Lập bản đồ đáy biển: Biến điều không tưởng thành hiện thực

VietTimes – Mục tiêu của dự án là lập bản đồ toàn bộ đáy biển trên Trái Đất vào năm 2030.
Tàu phá băng Oden của Thụy Điển đang tiến hành lập bản đồ tại các khu vực chưa được khám phá trước đây ở Bắc Greenland trong Cuộc thám hiểm Ryder 2019. Dữ liệu được đóng góp cho Dự án Seabed 2030. Ảnh: The Verge
Tàu phá băng Oden của Thụy Điển đang tiến hành lập bản đồ tại các khu vực chưa được khám phá trước đây ở Bắc Greenland trong Cuộc thám hiểm Ryder 2019. Dữ liệu được đóng góp cho Dự án Seabed 2030. Ảnh: The Verge

Theo The Verge, các nhà nghiên cứu hiện đã lập được bản đồ cho khoảng 1/5 diện tích đáy đại dương trên toàn thế giới. Mục tiêu lớn là lập bản đồ toàn bộ đáy biển vào năm 2030 mới chỉ bắt đầu được khởi động từ năm 2017. Tại thời điểm đó, chỉ 6% đáy biển được lập bản đồ theo tiêu chuẩn.

Dự án có tên là Seabed 2030, là sự hợp tác giữa tổ chức Nippon có trụ sở tại Nhật Bản và tổ chức liên chính phủ Biểu đồ Độ sâu Tổng quát của Đại dương (GEBCO), một tổ chức có nhiệm vụ duy nhất là lập bản đồ đáy đại dương.

Ảnh: BBC
Dự án lập bản đồ đáy đại dương Seabed 2030. Màu đen là khu vực chưa được đo đạc. Ảnh: BBC

Hình ảnh bản đồ trên minh họa cho thách thức mà GEBCO phải đối mặt trong những năm tới. Phần bôi màu đen là khu vực chưa được GEBCO đo đạc. Màu xanh dương là khu vực có độ sâu trung bình, sâu hơn nữa là màu tím và nông hơn là màu xanh nhạt.


Sẽ là sai lầm nếu nói rằng chúng ta không biết gì về những vùng đen trong hình ảnh trên. Các vệ tinh đã cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin liên quan đến chúng. Những vệ tinh này được trang bị máy đo độ cao có khả năng tính toán địa hình đáy biển thông qua hình dạng của mặt nước bên trên đáy biển.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ đem lại độ phân giải tốt nhất đối với những khu vực đáy biển sâu khoảng 1km hoặc ít hơn. Trong khi Seabed 2030 kỳ vọng sẽ làm được nhiều hơn thế.

Ảnh: BBC
Máy tạo tiếng vang đa âm thanh dùng để đặt dưới các con tàu thực hiện nhiệm vụ đo đo sâu đáy biển. Ảnh: BBC

Khoảng 14,5 triệu km2 dữ liệu về độ sâu dưới đáy biển đã được đưa vào mạng lưới bản đồ GEBCO vào năm 2019 tương đương một khu vực có diện tích gấp đôi nước Úc. Tuy nhiên con số này vẫn còn khá nhỏ bé so với diện tích đáy đại dương trên toàn bộ hành tinh của chúng ta.

“Hôm nay chúng tôi đang dừng ở mức 19%. Điều đó có nghĩa là chúng tôi còn 81% đại dương cần khảo sát và làm bản đồ. Đó là một bề mặt có kích thước gấp đôi sao Hỏa mà chúng ta cần chinh phục trong thập kỷ tới” – Giám đốc dự án Seabed 2030, ông Jamie McMichael-Phillips nói với BBC News.

Để biết đáy của đại dương “trông ra sao”, một máy tạo tiếng vang đa âm thanh được gắn bên dưới các con tàu thực hiện nhiệm vụ sẽ gửi các xung âm thanh xuống đáy biển. Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ dùng các công nghệ hiện đại để tính toán độ sâu cũng như hình dạng bề mặt đáy đại dương.

Ảnh: BBC

Rãnh Mariana ở Thái Bình Dương- nơi sâu nhất Trái Đất nhưng được GEBCO  lập bản đồ rất tốt. Ảnh: BBC

Việc thu thập dữ liệu độ sâu có độ phân giải cao về địa hình đáy biển sẽ khó thực hiện đối với các vùng nước sâu. Theo Seabed 2030, con người sẽ phải mất khoảng 350 năm để có thể khảo sát 93% các đại dương trên thế giới sâu hơn 200 mét. Tuy nhiên, trong tương lai, các công nghệ tiên tiến được triển khai có thể rút ngắn thời gian cũng như chi phí thực hiện dự án. Hiện tại, Seabed 2030 ước tính rằng để thực hiện mục tiêu đúng hạn, dự án có thể sẽ tiêu tốn tới 3 tỷ USD.


“Chúng tôi khuyến khích sự cộng tác ở quy mô toàn cầu. Seabed 2030 sẽ tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác và các tiến bộ công nghệ mới. Tất cả mọi người đều có thể đóng góp một phần công sức cho hành trình lập bản đồ đại dương của chúng ta: một hành trình sẽ giúp ích rất nhiều cho nhân loại” – ông Jamie McMichael-Phillips cho biết trong một thông cáo với báo chí ngày 21/6 về sự tiến triển của dự án.

Tại sao việc thiết lập bản đồ đáy biển lại trở nên quan trọng?

- Một bản đồ đáy biển sẽ cung cấp những dữ liệu quan trọng cho các công ty viễn thông lắp đặt cáp quang dưới đáy biển.

- Đây là cẩm nang không thể thiếu đối với việc quản lý và duy trì nghề đánh bắt thủy hải sản bởi các loài sinh vật dưới biển có xu hướng tập trung tại những ngọn núi dưới đại dương, đây là những điểm nóng đa dạng sinh học.

- Những vùng đáy biển gồ ghề sẽ ảnh hưởng đến hoạt động các dòng hải lưu và sự thay đổi của mực nước biển.

- Đây cũng là những dữ liệu cần thiết để cải thiện các mô hình dự báo biến đổi khí hậu trong tương lai.

- Cuối cùng, một bản đồ hoàn chỉnh sẽ là một cánh tay đắc lực hỗ trợ các ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản dưới đáy biển.

Theo The Verger, BBC