Những sự kiện lớn của 2019 sẽ định hình tương lai

VietTimes -- Khi xem xét những sự kiện chủ chốt của năm 2019, có vẻ như một số sự kiện là điềm báo trước cho những xu hướng dài hạn trong tương lai và có thể đem đến những hậu quả tiêu cực toàn cầu. 

Nhiều trong số này được khơi mào hoặc trở nên trầm trọng hơn bởi các chính sách của Tổng thống Donald Trump – Nhận định của Tiến sĩ Terry Buss, Học viện Hành chính Công Hoa Kỳ viết riêng cho Viettimes.

Các sáng kiến biến đổi khí hậu đang thất bại?

Greta Thunberg, một nữ sinh 16 tuổi đến từ Thụy Điển đã bất ngờ vụt sáng trên sân khấu thế giới để dẫn đầu phong trào phản ứng toàn cầu đối với biến đổi khí hậu; ít nhất là cho trẻ em. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Hành động chống biến đổi khí hậu của LHQ ở New York tháng 9 vừa qua, Thunberg đã lên án các nhà lãnh đạo thế giới vì không chịu làm gì trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Vào tháng 12, sau khi đến Madrid trên một chiếc thuyền buồn khởi hành từ Mỹ, Thunberg lại một lần nữa phê phán kịch liệt các nhà lãnh đạo các nước tại Hội nghị COP25 vốn đang nhóm họp nhằm thúc đẩy hành động toàn cầu trước tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu. Thunberg đã được Tạp chí Time bình chọn là “Nhân vật của Năm”.

Bất chấp những nỗ lực hết sức của mình, Thunberg thất vọng phê phán các cuộc họp vẫn nói nhiều hơn làm. Thật vậy, Hội nghị COP25, vốn hướng tới việc thực sự hành động trong vấn đề khí hậu, đã trở thành một nỗ lực thất bại khác của các quốc gia khi không thể tìm được sự đồng thuận trong kế hoạch và triển khai.

Các quốc gia đang phát triển mâu thuẫn với các nước phát triển; các quốc đảo bất đồng với các nước lục địa; những nước gây ô nhiễm lớn đối chọi với những nước hành động tích cực vì khí hậu; nước giàu đối chọi nước nghèo. Giờ đây, việc hành động sẽ phải đợi cho đến tận năm sau.

Năm 2019 ghi nhận những bước thụt lùi trong nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Năm 2019 ghi nhận những bước thụt lùi trong nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

Trên tất cả những điều này, Đức, Anh và các nhà lãnh đạo khác trong vấn đề khí hậu đã tuyên bố rằng họ sẽ không thể đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải trong tương lai gần. Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác thậm chí còn đang xúc tiến xây thêm nhiều nhà máy điện than, khiến cho tình hình vốn đã xấu nay càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Pháp đã phải hứng chịu hàng tháng trời biểu tình bạo động của những người lao động thu nhập thấp, những người bị buộc phải trả thuế vận tải cắt cổ để tài trợ cho biến đổi khí hậu: thuế này đã phải hủy bỏ. Brazil thì phủ nhận toàn bộ tình trạng khẩn cấp biến đổi khí hậu.

Sớm thôi, Trump sẽ rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris. Nhưng điều thú vị là, sự hỗ trợ của Trump cho ngành công nghiệp sử dụng công nghệ “fracking” sản xuất khí đốt sạch, cùng với các sáng kiến của các chính quyền bang và khu vực tư đã giúp Mỹ đạt được một số mục tiêu khí hậu mà các nước khác còn chưa làm được.

Liệu 2019 sẽ được nhớ đến như là năm mà các nhà lãnh đạo thế giới đã thất bại trong việc hành động khẩn cấp vì biến đổi khí hậu?.

Giáo hội Công giáo đang sụp đổ?

2019 là năm hỗn loạn nhất của Nhà thờ Công giáo và các tín đồ của nó kể từ thời Cải cách Tin lành đã chia rẽ Giáo hội vào thế kỉ 16. Giáo hoàng Francis, được bầu vào năm 2013 để dẫn dắt Giáo hội, theo nhiều tín đồ Công giáo, đã gây ra những chia rẽ khó có thể hàn gắn.

Vào tháng 2, Giáo hoàng Francis đã triệu tập hội nghị cấp cao giới lãnh đạo giáo hội nhằm giải quyết nạn dịch ấu dâm của các linh mục đang lan rộng toàn cầu. Hàng ngàn nạn nhân ở nhiều quốc gia đã cáo buộc hàng trăm linh mục tội lạm dụng tình dục trẻ em.

Một trong số những thủ phạm nổi tiếng nhất là Hồng y George Pell, người đứng đầu Giáo hội Australia: hiện đang thụ án tù vì tội lỗi của mình. Các nhà lãnh đạo khác của Giáo hội lần lượt từ chức.

Người biểu tình phản đối trong chuyến thăm của Giáo hoàng Francis đến Dublin do bê bối ấu dâm của các linh mục.
Người biểu tình phản đối trong chuyến thăm của Giáo hoàng Francis đến Dublin do bê bối ấu dâm của các linh mục.

Vị Giáo hoàng đã về hưu Benedict cùng nhiều lãnh đạo Công giáo khác cũng công khai lên án nạn dịch ấu dâm. Tuy nhiên, hội nghị trên, theo các nhà phê bình, mang tính chất nói nhiều hơn làm.

Ngày 14 tháng 12, sau 6 năm lảng tránh vấn đề và tuyên bố nó không tồn tại, Giáo hoàng Francis cuối cùng cũng công bố rằng ông sẽ rút lại chính sách của Giáo hội bảo vệ những linh mục khỏi phải đối mặt với các cáo buộc hình sự hoặc các trừng phạt của giáo hội cho các hành vi ấu dâm và lạm dụng tình dục các nữ tu.

Trong quá khứ, các hồ sơ và báo cáo về hành vi lạm dụng đã bị phá hủy và những người phạm tội được điều chuyển sang công việc khác để thoát trách nhiệm. Rất ít người bị truy tố hình sự.

Cũng trong tháng 12, một vụ bê bối khác đã nổ ra liên quan đến Quỹ Pence của Peter, một quỹ huy động tiền trên khắp thế giới để hỗ trợ người nghèo. Người ta khám phá ra sự thật rằng chỉ có khoảng 10% tiền quỹ được đưa đến cho người nghèo, số còn lại được dùng để bù đắp khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ từ khâu quản lý.

Vào tháng 11, Giáo hoàng Francis thừa nhận rằng đã có tình trạng tham nhũng quy mô lớn trong quỹ. Ngoài ra, bộ phận tài chính của Vatican tiếp tục bị điều tra về tham nhũng và các hành vi sai trái khác.

Hồi tháng 8, lần đầu tiên Giáo hội và Chính phủ Trung Quốc cùng thông qua việc bổ nhiệm các giám mục ở nước này. Các nhà phê bình hài lòng với kết quả bổ nhiệm nhưng chỉ trích vai trò của chính phủ Trung Quốc trong tiến trình này.

Phải chăng Giáo hội Công giáo đang đứng bên bờ vực của sự sụp đổ?

Nhà nước Hồi giáo có thực sự bị đánh bại?

Năm 2019 chứng kiến cảnh Nhà nước Hồi giáo (IS) bị trục xuất khỏi mảnh đất cuối cùng mà IS đã tuyên bố chủ quyền khi tổ chức này cưỡng chiếm các phần lãnh thổ của Syria và Iraq kể từ năm 2011. Tháng 11, Abu Bakr al-Baghdadi, lãnh tụ IS đã sử dụng áo khoác tự sát để cho nổ tung bản thân và gia đình, thay vì đầu hàng Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ.

Cuộc chiến 8 năm chống Hồi giáo cực đoan có thể vẫn chưa kết thúc. IS vẫn còn một số tay súng ở các vùng hẻo lánh. IS đang khuyến khích các cảm tình viên thực thi các hành động khủng bố.

Nhà nước Hồi giáo liệu có thể bị diệt trừ hoàn toàn khi nhiều chiến binh và cảm tình viên của tổ chức này vẫn đang hoạt động ở nhiều khu vực hẻo lánh?
Nhà nước Hồi giáo liệu có thể bị diệt trừ hoàn toàn khi nhiều chiến binh và cảm tình viên của tổ chức này vẫn đang hoạt động ở nhiều khu vực hẻo lánh?

Mặt khác, các tay súng IS và gia đình của họ bị bắt giữ ở Syria và Iraq có thể trở về quê hương nơi họ có thể tham gia vào nhiều hoạt động khủng bố hơn.

Hầu hết các nước đều lưỡng lự không muốn tiếp nhận các “cựu khủng bố” trở về, và một số nước đã thu hồi quyền công dân. Những nước khác thì muốn các tay súng IS được đưa ra xét xử ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đang giam giữ 1200 tay súng, đã đe dọa sẽ gửi trả những chiến binh này về nước nhằm trả đũa cho việc EU không chấp thuận cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU.

Liệu có khả năng IS vẫn tiếp tục tồn tại như một tổ chức khủng bố lớn ngay cả khi nó đã mất đất và nhiều thành viên?

Nền dân chủ Mỹ sẽ vẫn đứng vững?

Có hai vấn đề chính trị nổi bật trong năm 2019:

Phe Dân chủ đã cố gắng không ngừng để phế truất Donald Trump kể từ ngày ông này nhậm chức tổng thống vào 20 tháng 1 năm 2017.

Phe Dân chủ tin rằng Trump đã gian lận để giành thắng lợi trước Hillary Clinton trong cuộc bầu cử 2016, rằng ông ta là một điệp viên Nga, hay một con rối của Putin, và rằng ông ta là một mối đe dọa đối với các giá trị Mỹ và an ninh quốc gia. Những người Dân chủ căm ghét Trump một cách không hề che giấu.

Sau 3 năm nỗ lực miệt mài để loại bỏ Trump, phe Dân chủ đã luận tội ông ta vì lạm dụng quyền lực tổng thống và cản trở Quốc hội. Trum giờ đây đang đối mặt với một phiên xử tại Thượng viện Mỹ nhằm quyết định xem liệu ông này có đang bị phế truất hay không.

Cuộc chiến luận tội đang làm xói mòn những giá trị cơ bản của nền dân chủ Mỹ
Cuộc chiến luận tội đang làm xói mòn những giá trị cơ bản của nền dân chủ Mỹ

Những người chỉ trích cho rằng trong nỗ lực loại bỏ Trump, phe Dân chủ đã vi phạm hàng loạt các trách nhiệm về đạo đức, pháp lý và hiến pháp. Tương tự như thế, tiến trình điều tra công bằng, kỹ lưỡng và tuân thủ công lý đã hoàn toàn thiếu vắng.

Dân chủ hầu như không có cơ hội nào để thành công trong nỗ lực luận tội của họ. Nhưng họ vẫn chế nhạo vào luật hiến pháp Mỹ, các giá trị mà dựa vào đó nước Mỹ được thành lập, cũng như các nguyên tắc của dân chủ.

Vấn đề thứ hai là Đảng Dân chủ cũng trở nên cực tả hơn bao giờ hết khi khởi xướng một nghị trình xã hội chủ nghĩa cực đoan. Những thành viên Quốc hội mới được bầu năm 2018 đã thu hút sự chú ý của quần chúng và truyền thông, và đẩy Đảng rời xa khỏi đường lối trung dung cốt lõi của mình.

Thêm vào đó, khoảng 10 ứng viên hàng đầu tranh cử tổng thống chống Trump năm 2020 đã trở thành những người cổ xúy cho chủ nghĩa xã hội vốn được thúc đẩy bởi ứng viên thất cử năm 2016 Bernie Sanders.

Những người Dân chủ muốn bảo hiểm y tế miễn phí, giáo dục miễn phí, bao gồm cả giáo dục đại học, hủy bỏ các khoản nợ sinh viên, trợ cấp lớn về nhà ở, đảm bảo mức lương có thể sống được, nhà trẻ, vv..vv.

Họ muốn biên giới mở và nhập cư bất hợp pháp không giới hạn. Họ sẽ cung cấp phúc lợi cho người dân dựa trên chủng tộc, giới tính, khuynh hướng tình dục, và thu nhập. Họ dự định trả cho những việc này bằng cách đánh thuế đến chết giới nhà giàu.

2019 sẽ là năm mà hố sâu đảng phái và chủ nghĩa xã hội sẽ đưa nước Mỹ vào con đường trở thành một “cộng hòa chuối”?

Đang có một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới?

Sau nhiều năm nỗ lực xóa bỏ vũ khí hạt nhân, 2019 chứng kiến sự phổ biến trở lại của vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Nga và Mỹ đã tái khởi động cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START), một thỏa thuận hạn chế việc thử nghiệm và sản xuất các vũ khí hủy diệt hàng loạt. Cả hai nước đều đổ lỗi cho nhau về việc từ bỏ START.

Trung Quốc, nước không tham gia kí kết START cũng đang bắt đầu đẩy nhanh chương trình vũ khí hạt nhân, đổ thêm dầu vào cuộc  chạy đua vũ trang nóng bỏng này.

Mỹ rút khỏi thỏa thuận với Iran, một thỏa thuận nhằm đình chỉ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này. Điều này đã thôi thúc Arab Saudi tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Mỹ cũng thất bại tại Hội nghị Thượng đỉnh Hà Nội hồi tháng 2 nhằm đạt thỏa thuận để Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân đe dọa Mỹ, Nhật và Hàn Quốc. Mối quan hệ giữa đôi bên đang xấu đi vì Bắc Triều Tiên trở nên thiếu kiên nhẫn khi tình hình không có tiến triển nào.

Mỹ và Trung Quốc hiện đang bước vào cuộc đua vũ trang hóa không gian: phát triển năng lực khai hỏa từ vũ trụ nhắm vào các mục tiêu trên Trái đất và vào các vệ tinh quay xung quanh nó. Chưa có một hiệp ước nào để kiểm soát vũ khí trong không gian.

Gần đây Mỹ đã thành lập Lực lượng Không gian như một nhánh thứ sáu của quân đội; Trung Quốc cũng đang làm điều tương tự.

Pakistan và Ấn Độ, cả hai đều sở hữu vũ khí hạt nhân thì giờ đang bị mắc kẹt trong cuộc xung đột không ngừng và đôi khi biến thành bạo lực xoay quanh tranh chấp lãnh thổ và tôn giáo.

2019 sẽ là năm mà vũ khí hạt nhân một lần nữa đe dọa hòa bình và an ninh toàn cầu?

Các liên minh mới đang hình thành?

Kể từ khi Donald Trump trở thành tổng thống năm 2017, các liên minh trên khắp thế giới đã sụp đổ và các liên minh mới được hình thành trong năm 2019.

Trump mắng mỏ các nước NATO vì đổ hết gánh nặng tài chính lên vai Mỹ. Liên minh đang sụp đổ và Pháp đang vận động cho một lực lượng quân sự EU mà không có Mỹ tham gia.

Iran, Nga và Trung Quốc bắt đầu các cuộc tập trận quân sự để đối trọng với Mỹ. Iran đang phải đương đầu với một cuộc nổi dậy khác của người dân để chống lại chế độ thần quyền nắm quyền. Các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt lên Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này đang tàn phá nền kinh tế quốc gia.

Iran đang can dự vào Syria, Yemen, Iraq và Gaza trong một nỗ lực nhằm kìm chân các lực lượng quân đội Mỹ trong các cuộc chiến tranh liên miên cũng như lật đổ quyền lực của Arab Saudi.

Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đã hợp tác với nhau mà không có Mỹ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nội chiến ở Syria, nơi các nhóm quân du kích, khủng bố, quân đội Mỹ, Syria và Iran đang xung đột.

Mỹ vẫn kiểm soát Trung Đông và đang tìm cách chuyển hướng chú ý sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Khi làm vậy, Mỹ đã bỏ ngỏ châu Phi và Mỹ Latinh. Trung Quốc hiện đang lấp chỗ trống quyền lực này bằng các thỏa thuận thương mại, đầu tư cơ sở hạ tầng, viện trợ quốc tế và hiện diện quân sự.

Nga thì đang chậm rãi nối lại các mối quan hệ đã mất với các cựu đồng minh khối Xô viết cũ.

Mỹ đang nỗ lực xây dựng các liên minh mới với Anh và Ấn Độ, cũng như sửa chữa các liên minh hiện tại với Hàn Quốc, Nhật Bản và Pakistan.

Trump đã nhường lại khá nhiều ảnh hưởng của Mỹ cho các nước khác. Cấu trúc cân bằng quyền lực toàn cầu mới sẽ có hình thù gì sau thời Trump?

Cuộc chiến tranh thương mại mới đang phá hủy Trật tự toàn cầu tự do?

Trung Quốc và Mỹ đang dấn sâu vào một cuộc chiến tranh thương mại gây hậu quả tiêu cực đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Cuộc chiến do Trump phát động dựa trên phàn nàn rằng chính quyền Mỹ tiền nhiệm đã nhượng bộ Trung Quốc để hỗ trợ cho sự tăng trưởng nhanh của nước này, nhờ thế Trung Quốc mới có thể gây dựng vị trí lãnh đạo trong hệ thống kinh tế thế giới.

Trump cũng buộc tội Trung Quốc ăn cắp các tài sản sở hữu trí tuệ và thực hành thương mại không công bằng. Cả hai nước hiện đã đạt được một thỏa thuận thương mại tạm thời, nhưng không ai biết nó sẽ kéo dài bao lâu.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ còn kéo dài và tác động tiêu cực đến toàn cầu.
 Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ còn kéo dài và tác động tiêu cực đến toàn cầu. 

Trump cũng gây chiến thương mại với EU, Nhật, Hàn Quốc, và Ấn Độ. Trước đó, Trump đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 12 quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương. Trump đang tìm kiếm một hiệp định thương mại lớn với Anh sau khi nước này rời EU.

Nhiều khả năng vào tháng 1 tới Trump sẽ thực thi một hiệp định thương mại tự do với Canada và Mexico, những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.

Hầu hết các chính sách thương mại của Trung Quốc, theo những người chỉ trích, đã vi phạm các chuẩn mực của Tổ chức Thương mại Thế giới (được thành lập năm 1995), và Trump đang cân nhắc làm điều tương tự. Ngoài ra, các hiệp định thương mại trên toàn cầu đang thay đổi khi các liên minh cải tổ để phù hợp với trật tự thế giới mới.

Liệu các cú sốc đối với trật tự toàn cầu sẽ làm sụp đổ hệ thống hiện tại vốn dựa trên pháp quyền, chuẩn mực và thực thi và dẫn tới một hệ thống nơi mà chính trị và quyền lực lũng đoạn thương mại?

Triển vọng cho Tương lai

Nếu nhiều hoặc tất cả các xu hướng được dự đoán trên đây trở thành hiện thực trong tương lai thì thế giới sẽ rất khác. Bất ổn có thể gia tăng khi các quốc gia phải vật lộn để đương đầu với những thách thức của thế giới mới.

Sẽ có những người thắng và kẻ thua rất khác. Không ai có thể biết những điều này sẽ diễn ra như thế nào.

Hãy cùng chờ xem năm 2020 sẽ đem tới những gì (?!).

Trường Minh (chuyển ngữ).