Lượng điện năng thu được từ nóc xe sẽ nạp vào khối pin lithium, rồi truyền tải vào mô tơ điện tích hợp, cho phép xe có phạm vi di chuyển dài hơn. Mô tơ điện trên Hyundai Sonata Hybrid 2020 có công suất 38 mã lực và mô-men xoắn 205Nm, vận hành song song với động cơ Smartux G2.0 GDi HEV cho công suất 150 mã lực và mô men xoắn cực đại 188Nm.
Theo Hyundai, cấu hình trên chỉ cần 6 tiếng “phơi nắng” mỗi ngày sẽ cho phép tăng phạm vi di chuyển thuần điện của Sonata Hybrid thêm 1.300 km/năm, tương đương với 3,5 km/ngày. Con số này có thể không quá ấn tượng với các loại động cơ xăng, nhưng với những chiếc xe hybrid có thể di chuyển thuần điện chỉ vài chục km mỗi ngày, đây là cải thiện lớn. Việc kết hợp điện-xăng cũng giúp chiếc xe đạt mức tiêu thụ nhiên liệu chỉ 4,97 lít/100km (khi sử dụng vành 16 inch).
Bên cạnh đó, hệ thống pin năng lượng mặt trời còn giảm tải cho máy phát, do có khả năng cấp điện trực tiếp cho các hệ thống điện tử trên xe. Ngoài ra, nó cũng sẽ giảm hiện tượng tiêu hao điện của ắc quy và pin trên xe. Điều này tránh việc xe không thể di chuyển được sau nhiều tháng không được sử dụng.
Ý tưởng biến nóc xe ô tô thành các tấm thu năng lượng mặt trời tuy không quá đột phá, nhưng việc triển khai ngay ở thế hệ xe hiện hành lại là bước đi táo bạo. Bản thân những chiếc xe ô tô luôn trong tình trạng phơi mình dưới ánh mặt trời dù là di chuyển trên đường hay tại các bãi đỗ. Do đó, việc có thể tận dụng nguồn năng lượng dồi dào này là ý tưởng hết sức thực tế, đặc biệt là tại các quốc gia nhiệt đới.
Bản thân các hãng xe gần đây cũng có xu hướng tích hợp pin năng lượng mặt trời vào thiết kế sản phẩm ô tô hiện đại, vốn ngày càng có xu hướng điện hóa mạnh hơn. Những điển hình có thể kể tới là Lightyear One, Toyota Prius thế hệ mới...
Theo Hà Nội mới
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/941283/pin-nang-luong-mat-troi-them-ich-loi-cho-xe-o-to-hien-dai