Nhà văn Đỗ Nhật Phi sinh năm 1991 và sống tại Hà Nội. Năm 2014, anh được trao giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 của Nhà xuất bản Trẻ với tác phẩm "Người ngủ thuê". Đỗ Nhật Phi còn được biết đến là một nhà văn của văn học mạng với các tác phẩm "Limited Doom - Cái chết giới hạn", "Crimson Apple - Quả táo đỏ", "Spectral City - Phố của thành phố".... Vì thế, VietTimes đã có cuộc trò chuyện cùng anh về vấn đề văn học mạng.
PV: Anh có thể cho biết đôi điều về văn học mạng?
Nhà văn Đỗ Nhật Phi: Nhiều nhà nghiên cứu ở Việt Nam đã nghiên cứu về dòng văn học này khoảng 10 năm rồi. Tuy nhiên, trong 5 năm gần đây, văn học mạng đã có sự phát triển nhiều so với trước. Xuất phát điểm là các tác giả đưa tác phẩm của mình lên mạng để tham khảo ý kiến độc giả và hướng tới xuất bản sách in. Song đến giai đoạn hiện nay thì văn học mạng không còn như thế nữa, mà đã hướng đến đời sống riêng của mình.
Với rất nhiều nhà văn, đặc biệt là giới trẻ, đời sống của họ không thể thiếu Internet. Vì thế, việc đưa tác phẩm của mình lên mạng cũng rất nhiều. Thậm chí, còn nhiều hơn những gì chúng ta tưởng tượng. Riêng trên các cộng đồng có thu phí bạn đọc, số lượng nhà văn người Việt đã ngót nghét con số 1.000. Còn trên các cộng đồng, hội nhóm Facebook thì số lượng có thể còn nhiều hơn.
PV: Văn học mạng có điểm khác thế nào với văn học truyền thống, thưa anh?
Nhà văn Đỗ Nhật Phi: Văn học mạng có sự dễ dãi hơn vì không phải chịu sự kiểm duyệt, biên tập, như văn học truyền thống, do không phải thông qua các nhà xuất bản. Đề tài của văn học mạng cũng có điểm khác là xuất phát từ những câu chuyện được chia sẻ trên mạng của cộng đồng.
Tất nhiên, văn học mạng của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn học mạng nước ngoài và nếu càng đi sâu thì càng thấy không ít tác phẩm chỉ phù hợp với môi trường này nên rất khó có thể chuyển sang thành sách in. Lý do thường là các tác phẩm này rất cồng kềnh mà chất lượng cũng không đủ cao, cô đọng, như văn học truyền thống, nên nhiều khi cũng bị các nhà xuất bản từ chối.
PV: Nhiều độc giả cho rằng văn học mạng có yếu tố chương hồi, tức là tác giả viết đến đâu thì đăng đến đấy và người viết phải làm sao hấp dẫn người đọc để tiếp tục đọc các phần sẽ tiếp tục đăng. Thực tế có phải vậy không, thưa anh?
Nhà văn Đỗ Nhật Phi: Thực tế, các tác giả, không chỉ với văn học mạng, đều phải có khung thiết kế đầy đủ cho tác phẩm của mình. Ngay như với lời giới thiệu cũng phải có “văn án” riêng. Điều này cũng là học tập từ văn học mạng của nước ngoài. Truyện trên mạng phải hành văn tốt, "sạch nước cản" để thu hút bạn đọc.
Văn học mạng có đặc tính riêng có là tính tương tác với độc giả, nên tác giả có thể biết được ngay phản hồi của với tác phẩm của mình. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng vào lúc đầu, khi văn học mạng mới chỉ xuất hiện trong các forum. Còn nay, trên các nền tảng có trả nhuận bút, tính tương tác lại không nhiều. Do đó, nếu các tác giả không chủ động giao lưu với độc giả qua các nền tảng khác, thì cũng không dễ nắm bắt được thực tế để điều chỉnh tác phẩm của mình.
Còn nói về nhuận bút, các tác giả trong nước khi tham gia văn học mạng hiện chỉ có được số tiền thua kém văn học truyền thống từ 5 – 10 lần. Tuy vậy, với một nước đông dân như Trung Quốc thì nếu có sức hút lớn với độc giả, văn học mạng sẽ có mức nhuận bút khá cao. Cộng đồng tác giả văn học mạng ở Trung Quốc không chỉ có lớp trẻ mà có cả nhiều tên tuổi lớn.
PV: Anh nghĩ gì về thơ xuất bản trên mạng?
Nhà văn Đỗ Nhật Phi: Đúng là thơ trên mạng phổ biến hơn văn học mạng. Có những bài thơ được tác giả đăng trên Facebook cá nhân chỉ sau một thời gian rất ngắn đã lan toả khủng khiếp, do được cộng đồng tiếp tục chia sẻ. Cũng phải nói thêm là khác với viết văn, nhiều người làm thơ ít ai quan tâm đến nhuận bút. Đó cũng là thực tế khi không ít nhà thơ tự bỏ tiền túi ra in thơ của mình rồi đem đi biếu tặng. Vì thế, đăng thơ trên mạng thường có sức lan toả nhanh hơn.
PV: Học văn trong nhà trường vẫn là "vấn nạn" với nhiều học sinh phổ thông và không ít em đã phải “đánh vật” quanh điểm 5. Theo anh, chúng ta cần phải có những thay đổi gì trong việc dạy và học văn học trong chương trình phổ thông?
Nhà văn Đỗ Nhật Phi: Theo tôi, vấn đề ở đây là “luật chơi”. Thực tế, “luật chơi” này đã bị áp đặt quá lâu và có lẽ môn văn chưa được đặt thật đúng vị thế của nó với cả thầy và trò. Học văn là để hoàn thiện nhân cách con người, là để diễn đạt bằng lời, bằng chữ cho những gì cần phải trình bày với mỗi cá nhân học sinh.
Vì thế, vấn đề cần thay đổi là làm sao dạy được học sinh có thể viết được những gì cần phải diễn đạt, trước hết là những điều thân thuộc của mình như gia đình, bạn bè, làng xóm, quê hương, ước muốn, dự định… thay vì đưa ra những bài văn mẫu để học sinh làm theo.
Cái mà chúng ta phải bồi đắp cho giáo dục phổ thông là ngôn ngữ và thẩm mỹ. Điều đó lại phụ thuộc vào bản thân từng giáo viên. Chính các giáo viên phải làm thế nào để bài giảng của mình thật sinh động và đem lại cảm xúc thực sự có ý nghĩa cho học sinh.
PV: Xin được hỏi anh thêm là duyên cớ nào đã đưa anh đến với nghiệp viết văn?
Nhà văn Đỗ Nhật Phi: Có lẽ vì tôi thích những cuộc phiêu lưu và những câu chuyện nảy sinh từ đó. Câu chuyện đầu tiên tôi viết năm học lớp 6 và đó là thể loại khoa học giả tưởng. Từ bé, tôi và các bè bạn đã diễn kịch theo những kịch bản do chính mình đặt ra.
Có lẽ không chỉ mình tôi thuở nhỏ mà bất cứ trẻ em nào cũng muốn kể ra những câu chuyện nọ, câu chuyện kia. Thực tế, không ít người có tài kể chuyện, dựng chuyện, nhưng với họ chỉ là văn nói mà không thể nào trở thành văn viết, vì họ thiếu kỹ năng viết.
Vì thế, nếu việc dạy văn trong nhà trường phổ thông cải cách thực sự và hiệu quả, ít nhất cũng làm được cho số đông học sinh biết diễn đạt thành văn những gì mà các em cần nói với xã hội.
PV: Xin cám ơn anh!