Phe Dân chủ thu được gì từ phiên điều trần của Mueller trong nỗ lực lật đổ Tổng thống Donald Trump?

VietTimes – Nhà phân tích Terry Buss (Học viện Hành chính Quốc gia Hoa Kỳ) có bài viết dành riêng cho VietTimes về cuộc điều trần mới đây của công tố viên Robert Mueller tại Hạ viện. Ông Mueller vốn được biết đến là “quân cờ” của phe Dân chủ nhằm lật đổ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.

Bài viết phản ánh góc nhìn và nhận định riêng của tác giả.

Vào hôm thứ Tư ngày 24/7 vừa qua, công tố viên đặc biệt Robert Mueller - trưởng công tố phụ trách điều tra những nghi vấn về việc Tổng thống Donald Trump cấu kết với Nga để giành chiến thắng bầu cử năm 2016 - đã điều trần trước các Ủy ban Tình báo và Ủy ban Tư pháp của Hạ viện, cả hai đều nằm dưới sự kiểm soát của đảng Dân chủ.

Phiên điều trần này được giới truyền thông và phe Dân chủ thổi phồng là sự kiện "hot nhất", "chương trình truyền hình cần phải xem". Nhưng hóa ra nó chỉ làm mất thời gian của mọi người.

Đảng Dân chủ, kể từ khi giành được quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng Giêng năm nay, hy vọng rằng bản báo cáo mà ông Mueller công bố vào ngày 18/4 sẽ đưa ra bằng chứng chứng minh rằng ông Trump cùng đội ngũ của ông cấu kết với Chính phủ Nga để đánh bại đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton trong kỳ bầu cử tháng 11/2016.

Phe Dân chủ muốn hất cẳng ông Trump khỏi văn phòng bởi họ ghét các chính sách của ông, ghét cả tính cách và cả tiểu sử là người trong ngành giải trí của ông - theo đúng nghĩa đen. Và nhiều người còn tin rằng ông đánh cắp chiến thắng bầu cử của bà Clinton. Và nên nhớ rằng ông Trump còn xóa sổ thành công những  di sản của Tổng thống Barack Obama, những chính sách giúp người tiền nhiệm này được dán nhãn là vị Tổng thống có nhiều cải cách thiên tả.

Thất bại trong kế hoạch hất cẳng ông Trump, phe Dân chủ lại nuôi hy vọng trói tay ông bằng hàng loạt các vụ kiện cáo (giờ đã lên tới 143 vụ), điều tra và vô số phiên điều trần tại Quốc hội. Và phiên điều trần ông Mueller là nỗ lực mới nhất của phe Dân chủ.

Phe Cộng hòa cực lực phản ứng: Phe Dân chủ đang cố gắng lật đổ một vị Tổng thống được bầu cử đúng quy trình, điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ.

Trong giai đoạn trước khi bản báo cáo của Mueller được công bố hồi tháng 4, phe Dân chủ hàng ngày đều tuyên bố rằng họ sẽ đưa ra bằng chứng cho thấy ông Trump cấu kết với người Nga. Họ chắc chắn về "tội lỗi" của ông Trump đến nỗi một số chức sắc cấp cao của phe Dân chủ - như Giám đốc CIA và Giám đốc Tình báo Quốc gia, Bộ Tư pháp và Giám đốc FBI - đều gọi ông Trump là người chạy việc, gián điệp của Nga, là con rối của Tổng thống Nga Vladimir Putin và tệ nhất là cáo buộc ông Trump phản quốc.

Giới truyền thông chính thống không bỏ lỡ cơ hội chĩa mũi dùi vào ông Trump, đưa ra hàng loạt các đoạn thông tin giả, nội dung tiêu cực, những câu chuyện và cả các bài xã luận chống lại ông và ủng hộ luận điểm của phe Dân chủ. Các hãng tin như CNN hay MSNBC kiếm chác rất khá nhờ rêu rao về những hành động xấu của ông Trump; trong khi các ấn bản như Washington Post hay New York Times cũng bán thêm được khá nhiều nhờ đề tài Trump.

ĐH Havard phát hiện ra rằng có tới 9/10 bài viết về ông Trump thời điểm đó có nội dung tiêu cực. Fox News - hãng có quan điểm ủng hộ ông Trump - cũng hưởng lợi, nhưng nhờ các bài viết có nội dung tích cực về ông Trump.

Cuối cùng, công tố viên Mueller không trưng ra được bằng chứng ông Trump cấu kết với Nga, tuy ông ta có phát hiện ra rằng Nga can thiệp bầu cử Tổng thống năm 2016 để hỗ trợ ông Trump bằng cách tung ra các đoạn tin giả và đánh lạc hướng thông tin. Hiện chưa rõ người Nga đã thâm nhập vào các hệ thống bầu cử trên internet đến mức độ nào. Trớ trêu thay, dường như chả ai quan tâm đến vụ việc Nga can thiệp, kể cả phe Cộng hòa.

Phe Dân chủ rõ ràng đã bị "hủy diệt" khi họ nhận ra rằng ông Trump không thể bị buộc tội cản trở pháp luật - vốn là cơ sở để khởi động tiến trình luận tội và lật đổ vị trí Tổng thống của ông.

Bản báo cáo của Mueller chỉ đưa ra luận điểm rằng ông Trump "có thể" đã cản trở luật pháp mà không dám khẳng định. Nhưng như tôi sắp nêu ra dưới đây, đó là một tuyên bố luẩn quẩn, gây ra sự khó hiểu ngay cả đối với các chuyên gia. Cản trở chính là "vấn đề" trong các phiên điều trần của phe Dân chủ.

Trước đó, trong các tháng trước khi bản báo cáo được Mueller công bố, Ủy ban Tình báo và Ủy ban Tư pháp Hạ viện, và cả Ủy ban Tình báo Thượng viện - lúc bấy giờ nằm trong tay đảng Cộng hòa - cũng kết luận trong các vụ điều tra riêng rẽ rằng không có sự cấu kết với Nga nào ở đây. Trước đó nữa, một cuộc điều tra mà FBI dưới thời Giám đốc James Comey thực hiện cũng không thể tìm ra bằng chứng về sự cấu kết. Đảng Dân chủ đã lên tiếng chỉ trích các cuộc điều tra này là có động cơ chính trị.

Phe Dân chủ từng liên tục kêu gọi buộc tội ông Trump vì hành vi phạm tội thậm chí từ trước khi ông đắc cử năm 2016, nhưng không thành công. Một số âm mưu luận tội ông Trump đã thất bại, và lần gần đây nhất xảy ra ngay khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1/2017.

Giờ đây, các kết quả thăm dò ở Mỹ cho thấy có rất ít người ủng hộ việc luận tội ông Trump và ngay cả giới lãnh đạo đảng Dân chủ cũng không sẵn lòng ủng hộ các nỗ lực luận tội.

Phe Dân chủ hy vọng rằng, việc đưa ông Mueller ra điều trần công khai trước dư luận có thể giúp làm mới các nỗ lực luận tội ông Trump.

Ông Mueller đã tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 30/5, tuyên bố rằng ông sẽ không tham gia các phiên điều trần bởi bản báo cáo đã nói lên tất cả. Ông ám chỉ rằng, dù không thể buộc tội ông Trump cản trở pháp luật, nhưng ông đã cung cấp được một "lộ trình" để Quốc hội luận tội ông Trump.

Mueller ban đầu từ chối tất cả lời mời tới điều trần tại Quốc hội. Nhưng phe Dân chủ cho rằng ông đang phản đối việc "vùi dập" ông Trump, đã gửi trát tới ép buộc ông phải điều trần.

Thời điểm một tuần trước khi điều trần trước Quốc hội, ông Mueller viết thư tay gửi tới sếp của ông là Tổng chưởng lý William Barr để đề nghị hướng dẫn về điều mà ông nên nói trong phiên điều trần để giúp tạo nên tấm lá chắn cho bản thân. Ông Barr đã chỉ thị cho ông Mueller cứ dựa trên bản báo cáo cũ mà nói. Và kết quả là, ông Mueller sau đó khẳng định rằng điều kiện để ông đứng ra điều trần là ông sẽ chỉ tiếp nhận các câu hỏi liên quan tới bản báo cáo mà mình từng đưa ra. Mọi thứ khác đều bị hạn chế.

Thứ mà đảng Dân chủ, và cả đảng Cộng hòa, không thể hiểu là việc ông Mueller sẽ che giấu các quyết định nội bộ của đội ngũ công tố viên đến mức nào. Ông Mueller tuyên bố rằng quá trình thảo luận nội bộ trong đội ngũ của ông sẽ được giữ kín, đó cũng là một nguyên tắc chung trong giới công tố viên nhằm bảo vệ bản thân họ trước hành động soi xét! Bởi vậy mà không ai hiểu được quy trình đưa ra kết luận của bản báo cáo này, nó được thực hiện bởi những ai và vì lý do gì?

Các quy định thẩm vấn nhân chứng mà các ủy ban trong Quốc hội đặt ra cũng không thể giúp những thành viên trong ủy ban điều trần. Trong Ủy ban Tư pháp, có 41 thành viên (24 thành viên đảng Dân chủ và 17 thành viên đảng Cộng hòa). Mỗi thành viên chỉ có 5 phút để hỏi. Nhưng họ moi được rất ít thông tin từ ông Mueller. Bởi vậy, các thành viên phải tự đưa ra các tuyên bố để thu hút giới truyền thông.

Và đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa đều đưa ra chiến lược khác nhau trong lúc chất vấn ông Mueller.

Trong phiên điều trần đó, phe Dân chủ phần lớn tập trung vào cáo buộc cản trở pháp luật đối với ông Trump. Họ đọc ra nhiều phần của bản báo cáo cho ông Mueller nghe, yêu cầu ông bình luận, rõ ràng là nhằm mục đích mồi tin cho giới truyền thông để rồi tăng cường nỗ lực luận tội ông Trump. Thế nhưng phe Dân chủ nhận ra rằng họ chẳng thu được gì ngoài việc ngồi đọc các phần của bản báo cáo.

Hướng tiếp cận của phe Dân chủ thất bại hoàn toàn. Lời điều trần của ông Mueller rất mơ hồ và không có định hướng. Phần lớn thời gian, ông chỉ đề nghị ủy ban điều trần nhắc lại câu hỏi. Ông còn đề nghị những người đặt câu hỏi làm rõ trang nào, đoạn nào mà họ nêu ra trong bản báo cáo của ông. Và một khi biết rõ người hỏi nhắc tới đoạn nào trong bản báo cáo, ông Mueller nói rằng đoạn đó chính là câu trả lời của ông. Khi được yêu cầu đọc lại báo cáo, ông từ chối, đề nghị lại tương tự đối với người ra câu hỏi. Có vài lần ông ta chịu trả lời câu hỏi, thì lại trả lời một cách bâng quơ.

Trong phiên điều trần, phe Dân chủ liên tục nhắc lại 10 điểm trong báo cáo của ông Mueller có thể dùng để chứng minh ông Trump cản trở pháp luật. Đó là một hướng tiếp cận tốt về mặt lý thuyết, nhưng lúc thực hành lại quá tệ. Ông Mueller không hề nói ra chi tiết có giá trị nào.

Hơn nữa, phe Dân chủ đưa ra những câu hỏi như thể họ đang đứng giảng trong một lớp học luật, dường như không phải hướng tới người nghe là công chúng. Điều này rất khó hiểu đối với người theo dõi.

Khó chịu hơn, tất cả 24 thành viên của đảng Dân chủ đều khép lại phần chất vấn của mình bằng câu: "Sau khi nghe phần đọc về bản báo cáo, tôi kết luận rằng Tổng thống Trump có cản trở luật pháp. Chúng ta cần phải nhớ rằng, không có ai, ngay cả Tổng thống, đứng trên luật pháp". Họ cố níu lấy luận điểm luận tội ông Trump. Các lá phiếu thăm dò trong thời gian tới sẽ chứng minh xem chiến lược của họ có tác dụng hay không.

Phe Cộng hòa chỉ đơn giản phản bác khi nói rằng, họ nhất trí rằng không ai đứng trên luật pháp, và Tổng thống Trump đứng dưới luật pháp!

Vậy phe Dân chủ có thực hiện tốt phiên điều trần? Rõ ràng không. Nhiều nhà bình luận đổ lỗi cho ông Mueller, có người còn cho rằng ông đã rút hết "sinh mạng" của bản báo cáo điều tra. Một minh chứng rõ nhất cho điều đó chính là lời của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi trong cuộc họp báo sau đó: "Có nhiều hành vi phạm vào Hiến pháp" nhưng sẽ phải mất thời gian trước khi có đủ chứng cứ để luận tội. Một tuyên bố không đủ sức mạnh.

Về phần mình, phe Cộng hòa đã có một chiến lược có thể coi là hiệu quả, chỉ bởi ông Mueller đã thất bại trong việc trả lời các câu hỏi, và một phần là bởi bức thư mà ông Barr gửi tới Mueller trong tháng 7 này, trong đó chỉ đạo ông cứ nói dựa trên bản báo cáo điều tra. Ông Mueller đã từ chối trả lời câu hỏi ít nhất là 200 lần trong phiên điều trần.

Phe Cộng hòa chỉ tập trung vào 4 điều: (1) Các cuộc điều tra là nỗ lực của lưỡng đảng và không hề thiên vị ông Trump ngay từ lúc bắt đầu, (2) Đội ngũ công tố dưới quyền ông Mueller được chỉ định đều là những người thuộc đảng Dân chủ và có quan điểm chống ông Trump, (3) Phần lớn các chứng cứ mà ông Mueller đưa ra đều dựa trên lời đồn thổi, các bài viết của báo giới, từ New York Times cho tới Washington Post, trong khi phớt lờ các bằng chứng có lợi cho ông Trump, (4) Ông Mueller cũng là người có khuynh hướng thiên vị và không kiểm soát được đội ngũ công tố của ông ta.

Phe Cộng hòa còn tập trung vào các vấn đề như: Thời điểm nào mà ông Mueller biết được rằng ông Trump không cấu kết với Nga? Bằng chứng cho thấy ông Mueller vẫn để cuộc điều tra diễn ra trong suốt gần 2 năm liền, dù không tìm ra bằng chứng câu kết. Trong quá trình tố tụng bị kéo dài, ông Trump bắt đầu "phạm tội cản trở" trong lúc cố bảo vệ bản thân.

Vì sao ông Mueller dựa vào các nguồn tin không xác thực, và giờ là Hồ sơ Steele (hồ sơ mà cựu gián điệp Anh được Hillary Clinton thuê lập ra nhằm bôi nhọ ông Trump) mà không điều tra về tính xác thực của chúng? Clinton đã thuê một công tin để thu thập thông tin nhằm bôi nhọ ông Trump - dựa trên các "thông tin sai lệch" của Nga. Trớ trêu thay, chính chiến dịch của bà Clinton đã cấu kết với Nga, thế nhưng bà chưa từng bị cáo buộc dưới thời Tổng thống Obama.

Trong phiên điều trần vừa qua, phe Dân chủ cũng xoáy sâu vào việc 6 cố vấn của ông Trump bị kết tội trong vụ điều tra. Nhưng hành vi phạm pháp của họ không liên quan tới Nga, chỉ là vì nói dối FBI cùng các cáo buộc có liên quan. Các vị thẩm phán tham gia phiên xét xử những người này còn chỉ trích đội ngũ của ông Mueller vì lạm dụng quyền của bị đơn.

Thú vị hơn, ông Mueller đã khước từ những câu hỏi về công việc của ông ta, nói rằng ông không thể trả lời bởi chúng vẫn đang trong quá trình điều tra. Nhưng phe Cộng hòa chỉ ra rằng các cuộc điều tra này một phần là về ông và đội ngũ của ông, chứ không phải về ông Trump hay những người khác!

Phe Cộng hòa còn đặt ra câu hỏi về khả năng làm việc của ông Mueller. Họ nhắc lại về cuộc họp báo kỳ lạ, mập mờ và chưa từng có tiền lệ mà ông thực hiện hồi tháng 5, trong đó ông có nói rằng sẽ không điều trần trước Quốc hội. Như vậy, đảng Cộng hòa đã thành công trong việc lột tả ông Mueller như một người không kiểm soát được các hoạt động của mình, mà chỉ đơn thuần là người để công việc của mình rơi vào tay những người nổi tiếng là thù ghét ông Trump. Màn thể hiện tệ hại của Mueller trong các phiên điều trần càng gây ấn tượng về điều đó.

Từ ngày 14/5, Tổng chưởng lý Barr đã mở cuộc điều tra riêng nhằm vào chính cuộc điều tra của ông Mueller và cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, chỉ định một công tố viên đặc biệt khác là ông John Durham. Ông Durham hiện đang điều tra tất cả những hành động của các nhà điều tra mà ông Mueller cho là "không nằm trong phạm vi kiểm soát" của ông ta.

Kể từ năm ngoái, Trưởng thanh tra Michael Horowitz - một quan chức độc lập của Bộ Tư pháp Mỹ - đã điều tra xem liệu việc mở cuộc điều tra nhằm vào ông Trump có hợp pháp không theo luật pháp Mỹ. FBI, dưới thời Giám đốc Comey, dường như đã được trao quyền một cách trái phép để theo dõi một cố vấn chiến dịch của ông Trump trên mạng, nhờ sử dụng Hồ sơ Steele. Nếu điều này được chứng thực, sẽ không có lý do biện minh cho việc điều tra ông Trump. Báo cáo kết luận của ông Horowitz dự kiến được công bố trong tháng 9 tới.

Hồi đầu tháng 6/2018, ông Horowitz phát hiện ra rằng, trong lúc điều tra về việc bà Clinton sử dụng email cá nhân để truyền các thông tin mật của Chính phủ, ông Comey đã vi phạm chính sách của Bộ Tư pháp, và rằng ông Comey không tuân thủ mệnh lệnh cấp trên. Cuộc điều tra đó còn cho thấy ông Comey áp dụng nhiều biện pháp hỏi cung nhằm gây ảnh hưởng có lợi cho chiến dịch của bà Clinton.

Vấn đề đáng quan tâm nhất trong phiên điều trần vừa qua của ông Mueller vẫn là, liệu Tổng thống Trump có phạm tội cản trở luật pháp? Và những người không có chuyên môn chỉ hiểu được từ phiên điều trần này rằng: Có thể có, có thể không.

Bản báo cáo và phiên điều trần của ông Mueller chỉ nhằm mục đích là giải quyết vấn đề mà giới chuyên gia, giới chính trị gia và cả dư luận đang tâm, đó là ông Trump có phạm tội hay là không.

Bản báo cáo của ông Mueller nêu như sau: Có 10 hành động của ông Trump có thể cấu thành tội cản trở luật pháp.

Khi một vị trong ủy ban điều trần hỏi rằng: "Tôi muốn hỏi ông, lý do ông không kết tội ông Trump là bởi OLC (một quy định hướng dẫn các công tố viên của Bộ Tư pháp) quy định rằng ông không được kết tội một vị Tổng thống đương nhiệm, điều này có đúng?". Ông Mueller trả lời: "Chính xác". Điều này đã cho chúng ta thấy rõ điều mà phe Dân chủ đang muốn tìm kiếm từ phiên điều trần.

Nhưng ngay trong phiên điều trần buổi chiều hôm đó, ông Mueller lại đảo ngược phát ngôn trên. "Như chúng tôi đã nêu trong bản báo cáo, và như tôi đã nói trong phiên buổi sáng, chúng tôi không đi đến được kết luận rằng Tổng thống đã phạm luật". Mueller còn nói rằng đội ngũ công tố của ông cũng nhất trí với kết luận của Bộ Tư pháp. Bởi vậy, phe Dân chủ không tìm thấy động lực cho việc luận tội ông Trump nữa.

Đánh lẽ ra phiên điều trần nên kết thúc ngay khi ông Mueller đưa ra tuyên bố sửa lại này. Các quy định của Bộ Tư pháp không cho phép công tố viên nêu ngờ vực về các hành vi phạm tội mà họ không thể chứng minh. Điều này là căn bản trong luật hình sự nước Mỹ: Có tội hoặc không có tội.

Thêm vào đó, Tổng chưởng lý Barr cùng giới chức Bộ Tư pháp cũng không đồng tình với ông Mueller. Nên nhớ rằng ông Barr, khi nhận được bản báo cáo điều tra của ông Mueller hồi tháng 4 vừa qua, đã cùng giới chức cấp cao thảo luận về nó, sau đó tuyên bố rằng ông Trump không cản trở pháp luật. Ông Barr có đủ thẩm quyền để đưa ra quyết định này, có tội hoặc không có tội.

Ông Mueller còn nói trong phiên điều trần rằng, ông tin rằng một vị Tổng thống có thể bị khởi tố vì cản trở pháp luật sau khi rời nhiệm sở; nhưng ông từ chối áp dụng điều này với ông Trump. Phe Dân chủ rõ ràng muốn ông Trump bị tống vào tù ngay trước con mắt của công chúng khi ông rời nhiệm sở. Nhưng giờ thì họ không thể.

Tất cả những thứ liên quan tới cáo buộc cản trở pháp luật này đều xuất hiện từ trước phiên điều trần Mueller hay cuộc họp báo của ông ta hồi tháng 5 vừa qua. Vậy nên nó chả có gì mới mẻ. Phe Dân chủ, đặc biệt sau những câu trả lời ngớ ngẩn của ông Mueller trong phiên điều trần vừa qua, không thể có thêm thứ mà họ tìm kiếm.

Cần phải nhấn mạnh về tranh luận của phe Cộng hòa ở đây. Khi được hỏi, ông Mueller nói rằng ông Trump không cản trở cuộc điều tra mà ông phụ trách: Bằng chứng là ông Mueller không bị sa thải, ông Trump cung cấp mọi chứng cứ khi được đội ngũ ông Mueller đề nghị, và mọi nhân chứng mà ông Mueller yêu cầu đều đứng ra chất vấn.

Ông Trump, hoặc đội ngũ và các luật sư của ông, có thể cố gắng gây trở ngại cho ông Mueller; nhưng thực tế là ông Trump và đội ngũ của ông không cản trở pháp luật.

Phe Cộng hòa tranh luận rằng ông Trump không hề cấu kết với Nga. Ông Trump biết rằng các Bộ Tư pháp, Tình báo và Bộ Ngoại giao của Tổng thống Obama muốn khép tội ông, và rằng giới truyền thông cũng đồng lõa. Ông Trump chỉ đơn giản là đang cố bảo vệ mình trước các hành động trái phép mà bộ máy của Obama thực hiện. Phe Cộng hòa nhấn mạnh rằng, theo luật hình sự, một người hoàn toàn có thể phản đối chỉ thị hành pháp nếu chỉ thị này nhằm vào họ một cách trái phép.

Cuối cùng, phe Cộng hòa chỉ ra rằng, theo giới chuyên gia pháp lý, các điều luật quy định về cản trở luật pháp mà ông Trump bị cáo buộc vi phạm đều không thể áp dụng trong trường hợp của ông Trump. Bởi vậy, báo cáo của Mueller về cản trở pháp luật chắc chắn sẽ chấm dứt tại Tòa án Tối cao, nếu như phe Dân chủ muốn áp dụng chúng chống lại ông Trump.

Phe Dân chủ muốn sớm hất cẳng ông Trump khỏi nhiệm sở, hoặc nếu thất bại thì cũng khiến ông đối mặt với tiến trình luận tội để từ đó không cho ông giành thêm được nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai trong năm 2021.

Phe Dân chủ xem ông Trump như một mối đe dọa ngay từ khi ông vào Nhà Trắng, đặc biệt là trên Twitter, nên họ lên kế hoạch tróc nã ông mọi lúc. Họ sẽ còn theo đuổi cáo buộc cản trở pháp luật nhằm vào ông ngay cả khi ông rời khỏi nhiệm sở, họ sẽ tiếp tục khởi kiện nhằm vào các doanh nghiệp và nguồn tài chính của ông, công kích các thành viên trong gia đình ông - những người đang nắm giữ vị trí trong chính quyền của ông.

Những cũng vì đã tróc nã ông Trump suốt nhiều năm qua, phe Dân chủ ngày càng hứng chịu những phen xấu hổ vì những thất bại của họ. Phe Dân chủ nhận thấy rằng họ cần phải lấy lại thể diện trước những người ủng hộ, thuyết phục họ rằng cuối cùng sẽ hủy diệt được ông Trump. Một nhánh cực tả mới được thành lập trong đảng Dân chủ đặc biệt có tư tưởng chống Trump và muốn hạ bệ ông càng sớm càng tốt.

Nhưng phe Dân chủ sẽ không thể lật đổ ông Trump nhờ vào tiến trình luận tội. Để làm vậy, phe Dân chủ cần phải có được sự ủng hộ của 1/3 số nghị sỹ đảng Cộng hòa và tất cả nghị sỹ đảng Dân chủ ở Thượng viện. Đảng Cộng hòa vẫn đang kiểm soát Thượng viện, nên điều đó sẽ không xảy ra.

Giờ đây, phe Dân chủ cũng đang lo sợ bởi họ chính là tâm điểm của vô số cuộc điều tra. Các cuộc điều tra mà ông Horowitz dẫn đầu nhằm vào cách xử lý của ông Comey đối với vụ bê bối email cá nhân của Clinton đang làm xấu mặt đảng Dân chủ. Việc trang WikiLeaks tung ra các bức email của đội ngũ của bà Clinton và đội ngũ đảng Dân chủ cho thấy họ vùi dập ứng viên Bernie Sanders, đã gây ra thiệt hại đáng kể cho đảng này. Và cuộc điều tra của Horowitz nhằm vào việc Bộ Tư pháp có thành kiến về đội ngũ của ông Mueller cũng làm tổn hại uy tín của đảng Dân chủ.

Đảng Dân chủ cũng bị phen xấu hổ vì tất cả những vụ bê bối trên đều xảy ra dưới thời ông Obama, chứ không phải thời ông Trump. Ông Obama hiểu rõ về tầm ảnh hưởng của Nga trong kỳ bầu cử năm 2014, tức gần 2 năm trước kỳ bầu cử năm 2016, nhưng không có hành động gì mà chỉ yêu cầu Tổng thống Putin "ngừng lại". Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Obama cũng yêu cầu các cơ quan an ninh mạng "tạm ngừng" thay vì can thiệp.

Cuối cùng, hành vi trái phép của các quan chức dưới thời Obama trong FBI, Bộ Tư pháp, Cơ quan Tình báo và Bộ Ngoại giao - những người dường như đã phá vỡ nhiều quy định pháp luật - sẽ bị phơi bày trong tương lai. Phe Dân chủ muốn ông Trump ra đi để họ có thể kiểm soát được tổn thất từ các cuộc điều tra này.

Trong khi đó, phe Cộng hòa muốn tránh xa khỏi các vụ bê bối đang lan nhanh như cháy rừng ở Washington. Họ buộc phải ủng hộ ông Trump, mặc dù nhiều người không đồng tình với các chính sách, hành động và tính cách của ông.

Cần phải nói rằng các chiêu trò chơi khăm lẫn nhau này không nên được áp dụng để chống lại bất cứ ai cả, chứ không riêng gì Tổng thống, dù cho người ta có thù ghét ông ta đến thế nào. Sự thượng tôn pháp luật cần được duy trì mà không có ngoại lệ.

Nhưng cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa dường như đều không quan tâm tới việc sửa chữa hệ thống quản lý. Thay vào đó, giới chính trị gia thi nhau che đậy và chĩa mũi dùi vào nhau trong đủ thứ chuyện.

Nước Mỹ cần phải tiến về phía trước, vậy mà dường như mọi người chơi chỉ muốn đánh đấm cho đến khi mọi chuyện kết thúc trong cay đắng. Phần lớn các ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ đều nói ông Trump có tội. Cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa đều đang kêu gọi nguồn vốn đổ vào các mạng xã hội để tuyên truyền chiến dịch tranh cử năm 2020.

Có một thứ mà người dân Mỹ hiểu được, đó là dường như có một "Nhà nước chìm" đang hoạt động trong Chính phủ Mỹ (Xem "Nhà nước chìm" của tác giả Jason Chaffetz). Họ là những chính trị gia được bổ nhiệm, là những công chức chuyên nghiệp, nhưng lại tích cực phá hoại ngầm vị tổng thống hợp tuy hợp hiến nhưng đôi lúc không được họ ưa thích. Họ hành động phi pháp, có động cơ chính trị, vô đạo đức để bào mòn ý chí của người dân. Công cụ của họ chính là rò rỉ những thông tin gây hại, định hướng thông tin, tung tin giả, và nói dối. Tất cả đều phục vụ cho mục đích cá nhân và chính trị của họ.

Bạn nghe giống như truyện tiểu thuyết gián điệp phải không? Đúng như vậy đó !

Huyền Chi (chuyển ngữ)