Phát hiện mới về Zealandia - lục địa thứ tám bị lãng quên

VietTimes – Zealandia được phát hiện lần đầu vào năm 2017, tuy nhiên, phải đến tận bây giờ, các nhà khoa học mới lập được bản đồ chi tiết của nó.
Một bản đồ độ sâu của Zealandia, trong đó nêu chi tiết địa hình nằm sâu dưới đáy biển của lục địa đã mất này. Ảnh: GNS Science
Một bản đồ độ sâu của Zealandia, trong đó nêu chi tiết địa hình nằm sâu dưới đáy biển của lục địa đã mất này. Ảnh: GNS Science

Như chúng ta vẫn biết, có tất cả bảy lục địa trên Trái Đất - Châu Phi, Châu Á, Nam Cực, Châu Đại Dương, Châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà địa chất học cho rằng từng tồn tại một lục địa thứ tám ở Zealand hiện đã bị nước biển nhấn chìm.

Nhờ một dự án mới, giờ đây bạn có thể chiêm ngưỡng bản đồ chi tiết về lục địa đã mất từ lâu này. Zealandia (hay còn gọi là Te Riu-a-Māui), là một lục địa rộng 5 triệu km2 được phát hiện ở khu vực tây nam Thái Bình Dương. Ngoài các vùng đất của New Zealand, New Caledonia và một số đảo ở Thái Bình Dương như chúng ta đã biết hiện nay, 94% diện tích lục địa thứ tám này đã nằm sâu dưới đáy đại dương ở phía đông Australia.

Ảnh: News Info Park
Bản đồ kiến tạo về tuổi đời và loại địa chất bên dưới lục địa Zealandia. Ảnh: GNS Science

Năm 2017, các nhà địa chất của New Zealand, New Caledonia và Australia đã kết luận rằng Zealandia đủ điều kiện để được coi là một lục địa, không phải chỉ là một phần của lục địa.

Tuy nhiên, phải đến tận bây giờ, chúng ta mới thực sự có được những cái nhìn chi tiết hơn về “lục địa thất lạc” này. GNS Science - một tổ chức nghiên cứu và tư vấn địa lý thuộc sở hữu của chính phủ New Zealand vừa phát hành một loạt các bản đồ chi tiết về độ sâu – hình dạng của đáy đại dương và nguồn gốc kiến tạo của Zealandia.

“Chúng tôi tạo ra những bản đồ này để cung cấp cho mọi người một bức tranh chính xác, đầy đủ và cập nhật về tình hình địa chất của khu vực New Zealand và tây nam Thái Bình Dương – tốt hơn những gì chúng ta đã có trước đây” - Tiến sĩ Nick Mortime, nhà địa chất học tại GNS Science cho biết trong một tuyên bố.

“Giá trị của chúng là cung cấp một bối cảnh mới, giải thích và làm hiểu rõ hơn sự hình thành núi lửa, ranh giới các mảng lục địa và lưu vực trầm tích của New Zealand” -  ông nói tiếp.

Ảnh: GNS Science
Ảnh: GNS Science

Zealandia ra đời cách đây khoảng 79-83 triệu năm, trước khi nó tách ra khỏi Gondwana, một siêu lục địa cổ đại tồn tại đến kỷ nguyên Jura (khoảng 180 triệu năm trước). Những dấu vết còn lại của Gondwana chiếm khoảng hai phần ba diện tích lục địa ngày nay, bao gồm Nam Mỹ, Châu Phi, Nam Cực, Úc, tiểu lục địa Ấn Độ, Ả Rập và cuối cùng là Zealandia. Lục địa thứ tám đã có một số thay đổi lớn về độ cao từ khoảng 35-50 triệu năm trước, và sau đó bị chìm sâu xuống đáy đại dương.


Dữ liệu về độ sâu của bản đồ được cung cấp bởi dự án Seabed 2030 - một nỗ lực toàn cầu để có thể đưa toàn bộ phần đáy của các đại dương trên Trái Đất lên bản đồ vào năm 2030. (Dự án hiện đã hoàn thành khoảng 20%).

Mặc dù dự án là bước tiến mới trong quá trình tìm hiểu Zealandia trong những năm gần đây, tuy nhiên, lục địa bị lãng quên này vẫn còn ẩn chứa rất nhiều bí ẩn chờ chúng ta khám phá.

Theo News Info Park