Ngày Tết cổ truyền luôn mang một dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi người Việt Nam chúng ta. Đó là thời điểm kết thúc những vui buồn của năm cũ và mở ra những khát khao, hy vọng về một năm mới hạnh phúc hơn, thành công hơn.
Đã từ lâu, văn hóa dân gian của người Việt đã lưu truyền lại đến ngày nay nhiều tập quán, thói quen trong ngày Tết, nhưng với thời đại công nghệ 4.0 như bây giờ, chúng ta cần nhìn nhận những tập quán đó theo hướng “văn minh” và “gạn đục khơi trong”, tiếp thu những nét đẹp trong văn hóa dân gian nhưng cũng sáng suốt loại bỏ những gì không còn phù hợp để chúng ta có thể đón một cái Tết đầy niềm vui, vừa văn minh nhưng cũng thấm nhuần những giá trị văn hóa cổ xưa của ông cha.
Ứng dụng Phong thủy kết hợp với Văn hóa dân gian trong dịp Tết là một nét đẹp mà dưới đây, tôi xin chia sẻ một số phương pháp cùng Quý vị nhằm giúp Quý vị có thể tham khảo và thực hiện dễ dàng trong những ngày Tết để gia đình mình có một năm mới nhiều sức khỏe, may mắn và hanh thông về mọi mặt.
Năm 2021 Tân Sửu là năm cầm tinh con trâu, một hình ảnh rất ý nghĩa và thân quen với nền văn minh lúa nước của người Việt, hình ảnh chú trâu hay được nhắc đến trên những bức tranh Đông Hồ, những lễ hội và trò chơi dân gian.
Trong Phong Thủy, chữ “Tân” được gọi là Thiên can, đại diện cho ngũ hành kim, chữ “Sửu” được gọi là địa chi, đại diện cho ngũ hành thổ với nguyên tắc tương sinh là thổ sinh kim cho thấy năm nay là một năm có khí kim khá vượng, sự tương sinh giữa thổ và kim thể hiện cho sự xuôi thuận, hanh thông.
Danh nhân nước Việt tuổi Sửu ta có thể nhắc đến vua Lê Đại Hành là vị vua mang tuổi Tân Sửu, ông là vị Hoàng đế sáng lập nên nhà Tiền Lê nước Đại Cồ Việt xưa, ông trị vì trong 25 năm từ năm 980 đến năm 1005.
Năm Tân Sửu là một năm hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp đối với những người tuổi Tỵ (rắn), tuổi Dậu (gà) vì đây là những tuổi nằm trong “tam hợp” với năm Tân Sửu. Ngoài ra, người tuổi Tý (chuột) cũng sẽ có một năm thuận lợi vì tuổi Tý là tuổi “lục hợp” với năm Tân Sửu. Ngược lại, những ai thuộc tuổi Sửu (trâu), tuổi Mùi (dê) và tuổi Tuất (chó) sẽ có một năm khó khăn hơn do đây là những tuổi phạm Thái Tuế, Tuế Phá và Tam hình.
Phố ông đồ rực rỡ sắc xuân năm nay vắng vẻ vì COVID-19 (Ảnh: Hoà Bình) |
Vì vậy, những người thuộc các tuổi Sửu, Mùi, Tuất trong năm nay hãy lưu ý chăm sóc, giữ gìn sức khỏe nhiều hơn, đi lại xe cộ cần thận trọng hơn, các công việc làm ăn hãy giữ ở mức độ bình thường không nên tham gia đầu tư, làm ăn lớn vào năm nay, hãy thường suy nghĩ tích cực, lạc quan và làm điều thiện, chủ động hạn chế những xung đột, bực bội trong cuộc sống và công việc hàng ngày sẽ giúp tâm ta an định và giảm bớt những rủi ro có thể xảy ra. Đối với những người tuổi Tý, Tỵ và Dậu thì đây là năm tốt nên hãy mạnh dạn làm ăn, đầu tư sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi.
Thời điểm Giao thừa là một thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, đây là lúc mà ai cũng tâm niệm, hy vọng những khởi đầu tốt đẹp, may mắn cho một năm mới vừa đến. Vậy ta nên làm gì vào thời khắc Giao thừa? Quý vị hãy làm những điều sau đây nhé:
Trước thời điểm Giao thừa, chúng ta hãy dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, vứt bỏ những gì không còn sử dụng ở trong kho, dưới gầm giường, gầm tủ để không gian trong nhà thông thoáng, khí trường lưu thông thuận lợi. Nếu cầu kỳ hơn ta có thể nấu nước bưởi hoặc dùng trầm hương xông nhà để tẩy hết uế khí là những năng lượng không có lợi cho con người nhằm đem lại một trường năng lượng mới trong lành.
Để cúng giao thừa, ta chuẩn bị mâm “Ngũ quả” với 5 loại trái cây với 5 màu sắc khác nhau, tùy theo vùng miền và điều kiện mà ta chọn cho phù hợp. Ngoài ra, ta có thể kèm với các loại bánh, kẹo, bánh chưng, bánh tét, rượu vang có màu đỏ, ....
Màu sắc của mâm ngũ quả đại diện cho Ngũ hành là yếu tố tạo nên vũ trụ nên có ý nghĩa thiêng liêng với văn hóa Á Đông, ngoài ra màu đỏ rất được ưa dùng trong ngày Tết vì đó là màu của sự may mắn, cát tường. Ta có thể thực hiện việc cúng giao thừa vào giờ Tý tức là từ 23h00 đêm 30 Tết đến 1h00 sáng mùng 1 Tết, đây là giờ chuyển giao năm cũ sang năm mới. Thông thường, mọi người hay chọn vào đúng 0 giờ hoặc trước đó một chút.
Tại thời điểm giao thừa Quý vị hãy bật hết đèn trong nhà sáng lên để tăng cường nhiệt lượng và dương khí trong nhà. Bên cạnh đó, nên đun một ấm nước sôi, mở các vòi nước trong nhà cho dòng nước chảy liên tục giúp khí trường năm mới vận chuyển tốt hơn.
Ngày mùng 1 Tết thường ta hay xuất hành hoặc mời người khác đến xông nhà mình. Quý vị hãy chọn những người có tuổi tốt như đã nói ở trên, nếu họ là người đang thành đạt, khỏe mạnh, hạnh phúc thì rất tốt để mời đến xông nhà mình.
Xin chữ ngày xuân - phong tục đẹp trong Tết nguyên đán (Ảnh: Hoà Bình) |
Hướng xuất hành tốt trong năm nay là các hướng Đông, Tây, Nam và Đông Bắc vì Phi tinh năm nay các sao tốt gồm Nhất Bạch, Tứ Lục, Bát Bạch và Cửu Tử sẽ chi phối các phương hướng này. Hai phương hướng xấu nhất là hướng đông nam có sao Ngũ Hoàng và hướng bắc có sao Nhị Hắc cần phải tránh. Khi xây nhà động thổ, cần tuyệt đối tránh động vào 2 phương vị này. Nhà nào có cửa chính thuộc hai hướng xấu này, Quý vị nên dùng các phương pháp hóa giải để hạn chế sự tác động tiêu cực như sau:
· Đối với nhà hướng bắc bị ảnh hưởng bởi sao Nhị Hắc: treo quả bầu hồ lô bằng đồng hoặc 8 đồng tiền được xâu lại để làm giảm thổ khí của sao này.
· Đối với nhà hướng đông nam bị ảnh hưởng sao Ngũ Hoàng : đặt hũ muối có 6 đồng tiền hoặc các vật phẩm thuộc về kim như tiền cổ, chuông gió.
Nếu ta dự định chọn ngày khai trương, hãy chọn vào những ngày sau đây
· Thứ hai (15/2/2021) – mùng 04 tết
· Thứ năm (18/2/2021) – mùng 07 tết
· Thứ sáu (19/2/2021) – mùng 08 tết
· Thứ bảy (20/2/2021) – mùng 09 tết
· Thứ tư (24/2/2021) – ngày 13 tết
· Thứ bảy (27/2/2021) – ngày 16 tết
Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ mang tới Quý vị thêm chút động lực tích cực trong ngày khởi đầu năm mới, từ đó sẽ thêm niềm tin, sự lạc quan để gặt hái nhiều thành công trong năm mới.
Nhân dịp Xuân về, xin kính chúc toàn thể Quý vị và gia đình một năm mới An Khang, Thịnh Vượng.