E-magazine Nỗi đau ở Trà Leng

VietTimes – "Bùng, bùng…", liên tục những tiếng nổ phát ra, cả hàng ngàn mét khối đất đá, cây rừng, nước ập xuống xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. Lũ bùn như một làn sóng dữ đẩy sập 15 ngôi nhà, khiến 9 người chết, 13 người mất tích.
Trà Leng còn đó những nỗi đau

Chiều 29/10, sau một ngày thảm họa xảy ra, chúng tôi tiếp cận hiện trường. Để đến được đây, từ đầu xã Trà Leng dừng xe máy và đi bộ 6km gần 1 giờ đồng hồ. Trên đường đi, gần 10 điểm sạt lở, có nơi bùn sụp đến bắp đùi. Chúng tôi bắt gặp những thanh niên khỏe mạnh dùng võng gánh những người gặp nạn vượt 16km ra đến quốc lộ 40B, đoạn xã Trà Dơn.

Tại đây, xe cấp cứu chờ sẵn để chở các nạn nhân đến bệnh viện. Trong đó người bị gãy tay, chân; người máu chảy đã đông cứng để lại vết bầm đen. Họ ra đến đường được bộ đội quân y, bác sĩ sơ cấp cứu và nhanh chóng vận chuyển đến Trung tâm y tế huyện Bắc Trà My điều trị sau một ngày gặp nạn.

Nóc ông Đề bị cuốn trôi. Nơi đó là bãi đất đá rộng hơn 1ha có 15 ngôi nhà bị vùi lấp. Ở đó, hàng trăm người địa phương, bộ đội, công an huyện Nam Trà My hành quân từ sáng sớm đã đến được hiện trường để tìm kiếm cứu nạn.

Ông Nguyễn Thanh Sơn (56 tuổi) ngồi thất thần trước hành lang điểm trường tiểu học nóc ông Lục – nơi cách hiện trường sạt lở gần 100m. Ông Sơn không còn nhà cửa nên được chính quyền bố trí nơi ở tạm tại đây.

Miệng nhóp nhép nhai miếng trầu môi đỏ choét – một thói quen của người dân tộc Mơ Nông sống giữa núi rừng Trường Sơn – ông Sơn kể: Sáng 28/10 nghe tin bão số 9 đổ bộ nên người dân trong nóc tập trung về những ngôi nhà kiên cố nhất làng để tránh bão. Phụ nữ tập trung ở nhà ông Lê Hoàng Việt – Bí thư xã Trà Leng; còn đàn ông tập trung ở ông Sơn.

Lúc 12h ngày 28/10, ông Sơn nghe tiếng nổ “bùng, bùng” phát ra trên ngọn núi Pa Ranh nằm cách làng 200m. Ông nghĩ chắc do sấm sét, không phải lở núi, ngoài trời mưa to nên tất cả mọi người đều ở nhà trú tránh. Khoảng 15h, nước từ trên núi đổ về theo dòng suối qua làng.

Con suối này nhỏ, vào mùa khô cạn nước, chỉ có nước lớn khi mưa xuất hiện. Nước chảy về tràn theo vào mương đổ vào nhà dân nên đàn ông trong nóc ra lấy đá ngăn không cho chảy vào.

Sau khi làm xong thì mưa một lúc lớn hơn, nước đổ về như thác nên một số người có dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh; một số người khác đứng từ xa theo dõi. Lúc này, những tiếng nổ lớn “bùng, bùng” phát ra liên tục. Ông Sơn hướng đôi mắt nhìn về phía núi cách khoảng 200m thấy cây rung chuyển bần bật, đất đá bắt đầu trôi xuống.

Ông Sơn hô lớn “chạy, chạy”…, nhưng mọi người ở trong nhà chưa kịp ra khỏi; những người ở ngoài bước được vài bước thì đất đá, nước, cây gỗ lớn trên núi đổ về.

“Chúng ập vào nóc giống như một đợt sóng dạt vào xô đẩy nhà cửa và cuốn trôi cho đến khi gặp chân núi mới dừng lại”, ông Sơn kể và cho hay đất đá nằm lại, còn nước thì chảy về suối đổ ra sông Leng cách làng khoảng 300m.

Trong thảm họa, ông Sơn bị đẩy khoảng 30m dạt vào chân núi. Người ông Sơn bị ngập trong bùn đất, mặt bị trầy xước, thoát lên bờ. Sau một lúc, ông mới đứng dậy nhìn ngôi làng của mình thì chỉ còn hai chuồng nuôi gà sót lại, tất cả người dân bị vùi lấp hoặc cuốn trôi.

Ngoài ông Sơn, nhiều người khác thoát ra khỏi đám bùn đất như ông, người mắc kẹt trong rác thải, cây cối, người bị đất đá đè lên. Ông Sơn nhìn quanh đống hoang tàn không thấy vợ mình và bắt đầu tìm kiếm.

Trên đường di chuyển, ông leo qua những cây gỗ, thanh xà gồ để đi, tránh sẩy chân sụp xuống bùn lầy để cứu người. Ban đầu, ông thấy ba người bị đất đá vùi lấp đang cố gắng lên chỗ cao, ông lần lượt hỗ trợ đưa lên chân núi. Tiếp tục, ông thấy một đứa bé nằm trong bùn đất chỉ còn đầu và cánh tay nổi lên. Ông dùng đôi tay hất bùn đất ra ngoài và kéo nạn nhân lên.

Hết nơi này, ông đến nơi khác để tìm vợ mình thì gặp một cô gái bị gãy chân không thoát được ra khỏi đám bùn đất đang la hét. Ông bế lên đặt ở trại nuôi gà chưa bị vùi lấp. Cô gái không đi được nên ông lấy áo mưa mặc vào và dặn có người đến thì kêu lên.

Ông tiếp tục đi cứu người khác thì phát hiện hai người đã tắt thở. “Lúc đó ai mà chết tôi không cứu nữa. Tôi chỉ tìm những người con thở rồi đưa lên. Tôi chỉ biết di chuyển được càng nhiều nơi càng tốt trên đám bùn đất để tìm vợ mình và cứu người”, ông nhớ lại.

Vì trời tối, không có đèn pin trong khi mưa lớn nên đến sáng hôm sau ông Sơn mới tìm được thi thể vợ. Sau đó lực lượng tìm kiếm đưa về nhà và hàng xóm hỗ trợ mai táng.

Ông Sơn bảo, hàng năm ở đây có sạt lở núi nhưng ở mức độ nhẹ, gây ách tắc đường sá. “Đây là đầu tiên tôi chứng kiến sạt lở núi khủng khiếp như thế này. Trận lở núi đã cướp đi mạng sống của vợ tôi và ngôi nhà – thứ tài sản lớn nhất của gia đình”, ông kể đầy chua xót khi cả đời tích góp làm được ngôi nhà giờ đã trở thành tay trắng.

“Rồi mai đây không biết sống thể nào”, ông Sơn ngậm ngùi chỉ mong chờ nhà nước hỗ trợ xây lại nhà ở để vượt qua nỗi đau.

Là người khai sinh ra nóc ông Đề - ông Hồ Văn Đề gần 80 tuổi kể, ngày 26/10 cùng vợ là bà lên nương thu hoạch lúa. Ruộng lúa bị sạt lở gây thiệt hại nên phải chạy đua với mưa bão để có cái mà ăn. Mặc dù mưa lớn nhưng hai vợ chồng ở trên nương rẫy vì có một chòi.

“Trước khi đi tôi dặn đứa người con trai Hồ Văn Hùng rằng, bố mẹ ở trên núi không có chi đâu. Bố mẹ phải lên núi tuốt lúa không mưa lũ bị hỏng hết”, ông cho biết số lúa được thu hoạch xong, ngày 29/10 về đến nhà.

Cảnh tượng trước mặt ngôi làng mà 20 năm trước chính ông lập ra rồi được người dân lấy tên ông đặt làm tên làng đã bị san phẳng. Đây là ngôi làng lâu đời nhất ở xã Trà Leng.

Ông lần lượt nghe con trai mình bị vùi lấp và 7 người thân khác nằm trong đất đá. Ông cùng vợ là bà Hồ Thị Hồng ngồi bệt xuống bãi cỏ dưới tán rừng cây quế, đôi mắt người đàn ông lớn tuổi rơi từng giọt nước mắt. Từng âm thanh phát ra không rõ tiếng: “Hùng ơi, con ở đâu về với bố. Bố mẹ đã gặt xong lúa để đón tết rồi mà con bỏ đi. Nhà mình có đủ lương thực để ăn trong năm nay”.

Suốt thời gian tìm lực lượng chức năng tìm kiếm, ông Đề dõi đôi mắt nhìn hiện trường đất đá, cây gỗ được bới ra. Mỗi khi tìm được nạn nhân, ông lại chạy đến để nhận dạng người thân.

Con trai ông được tìm thấy, người cha già lo mai táng gần khu vực tìm kiếm. Ngôi mộ được đắp vội với bốn tấm ván vây quanh, sợ nhiều người qua lại dẫm lên.

Ông Đề bảo, trước đây mình sống ở nơi khác và ông tìm đến khai sinh ra vùng đất này. Những người trong nóc hầu hết là họ hàng, con cháu của mình hết. 20 năm lập làng chưa một lần sạt lở, họ sống yên ổn.

“Hôm đó hai vợ chồng không lên núi gặt lúa thì chắc cùng chung số phận rồi. Nay tôi sống mà người thân không còn, nhà cửa vùi lấp, còn ý nghĩa gì nữa?”. ông Đề khóc mỗi khi nhận tin tìm được thi thể, chỉ còn lo đào huyệt để mai táng cho người thân.

Tối 28/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra công điện về việc cứu hộ các nạn nhân bị vùi lấp tại xã Trà Leng. Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với các lực lượng liên quan tập trung bằng mọi biện pháp cần thiết để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn những người bị vùi lấp.

Cùng thời điểm này, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, đóng ở TP. Tam Kỳ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng họp khẩn cùng lãnh đạo các cơ quan chức năng. Cuộc họp của lãnh đạo Chính phủ kết thúc, Quân khu 5 và UBND tỉnh Quảng Nam lên kế hoạch, phương án tìm kiếm người mất tích đến 1h sáng hôm sau..

Sau 2 tiếng nghỉ ngơi, lực lượng tìm kiếm theo tuyến đường 40B hành quân lên xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. Dọc đường, từ TP. Tam Kỳ qua các huyện Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My dài hơn 50 km nhưng cây cối đổ chắn ngang đường sau bão số 9. Đi đến đâu, bộ đội dọn cây mở đường tới đó, đến sáng có mặt ở xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My.

Tại đây, cách hiện trường vụ sạt lở núi Trà Leng 50 km với hàng chục điểm sát lở. Nhiều phương án tiếp cận được hiện trường được đưa ra, trong đó đường thủy đi trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 bị bế tắc khi cây, rác thải phủ kín lối đi không thể di chuyển. Bộ đội đi trước trinh sát và nhiều người hành quân theo sau.

Một hướng khác được lực lượng chức năng triển khai, hàng chục phương tiện cơ giới thông đường. Một hướng từ huyện Bắc Trà My lên, một hướng từ huyện Nam Trà My xuống.

Đến chiều cùng ngày, tuyến đường được khai thông khi cách nóc ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng 6 km. Từ đây, hàng trăm người đi bộ tiếp cận hiện trường. Sáng hôm sau, những điểm sạt lở được thu dọn, xe ô tô vào đến vị trí sạt lở.

Chiều 29/10 - sau một ngày nóc ông Đề bị sạt lở núi vùi lấp - là thời điểm người từ bên ngoài tiếp cận hiện trường. Họ đi bộ hàng chục km khi tuyến đường độc đạo quốc lộ 40B từ xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My có bốn điểm sạt lở không thể lưu thông bằng xe máy. Từ quốc lộ 40B đến Trà Leng với quảng đường 16km có hơn 10 điểm sạt lở.

Hàng trăm người tìm kiếm người mất tích dưới đống đổ nát chiều 29/10

Là thanh niên, Hồ Văn Trung đang học ở một trường dạy nghề đóng ở huyện Núi Thành, Quảng Nam nhận được hung tin cha mẹ bị vùi lấp sau bốn giờ xảy ra thảm họa.

Trong đêm tối, Trung chạy xe máy gần 100km về đến xã Trà Tân thì bỏ xe lại. Anh cuốc bộ 50km về nhà. Đặt chân đến đầu làng lúc 14h - là thời điểm người dân đang chuẩn bị mai táng cho cha mẹ Trung: ông Hồ Văn Thanh và bà Hồ Thị Đức vừa được tìm thấy thi thể.

Thời điểm đó do đường chưa thông nên không chở được quan tài từ ngoài vào, người dân lấy bốn tấm ván ghép xung quanh và một tấm bạt màu xanh phủ lên để chôn cất. Trung ngã quỵ xuống hai huyệt thạch khi túi mang hành lý bên người chưa kịp gỡ bỏ.

Nam thanh niên dùng tay gỡ tấm bạt màu xanh để nhìn mặt cha mẹ lần cuối. Hết khuôn mặt cha, Trung trườn qua lớp đưới sét màu đỏ dính đầy quần áo sang huyệt thạch mẹ để nhìn mặt khóc vạn.

Những hàng xóm đến dìu Trung rời khỏi huyệt thạch. Để tiễn đưa hai người sinh nặng đẻ đau mình, Trung bốc từng nắm đất thả xuống. Chàng trai trẻ chỉ biết khóc than với trời đất sao lại nỡ để xảy ra thảm cảnh.

Ông Thanh, bà Đức qua đời để lại bốn người con đang ăn học. Trung là người con thứ 2 trong gia đình- là người con được nhìn mặt ba mẹ lần cuối, còn ba người khác đều đi học xa nhà về chưa kịp.

Cũng là người về Trà Lang sau thảm họa, chị Hồ Thị Hòa (20 tuổi) đang học nghề làm tóc ở thành phố Tam Kỳ đi bộ gần 1 ngày được mới về đến nhà. Cô gái trẻ đã có chồng nhưng đã ly hôn, có một người con trai 4 tuổi tên Hồ Quang Tuyển.

Một năm qua, chị rời quê xuống thành phố để học nghề, gửi đứa con thơ cho cha mẹ chăm sóc. Mỗi tháng, chị mang sữa, áo quần về cho con và đưa tiền cho ba mẹ chăm sóc cháu.

Gục ngã bên đống hoang tàn, nơi có hàng trăm người đang tìm kiếm người mất tích, chị Hòa khóc thét: “Con ơi mẹ đã về đây. Con ở đâu về với mẹ. Đừng bỏ mẹ mà đi”.

Ngoài con trai bị mất tích, chị Hòa có 7 người thân bị núi sạt lở vùi lấp gồm: cha Hồ Văn Công, mẹ Hồ Thị Thắm, em gái Hồ Thị Lan Ân và vợ chồng người cậu cùng một đứa con, người dượng chưa tìm thấy.

Có mặt ở nóc ông Đề muộn hơn những người khác, sáng 30/10, Võ Văn Quang (19 tuổi) mới đến được hiện trường. Giữa đống đổ nát bị vùi lấp, nhà của Quang là ngôi nhà còn sót lại gỗ, vật dụng trong gia đình nổi lên mặt đất nhiều nhất. Các nhà khác đã bị chôn vùi hoặc cuốn trôi.

Cầm trên tay một bó hương, Quang lội trên những tấm ván được lát xuống làm lối đi, bùn ngập 10 cm đến nhà mình ngày trước ở. Trên tay cầm bó hương, nam thanh niên thắp và vái lạy: “Ba ơi đang nằm ở đâu về với con, sao ba bỏ con đi?”.

Nhìn quanh ngôi nhà mình chỉ còn một ít xà gồ, tôn, tường nhà vùi trong bùn đất với đôi mắt ngấn lệ, Quang kể: Nhà em ở thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước – cách Trà Leng hơn 100km. Quang sinh sống ở quê nhưng ba mẹ lên đây ở và bán hàng cách đây bảy năm. Thỉnh thoảng Quang lên ở vài hôm rồi về lại dưới xuôi. Hàng ngày ba mẹ bán hàng dành dụm tiền để nuôi các con ăn học.

Hôm sạt lở núi, ba của Quang - ông Võ Ngọc Vinh bị mất tích, còn mẹ may mắn thoát nạn. "Người dân nóc Ông Đề sống tình cảm lắm anh, họ có gì cũng chia sẻ nhau và rất đoàn kết. Vậy mà...", Quang nói.

Sáng 30/10, em Lê Thanh Tú, lớp 11 trường PTDT nội trú Nam Trà My được thầy cô giúp đỡ đưa về đến đầu làng. Ngoài Tú, còn có 5 học sinh khác đi về cùng. Ngôi làng của các em nay đã bị san phẳng sau trận lở núi.

Bốn trong sáu em trú ở nóc Ông Đề, có cha, mẹ, hoặc người thân mất tích trong vụ lở núi. Trong đó, Tú có ba là ông Lê Hoàng Việt, Bí thư xã Trà Leng bị mất tích, còn mẹ thoát nạn.

Chứng kiến cảnh nơi từng là nhà mình, bây giờ là hỗn hợp đất bùn. Cột, xà gồ, tôn còn sót lại một ít, cậu học sinh được thầy giáo ôm vào lòng khóc nức nở. Gia đình Tú có bốn người, em và anh trai xa nhà đi học, trong nhà chỉ có hai ba mẹ sinh sống.

Nằm trong 6 học sinh được thầy cô đưa về, Hồ Văn Hải bước đến đầu làng đứng bất thần nhìn xuống bãi đất san phẳng. Hải đã mất tám người thân trong nhà, gồm bố mẹ, hai em trai ruột, anh rể và các chú bác.

Lực lượng cứu hộ tìm thấy ba Hải chiều 29/10. Ông được chôn cất cạnh hiện trường chỉ vài trăm mét. Hải học nội trú, cách nhà 35 km, vài tháng mới về nhà.

Một tháng qua, hàng chục cán bộ, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn công binh 270 (Quân khu 5) tiếp tục tìm kiếm 13 người mất tích do sạt lở núi ở nóc ông Đề. Sau khi tìm kiếm hết khu vực hiện trường, lực lượng tìm kiếm chuyển qua lòng hồ thủy điện sông Tranh 2 và sông Leng. Nhà chức trách nghi ngờ các nạn nhân bị cuốn trôi xuống.

Bên sông Leng, cách hiện trường 3 km có một bãi gồm đất cát, gỗ, gốc cây… chất đống cao hơn 5m, rộng khoảng 50 m2 sau lũ quét. Nơi đây, hôm 4/11 tìm thấy được một thi thể nên cơ quan chức năng ghi ngờ còn nạn nhân mất tích bị vùi lấp.

Khu vực này từng có một cây cầu treo nhưng bị nước lũ cuốn trôi, nước sông Leng chảy xiết. Để qua sông, bộ đội thiết kế một ròng rọc. Lần lượt mỗi người ngồi lên, mang áo phao vào, được đồng đội đứng trong bờ kéo qua. Buổi trưa, anh nuôi mang cơm qua bằng ròng rọc, để những người tìm kiếm đủ sức làm việc từ sáng đến chiều. Mỗi ngày, hàng trăm mét khối đất cát, gỗ, rễ cây được đào bới tìm kiếm người mất tích.

Thượng uý Đỗ Tấn Hưng (Lữ đoàn Công binh 270) chia sẻ, rạng sáng 29/10, anh nhận nhiệm vụ lên đường đến Trà Leng. Sau một ngày hành quân bằng xe tải, đi bộ, đã tiếp cận hiện trường vụ sạt lở. Những ngày đầu, anh Hưng cùng đồng đội ở lại nhà dân gần khu vực sạt lở để tìm kiếm.

“Đêm xuống mưa lớn xuất hiện không tài nào chợp mắt khi lâu lâu nghe tiếng núi lở phát ra ầm ầm. Điện, sóng điện thoại không có nhưng là người lính nên chúng tôi không mấy lo lắng”, anh chia sẻ.

Hết tìm kiếm ở hiện trường, anh Hưng cùng đồng đội đi dọc sông Leng, trên mặt hồ thủy điện Sông Tranh 2 cùng các lực lượng khác tìm kiếm. Tuy nhiên, khu vực này cây, rác thải tấp về dày đặc sau lũ nên khó khăn.

Bộ đội công binh dầm mưa bới đất cát, gỗ, gốc cây tìm kiếm người mất tích

Ngoài ra, thời tiết mưa lớn liên tục xuất hiện khiến công tác không mấy thuận lợi nhưng bộ đội vẫn bám hiện trường. “Chúng tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm và mong sẽ tìm thấy tung tích các nạn nhân còn lại”, thương uý Hưng nói.

Dưới cơn mưa nặng hạt, chiến sĩ Y Ghi Nê dùng đôi tay trần bới đất, cây gỗ tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Nê kể, anh nhận nhiệm vụ tối 28/10 và 3h ngày 29/10 hành quân đến hiện trường sạt lở xã Trà Leng chiều cùng ngày. Anh cùng đồng đội hơn 20 ngày ở lại Trà Leng tìm kiếm người mất tích. "Dù khó khăn đến đâu, em sẽ hoàn thành nhiệm vụ để sớm tìm kiếm được các nạn nhân còn mất tích", Nê nói.

Nê quê ở Đắk Lắk, đi nghĩa vụ còn 2 tháng nữa ra quân. Chàng lính trẻ bảo đây là đầu tiên chứng kiến vụ sạt lở núi khủng khiếp như vậy. Trong quá trình tìm kiếm, Nê cùng đồng đội phát hiện phát hiện ba thi thể.

“Đêm đầu tiên ngủ gần hiện trường, nghe tiếng núi lở cũng sợ; nhưng sau đó chuyển chỗ ở đến xã Trà Dơn – cách 16 km nên bớt lo lắng hơn”, Nê cho hay mỗi ngày từ 6h30’ lên xe chở vào hiện trường tìm kiếm và 16h30 kết thúc về lại chỗ nghỉ.

Thượng tá Nguyễn Hoài Ất (Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn công binh 270, Quân khu 5) cho biết, đối với quân đội nói chung và đơn vị nói riêng, việc làm cáp treo qua sông đã được huấn luyện để cứu hộ, cứu nạn. “Địa hình khó khăn như Trà Leng, chúng tôi tìm mọi cách để qua sông, nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Bộ đội công binh tiếp tục đào bới hết khu vực này tìm kiếm nạn nhân mất tích, sau đó sẽ đi dọc sông tìm kiếm. Bộ đội sẽ tìm đến người cuối cùng thì thôi”, Thượng tá Ất nói.