăng so với tàu sân bay Liêu Ninh (chở 24 máy bay chiến đấu J-15).
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng tàu sân bay mới đã rút ngắn khoảng cách trượt của máy bay chiến đấu và đã thay đổi thiết kế kết cấu, có thể dành nhiều không gian hơn để chở nhiên liệu hàng không, đạn dược và linh kiện, thiết bị.
Trung Quốc rất có khả năng triển khai tàu sân bay mới ở căn cứ Tam Á, tỉnh Hải Nam (cực nam Trung Quốc). Điều này có nghĩa là, tàu sân bay mới của Trung Quốc sẽ chọn Biển Đông làm khu vực hoạt động chính.
Báo Trung Quốc dẫn lời “chuyên gia quân sự Hàn Quốc” (những không rõ là ai) đề cao cho rằng: “Căn cứ di động triển khai trên 30 máy bay chiến đấu và có thể tiến hành tấn công bất cứ lúc nào này một khi ra khơi thì tình hình Biển Đông sẽ hoàn toàn khác với hiện nay”.
Ngoài chế tạo tàu sân bay, Trung Quốc còn đang triển khai vững chắc công tác tăng cường khả năng sử dụng tàu sân bay như đào tạo phi công. Ngày 22/8, Trung Quốc tổ chức lễ tốt nghiệp trên tàu sân bay Liêu Ninh, cấp giấy chứng nhận lái máy bay tàu sân bay cho tốp phi công mới.
Trung Quốc đang lựa chọn “nhân tài” từ các phi công có kinh nghiệm lái máy bay chiến đấu 800 giờ trở lên, tiến hành huấn luyện 2 – 3 năm để đào tạo họ thành phi công lái máy bay trên tàu sân bay.
Nguồn tin quân sự Hàn Quốc cho rằng: “Trung Quốc có kế hoạch phát triển tàu sân bay có máy phóng, trên cơ sở đó, họ đang tiến hành luyện tập trên mặt đất”.
Quan chức quân sự Mỹ cho rằng mục tiêu của Trung Quốc là chế tạo được 6 tàu sân bay trong đó có tàu sân bay động cơ hạt nhân trước năm 2025. Như vậy, phạm vi hoạt động của Hải quân Trung Quốc sẽ không chỉ giới hạn ở “phòng thủ biển gần” (như Biển Đông), mà sẽ từng bước phát triển nâng cấp lên trở thành hải quân biển xa.
Sự trỗi dậy của Hải quân Trung Quốc không chỉ giới hạn ở chế tạo tàu sân bay. Bắt đầu từ năm 2011, Trung Quốc hàng năm đều chế tạo 15 tàu chiến cỡ lớn trở lên trong đó có tàu hộ vệ, tàu đổ bộ và tàu chiến đấu; tốc độ chế tạo như vậy là “chưa từng có trong lịch sử hải quân thế giới”.
Có quan điểm cho rằng: “Trung Quốc đang chế tạo lượng lớn tàu chiến. Trung Quốc đã vượt xa Nhật Bản về số lượng tàu chiến và tổng lượng giãn nước của tàu chiến”.
Với tốc độ chế tạo mọi loại tàu chiến như vậy, dư luận có quyền đặt ra nghi ngờ về tham vọng quân sự của Trung Quốc, nhất là khi Trung Quốc đang ngày càng có xu hướng thích tiến hành răn đe vũ lực ở các vùng biển xung quanh hiện nay, trong đó có Biển Đông? Nếu xảy ra chạy đua vũ trang trong khu vực thì nguyên nhân đã rất rõ ràng.