Những khoảnh khắc hài hước “bị lãng quên” của TT Trump

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Những sự kiện như vụ bạo động ngày 6/1 là điều người ta nhớ đến Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông rời nhiệm sở, nhưng vẫn còn những khoảnh khắc đáng nhớ khác về ông.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Trump không thiếu những khoảnh khắc hài hước và gây tranh cãi (Ảnh: AP)
Trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Trump không thiếu những khoảnh khắc hài hước và gây tranh cãi (Ảnh: AP)

Một số khoảnh khắc về ông Trump mang tính lịch sử, chưa từng có tiền lệ, và nhiều khoảnh khắc khác lại có phần kỳ cục.

Người dân Mỹ chắc hản còn nhớ việc ông Trump đề xuất rằng COVID-19 có thể bị đánh bại bằng cách tiêm chất tẩy rửa vào cơ thể người, hay lúc mà ông viết trên Twitter cụm từ “covfefe” (mà đến nay vẫn không ai hiểu là gì). Và còn nhiều khoảnh khắc bất thường và hài hước khác.

“Tấn công khủng bố” ở Thụy Điển

Trong những tháng đầu của nhiệm kỳ Tổng thống, ông Trump tận dụng sự nổi tiếng của mình và tổ chức nhiều cuộc tuần hành để giữ nhiệt huyết cho những người ủng hộ mình. Một trong những sự kiện như vậy được tổ chức ở Melbourne, Florida vào tháng 2/2017. Những người tham gia sự kiện đó rất hài lòng, nhưng lời lẽ của ông Trump ở trong nước lại làm rúng động một quốc gia ở cách đó hàng nghìn dặm.

Đoạn tweet khẳng định không có vụ tấn công nào xảy ra ở Thụy Điển (Ảnh: Twitter)

Đoạn tweet khẳng định không có vụ tấn công nào xảy ra ở Thụy Điển (Ảnh: Twitter)

Trong lúc đưa ra bình luận nhằm vào người nhập cư bất hợp pháp, ông Trump nói rằng một vụ tấn công khủng bố có thể xảy ra trong đêm hôm trước. “Các bạn hãy nhìn xem điều gì xảy ra ở Thụy Điển vào tối hôm qua”; ông Trump nói. “Thụy Điển, ai mà tin được chứ? Thụy Điển!”.

Vấn đề ở đây là không có một vụ tấn công nào xảy ra cả. Phát ngôn này lập tức khiến cho Đại sứ quán Thụy Điển gọi điện tới Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu làm rõ. Trong khi đó, người dân Thụy Điển lại tận dụng phát ngôn của ông Trump để biến nó thành câu chuyện hài hước trên mạng, với hashtag #lastnightinSweden (Đêm qua ở Thụy Điển).

Miếng bánh chocolate tuyệt vời

Bữa tối giữa ông Trump và ông Tập tại Mar-a-Lago, Palm Beach, Florida ngày 6/4/2017 (Ảnh: Reuters)

Bữa tối giữa ông Trump và ông Tập tại Mar-a-Lago, Palm Beach, Florida ngày 6/4/2017 (Ảnh: Reuters)

Trong hội nghị thượng đỉnh song phương đầu tiên của mình trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Trump tổ chức một bữa tiệc ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của mình ở Palm Beach, Florida vào tháng 4/2017.

Tổng thống Mỹ đã đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo cười nói và vẫy tay trước ống kính camera để tạo cảm giác xoa dịu căng thẳng đang lớn dần giữa hai nước liên quan tới vấn đề thương mại.

Nhưng trong lúc hội nghị diễn ra, một quốc gia khác, Syria, bỗng chốc trở thành tâm điểm khi các bức ảnh về một vụ tấn công hóa học bị cho là do lực lượng chính phủ thực hiện nhằm vào thường dân ở Khan Shaykhun được công bố.

Trong lúc ông Trump và ông Tập dùng bữa tối, Tổng thống Trump đã ra chỉ thị tiêu diệt một căn cứ không quân của Syria bằng loạt tên lửa Tomahawk để gửi đi tín hiệu tới Tổng thống Bashar al-Assad. Nhưng khi nhắc lại khoảnh khắc đó với kênh Fox Business, ông dường như lại nói sai tên quốc gia.

“Chúng tôi đã có một miếng bánh choccolate đẹp nhất mà các bạn từng thấy, và Chủ tịch Tập rất thích nó” – ông Trump kể lại – “Và điều đã xảy ra là, tôi nói với Chủ tịch Tập rằng chúng tôi vừa phóng 59 quả tên lửa tới Iraq và tôi muốn các bạn biết điều đó”.

Có lẽ Tổng thống Trump quên mất rằng ông vừa dội tên lửa vào Syria chứ không phải Iraq.

Cú xô đẩy tại hội nghị NATO

Ông Trump chỉnh lại áo khoác sau khi xô Thủ tướng Montenegro sang một bên (Ảnh: Reuters)

Ông Trump chỉnh lại áo khoác sau khi xô Thủ tướng Montenegro sang một bên (Ảnh: Reuters)

Thông thường, một cuộc họp NATO là sự kiện quy tụ các đồng minh quân sự, họ đưa ra những tuyên bố chung nhàm chán và tái khẳng định cam kết của mình. Nhưng khi ông Trump xuất hiện, không có gì là bình thường.

Tháng 5/2017, ông Trump khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng ông sẽ hành xử ra sao trong hội nghị NATO đầu tiên của mình ở Brussels (Bỉ). Bởi trước đó, ông từng chỉ trích kịch liệt khối đồng minh này trong chiến dịch tranh cử, gọi nó là “lỗi thời”.

Và dễ đoán thay, ông Trump chỉ trích các đồng minh NATO trong hội nghị năm đó, yêu cầu các nước thành viên phải chia sẻ công bằng khoản đóng góp cho tổ chức. Nhưng bài phát biểu đó vẫn chưa phải khoảnh khắc đáng chú ý nhất của ông.

Khi các nhà lãnh đạo tụ họp để chụp ảnh, ông Trump bị bắt gặp xô đẩy Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic sang một bên để ông chen lên trước, trở thành nhân vật trung tâm của bức ảnh. Vào lúc đó, Montenegro, một quốc gia vùng Balkan, đang tìm cách gia nhập NATO, động thái mà Nga phản đối, bởi vậy mà sự việc này đặc biệt khiến người dân Montenegro phẫn nộ.

Ném giấy vệ sinh cho người hoạn nạn

Màn ném giấy gây tranh cãi của Tổng thóng Trump (Ảnh: Reuters)

Màn ném giấy gây tranh cãi của Tổng thóng Trump (Ảnh: Reuters)

Thảm họa thiên nhiên luôn là sự kiện hủy diệt thách thức tinh thần của con người. Nhưng đó cũng là thời điểm tốt để một vị Tổng thống thể hiện thái độ tích cực bằng cách khắc phục hậu quả. Khi siêu bão Maria tàn phá Puerto Rico vào tháng 9/2017, Tổng thống Trump cũng thể hiện theo cách đó.

Hàng trăm người thiệt mạng, hàng nghìn người mất nhà cửa và nhiều người sống trong tình trạng không có điện. Gần 2 tuần sau, Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melania tới San Juan để cứu trợ. Ông Trump đã nói chuyện với các quan chức quản lý cơ quan khắc phục thảm họa, các nạn nhân và tới thăm một số vùng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Nhưng sau đó, ông đã làm một hành động khiến người ta quên hết những thứ khác mà chỉ nhớ tới hành động đó.

Khi ông tới thăm một nhà thờ, ông quyết định giúp người ta phân phát hàng cứu trợ. Khi ống kính camera quay tới, Tổng thống bắt đầu ném các cuộn giấy vệ sinh cho các nạn nhân, như thể họ là những người chiến thắng trong một hội chợ. Thị trưởng của San Juan, ông Carmen Cruz, sau đó chỉ trích hành động này của ông Trump là “tệ hại”, cho rằng ông ít quan tâm tới những người sống ở đó.

Trump chào tướng Triều Tiên kiểu nhà binh

Ông Trump chào tướng lĩnh Triều Tiên theo kiểu nhà binh (Ảnh: Politico)

Ông Trump chào tướng lĩnh Triều Tiên theo kiểu nhà binh (Ảnh: Politico)

“Tình bạn” giữa ông Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể là một trong những di sản tồn tại lâu nhất trong chính sách ngoại giao của ông. Trump là vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên gặp gỡ một nhà lãnh đạo Triều Tiên, đây là một cột mốc đáng nhớ đối với hai quốc gia không có quan hệ ngoại giao chính thức.

Hai nhà lãnh đạo ban đầu đe dọa lẫn nhau, trong đó Tổng thống Trump còn gọi ông Kim là “Người tên lửa” (Rocket Man), phía Triều Tiên cũng chỉ trích và chế giễu ông Trump. Nhưng cuối cùng, hai nhà lãnh đạo vẫn tổ chức các hội nghị thượng đỉnh tại Singapore và Việt Nam để thu hẹp sự khác biệt.

Tháng 6/2018, trong cuộc gặp đầu tiên của họ ở Singapore, ông Trump đã tạo nên một thứ lịch sử khác biệt. Truyền thông Triều Tiên bắt được khoảnh khắc ông Trump chào tướng lĩnh Triều Tiên kiểu nhà binh. Đây là hành động bất thường đối với một Tổng thống Mỹ. Đảng Dân chủ, lúc bấy giờ, nhấn mạnh rằng hành động trên có thể được Bình Nhưỡng sử dụng trong các đoạn video tuyên truyền.

Cuộc gọi từ “Ông già Noel”

Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melania gọi điện cập nhật về tình hình di chuyển của Santa Clause trong ngày 24/12/2018 (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melania gọi điện cập nhật về tình hình di chuyển của Santa Clause trong ngày 24/12/2018 (Ảnh: Reuters)

Collman Lloyd đã nhận được cú điện thoại “để đời” vào ngày 24/12/2018. Tổng thống của nước Mỹ muốn gửi lời chúc Giáng sinh cho bé gái 7 tuổi này. Nhưng mọi chuyện không được như mong đợi.

Sau một hồi trò chuyện gần lò sưởi bên trong Nhà Trắng, ống kính camera chộp được khoảnh khắc ông Trump hỏi cô bé sinh sống ở South Carolina rằng: “Cháu vẫn tin vào Santa?”. Câu trả lời của cô bé khiến ông Trump cười thích thú, nhưng lại khiến nhiều bậc cha mẹ yêu quý Santa Clause trên khắp nước Mỹ phải lo lắng.

Đêm của thức ăn nhanh

Bữa tiệc toàn đồ ăn nhanh được ông Trump tổ chức tại Nhà Trắng (Ảnh: AP)

Bữa tiệc toàn đồ ăn nhanh được ông Trump tổ chức tại Nhà Trắng (Ảnh: AP)

Hãy tưởng tượng các bạn được mời tới Nhà Trắng để dùng bữa tối cùng Tổng thống Mỹ. Đó là một niềm vinh dự chỉ ít người có được. Bạn mong đợi sẽ được đến một phòng ăn nơi mà nhiều người nổi tiếng, lãnh đạo thế giới được chia sẻ cùng một niềm vinh dự…Cuối cùng, Tổng thống bước vào và món chính được dọn ra: Đồ ăn nhanh!

Đó là điều đã xảy ra khi Clemson Tiger, đội chiến thắng trong giải vô địch bóng bầu dục Mỹ, tới Nhà Trắng dự bữa tối vào tháng 1/2019.

“Chúng tôi có pizza, khoảng 300 chiếc hamburger, rất nhiều khoai tây chiên, mọi thứ đồ ăn ưa thích của chúng tôi” – ông Trump khoe với các phóng viên, khi các món nổi tiếng đến từ các chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh KFC, McDonald’s, Wendy’s và Burger King được dọn lên bàn.

Tổng thống Trump nói rằng ông không còn lựa chọn nào khác ngoài thức ăn nhanh, do chính phủ lúc đó bị đóng cửa một phần, khiến cho bếp ăn của Nhà Trắng ngừng hoạt động.

Thư ký báo chí Sarah Sanders sau đó cho hay Tổng thống đã tự bỏ tiền túi để tổ chức bữa tiệc.

Mua lại Greenland

Thoạt đầu nghe giống như một trò đùa: Tổng thống Mỹ muốn mua lại đảo Greenland. Những lời đồn thổi về điều này bắt đầu xuất hiện vào tháng 8/2019. Tuy nhiên, sau khi tờ Wall Street Journal dẫn một số nguồn tin nói rằng điều này là sự thực, Tổng thống Trump một lần nữa lại bị đẩy vào cuộc cãi vã với một đồng minh NATO thân thiết. Lần này là Đan Mạch, vương quốc quản lý Greenland.

“Đó là một thỏa thuận bất động sản thực sự lớn” – Tổng thống Trump xác nhận với các phóng viên. Ông cũng cho rằng Greenland sẽ tạo cho nước Mỹ thuận lợi chiến lược ở vùng Cực. Nhưng chính phủ Đan Mạch lại tỏ rõ sự không hài lòng.

“Greenland không phải để bán” – Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen khẳng định – “Tôi hy vọng rằng đây không phải điều nghiêm túc”.

“Ở nhà một mình 2”

Một phân cảnh có ông Trump trong phim "Home Alone 2" bị CBC cắt (Ảnh: NYTimes)

Một phân cảnh có ông Trump trong phim "Home Alone 2" bị CBC cắt (Ảnh: NYTimes)

Trước khi làm Tổng thống, sự nổi tiếng mà ông Trump có được phần lớn là nhờ chương trình truyền hình thực tế của ông, The Apprenctice. Nhưng ông cũng rất thích được xuất hiện trong các bộ phim Hollywood. Một trong những bộ phim đó là “Ở nhà một mình 2”: Lạc ở New York (Home Alone 2: Lost in New York) năm 1992.

Các nhà sản xuất bộ phim chắc hẳn chưa từng nghĩ rằng đoạn phim có ông Trump sẽ gây nên một vụ việc vào thời điểm nhiều năm sau đó, khi kênh truyền hình quốc gia Canada CBC cắt cảnh này khỏi bộ phim khi phát lại vào tháng 12/2019.

Cùng với sự phẫn nộ của những người ủng hộ ông Trump, con trai ông, Don Jr. đã lên Instagram chỉ trích CBC là “thảm hại”. Tổng thống Trump sau đó viết tweet về sự việc này, nói rằng Thủ tướng Canada Justin Trudeau đứng đằng sau vụ việc này bởi “Tôi đoán rằng Justin T không thích cho lắm việc tôi bắt ông ta chi tiền cho NATO hay Thương mại!”.