Cùng với Catherine Leroy, Kate Webb (hai người đều đã qua đời), Francis FitzGerald là nguồn cảm hứng chính cho cuốn sách mới ra mắt của nhà báo Elizabeth Becker.
“Cô không thuộc về nơi này!” (You don’t belong here), tựa đề cuốn sách bán chạy của Becker cũng là câu nhận xét mà một đồng nghiệp nam đã ném vào mặt Catherine Leroy.
Những người phụ nữ này đã phải chịu đựng một môi trường do nam giới thống trị và luôn thù địch với phụ nữ trong khi phải làm việc trong điều kiện ngặt nghèo. Nhưng họ đều đi vào lịch sử bằng di sản độc đáo của mình.
Ba người phụ nữ phi thường này đến Việt Nam vào đúng giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến khi quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến tại Việt Nam. Họ đã nỗ lực để phản ánh cuộc chiến theo những cách thức độc đáo.
Mỗi người họ đều quyết tâm khẳng định mình trong một lĩnh vực nghề nghiệp vốn chỉ dành cho nam giới, sẵn sàng thách thức các quy tắc mà quân đội áp đặt cho họ.
Như mô tả của tác giả Becker, họ đã bị đất nước đầy bi thương này thu hút sâu sắc và trở nên gắn bó với con người và văn hoá nơi đây. Kinh hoàng trước những tấn thảm kịch tàn bạo của cuộc chiến, họ quyết tâm mang ra ánh sáng chính sách đối ngoại đen tối của Mỹ ở khu vực.
Trong bộ ba nữ phóng viên chiến trường huyền thoại, Francis FitzGerald là người may mắn nhất khi xuất thân từ một gia đình thượng lưu. Cô tiểu thư nước Mỹ đã ghi dấu ấn riêng của mình khi vẽ lại chân dung cuộc chiến từ cả ba phía – Mỹ, miền Nam Việt Nam và Bắc Việt Nam – nhờ vậy giành được sự kính nể của các đồng nghiệp.
Cuốn sách đầu tay của bà Fire in the Lake: The Vietnamese and the Americans in Vietnam (tạm dịch: “Lửa trong hồ: Người Việt Nam và Người Mỹ ở Việt Nam) là cuốn sách đáng chú ý đầu tiên về chiến tranh Việt Nam. Ra mắt năm 1972, Fire in the Lake nhanh chóng lọt vào danh sách bán chạy nhất của New York Times và được trao giải thưởng Pulitzer danh giá.
Cuốn sách, như FitzGerald mô tả là “phác thảo đầu tiên của lịch sử” đã khám phá hàng ngàn năm lịch sử và văn hoá của Việt Nam.
Theo bà, Mỹ hiểu biết quá sơ sài về đất nước và dân tộc này và hành xử chỉ nhằm kiểm soát mối đe doạ của chủ nghĩa cộng sản thay vì thừa nhận cuộc đấu tranh lâu dài của Việt Nam nhằm giành và giữ độc lập khỏi những kẻ xâm lược ngoại bang.
Bộ ba nữ phóng viên chiến trường huyền thoại trong chiến tranh Việt Nam: Kate Webb, Francis FitzGerald, Catherine Leroy (từ trái qua). Ảnh: Getty |
Cho đến giờ, Fire in the Lake vẫn luôn được nhớ đến như một trong những cuốn sách nghiên cứu nổi bật nhất và toàn diện nhất về Chiến tranh Việt Nam. Ở độ tuổi gần 90, Francis FitzGerald là “nhân chứng sống” còn lại duy nhất trong thế hệ nữ phóng viên chiến trường đầu tiên. Bà đã dành cho VietTimes một cuộc trao đổi cởi mở.
PV: Điều gì đã đưa bà sang Việt Nam và trở thành một phóng viên đưa tin về cuộc chiến tranh khốc liệt, một công việc được mặc định chỉ dành cho đàn ông?
Tất cả những gì tôi có thể nói bây giờ là Việt Nam đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi. Trước khi sang Việt Nam tôi đã từng thử công việc của một phóng viên khi theo đuổi đề tài về phụ nữ.
Tôi quyết định đến Việt Nam một phần vì bố tôi đã từng ở Đông Dương trong thời gian diễn ra Thế chiến II (bố Francis FitzGerald làm việc cho CIA với vai trò chuyên gia về Viễn Đông – PV). Tôi muốn tận mắt xem nơi ông đã từng ở thời trai trẻ.
Khi đó trong đầu tôi không một mảy may nghĩ rằng mình sẽ ở lại đây và theo đuổi công việc của một phóng viên chiến trường.
Vì vậy tôi qua Thái Lan, Campuchia, Lào và cuối cùng dừng chân ở Sài Gòn và rồi không thể rời đi được nữa. Có lẽ vì cuộc chiến này có quá nhiều điều bí ẩn mà tôi muốn khám phá và giải mã.
Khi tôi đặt chân xuống Sài Gòn năm 1966 cũng là thời điểm cao trào của phong trào đấu tranh của Phật giáo. Các phật tử xuống đường biểu tình liên tục. Trong cả đời mình, tôi chưa từng chứng kiến một sự kiện gì tương tự như thế.
Tôi hỏi mọi quan chức Mỹ mình có dịp gặp rằng các phật tử đang đấu tranh vì lẽ gì? Tại sao họ lại nổi dậy? Nhưng không một ai có thể cho tôi câu trả lời rõ ràng về điều gì đang thực sự diễn ra.
Điều đó thôi thúc tôi tự mình tìm kiếm câu trả lời. Tôi quyết định ở lại, làm một phóng viên tự do để có thể tìm hiểu và gặp gỡ được càng nhiều người càng tốt. Tôi muốn biết người dân Việt Nam thực sự suy nghĩ như thế nào, tại sao họ lại quyết tâm kháng chiến chống Mỹ?
Bức ảnh chụp một người lính Mỹ và một người dân thường Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam năm 1967 của Catherine Leroy. Ảnh: Getty |
(Khi tốt nghiệp Đại học Radcliffe, bố Francis trao cho bà một tấm séc trị giá 100 nghìn đô la, tương đương 1 triệu đô la theo thời giá bây giờ. Số tiền này đảm bảo cho Francis có một cuộc sống dễ chịu ở Sài Gòn dù chỉ là một phóng viên tự do. Như nhận xét của tác giả Becker: “Francis FitzGerald là tiểu thư duy nhất làm công việc đưa tin từ Việt Nam. Cô ấy không cần phải ở đó - PV).
Bà tìm kiếm câu trả lời bằng cách nào?
Thời ấy các đồng nghiệp nam thường đi theo quân đội để tường thuật các trận chiến. Nhưng tôi muốn chọn cách tiếp cận khác. Tôi muốn gặp người dân Việt Nam và tìm hiểu về những hậu quả của cuộc chiến đối với đời sống chính trị - xã hội của miền Nam Việt Nam.
Với cách tiếp cận đó, tôi đi về vùng nông thôn, vào các thôn làng để phỏng vấn người dân. Đương nhiên, không phải lúc nào bạn cũng có thể lang thang ở vùng nông thôn khi mà chiến sự đang xảy ra khắp nơi.
Tôi tránh đi cùng những người Mỹ để có thể dễ dàng tiếp cận với người dân và giảm thiểu những nguy hiểm mà các đồng nghiệp nam thường phải đối mặt.
Tôi rất may mắn vì có được người phiên dịch rất tốt dù anh ta chỉ nói được tiếng Pháp. Chúng tôi đi về Đồng bằng Sông Cửu Long bằng xe đò hoặc tắc xi, đến thăm khắp mọi nơi từ các trụ sở Phật giáo hay các bệnh viện dã chiến…Tôi cố gắng đến được càng nhiều nơi càng tốt.
(Bài báo đầu tiên của FitzGerald mang tựa đề "The Hopeful Americans & the Weightless Mr. Ky – tạm dịch “Những người Mỹ đầy hi vọng và Ngài Kỳ vô tích sự” được xuất bản trên tờ Village Voice tháng 4 năm 1966, phân tích các hậu quả của chiến dịch Masher đối với những người dân thường miền Nam Việt Nam. Bà cũng viết nhiều bài báo về phong trào nổi dậy của các tín đồ Phật giáo - PV)
Francis FitzGerald chụp cùng những người lính Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam năm 1973. Bà là một trong những phóng viên nước ngoài hiếm hoi tiếp xúc và viết bài từ góc nhìn của ba bên: miền Nam Việt Nam - Miền Bắc Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ảnh: NVCC |
Trong suốt thời gian tác nghiệp tại Việt Nam, bà có dịp nào được tiếp xúc với phía bên kia hay không?
Vào giai đoạn hai bên đình chiến để đàm phán hoà bình (Đàm phán Hiệp định Paris bắt đầu từ năm 1968), cuối cùng tôi cũng có cơ hội được tìm hiểu về phía bên kia, về Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam.
Tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ đi vào một ngôi làng nhỏ và tác nghiệp giống như những phóng viên khác. Nhưng rồi tôi thấy mình ở giữa một đoàn quân khổng lồ với những người lính nói tiếng miền Nam. Tôi đã ngủ qua đêm ở đó, trên một dòng sông. Điều đó thật sự thú vị.
Những người lính muốn kể cho tôi nghe mọi thứ. Và tôi đã ở với họ vài ngày ngay bên ngoài địa phận Quảng Ngãi. Cũng ở đó, tôi gặp những người dân địa phương, những người lại một lần nữa kể cho tôi nghe mọi điều mà tôi chưa từng hình dung trước đó.
Nhờ vậy, tôi nghĩ rằng tôi đã có một góc nhìn khác về cuộc chiến, điều mà hầu hết các đồng nghiệp nam của tôi không bao giờ có vì họ không thể có được những trải nghiệm giống như tôi. (Cuốn sách Fire in the Lake xuất bản năm 1972 của nhà báo Francis FitzGerald được đánh giá là vượt trội hơn hẳn các nhà báo khác khi đưa ra những đánh giá sắc sảo về “những điểm yếu chết người về mặt chính trị và xã hội của chế độ Diệm” và đặc biệt về sức mạnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam – PV)
Tháng 1 năm 1975 tôi có may mắn có mặt ở Hà Nội, cùng với khoảng 2-3 nhà hoạt động vì hoà bình. Chúng tôi được đi đến bất cứ nơi đâu mình muốn. Khi ấy, tôi không hề có ý niệm nào rằng chiến tranh sắp đến hồi kết thúc.
Nhưng tôi đã có những cuộc trò chuyện rất sôi nổi, hào hứng với nhiều trí thức miền Bắc về Nho giáo, về nền tảng của xã hôi Việt Nam, những điều mà tôi tin không một ai từng biết trước đó. Tôi bắt đầu nhìn nhận phía bên kia theo một cách khác. Những hiểu biết này về sau được tôi đưa vào các cuốn sách.
Những năm tháng tác nghiệp ở chiến trường Việt Nam sau cùng đã khiến tôi yêu mảnh đất này và luôn muốn trở lại. Tôi yêu cách sống của con người nơi đây.
Tôi vẫn ấn tượng mãi những chuyến thăm Việt Nam những năm 1990 và 2000 khi miền Bắc mở cửa, nhớ những lễ hội làng thật kì thú. Toàn bộ đời sống tâm linh, tín ngưỡng và nghi lễ ở đó có một sức thu hút thật đặc biệt đối với tôi.
Kate Webb tại một trại tị nạn trong chiến tranh Việt Nam năm 1968. Ảnh: Getty |
Có lúc nào bà cảm thấy sợ hãi khi tác nghiệp trong hoàn cảnh nguy hiểm, chiến sự và chết chóc luôn rình rập xung quanh hay không?
Tôi không nhớ là có khi nào mình sợ hãi hay không. Điều hài hước là hình như ít khi tôi thấy sợ hãi.
Tôi nhớ có một lần tôi đi dọc con đường với hai người lính cấp bậc trung sĩ và một đồng nghiệp là nam phóng viên. Anh chàng đồng nghiệp của tôi giữ im lặng suốt một thời gian dài. Tôi mới hỏi, có chuyện gì xảy ra với anh vậy? Rồi anh ta nói, tôi đang nghĩ về đám tang của mình. Bởi vì anh ta biết cả con đường đó chôn đầy mìn.
Không hiểu vì sao tôi không mảy may nghĩ cái chết có thể xảy đến với mình, như cách anh ta nghĩ.
Là một trong số rất ít nữ phóng viên tác nghiệp trong cuộc chiến tranh Việt Nam, bà nghĩ mình có lợi thế gì so với các đồng nghiệp nam?
Tôi luôn cảm thấy rằng khi tôi đi về các thôn làng và gặp gỡ người dân ở đó, tôi được đón tiếp cởi mở hơn nhiều so với những đồng nghiệp nam. Có lẽ bởi vì dân làng cho rằng bất kì một người đàn ông Mỹ nào về đó cũng có thể là điệp viên CIA, hay một ai đó từ Chính phủ Mỹ. Nhưng họ khó tưởng tượng được một người phụ nữ trong vai trò đó.
Trong suốt một thời gian dài, tôi đi đi về về một ngôi làng nhiều lần và dần dà trở nên thân quen với người dân ở đó. Trong đó có một người phụ nữ mà về sau bà ấy bảo tôi là đừng mặc áo cộc và để tay trần nữa. Bạn biết đấy, trong văn hoá phương Tây, điều đó không phù hợp với chuẩn mực ứng xử. Nhưng cuối cùng tôi đã làm theo lời khuyên ấy.
Rồi bà ấy bảo tôi rằng, trong suốt những năm vừa rồi, họ luôn là những thành viên của mặt trận giải phóng. Hiển nhiên, bà ấy không mảy may nghĩ rằng tôi sẽ phản bội bà ấy.
Những cuộc phỏng vấn người dân sau đó trở thành chất liệu để tôi viết một phóng sự công phu mang tựa đề "Life and Death of a Vietnamese Village" (Sự sống và Cái chết của một Ngôi làng Việt Nam) xuất bản trên Tạp chí New York Times tháng 9 năm 1966.
Nữ nhà báo, sử gia Francis FitzGerald là tác giả của 6 cuốn sách. Ảnh: NVCC |
Rất nhiều thế hệ phóng viên tài năng và dũng cảm đã đưa tin bài về cuộc chiến ở Việt Nam và giúp thế giới bên ngoài hiểu hơn về những gì đang diễn ra. Từ trải nghiệm của bà, vì sao những phóng viên đó bất chấp nguy hiểm để theo đuổi công việc đó?
Tôi nghĩ tham vọng là một động lực đối với nhiều nam đồng nghiệp. Đối với riêng tôi thì đó không phải là lý do để tôi theo đuổi công việc này. Nhưng nhiều nam đồng nghiệp mà tôi biết, họ rất giỏi và rất tham vọng. Điều đó thể hiện qua công việc của họ.
David Halberstam, Neil Sheehan, Peter Arnett là những cái tên nổi tiếng. Sau này khi trở về, họ viết những cuốn sách xuất sắc về chiến tranh Việt Nam.
(David Halberstam là nhà báo của New York Times đoạt giải Pulitzer nhờ loạt tin bài về chiến tranh Việt Nam còn Neil Sheehan nổi tiếng với cuốn sách Sự lừa dối hào nhoáng, đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Peter Arnett có 13 năm lăn lộn ở Việt Nam, viết hơn 3.000 bài báo về cuộc chiến, giành giải Pulitzer năm 1966 cho hãng AP, từng phỏng vấn Saddam Hussein tại Baghdad (Iraq) lẫn Osama Bin Laden – PV).
Nhưng tham vọng ở đây được hiểu là khát khao theo đuổi và tìm hiểu đến cùng sự thật.
Khi họ đến Việt Nam, họ nhận ra thực tế khác xa với những gì chính phủ Mỹ nói về cuộc chiến. Họ muốn tìm hiểu, muốn trải nghiệm mọi thứ để tìm ra câu trả lời. Và đó là động lực khiến họ thành công.
- Xin cảm ơn bà với những chia sẻ này./.