Phần cuối: Hai ước vọng cuối cùng của Phó Chủ tịch Techcombank

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – "Sau thời gian cần sự quyết đoán, tôi lại trở về với ước mơ của tuổi trẻ – trở thành một nhà sưu tập tranh, một người Hà Tĩnh lo lắng cho bà con, đồng hương" - Nguyễn Thiều Quang chia sẻ.
Nguyễn Thiều Quang xem tranh cùng nhà báo Trương Nhuận
Nguyễn Thiều Quang xem tranh cùng nhà báo Trương Nhuận

Phan Văn Đoàn, bạn cùng học với Nguyễn Thiều Quang (biệt danh Quang Hói) ở Trường Đại học Kỹ thuật Quốc gia Ukraina (Thành phố Donetsk) đã nhận xét rằng “Quang Hói thích vẽ và vẽ rất đẹp, cho nên sau này, khi trở thành Phó Chủ tịch Techcombank và có nhiều tiền, cậu ấy quay trở lại mua tranh và trở thành nhà đầu tư hàng đầu về tranh là chuyện cũng bình thường”.

Tôi hỏi Quang Hói điều này, anh giải thích mọi chuyện đến với anh không hẳn như vậy.

Quá trình trở thành nhà sưu tập tranh hàng đầu Việt Nam

Minh Nguyệt vợ Quang Hói và cô con gái út đang bình luận về tranh trong bữa ăn. Ảnh Huỳnh Phan.

Minh Nguyệt vợ Quang Hói và cô con gái út đang bình luận về tranh trong bữa ăn. Ảnh Huỳnh Phan.

Anh nói, vì sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, trong đó nổi nhất là bố anh – một nhà văn có tiếng (cố nhà văn quân đội Xuân Thiều – Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật), khi thi đại học anh đã chọn trường Kiến trúc. Học giỏi toán, anh nghĩ kiến trúc là sự hòa hợp giữa khoa học tự nhiên với khoa học xã hội và nghệ thuật.

Nhưng thi điểm cao, được đi học nước ngoài, anh lại được phân học xây dựng công trình ngầm, và đành phải gác lại ước mơ tuổi trẻ. Tuy vậy trong thời gian học ở Donetsk, Quang Hói vẫn tranh thủ kết giao với một họa sĩ bản địa, đi xem tranh của họ, và cùng trao đổi với họ về hội họa.

“Họ vẽ khá lắm, và kiến thức về hội họa cũng rất bài bản. Nhờ họ mà tôi giỏi lên rất nhiều”, Quang Hói nhận xét.

Về nước, lo bận làm ăn nuôi vợ nuôi con, Quang Hói không có thời gian nghĩ đến tranh nữa. Mãi đến khoảng năm 2000, khi tình hình Techcombank bắt đầu khá lên, có của ăn của để, Quang Hói mới bắt đầu suy nghĩ về ước mơ tuổi trẻ.

Anh bắt đầu mua tranh, rải rác thôi, và bắt đầu nghiên cứu sâu về hội họa. Rồi có một quyết định đầu tiên và theo đuổi đến tận bây giờ: sưu tầm tranh Việt Nam. Quang Hói giải thích rằng “thứ nhất mua tranh Việt phù hợp với điều kiện vật chất của anh, chứ mua tranh nổi tiếng nước ngoài phải có rất nhiều tiền, và, thứ hai, điều đó là sự cổ xúy cho mỹ thuật Việt, vốn đang trong giai đoạn èo uột”.

Quang Hói nghĩ đầu tư tranh cũng là một kênh đầu tư tốt, bởi anh thấy những chủ ngân hàng, tỉ phú nước ngoài nhiều người cũng có bộ sưu tập tranh. “Anh đầu tư tranh mà đúng, sau này anh đỡ phải đi làm kiếm tiền, vì bản thân bộ tranh anh sưu tầm sẽ tự lên giá”, Quang Hói khẳng định.

Quyết định thứ hai là Quang Hói không đầu tư vào từng dòng như một số nhà sưu tầm vẫn làm, người thì chuyên sưu tầm tranh lụa, người chuyên sưu tầm tranh cổ, hay người chuyên tranh siêu thực… Anh muốn khi về già, bộ sưu tầm của anh phải như một bảo tàng tranh.

Đến năm 2005, khi Techcombank đổi chủ tịch (Lê Kiên Thành bán cổ phần và thôi dính dáng đến Techcombank), Quang Hói thực sự khá rảnh rỗi, và bắt đầu để tâm nghiên cứu hội họa. Anh đi xem tranh nhiều, cả nước có triển lãm tranh nào anh đều cố gắng đến. Anh đi gặp nhiều họa sĩ, trao đổi về những gì họ vẽ, và tất nhiên đi đấu giá tranh (phần nhiều là online) tại các cuộc đấu giá do nước ngoài tổ chức.

Bộ sưu tập của Quang Hói có tranh của Victor Tardieu, vị Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương, hay Nam Sơn, học trò của Tardieu và sau này trở thành cộng sự của ông. Hay những họa sĩ người Pháp là thầy cô của Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái…

Sau đó, Quang Hói sưu tầm tranh của Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Phan Chánh… Đối với những họa sĩ thành danh ở nước ngoài như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, hay Mai Trung Thứ, anh phải đấu giá ở Pháp.

Sau thời kỳ ấy là thời kỳ chống Pháp, thời kỳ miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, rồi thời kỳ đương đại. Quang Hói mua tranh của Đặng Xuân Hào, Đặng Tiến, Vũ Thành Nghị, hay Lê Trí Dũng… Quang Hói không như một số nhà sưu tầm, chỉ mua tranh của những họa sĩ đã mất, hoặc mua những bức tranh đã lên sàn, mà anh mua rộng hơn, cả họa sĩ đã mất lẫn họa sĩ đang sống, để có một bức tranh toàn cảnh về hội họa Việt Nam, với các gương mặt tiêu biểu, suốt gần 100 năm qua. Giờ đây, Quang Hói có trong tay hơn 1000 bức tranh, bức đắt nhất giá mua gần 1 triệu USD…

Quang Hói nói: “Đối với họa sĩ trẻ, chưa bán được tranh, tôi chưa mua của họ. Nhưng tôi cũng không mua vì tên tuổi, theo tôi, bức tranh trước hết phải đạt về mặt nghệ thuật, theo ý tôi. Nếu tôi thấy một họa sĩ có tương lai, tôi sẽ mua của anh ta nhiều hơn, đó là một nguồn đầu tư tốt.”

Cô con gái út của Quang Hói, hồi đang học phổ thông có đi theo bố sang Pháp đấu giá tranh. Hôm đó, Quang Hói tham gia đấu giá bức “Bình hoa Tuy líp” của cố hoạ sĩ Lê Phổ.

Bức tranh "Bình hoa tuy líp" của cố hoạ sĩ Lê Phổ mà con gái út của Quang Hói đấu giá thắng tại Pháp. Courtesy of Quang San.

Bức tranh "Bình hoa tuy líp" của cố hoạ sĩ Lê Phổ mà con gái út của Quang Hói đấu giá thắng tại Pháp. Courtesy of Quang San.

Thấy bố "cò kè" đấu giá mãi mà chưa được, cô con gái bảo: “Để con đấu cho.” Và cô đẩy mức giá lên cao hơn hẳn, người đấu giá cùng thấy tiền cao quá đành bỏ cuộc.

Quang Hói nói rằng cô con gái chưa biết tiền là gì, nên cứ bỏ bừa, may lại thắng. Chứ mình anh, có khi đã bỏ cuộc rồi. Bức đó mua 35 ngàn đô la, sau 4-5 năm, nay đã có giá gấp ba, độ 100 ngàn đô la.

Còn cô bé, nay đã học năm thứ hai trường nghệ thuật, thì khăng khăng với tôi hôm đó cũng đến dự bữa cơm nhà Quang Hói: “Cháu cũng phải để ý đến thái độ của bố, thấy bố vẫn bình tĩnh như không, cháu mới quyết định chứ.”

Quang Hói quan niệm, nếu làm một bộ sưu tập thành công đó sẽ là một tài sản vô giá để lại cho các con. Anh có 4 đứa con, hiện có 2 cháu tham gia vào việc sưu tập tranh của bố. Cậu con trai thứ hai thu xếp việc đấu giá tranh ở nước ngoài cho bố, còn cô con gái út hiện đang học nghệ thuật có lẽ sẽ quản lý bộ sưu tập sau này.

Thay chú lo cho các em

Chú Minh Cầm, chú ruột Quang Hói. Courtesy of Quỳnh Vân.

Chú Minh Cầm, chú ruột Quang Hói. Courtesy of Quỳnh Vân.

Để viết loạt bài này, ngoài những lần trò chuyện thân mật ngoài Hà Nội, như đã nhắc phần đầu, tôi đã 3 lần phỏng vấn chính thức Quang Hói tại nhà anh, ít nhất là trong hai lần vào Sài Gòn công tác. Tôi tự nhủ phải tiếp cận từng tí một, biết cái gì cần tiếp cận trước, cái gì tiếp cận sau, và biết tới đâu thì dừng.

Lần gặp đầu tiên, tôi biết Quang Hói là người gốc Hà Tĩnh, rất coi trọng gia đình, dòng tộc và đồng hương. Tôi hỏi Quang Hói về gia đình cô học trò Quỳnh Vân của tôi, và anh nhiệt tình trả lời.

Quang Hói rất quý chú của mình, chú Minh Cầm, bố Quỳnh Vân. Theo anh kể, chú Minh Cầm là người lãng tử, ham học, và cũng có tính coi thường người khác, nên khó hợp với mọi người. Ông lang thang chỗ nọ chỗ kia, rồi cuối cùng đưa vợ con lên định cư trên Sơn La.

Những lần về Hà Nội chơi rồi trên đường về thăm quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, hai chú cháu nói với nhau nhiều chuyện. “Chú Minh Cầm bảo chỉ hợp nói chuyện với tôi thôi, còn mấy ông người lớn nói chuyện không hợp, ông nói thẳng trước mặt mọi người. Tôi cũng coi chú như bạn ấy,” Quang Hói kể.

Chú Minh Cầm hình như học toán, nhưng cuối cùng làm ở Sở Xây dựng Sơn La. Ngang tàng ngoài đời, nhưng chú Minh Cầm lại rất hiền và chiều vợ con. Vợ bảo gì cũng nghe, con thích gì cũng chiều, nhất là cô con út – Quỳnh Vân.

So với ông anh, nhà văn Xuân Thiều, người luôn chín chắn, suy nghĩ sâu rồi mới quyết định, chú Minh Cầm suy nghĩ và quyết định rất nhanh. Nhưng ở Việt Nam, nhất là vào thời trước, quyết định nhanh nhiều khi khổ, và cuộc sống của chú Minh Cầm rất gian truân.

Năm 1989, Quang Hói đưa vợ con sang Liên Xô làm ăn. Anh có ý định sẽ đưa chú Minh Cầm sang, sau khi ổn định cuộc sống. Anh biết chú mình là người ham hiểu biết, sang bên Liên Xô phát huy được khả năng của mình, lại giúp được cho gia đình chú.

Ý định chưa kịp thực hiện, mùa hè năm 1991, đúng vào ngày 27.7, một cơn mưa ngâu tới sớm đã biến thành cơn lũ quét, gây ra thảm kịch trên Sơn La. Trong số những người bị chết do lũ, có chú Minh Cầm của Quang Hói.

Quang Hói thầm hứa rằng sẽ thay chú lo cho các em của mình. Cứ lần lượt từng em, tùy từng điều kiện.

Đầu tiên là Quỳnh Lâm, con trai thứ hai của chú Minh Cầm. Quỳnh Lâm học Trường Đại học Mỏ - Địa chất, tính mạnh mẽ, có thể cầm trịch và lo toan được cho cả gia đình lớn. Quỳnh Lâm bây giờ là một nhà đầu tư trong Masan.

Sau đó đến Quỳnh Sơn. Quỳnh Sơn học an ninh ra, nhưng tính hiền lành, ít mưu toan. Quang Hói xin cho về làm ở Đồng Nai, cậu ấy yên ổn ở đó, trước khi nghỉ hưu ra làm ở công ty bảo vệ.

Quỳnh Vân là người cuối cùng Quang Hói xin việc. Cô được xin vào làm hành chính trong Techcombank.

Bốn chị em Quỳnh Mai, Quỳnh Lâm, Quỳnh Sơn và Quỳnh Vân. Courtesy of Quỳnh Vân.

Bốn chị em Quỳnh Mai, Quỳnh Lâm, Quỳnh Sơn và Quỳnh Vân. Courtesy of Quỳnh Vân.

Quang Hói kể: “Quỳnh Vân là người kết hợp cả tính nghệ sĩ của bố, cả tính mạnh mẽ của mẹ. Quỳnh Vân làm văn phòng, lo chuyện từ xe cộ đến mua sắm. Quỳnh Vân nhanh nhẹn, chu đáo nên công việc rất ổn, chỉ tội hơi bận nên ít thời gian dành cho chuyện riêng thôi.”

Chuyện riêng Quang Hói muốn nói là chuyện đi bước nữa. Cô đã ly dị được hơn 10 năm, và mỗi lần anh nhắc, cô lại bảo “em vẫn còn phải lo cho hai cháu”.

Hôm đến nhà Quang Hói, tôi cũng thấy Quỳnh Vân tới. Cô say sưa hát cùng Quang Hói và mấy anh bạn đến chơi.

Lúc về, Quang Hói cười nói với tôi: “Quỳnh Vân cũng nhiều anh thích lắm, nên nó cũng biết đong đưa”.

Tôi nghĩ cô ấy bận việc như thế chắc cũng chả có thời gian sử dụng cái kết quả của sự “đong đưa” của mình. Đã hơn chục năm rồi cô ấy vừa phải làm mẹ, vừa phải làm bố.

Hai con cô ấy cậu lớn đang học đại học, cậu nhỏ vừa tốt nghiệp phổ thông. Liệu cô ấy còn phải đóng hai vai đó đến bao giờ nữa?

Đây mới là những phút tâm trạng thực sự của Quỳnh Vân – những phút nhớ mẹ, chứ không phải những phút "đong đưa". Courtesy of Quỳnh Vân

Đây mới là những phút tâm trạng thực sự của Quỳnh Vân – những phút nhớ mẹ, chứ không phải những phút "đong đưa". Courtesy of Quỳnh Vân

Đến lúc phải kết thúc những dòng viết về Quang Hói. Tôi chợt nhớ đến câu nói của Lưu Quang Lộc, Chủ tịch Công ty ALC chuyên về logistics và đồ gỗ bếp cao cấp, bạn đánh golf của Quang Hói: “Đến nhà ông Quang Hói toàn say, vì ông ấy ham vui. Mấy thằng đàn em đồng hương thật lòng theo kiểu Hà Tĩnh, chăm sóc nhiệt tình các anh, lại nói giọng toàn dấu hỏi, dấu ngã, nghe bùi ngùi như sắp về quê…”

Quang Hói có cái mà Lưu Quang Lộc mong có…