Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp -"Vị tướng huyền thoại" của dân tộc Việt Nam (25.8.1911- 25.8.2021), vị tướng của nhân dân mà cuộc đời và sự nghiệp gắn liền với những chiến thắng vĩ đại của dân tộc! Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người "anh cả" của QĐND Việt Nam, "Tư lệnh của các tư lệnh" "Chính ủy của các chính ủy" luôn là niềm tự hào và có sức lan tỏa, truyền cảm hứng vô tận, trở thành thần tượng của triệu triệu người con đất Việt và bạn bè khắp nơi trên thế giới. Tôi nhớ lại những phút giây "không thể nào quên" được gần gũi đại tướng.
Với tôi, ngay từ tấm bé cùng với bạn bè hay vào xem đá bóng trong sân bóng đá của Nhà máy giấy Lam Sơn (xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) con chim đầu đàn của ngành công nghiệp Thanh Hóa). Gần sân bóng đá có sân khấu, hội trường nơi tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Đặc biệt trong hội trường có nhiều ảnh chân dung của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bác: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp...Thú thật, lúc ấy còn nhỏ, tôi chưa biết được cụ nào là chức to hơn cụ nào. Nhưng, mỗi khi "đột kích" vào hội trường, bọn trẻ kéo nhau lại rồi dán mắt vào chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo trí tưởng tượng và nhận thức của đám trẻ: ảnh đại tướng là oách nhất và thu hút chúng tôi nhiều nhất. Vì, đại tướng rất oai phong lẫm liệt! Đại tướng mặc bộ quân phục màu trắng, hai bên cầu vai có 8 ngôi sao lấp lánh, trên ve áo có cành tùng rất đẹp. Đặc biệt đại tướng đội mũ cát bi (chúng tôi hỏi người lớn thì được biết là mũ cát bi- Kêpi). Khuôn mặt đại tướng thanh tú, đôi mắt sắc, hàng lông mày rất đẹp, khuôn mặt đại tướng phúc hậu vô cùng...
Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp tôi được nhìn thấy từ tấm bé |
Hình ảnh vị đại tướng tổng tư lệnh QĐND Việt Nam cứ theo tôi suốt cả cuộc đời từ lúc còn là học sinh cho đến khi vào quân ngũ, ra làm cán bộ đoàn rồi làm báo chuyên nghiệp. Đã có lần tôi rất gần đại tướng ở một số kỳ đại hội, hội họp ở thủ đô Hà Nội. Nhưng, được ở bên cạnh trò chuyện với đại tướng như con ở bên cha, người lính bên vị tướng lừng danh, nghe từng ý, từng lời cơ may mới có được.
Thế rồi, cơ may đã đến với tôi. Vào những ngày của tháng 1.2005, trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam xảy ra một số vụ tàu nước ngoài vô cớ quấy phá nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá trên biển. Và, trong một lần ra khơi của ngư dân một số xã thuộc huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc ( Thanh Hóa), tàu cá của ta bị tàu nước ngoài bao vây, cướp phá phương tiện. Quá quắt và ngang ngược hơn, chúng như những tên cướp biển xả súng giết chết 9 ngư dân, bắn bị thương 7 ngư dân khác và bắt đi 8 người!
Tác giả và một số đồng nghiệp Báo Thanh Niên tại nhà đại tướng |
Không thể lặng im trước sự ngang ngược, đê hèn của bọn người nước ngoài, tôi với tư cách là Trưởng đại diện Báo Thanh Niên tại Bắc Trung Bộ cùng với PV Ngọc Minh viết loạt bài phản ánh và lên án hành động bỉ ổi của bọn vừa ăn cướp, vừa giết người dã man và vi phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, vi phạm công ước quốc tế.
Sau khi công bố loạt bài trên Báo Thanh Niên vào một ngày tháng 2.2005, Tòa soạn Báo Thanh Niên nhận được điện thoại từ Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không biết điện thoại VP đại tướng nói gì, chỉ biết sau đó Phó TBT Báo Thanh Niên Nguyễn Quốc Phong giao nhiệm vụ "15h chiều nay anh đến nhà đại tướng làm việc với bà Đặng Bích Hà phu nhân đại tướng. Cùng đi với anh, tôi cử thêm một số anh em"!
Nguyên thượng sĩ QĐND Việt Nam bên Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp |
Đúng giờ, sau khi làm thủ tục ở cổng ra vào, chúng tôi được hướng dẫn vào phòng khách của gia đình đại tướng chờ đợi. Ít phút sau, bà Đặng Bích Hà xuất hiện. Trò chuyện với chúng tôi, khuôn mặt phu nhân đại tướng đượm buồn, bà Hà nói: tôi có đọc loạt bài về vụ tàu nước ngoài bắn ngư dân trên biển. Sau khi lên án những hành động dã man của bọn "cướp biển" phu nhân đại tướng nói: "trong số 9 ngư dân của Thanh Hóa thiệt mạng, có 2 gia đình là gia đình anh Trần Văn Hùng ở xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc và gia đình anh Nguyễn Văn Trọng ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, vợ của 2 anh này mất sớm, giờ các anh ấy lại bị giết để lại 3 đứa con thơ. Gia đình tôi nhờ Báo Thanh Niên chuyển số tiền không nhiều này đến 3 cháu nhỏ của 2 gia đình, phần nào chia sẻ và giúp các cháu qua cơn hoạn nạn. Phu nhân đại tướng nói trong nghẹn ngào và những giọt lệ rơi trên khuôn mặt phúc hậu của bà. Bà Hà nói tiếp "Tôi đề nghị báo không đưa tin..." Nhận số tiền từ phu nhân đại tướng, chúng tôi hứa sẽ đi Thanh Hóa ngay để chuyển số tiền đến tận tay các cháu.
Trò chuyện với bà Đặng Bích Hà xong, trong tôi day dứt, đã có cơ duyên đến nhà đại tướng, vị tướng lừng danh được cả dân tộc và bạn bè quốc tế ngưỡng mộ sao lại "không chớp thời cơ" để được gần đại tướng dù chỉ đôi phút. Tôi "liều mình" đề nghị với đại tá Nguyễn Huyên, thư ký đại tướng: chúng tôi rất muốn được gặp đại tướng dù chỉ một vài phút... Hiểu được nguyện vọng của chúng tôi, đại tá Nguyễn Huyên chấp nhận và sau vài phút báo cáo đại tướng, quay ra nói :"đại tướng đồng ý..."
Mấy phút chờ đợi, chúng tôi tranh thủ ngắm nhìn rất nhiều kỷ vật được trưng bày trong ngôi nhà của đại tướng rồi mung lung suy nghĩ, không biết khi gặp đại tướng mình sẽ ăn nói ra sao. 3 phút trôi qua, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện. Khoác trên người đại tướng không phải bộ quân phục màu cỏ úa quen thuộc mà là bộ vecton sẫm màu. Đại tướng tươi cười bắt tay chúng tôi rồi bảo chúng tôi ngồi xuống.
Ôi! đại tướng Tổng tư lệnh sao giản dị, gần gũi, thân thiện đến thế- tôi thoáng nghĩ! Câu đầu tiên đại tướng nói: chúc mừng Báo Thanh Niên có sự trưởng thành vượt bậc. Sau đó đại tướng hỏi tôi về công việc của anh, chị em trong cơ quan. Tôi xúc động, trấn tĩnh báo cáo vài nét hoạt động của Báo Thanh Niên và nói đôi điều về cá nhân với đại tướng: trước khi trở thành nhà báo cháu là thượng sĩ trong QĐND Việt Nam chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên...
Đại tướng cười hiền rồi nói: tuổi như đồng chí, hầu hết đều xếp bút nghiên ra chiến trường, bây giờ hòa bình không phục vụ quân đội mà hoạt động trên các lĩnh vực khác của xã hội, dứt khoát phải phát huy bản chất tốt đẹp của bộ đội cụ Hồ. Báo Thanh Niên do bác Hồ sáng lập. Bây giờ các đồng chí tiếp nối truyền thống, đấy là niềm tự hào nhưng trách nhiệm rất nặng nề. Các đồng chí phải hết sức cố gắng rèn luyện không chỉ kỹ năng, nghiệp vụ làm báo mà còn phẩm chất đạo đức. Làm báo lúc này có rất nhiều cám dỗ, các đồng chí vượt qua được sẽ càng trưởng thành. Tôi tin tờ Báo Thanh Niên cũng thế hệ trẻ hiện nay và tất cả anh, chị em làm báo của nước ta tiếp tục phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước để Việt Nam không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà còn anh hùng trong xây dựng đất nước...
Dòng người dài như vô tận viếng đại tướng |
15 phút trôi qua rất nhanh, trước khi chia tay đại tướng và gia đình, đại tướng nói với đại tá Nguyễn Huyên lấy cho đại tướng tờ giấy và cây bút để đại tướng gửi lời nhắn nhủ đến những người làm báo nói chung, Báo Thanh Niên nói riêng và thế hệ trẻ thời đại bác Hồ, tiếp tục học tập, nâng cao trình độ, nghiệp vụ, trau dồi đạo đức, cống hiến nhiều hơn nữa để xứng đáng với dân tộc Việt Nam anh hùng...Trân trọng cầm tờ giấy có những lời nhắn gửi của đại tướng trên tay chúng tôi bịn rịn và vô cùng xúc động chia tay đại tướng và gia đình...
dòng người từng bước từng bước một vào viếng đại tướng |
Khoảng năm 2012 tôi và nhà báo "ngựa chứng" Xuân Ba ( Báo Tiền Phong) "phát vãng" ở TP Thanh Hóa, trong lúc "chén tạc, chén thù" Xuân Ba nhận được điện thoại từ Hà Nội gọi. Nhìn nét mặt Xuân Ba, tôi linh tính có điều gì nghiêm trọng. Nghe xong điện thoại, Xuân Ba bảo tôi: mày có dịp nào ngồi bên cụ Giáp chưa? một lần- tôi trả lời! Thế thì mày chuẩn bị viết đi, tau nghe nói sức khỏe của cụ yếu lắm rồi...Và rồi từ đận Xuân Ba nói, sau 1 năm, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp- "Tư lệnh của các tư lệnh"- "Chính ủy của các chính ủy" - Vị tướng huyền thoại- Vị tướng nhân dân "ra đi" trong nỗi tiếc thương vô hạn của đồng bào cả nước và bầu bạn trên thế giới...