Ngày 02.03.1965, quân đội Mỹ bắt đầu chiến dịch Sấm rền (Rolling Thunder) tại miền Bắc Việt Nam, chiến dịch ném bom kéo dài nhất kể từ sau đại chiến thế giới thứ II nhằm buộc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải tử bỏ cung cấp hậu cần kỹ thuật, vũ khí và binh lực cho chiến trường miền Nam Việt Nam.
Theo tính toán của các bộ não điện tử Lầu Năm Góc, những cuộc không kích dồn dập của không Mỹ có thể buộc Hà Nội phải quỳ gối. Trong Đại chiến thế giới lần thứ II, những máy bay ném bom chiến lược là một yếu tố nặng ký trong cuộc chiến chống lại Đức và Nhật Bản. Cũng theo tính toán của tình báo mỹ, lực lượng phòng không miền Bắc Việt Nam chắc chắn còn xa mới có thể so sánh được với lực lượng phòng không của phe Trục phát xít.
Nhưng tình huống chiến trường trên bầu trời miền Bắc đã chứng tỏ, người Mỹ sai lầm nghiêm trọng khi đánh giá sức mạnh của một nước nông nghiệp chậm phát triển. Chiến dịch Sấm rền kéo dài 3 năm rưỡi và kết thúc bằng thất bại thảm hại.
Có rất nhiều nguyên nhân. Việt Nam nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô. Sự giúp đỡ to lớn này cho phép các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam tổ chức thế trận phòng không nhân dân rộng khắp trên cả nước. Một trong những thành công lớn nhất là lực lượng tình báo nhân dân trong lòng địch. Theo một số nhận xét, các lực lượng phòng không nhân dân Việt Nam biết trước từ khoảng 80 – 90% các cuộc không kích của không quân Mỹ trong khuôn khổ chiến dịch Sấm Rền trước khi máy bay Mỹ xuất kích ít nhất là nửa giờ. Đây là một điều khó hiểu vì phân nửa các cuộc không kích xuất phát từ các tàu sân bay, hoạt động chủ yếu trên Vịnh Bắc Bộ
Một trong những nguyên nhân khác khiến không quân Mỹ thất bại, đó là chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra khái niệm phòng không nhân dân chống lại sức mạnh quân sự khủng khiếp của kẻ thù xâm lược. Dựa trên khái niệm tư tưởng phòng không nhân dân, mỗi người dân là một người chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, góc phố đều là chiến hào, trận địa chống đế quốc Mỹ.
Từ góc nhìn ban đầu, khái niệm này có vẻ vô lý, bằng cách nào những người dân, được trang bị các loại vũ khí từ súng trường đến súng, pháo phòng không các cỡ nòng có thể chống lại các loại máy bay ném bom hiện đại tốc độ siêu âm của không lực Mỹ. Nhưng hàng loạt các biện pháp đồng bộ, thống nhất cùng tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt về quyết tâm đánh thắng kẻ thù cũng như sự đoàn kết quân dân đã cho những kết quả hết sức khả quan.
Nhằm giảm thiểu thương vong của người dân, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lập kế hoạch động viên những cụm dân cư đông đúc từ các thành phố lớn và thị trấn như Hà Nội, Hải Phòng sơ tán ra các vùng nông thôn ngoại ô thành phố. Các khu công nghiệp, nhà máy và xưởng sản xuất từ các khu vực đông dân cư đồng bằng sông Hồng được phấn tán vào những ngôi làng. Những cây cầu bị đánh phá nhanh chóng được thay thế bằng cầu phao, cầu tạm, phà và ngầm. Hàng trăm nghìn công nhân, dân thường tự nguyện tham gia khắc phục hậu quả của các vụ không kích tàn bạo, cung cấp cơ sở vật chất và tham gia mở đường, vận chuyển hàng hóa, cơ sở vật chất quân sự phục vụ cho chiến trường.
Các trận địa phòng không nhân dân triển khai ở khắp mọi nơi, từ nông thôn đến thành thị, hình thành một thế trận phòng không nhân dân tầm thấp dăng kín bầu trời, khiến các phi công dày dạn kinh nghiệm, có hàng nghìn giờ bay trên các các chiến đấu cơ hiện đại của không quân Mỹ có cảm giác như bay vào hỏa ngục.
Trong hơn 4.000 chiếc máy bay bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc trong suốt cuộc chiến tranh, hơn một nửa là của lực lượng pháo, súng phòng không các cỡ nòng, một phần lớn trong số đó là chiến công của lực lượng Phòng không nhân dân.
TTB