Bộ Tư pháp Mỹ cho biết trong hơn hai thập kỷ vừa qua, một số quan chức cấp cao của FIFA đã nhận hơn 150 triệu USD tiền hối lộ từ lãnh đạo các công ty thể thao và ngân hàng ở Mỹ và Nam Mỹ.
Các cáo buộc cũng nói rằng các khoản hối lộ được trao và nhận có liên quan tới “một công ty lớn chuyên đồ thể thao của Mỹ” là nhà tài trợ của đội tuyển quốc gia Brazil.
Mặc dù không nêu tên, nhưng bản cáo trạng nói rằng công ty này đã ký một hợp đồng tài trợ 10 năm có trị giá 160 triệu USD với đội Brazil từ năm 1996 - trùng khớp với hợp đồng của Nike.
Cáo trạng cũng nêu rõ, ba ngày sau khi ký hợp đồng tài trợ, một lãnh đạo thuộc công ty thể thao này đã đồng ý cho Traffic Brazil, một công ty tiếp thị thể thao thu thêm “phí tiếp thị.” Traffic sau đó đã gửi hóa đơn trị giá hơn 10 triệu USD cho công ty này trong ba năm tiếp theo - khoản tiền được các điều tra viên cho là khoản hối lộ.
Hợp đồng hiện tại của Nike với đội tuyển Brazil trị giá 34 triệu USD tài trợ mỗi năm cho đội bóng sẽ hết hạn năm 2018. Việc trở thành nhà tài trợ trang phục cho đội tuyển Brazil đã giúp Nike từ một thương hiệu chỉ nổi tiếng về giày chạy điền kinh và giày chơi bóng rổ trở thành một ông lớn về trang phục thể thao. Doanh thu từ các sản phẩm trang phục bóng đá của Nike đã vượt mốc 2,2 tỷ USD trong năm tài chính 2014, trong khi con số này năm 1994 chỉ là 40 triệu USD.
Trong một tuyên bố, người đại diện của Nike cho biết công ty “mạnh mẽ phủ nhận mọi cáo buộc thao túng hay hối lộ” và hiện đang hợp tác để điều tra sự việc. Các nhà đầu tư của Nike cũng không quan tâm lắm đến những cáo buộc này, và giá cổ phiếu của Nike chỉ giảm nhẹ chưa tới 1%. Thậm chí các nhà phân tích cho rằng công ty cũng sẽ không chịu tổn thất lớn kể cả khi có liên can đến sự việc.
“Người hâm mộ và người tiêu dùng quan tâm hơn đến việc vận động viên dùng doping hay dàn xếp tỷ số. Tôi cho là họ chẳng quan tâm mấy đến việc ai trả tiền cho ai để thực hiện hợp đồng tiếp thị,” Matt Powell, một nhà phân tích ngành công nghiệp thể thao nhận định.
Ngoài 9 quan chức FIFA bị buộc tội nhận hối lộ, các giám đốc tiếp thị bao gồm Alejandro Burzaco, Aaron Davidson, Hugo Jinkis và Mariano Jinkis cũng bị cáo buộc đã tống tiền, lừa đảo, rửa tiền cùng nhiều tội danh tham nhũng khác.
Họ bị buộc tội đã làm trung gian giữa FIFA và sáu liên đoàn châu lục, và kiếm tiền từ việc bán bản quyền truyền thông và tiếp thị cho các công ty lớn, các tập đoàn tài trợ và các mạng lưới truyền hình hay radio muốn tường thuật các trận đấu hay quảng cáo thương hiệu. Được biết, khoảng 4 tỉ USD trong số 5,7 tỷ USD doanh thu của FIFA giai đoạn 2011-2014 đến từ các hợp đồng bản quyền chiếu trên ti vi và quyền tiếp thị cho World Cup 2014.
Trong một tuyên bố hôm thứ Tư vừa qua, FIFA cho biết họ là “bên bị hại” trong cuộc điều tra này và tuyên bố “sẵn sàng hành động để xóa sổ những hoạt động sai trái trong bóng đá.” Trên thực tế, tình hình tài chính của FIFA thường khá mập mờ, với số liệu chi tiêu cũng như lương thưởng cho các quan chức và lợi nhuận đều không rõ ràng.
Theo VietNam+