Ông Joe Biden hậu Nhà Trắng: Di sản phai mờ, bệnh tật bủa vây và chương cuối u ám

Cuộc sống hậu nhiệm kỳ của ông Joe Biden rơi vào khủng hoảng: bệnh ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối, thư viện Tổng thống khó gây quỹ và một di sản đang mờ nhạt dần.
Cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters.

Cuộc chiến với căn bệnh ung thư và mong muốn xây dựng một di sản cho gia đình đang đánh dấu một chương mới trong cuộc đời của cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Khi rời nhiệm sở vào tháng 1 năm nay, ông Joe Biden từng hy vọng có thể nối gót các cựu Tổng thống tiền nhiệm: gây quỹ cho một thư viện, cho ra mắt hồi ký và bắt đầu hành trình diễn thuyết hậu Nhà Trắng.

Thế nhưng thay vì khởi đầu chương mới đó, ông lại bị cuốn vào cuộc chiến nhằm cứu vãn di sản đang phai mờ của mình – đồng thời phải đối mặt với căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 4, căn bệnh mà phần lớn đàn ông mắc phải đều không qua khỏi sau 5 năm.

Liên tiếp các cuốn sách mới được xuất bản gần đây, phơi bày mức độ sa sút của ông trong thời gian tại nhiệm và những nỗ lực nhằm che giấu điều đó, đã khơi lại làn sóng chỉ trích đối với nhiệm kỳ Tổng thống của ông ở tuổi 82.

Những diễn biến đó đang biến chương cuối trong sự nghiệp công vụ kéo dài nửa thế kỷ của ông Biden thành một giai đoạn u ám, nhỏ bé hơn nhiều so với những gì ông từng kỳ vọng, và có nguy cơ khiến vị thế của ông trong sử sách tiếp tục suy giảm.

Một số nhà tài trợ lớn đã tỏ ra do dự trong việc đóng góp cho dự án thư viện Tổng thống của ông, và một vài đồng minh thân cận bày tỏ lo ngại rằng công trình này có thể sẽ không kịp hoàn thành trước khi ông qua đời, theo chia sẻ từ các nhà tài trợ và những người thân cận với ông Biden.

Thù lao diễn thuyết của ông, dao động từ 300.000 đến 500.000 USD mỗi buổi, theo các nguồn tin nắm rõ các thoả thuận, cũng thấp hơn đáng kể so với mức mà cựu Tổng thống Barack Obama có thể nhận được. Cho đến nay, rất ít tổ chức sẵn lòng chi tiền để mời ông Biden phát biểu.

Tình hình tài chính của ông càng trở nên khó khăn hơn khi ông Biden đang chịu áp lực mà các cựu Tổng thống khác không phải đối mặt: ông muốn nhanh chóng để lại một khoản thừa kế cho các cháu nội.

Con trai ông, Hunter Biden, hiện đang gặp nhiều khó khăn trong sự nghiệp và phải nuôi 5 đứa con, trong khi người con trai cả Beau Biden đã qua đời năm 2015, để lại những thành viên trong gia đình mà ông Biden cùng vợ đã phần nào gánh vác trách nhiệm tài chính.

Thách thức lớn nhất đối với ông Biden lúc này là một thực tế đang ngày càng được thừa nhận rộng rãi: nhiệm kỳ Tổng thống của ông đã không thực hiện được lời hứa trọng tâm là đưa nước Mỹ vượt qua thời kỳ của ông Donald Trump.

Tổng thống Biden và đệ nhất phu nhân Jill Biden lên chuyên cơ Air Force One vào tháng 1. Ảnh: Getty.

Theo chia sẻ từ các nhà tài trợ và lãnh đạo trong đảng Dân chủ – những người cảm thấy kinh hoàng trước các chính sách của ông Trump – ông Biden không thể trở thành chiếc cầu nối dẫn dắt nước Mỹ tới một thế hệ lãnh đạo đảng Dân chủ mới như từng kỳ vọng. Thay vào đó, nhiệm kỳ của ông lại trở thành chiếc cầu nối giữa hai nhiệm kỳ không liên tục của ông Trump, và nhiệm kỳ gần đây nhất đang phá bỏ gần như toàn bộ di sản mà ông để lại.

“Việc gây quỹ cho thư viện Tổng thống sẽ vô cùng khó khăn với tất cả những gì đã xảy ra”, John Morgan, một luật sư tại Florida từng là nhà tài trợ lớn của ông Biden, nhận định.

Ông cho rằng Biden đã thất bại trong việc tạo điều kiện để thế hệ lãnh đạo đảng Dân chủ kế cận có thể phát triển. Một nhà tài trợ khác thẳng thắn nói với nhóm của ông Biden rằng ông chỉ sẵn sàng đóng góp một lần duy nhất, chứ không có ý định tài trợ nhiều lần như trước. Một số nhà tài trợ cho đảng Dân chủ từng đứng về phía ông Biden cũng cho biết họ không có kế hoạch quyên góp cho thư viện của ông.

Valerie Biden Owens, em gái ông Biden, đã liên hệ với một số nhà tài trợ để kêu gọi hỗ trợ tài chính cho Viện Biden tại Đại học Delaware, nơi được thành lập vào năm 2017, ngay sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ Phó Tổng thống. Đại học này cũng là nơi lưu giữ tài liệu Thượng viện của ông Biden. Một số nhà tài trợ suy đoán rằng viện này có thể sẽ được phát triển thành thư viện Tổng thống, mặc dù chưa có thông báo chính thức nào về kế hoạch đó.

Người phát ngôn của ông Biden cho biết vị cựu Tổng thống vẫn chưa chính thức bắt đầu vận động quyên góp cho dự án thư viện.

Cuộc sống sau khi rời Nhà Trắng

Sau khi theo dõi bài phát biểu nhậm chức của ông Donald Trump tại Quốc hội Mỹ, ông Joe Biden cùng vợ, bà Jill Biden, đã lên chiếc Boeing 747 màu xanh nhạt từng được ông sử dụng trong thời gian tại vị – giờ đây được đổi ký hiệu thành “Special Air Mission 46” thay vì “Air Force One”, như một dấu hiệu cho thấy ông đã là cựu Tổng thống thứ 46 của Mỹ.

Điểm đến của họ là khu bất động sản rộng lớn ở miền Nam California của người bạn thân, doanh nhân Joe Kiani.

“Cả hai đang cần được hít thở trở lại”, Kiani nói, sau 4 năm căng thẳng tại Nhà Trắng và chặng đường phục vụ công chúng kéo dài suốt 54 năm – kể từ khi ông Biden trúng cử lần đầu vào năm 1970, khi mới 27 tuổi. Họ muốn có một sự khởi đầu mới.

Một cuốn sách mới phát hành gần đây nói về sức khỏe của ông Biden khi còn tại nhiệm. Ảnh: Getty.

Trong chuyến thăm đó, theo lời ông Kiani, ông Biden vẫn rất tràn đầy năng lượng và nói nhiều về kế hoạch hậu Nhà Trắng. Ông Biden và những người thân cận của ông tỏ ra rất lo lắng trước cách ông Trump điều hành đất nước. “Ông ấy thực sự quan tâm”, ông Kiani nhấn mạnh.

Tháng sau đó, ông Biden dự định tham dự tiệc sinh nhật lần thứ 60 của ông Kiani nhưng hủy vào phút chót vì gặp vấn đề về răng miệng, theo lời vị doanh nhân. Nhìn lại, ông Kiani tự hỏi liệu cơn đau khi ấy có liên quan đến căn bệnh ung thư sau này được phát hiện hay không.

Gần đây, ông Biden chủ yếu sống tại nhà riêng ở Wilmington, bang Delaware, và mỗi tuần thường đi tàu Amtrak tới Washington để họp, theo nguồn tin thân cận. Có lúc ông chụp ảnh selfie với các hành khách khác, thậm chí từng trả lời phỏng vấn ngắn với phóng viên Dana Bash của CNN về Giáo hoàng Leo khi cả hai tình cờ gặp nhau trên tàu.

Theo một nguồn tin am hiểu vấn đề, ông Biden hiện cũng đang bắt tay vào viết hồi ký. Hồi tháng 2, ông đã ký hợp đồng trở lại với Creative Artists Agency (CAA), một công ty đại diện tài năng nổi tiếng. Trước đó, từ năm 2017 đến 2020, ông từng là khách hàng của công ty này. Chính đội ngũ tại CAA đã tổ chức chuyến lưu diễn quảng bá sách gồm 42 điểm dừng chân, bán được hơn 85.000 vé – một chiến dịch giúp ông giữ được sự hiện diện trước công chúng trong giai đoạn chuẩn bị tranh cử Tổng thống năm 2020.

Trong những tuần gần đây, các đại diện của ông Biden tại CAA đã chia sẻ với một số người rằng mức thù lao cho mỗi lần ông phát biểu có thể dao động từ 300.000 đến 350.000 USD, theo một nguồn tin nắm rõ sự việc. Một người thân cận với ông Biden cho biết mức phí này có thể tăng lên tới 500.000 USD, tùy thuộc vào danh tính tổ chức mời cựu Tổng thống phát biểu.

Ông Biden đã nhận lời phát biểu tại ít nhất một sự kiện có thù lao, khi tham dự hội nghị của tổ chức Advocates, Counselors and Representatives for the Disabled (ACRD) tổ chức tại Chicago. Tuy vậy, một số công ty và tổ chức tỏ ra e ngại khi mời diễn giả chính trị, lo sợ rằng điều đó có thể khiến họ trở thành mục tiêu công kích của ông Trump. Nỗi lo ngại này, theo một người quen thuộc với tình hình, đang tạo ra hiệu ứng chùn bước, khiến các đơn vị tổ chức có xu hướng tìm đến những lựa chọn "an toàn" hơn.

Trong chuyến đi tới New York hồi tháng 3, ông Biden diện bộ tuxedo, xuất hiện tại đêm khai mạc vở kịch “Othello” phiên bản Broadway mới – tác phẩm kinh điển của Shakespeare, với tài tử Denzel Washington thủ vai vị chỉ huy quân đội bị lừa gạt bởi những người mà ông từng tin tưởng. Washington cùng dàn diễn viên đã dành thời gian chào hỏi ông Biden sau buổi diễn.

Ông Biden đến Vương cung thánh đường Thánh Peter để dự tang lễ của Đức Giáo hoàng Francis. Ảnh: Getty.

Cựu Tổng thống cũng đã gặp lại một số cựu trợ lý, các nghị sĩ Dân chủ trẻ tuổi và các thành viên nội các trước đây – theo một người am hiểu lịch trình của ông. Một số nhân vật trong số này hiện đang bị triệu tập làm chứng trước một ủy ban quốc hội điều tra về tình trạng nhận thức suy giảm của ông. Trong các cuộc gặp, ông Biden nhấn mạnh rằng ông vẫn duy trì được mối quan hệ chặt chẽ với các lãnh đạo thế giới, và hoàn toàn có thể đảm nhận vai trò kết nối, điều phối trong các vấn đề quốc tế.

Đầu tháng này, ông đi tàu đến New York để tham gia chương trình truyền hình “The View” trên kênh ABC. Tại đây, ông cùng phu nhân Jill Biden phản bác lại những cuốn sách gần đây cáo buộc ông suy giảm nhận thức. “Họ sai rồi. Không có gì để chứng minh điều đó cả”, ông Biden nói.

Tuy nhiên, ngay sau đó, ông đã đưa ra một câu trả lời dài dòng, lan man – kiểu phản ứng từng khiến một số người từng gặp ông cảm thấy lo ngại.

Cũng trong chuyến thăm này, ông đã gặp cựu Tổng thống Bill Clinton và ghé thăm văn phòng tại Midtown của tỷ phú Mark Lasry – một trong những nhà tài trợ lớn của đảng Dân chủ. Tại đây, ông trò chuyện về các cháu của mình, kế hoạch đi lại sắp tới, đồng thời hỏi thăm sức khỏe của Lasry và con trai ông này. Ông cũng chụp ảnh lưu niệm cùng một số người có mặt tại văn phòng trước khi rời đi. Cuộc gặp kéo dài khoảng 30 phút và diễn ra trong không khí thân thiện, theo lời kể của những người chứng kiến.

Một số người từng được ông Biden tiếp xúc gần đây cho rằng những cuộc gặp như vậy có thể là bước đầu tiên trong chiến dịch kêu gọi quyên góp cho thư viện Tổng thống của ông. Tuy nhiên, một người trong số đó nhận định, khả năng gây quỹ cho dự án thư viện có thể không cao, vì theo thông lệ, các nhà tài trợ kỳ vọng sẽ có cơ hội tiếp cận cựu Tổng thống trong nhiều năm sau khi rời nhiệm sở. Tình trạng ung thư của ông Biden khiến nhiều người cảm nhận rằng khoảng thời gian đó có thể ngắn hơn nhiều so với kỳ vọng.

Một chẩn đoán nghiệt ngã

Vào ngày 12/5, các bác sĩ đã phát hiện một "nốt nhỏ" trong tuyến tiền liệt của ông Biden trong một cuộc khám sức khỏe định kỳ tại bệnh viện ở Philadelphia – theo thông tin từ văn phòng của ông. Hai ngày sau, ông đến Washington như một phần trong lịch trình hậu nhiệm kỳ thường lệ, và dùng bữa tối cùng bà Linda Thomas-Greenfield – người từng giữ chức Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc trong chính quyền của ông.

Các xét nghiệm được thực hiện vào cuối tuần đó xác nhận ông mắc ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối với mức độ ác tính cao, và tế bào ung thư đã di căn đến xương. Văn phòng của ông cho biết xét nghiệm máu gần nhất để tầm soát ung thư tuyến tiền liệt được thực hiện từ năm 2014. Dù vậy, lịch trình sinh hoạt của ông không có thay đổi kể từ khi có chẩn đoán.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ung thư Mỹ, trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2020, chỉ khoảng 37% bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt di căn vẫn còn sống sau 5 năm.

“Ông ấy là người có nội lực và ý chí chiến đấu mạnh mẽ”, bà Donna Brazile – một người bạn và cũng là đồng minh lâu năm của ông Biden – chia sẻ. “Ông ấy sẽ tìm ra đâu là điều có ý nghĩa nhất trong giai đoạn này của cuộc đời mình”.

Theo Wall Street Journal