Phi thuyền bí mật của Mỹ đạt kỷ lục 908 ngày trên quỹ đạo: Tại sao Nga quan ngại?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Phi thuyền không người lái X-37B của quân đội Mỹ đã hạ cánh tại Trung tâm Không gian Kennedey ngày 12/11 vừa qua, sau khi đạt kỷ lục 908 ngày trên quỹ đạo.
X-37B trở về sau 908 ngày hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất (Ảnh: Wired)
X-37B trở về sau 908 ngày hoạt động trên quỹ đạo Trái Đất (Ảnh: Wired)

Phi thuyền này đã tự phá vỡ kỷ lục trước đó của nó là 780 ngày trên quỹ đạo Trái Đất, và lần đầu tiên bay cùng với một module gắn kèm cho phép nó thực hiện nhiều thí nghiệm hơn so với trước đây.

Trung tá Joseph Fritschen, Giám đốc chương trình phi thuyền không gian của Lực lượng Không gian Mỹ, nói trong một tuyên bố liên quan tới sự kiện này rằng: “X-37B tiếp tục phá vỡ giới hạn của hoạt động thí nghiệm, nhờ vào sự khuyến khích của chính phủ và nỗ lực của đội ngũ đứng sau hậu trường. Khả năng thực hiện các thí nghiệm trên quỹ đạo và trở về một cách an toàn để phân tích thực địa đã đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng khoa học và không quân.”

Từng có nhiều lời đồn đoán rằng quân đội Mỹ sẽ bắt đầu cho X-37B tham gia các nhiệm vụ chiến đấu vào đầu những năm 2030, trong đó có biến thể do thám của nó, SR-72, được thiết kế để tham gia hỗ trợ các nhiệm vụ tấn công.

Giới chức Nga từng cảnh báo rằng Lầu Năm Góc đang có kế hoạch biên chế mẫu X-37B được trang bị để tham gia nhiệm vụ tấn công hạt nhân, và những loại vũ khí mới của Nga như hệ thống phòng không S-500 và tên lửa đánh chặn PAK DP sắp ra mắt được thiết kế để có thể ngăn chặn những mục tiêu như vậy.

Hồi tháng 4, cựu Tổng giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) Dmitry Rogozin nói rằng phía Nga có cơ sở để tin rằng Mỹ đang tìm cách đưa vũ khí vào không gian bằng tàu vũ trụ X-37B.

Lầu Năm Góc nhiều lần khẳng định X-37B chỉ là “công cụ thí nghiệm cho những công nghệ mới cho tương lai chinh phục không gian của Mỹ”, nhưng chưa công bố bất kỳ kết quả phân tích nào từ các chuyến bay của tàu.

Việc phổ biến các loại máy bay siêu thanh và phi thuyền không gian được dự báo là sẽ làm tăng nhu cầu mua sắm S-500, bởi nó là một trong số ít những hệ thống tên lửa hiện nay có thể đánh chặn hiệu quả những vũ khí tối tân như trên.

Mặc dù Liên Xô trước đây từng đi tiên phong trong phát triển phi thuyền không gian, trong đó chương trình Buran của họ đã đi trước các bên cạnh tranh nhiều năm, nhưng sự sụp đổ của nó vào năm 1991 đã tạo cơ hội để Mỹ nhanh chóng vượt mặt Nga ở thời điểm hiện tại.

Theo Military Watch