Những ngày qua, tại KTX trường Đại học Quốc gia TP.HCM, kiến ba khoang đã “tấn công” sinh viên, gây ra tình trạng lở loét, bỏng rát ở vùng da bị cắn. Nhiều sinh viên bị nhiễm độc nặng, viêm da dị ứng phải đến Bệnh viên Da liễu để điều trị.
Theo BS. Nguyễn Thị Bích Huê (Chủ nhiệm khoa Da liễu, Bệnh viện Quân Y 175), “độc tố của kiến ba khoang mạnh gấp 12-15 lần so với độc tố của rắn hổ mang.
Tuy nhiên, kiến ba khoang là loại côn trùng nhỏ với lượng độc tố ít nên chủ yếu là tổn thương ở ngoài da, không gây nguy hiểm đến tính mạng như rắn hổ mang”.
Nhận biết khi bị kiến ba khoang đốt
Để tránh những vết tổn thương loét sâu, người bệnh cần phân biệt giữa vết kiến ba khoang cắn và bệnh zona thần kinh, giời leo.
BS Nguyễn Thị Bích Huê (Chủ nhiệm khoa Da liễu, Bệnh viện Quân Y 175)
|
Triệu chứng của bệnh zona là đau nhức, chỉ tập trung ở một vùng da. Bệnh zona xuất hiện những mảng hồng ban, mụn nước, mọc thành chùm ở một vùng cơ thể.
“Khi bị kiến ba khoang cắn sẽ có triệu chứng đau rát. Bệnh nhân bị ảnh hưởng ở nhiều vùng da: ở mặt, tay, chân. Biểu hiện của vết đốt kiến ba khoang là những nốt hồng ban, mụn mủ, mụn nước hoặc các mảng trầy xước da chưa có dịch. Nếu ngứa gãi sẽ lan rộng đến vùng da lành, vùng nếp gấp.
Vùng da trên cơ thể bị kiến tiết nhiều độc tố sẽ gây ra viêm da nặng nề. Hoặc tùy theo mức độ vết đốt, nếu bị tổn thương sâu ở các vùng nhạy cảm (như mắt) dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như nhiễm trùng, sẹo, thâm... làm mất tính thẩm mỹ của làn da” – BS Bích Huê cho biết.
Tiến triển của vết đốt và cách xử lý khi bị kiến ba khoang cắn
Trong thời gian đầu, vùng da tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang sẽ xuất hiện các mẩn đỏ, mụn nước xung quanh, vết trầy xước. Sau vài ngày, những mảng đỏ trở nên nặng hơn với những mụn mủ, mụn nước, vết loét… Bệnh nhân sẽ có những triệu chứng đau rát, nóng rát tại vùng bị thương.
Sau khi lành, vết tổn thương do kiến ba khoang cắn gây mất thẩm mỹ (Ảnh: L.D.H.P) |
Để loại bỏ những độc tố tiếp xúc trên da, bệnh nhân cần rửa sạch bằng nước lã, tốt nhất rửa bằng cồn 70 hoặc 90 độ. Để phòng ngừa việc xuất hiện những mảng đỏ, phù nề, bệnh nhân nên bôi dung dịch corticoid giúp chống viêm trong giai đoạn đầu rất tốt.
Khi bị kiến cắn có thể xử lý tại nhà. Trường hợp bị nhiễm trùng, vết loét sâu bị bội nhiễm, bệnh nhân nên đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để điều trị.
Để phòng tránh kiến ba khoang, BS Bích Huê khuyến cáo, sử dụng lưới ở cửa sổ và cửa ra vào, hạn chế mở cửa nhiều. Bởi trong mùa mưa, kiến ba khoang thường bay vào nhà lúc trời chiều tối.
Chẳng hạn như: những người đi dã ngoại hoặc ngủ ở phòng có cửa sổ. Kiến ba khoang sẽ bay và “tấn công” vào các vùng da không được che chắn như: mặt, cổ, tay, chân…
Bên cạnh đó, khi tiếp xúc với kiến ba khoang cần đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót để tránh tiếp xúc trực tiếp. Người dân cũng nên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm xung quanh nhà.
Nếu phát hiện kiến ba khoang tại khu vực sinh sống, không nên ngồi gần các nguồn sáng như bóng đèn và thay đèn huỳnh quang bằng đèn có ánh sáng màu vàng. Bởi kiến ba khoang ưa thích ánh đèn huỳnh quang.