Ông Tập Cận Bình “đả hổ” thăng tiến thời Giang Trạch Dân, tướng Trung Quốc tự sát

VietTimes -- Trần Kiệt tự sát đúng vào ngày thông tin các Thượng tướng Lý Kế Nại và Liêu Tích Long bị điều tra liên quan đến mua quan bán tước. Những sĩ quan như Trần Kiệt có thể đã tuyệt vọng.
Thiếu tướng Trần Kiệt, chính ủy tập đoàn quân 42 Chiến khu miền Nam, Quân đội Trung Quốc tự sát chưa rõ nguyên nhân. Ảnh: SCMP
Thiếu tướng Trần Kiệt, chính ủy tập đoàn quân 42 Chiến khu miền Nam, Quân đội Trung Quốc tự sát chưa rõ nguyên nhân. Ảnh: SCMP

“Ngôi sao đang lên” bỗng vụt tắt

Tờ Nam Hoa buổi sáng Hồng Kông ngày 19/8 cho hay Thiếu tướng Trần Kiệt, chính ủy tập đoàn quân 42 Quân đội Trung Quốc đã tự tử bằng thuốc ngủ. Tang lễ của ông này được tổ chức vào thứ Bảy tuần này (20/8).

Thông tin về cái chết này của ông Trần Kiệt đã được một số tờ báo tiếng Trung loan tin vào tuần trước. Ngày 8/8, tờ Minh báo Hồng Kông cho hay, Trần Kiệt đã tự sát vào sáng ngày 5/8.

Bài báo dẫn nguồn tin cho hay tập đoàn quân 42 vốn sẽ tổ chức hội nghị tuyên bố lệnh bổ nhiệm ông Trần Kiệt làm Phó chính ủy lục quân của Chiến khu miền Nam, nhưng hội nghị này đã bị hủy bỏ vì cái chết của ông này.

Tờ Liên hợp buổi sát của Singapore cũng cho rằng Trần Kiệt được coi là "ngôi sao đang lên" của Quân đội Trung Quốc, vốn đã được thăng chức và chuẩn bị công bố, nhưng ông ta đã tự sát trước khi nhận chức 1 ngày.

Trần Kiệt là quan chức Quân đội Trung Quốc thứ ba tự sát trong tháng 8/2016, ba quan chức này đều tự sát chỉ trong thời gian có 1 tuần, trong đó có Đại tá Lý Phụ Văn, Cục Hậu cần Hải quân Trung Quốc (tự sát ngày 13/8).

Thượng tướng Điền Tu Tư, nguyên Chính ủy Không quân Trung Quốc. Ảnh: Văn hối
Thượng tướng Điền Tu Tư, nguyên Chính ủy Không quân Trung Quốc. Ảnh: Văn hối

Trước đó, nguyên Chính ủy Không quân Trung Quốc, Thượng tướng Điền Tu Tư đã bị nhà cầm quyền Trung Quốc điều tra do tình nghi vi phạm kỷ luật. Điền Tu Tư là viên Thượng tướng thứ ba bị điều tra sau ông Quách Bá Hùng và ông Từ Tài Hậu.

Tài liệu công khai cho biết, Trần Kiệt sinh năm 1961, quê Đằng Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ông này là con rể của Thượng tướng Trương Văn Đài, nguyên chính ủy Tổng bộ Hậu cần Quân đội Trung Quốc.

Trần Kiệt nhập ngũ cuối năm 1975. Tháng 1/1999 ông làm chủ nhiệm chính trị căn cứ Thâm Quyến của lực lượng Quân đội Trung Quốc đóng ở Hồng Kông, năm 2010 được thăng Thiếu tướng, năm 2012 lên làm chính ủy tập đoàn quân 42.

Trần Kiệt được biết tới là người "đóng vai trò quan trọng" trong việc đưa Hồng Kông trở về với Trung Quốc vào năm 1997. Ông này được cử đến Hồng Kông trước lễ bàn giao vài tuần để làm công tác sắp xếp chuyển giao Hồng Kông.

Khu vực đóng quân của tập đoàn quân 42 là thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Sau cải cách vừa qua, đơn vị này thuộc lục quân Chiến khu miền Nam - chiến khu phụ trách tác chiến trên hướng Biển Đông.

Ông Trương Văn Đài, nguyên Chính ủy Tổng bộ Hậu Cần, Quân đội Trung Quốc. Ảnh: Báo Phượng Hoàng, Hồng Kông.
Ông Trương Văn Đài, nguyên Chính ủy Tổng bộ Hậu Cần, Quân đội Trung Quốc. Ảnh: Báo Phượng Hoàng, Hồng Kông.

Tờ Nam Hoa buổi sáng cho rằng một loạt vụ tự tử gần đây cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng do nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành trong quân đội nước này đã bước vào vòng thứ hai. Nhưng, hoàn toàn không có chứng cứ cho thấy cái chết của Trần Kiệt có liên quan đến chống tham nhũng.

Hiện nay, nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn chưa xác nhận hoặc phủ nhận thông tin Trần Kiệt tự sát.

Có thể chết vì mua quan bán tước

Tờ Tân Đường Nhân (ntdtv) của người Hoa tại Mỹ cho hay tướng tự sát Trần Kiệt có bố vợ là Trương Văn Đài. Ông Đài không chỉ có quan hệ chặt chẽ với các thân tín của ông Giang Trạch Dân (cựu lãnh đạo Trung Quốc) trong quân đội. Ông Đài sở dĩ được thăng quân hàm Thượng tướng của nhờ vào mối quan hệ với ông Giang Trạch Dân.

Đối với cái chết của Trần Kiệt, báo chí nhà nước Trung Quốc không đề cập đến một chữ nào. Nhưng dư luận quốc tế phân tích cho rằng có thể liên quan đến cao trào đợt chống tham nhũng thứ hai trong quân đội do ông Tập Cận Bình triển khai gần đây.

Ngày 5/8, báo chí Hồng Kông xác nhận các Thượng tướng nghỉ hưu Lý Kế Nại – cựu Chủ nhiệm Tổng bộ Chính trị Quân đội Trung Quốc và Liêu Tích Long – cựu Bộ trưởng Tổng bộ Trang bị Quân đội Trung Quốc bị điều tra, cùng ngày Trần Kiệt được cho là đã tự sát.

Trần Kiệt tự sát phải chăng có liên quan đến việc hai viên Thượng tướng trên bị điều tra hay không đã gây đồn đoán cho dư luận.

Thượng tướng Lý Kế Nại, nguyên chủ nhiệm Tổng bộ Chính trị, Quân đội Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Thượng tướng Lý Kế Nại, nguyên chủ nhiệm Tổng bộ Chính trị, Quân đội Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Được biết, bố vợ Trần Kiệt - Thượng tướng Trương Văn Đài, nguyên Chính ủy Tổng bộ Hậu cần Quân đội Trung Quốc, là cộng sự lâu năm của ông Liêu Tích Long. Lý Kế Nại và Liêu Tích Long đều là "hổ lớn" trong quân đội, được ông Giang Trạch Dân trao quân hàm Thượng tướng vào năm 2000.

Năm 2004, ông Trương Văn Đài được trao quân hàm Thượng tướng, cũng dưới thời của ông Giang Trạch Dân.

Báo chí Hồng Kông tiết lộ, Lý Kế Nại và Liêu Tích Long bị điều tra liên quan đến 8 vấn đề lớn trong đó bao gồm tham gia lâu dài chuyện mua quan bán tước trong quân đội với Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu; kéo bè cánh mưu lợi riêng trong quân đội, kiềm chế quyền lực của ông Hồ Cẩm Đào trong thời gian dài;

lợi dụng chức vụ vơ vét trong nhiều dự án của quân đội; thậm chí sau khi xảy ra các vụ án Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, họ còn dùng các thủ đoạn như tiền bạc, đe dọa cái chết để tiến hành bao che cho nhau.

Việc lên chức của ông Trương Văn Đài và Trần Kiệt được cho là có thể liên quan đến Lý Kế Nại và Liêu Tích Long; khả năng họ đã tham gia vào chuyện mua quan bán tước giữa Liêu Tích Long với Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu cũng là vấn đề rất khả nghi.

Một bài viết của người có tên là Chu Hiểu Huy tiết lộ, bố vợ Trần Kiệt - ông Trương Văn Đài khi nhậm chức Phó Chính ủy Đại quân khu Tế Nam, thì Chính ủy khi đó là ông Từ Tài Hậu (đã chết).

Thượng tướng Từ Tài Hậu, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Thượng tướng Từ Tài Hậu, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Sau hai tháng đối phó Pháp luân công do ông Giang Trạch Dân phát động vào tháng 7/1999, ông Từ Tài Hậu đã được đề bạt lên làm Ủy viên Quân ủy Trung ương. Sau đó, năm 2004, ông ta tiếp tục được thăng chức làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Trong khi đó, sau khi theo sát ông Từ Tài Hậu, ông Trương Văn Đài lần lượt được thăng chức làm Chính ủy Đại quân khu Tế Nam, Chính ủy Tổng bộ Hậu cần, đồng thời được thăng Thiếu tướng vào năm 2004. Việc lên chức như vậy không thể nói là không có sự hỗ trợ của ông Từ Tài Hậu.

Bài viết cho biết ông Trương Văn Đài từng chủ biên sách "Nghiên cứu tư tưởng quốc phòng Giang Trạch Dân" và sách "Ba đại diện" để ca ngợi ông Giang Trạch Dân.

Trong tình hình hiện tượng mua quan bán tước trong quân đội rất nghiêm trọng, ông Trương Văn Đài không thể không tìm cách thăng chức cho con rể của mình. Vấn đề đặt ra là đã giao dịch như thế nào.

Hơn nữa, việc kiếm lời như thế nào khi nhậm chức ở quân khu địa phương cũng là vấn đề cần điều tra. Việc tự sát của Trần Kiệt được cho là hoàn toàn không đơn giản, "có thể là để che chắn cho bố vợ và những người liên quan khác".

Thượng tướng Liêu Tích Long, nguyên Bộ trưởng Tổng bộ Trang bị, Quân đội Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Thượng tướng Liêu Tích Long, nguyên Bộ trưởng Tổng bộ Trang bị, Quân đội Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Bài viết cho rằng trước thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã xảy ra tham nhũng nghiêm trọng, trong đó có quân đội. Sau Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình lên nắm quyền đã thúc đẩy cuộc chiến "đả hổ" chống tham nhũng trong quân đội.

Cùng với việc các đại diện thế lực liên quan đến ông Giang Trạch Dân như Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng liên tục bị thanh trừng, mục tiêu chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình ngày càng tập trung vào lực lượng hậu duệ, đi theo ông Giang Trạch Dân.

Việc tự sát được cho là tượng trưng cho sự sợ hãi và tuyệt vọng của những sĩ quan thuộc lớp này.