Nhà văn Bảo Ninh từ chối mạng xã hội, không nói qua nói lại về “Nỗi buồn chiến tranh”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Không dùng mạng xã hội, không đọc báo, nhà văn Bảo Ninh từ chối tranh luận, cãi cọ trên mạng, không nói qua nói lại về “Nỗi buồn chiến tranh”. Ông dành cho phóng viên VietTimes một cuộc phỏng vấn độc quyền.
Nhà văn Bảo Ninh - Ảnh Nguyễn Đình Toán
Nhà văn Bảo Ninh - Ảnh Nguyễn Đình Toán

Ai là người dịch “Nỗi buồn chiến tranh”?

Phóng viên: Thưa nhà văn, dịch giả Phan Thanh Hảo lên tiếng cho rằng chị ấy mới là người dịch cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” sang tiếng Anh, còn Frank Palmos chỉ là người biên tập cuốn sách. Nhưng sau này, vì những bất đồng trong công việc dịch thuật nên chị Hảo đã tự rút ra khỏi mọi việc liên quan đến cuốn sách. Sự thật thế nào thưa nhà văn?

Nhà văn Bảo Ninh: Sự thật là tất cả ấn bản tiếng Anh của “Nỗi buồn chiến tranh” bằng tiếng Anh được xuất bản ở nhiều nước trên thế giới đều ghi rõ dịch giả chuyển ngữ gồm có Frank Palmos, Võ Thị Băng Thanh và Phan Thanh Hảo. Bà Võ Thị Băng Thanh là mẹ chị Phan Thanh Hảo.

Chị Hảo có rút ra hay không thì tôi không rõ nhưng ban đầu chính Frank Palmos và chị Hảo đã dắt nhau đến gặp tôi để trao đổi về việc dịch cuốn sách sang tiếng Anh. Họ nói là một người dịch thô, một người trau chuốt lại. Tôi thấy thế cũng đúng, vì ông Palmos không đủ tiếng Việt để dịch thẳng từ tiếng Việt được.

Ông Frank Palmos là một nhà văn, đồng thời, là cựu nhà báo chiến trường, bị thương trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Hồi đó khi tấn công Sài Gòn, hầu hết những người lính Mỹ đi cùng bị thương, hoặc hy sinh nhưng ông Palmos may mắn kịp hô lên bằng tiếng Việt: “Tôi là nhà báo!” nên anh bộ đội đã dừng tay không bắn. Sau này ông Palmos có đi tìm lại người chiến sĩ năm xưa thì anh bộ đội đó đã hy sinh.

Ông Palmos kể với tôi rằng chính vì ân tình với Việt Nam nên ông ấy muốn dịch cuốn sách, chứ không phải ông ta đi tìm những chuyện ly kỳ, giật gân. Chị Phan Thanh Hảo hồi đó là cán bộ Bộ ngoại giao, có chuyên môn về báo chí, cũng đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm nên rất có kinh nghiệm. Tôi thấy thế thì đồng ý cho họ chuyển ngữ.

Về việc chuyên môn trong quá trình chuyển ngữ, tôi không biết tiếng Anh nên không can thiệp gì vào công việc của họ. Hơn nữa, hai dịch giả rất thân nhau. Tất nhiên khi chuyển ngữ, tôi cũng lo chứ, nên mỗi khi nói chuyện với các nhà văn nước ngoài, tôi đều hỏi họ đọc bản dịch “Nỗi buồn chiến tranh” thấy chất lượng dịch thuật thế nào? Tất nhiên cũng có người chê nhưng đa phần các nhà văn Anh, Mỹ đều khen bản dịch của Frank Palmos và Phan Thanh Hảo là tốt.

Sau này, tôi có biết là giữa chị Hảo và ông Palmos có bất đồng, nhưng cụ thể thế nào tôi không nắm được. Họ biết tiếng Anh nên họ trao đổi với nhau nhiều chứ ông Palmos có nói gì nhiều với tôi được đâu. Ông Palmos đã về Úc lâu rồi. 

Nỗi buồn chiến tranh bản dịch tiếng Anh (Ảnh: Bảo tàng Văn học, Hòa Bình ghép)
Nỗi buồn chiến tranh bản dịch tiếng Anh (Ảnh: Bảo tàng Văn học, Hòa Bình ghép)


*Thưa ông, nhà văn có thể không biết ngoại ngữ, nhưng cũng không thể để bản dịch có những chi tiết sai hẳn đi. Ví dụ như chi tiết dịch giả Phan Thanh Hảo cho rằng
việc tìm hài cốt những người lính Việt Nam đã hy sinhhoàn toàn tự nguyện, bởi vì những người lính ấy đã từng hứa với nhau, nếu ai mất đi, người còn sống sót sẽ tìm, và đem hài cốt về quê hương. Thế mà Frank Palmos đã biến thành các đội MIA của Việt Nam, như là một nhiệm vụ được giao?

Nhà văn Bảo Ninh: Chị Phan Thanh Hảo không ở chiến trường, không trong quân ngũ nên không hiểu, chứ trong quân ngũ mà làm gì có nhiệm vụ nào tự phát. Nếu không phải là được tổ chức giao nhiệm vụ thì ai là người được phép vào các chiến trường, đào xới lên để tìm hài cốt người đã khuất?

Bộ đội Việt Nam đã tiến hành các chiến dịch tìm kiếm đồng đội từ năm 1973, sau Hiệp định Paris. Đến 1975, sau khi hoàn toàn giải phóng, vẫn có một số chiến sĩ được giữ lại để thực hiện nhiệm vụ thu nhặt hài cốt của đồng đội. Tôi chính là một trong số đó. Tôi được giữ lại thêm gần một năm nữa rồi mới giải ngũ.

*Thưa ông, dịch giả Phan Thanh Hảo nói rằng mặc dù công biên tập của Frank Palmos cũng rất lớn, làm cho tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh" mang văn phong báo chí hơn, và dễ làm xúc động độc giả phương Tây hơn, nhưng nhiều chi tiết chị ấy không đồng ý, còn ông lại “nghe theo” Palmos? Chẳng hạn như điều thứ ba sai lệch so với nguyên bản là những hồn ma trong chiến trường miền Nam lại nói tiếng Nga. Chúng ta đã khẳng định với phía Mỹ là làm gì có lính Nga ở chiến trường miền Nam?

Nhà văn Bảo Ninh: Làm gì có chi tiết đó nhỉ? Nếu có, thì đúng là điên thật. Nhưng tôi không tin là có chi tiết đó. Nếu có thì bao nhiêu độc giả là các nhà báo Mỹ họ đã “vồ lấy” ngay và gọi ầm lên cho tôi từ lâu rồi. Đấy là một sự việc nghiêm trọng động trời ấy chứ. Làm gì có lính Nga (Xô viết) ở chiến trường miền Nam?

Chắc chị Hảo bực mình quá nên nói vậy chứ tôi là tác giả, nếu chị Hảo đã nói với tôi chi tiết đó, làm sao tôi lại chấp nhận được?

Tôi đã nói là tôi không rành tiếng Anh. Ai đọc được chi tiết đó ở dòng nào, trang mấy, ấn bản nào, gửi cho tôi với. Giá tôi giỏi tiếng Anh nhỉ. Nhưng mà chuyện dịch thuật là chuyện của các dịch giả với nhau chứ. Tôi đã bảo không biết thì có nên sa vào những chuyện này không?

Nhà văn Bảo Ninh không muốn
Nhà văn Bảo Ninh không muốn "nói qua nói lại" về "Nỗi buồn chiến tranh" (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)


Cao giá và “xuống giá” trí thức Việt

*Chị Phan Thanh Hảo nói rằng khi trao bản dịch cho Frank, chị hoàn toàn không quan tâm đến tiền nhuận bút. Mặc dù Nick Cumming Bruce, làm cho tờ “The Guardian” có nói là tiền dịch rất lớn, nếu so sánh với thu nhập của người Việt Nam lúc đó. Mặt khác chị Hảo cho biết đã chuyển cho ông 800 USD tiền nhuận bút 40 trang đầu lúc chị chuyển ngữ. Sự thật về việc này ra sao thưa ông?

Nhà văn Bảo Ninh: Đúng là hồi đó tôi có nhận được 800 USD từ chị Phan Thanh Hảo. Tôi thật sự rất cảm ơn chị ấy vì số tiền đó lúc ấy khá to. Nhận được tiền, tôi mang đi mua luôn một chiếc xe máy. Tất cả số tiền tôi nhận được từ việc dịch thuật cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” sang tiếng Anh chỉ có thế.

Nhưng mặt khác, khi nhà xuất bản bên Anh biết câu chuyện về việc tôi nhận được 800 USD, họ đã cử người sang tận Hà Nội tìm gặp tôi. Trả lời họ, tôi cũng nói thật là đã nhận được 800 USD vì sự thật chỉ có thế. Họ tỏ ra rất giận dữ, vì họ nói, ở nước Anh, việc trả tiền dịch thuật là khoản khác và trả cho tác giả là khoản khác, cả hai khoản này đều rất cao chứ họ không bao giờ lại đi trả cho tác giả chỉ có 800 USD.

Nhưng lời tôi nói chỉ là tôi nói. Nếu tốt nhất, hãy kiểm chứng với NXB bên Anh. Mà chuyện lâu quá rồi. Ngay cả hồi đó, tôi cũng nghe vậy và biết vậy thôi. Hồi đó, cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” mới bị ầm ĩ lên sau vụ trao giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1991. Mọi người bảo tôi được dịch ra tiếng Anh là may mắn rồi. Nên tôi không kêu ca, cũng chẳng lên tiếng làm gì.

Có thể có một chuyện tức tối gì đó lâu năm thành ra phẫn nộ. Chị Hảo bảo là không gặp tôi chứ thật ra thỉnh thoảng vẫn có gặp nhau. Chị Hảo sống ở Sóc Sơn, gần Phủ Thành Chương. Đáng tiếc là gặp nhau thì lại không nói.

Dịch giả Frank Palmos và chị Phan Thanh Hảo rất thân nhau, họ vẫn giữ liên lạc với nhau, họ còn gặp nhau sau đó. Ông Frank Palmos giờ đã già, nghe nói ông ấy yếu lắm rồi. Mọi việc xảy ra trong quá khứ giữa ông Frank Palmos với chị Phan Thanh Hảo thế nào, tôi không biết, sao tự nhiên 30 năm rồi giờ lôi lại làm gì? Những việc này nói ra có thể nào chính xác được không? Tự nhiên khiến cho bên ngoài nhìn các trí thức Việt Nam có vẻ “xuống giá” quá.

Nhà văn Bảo Ninh từ chối mạng xã hội, không nói qua nói lại về “Nỗi buồn chiến tranh” ảnh 3

"Nỗi buồn chiến tranh" bản dịch tiếng Anh - Ảnh - Bảo tàng Văn học

*Chị Phan Thanh Hảo nói rằng ngay cả việc ông và dịch giả Frank Palmos “dắt tay nhau” đi nhận giải thưởng của The Independent cũng phải mãi sau này chị Hảo mới biết, nên chị không quan tâm, cho dù giải thưởng có là một tỉ USD hay bao nhiêu chăng nữa?

Nhà văn Bảo Ninh: Tôi có đi nhận giải của Independent đâu. Thời gian đấy (năm 1996) tôi ở Hà Nội suốt. Hồi đó cuốn sách vừa bị ầm ĩ xong, tôi đi nước ngoài đâu có dễ dàng gì. Mà hồi đó cả xã hội cũng chẳng có điều kiện thuận lợi như bây giờ. Thấy thủ tục xin đi có vẻ khó, tôi thôi luôn.

Cũng phải nói thật, bản dịch tiếng Anh đó có thể là bản đầu tiên, chứ không phải tất cả. Sau này, rất nhiều nước đã xin dịch cuốn sách, như Ba Lan, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản v.v. đều dịch thẳng từ tiếng Việt chứ không dịch từ tiếng Anh. Nhật Bản và Hàn Quốc đều trao giải thưởng cho “Nỗi buồn chiến tranh” nhưng phải là bản dịch thẳng từ tiếng Việt. Sau này, các nước trao giải thưởng, quan hệ giữa Việt Nam với các nước đã rộng ra rồi, tôi đều được động viên đi dự và nhận giải.  

*Là vì như nhiều người, cả trong nước và quốc tế đánh giá, “Nỗi buồn chiến tranh” là tác phẩm đại diện cho văn học Việt Nam, góp phần hàn gắn vết thương, khiến cho cựu binh Mỹ và Việt Nam gần nhau hơn?

Nhà văn Bảo Ninh: Tôi chưa bao giờ dám nhận như thế. Đọc báo thấy những lời khen kiểu đó tôi rất ớn. Cho nên sau này tôi không đọc báo nữa luôn. “Nỗi buồn chiến tranh” chỉ là một cuốn sách được viết bởi một anh bộ đội.

Nhà văn Bảo Ninh từ chối không sử dụng mạng xã hội (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
Nhà văn Bảo Ninh từ chối không sử dụng mạng xã hội (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)


Nói thật, đến tuổi này, tôi chẳng muốn nghe những lời khen ngợi, ca tụng. Mặt khác, tôi cũng chẳng thích nghe người khác bàn tán, tranh luận, chê bai tác phẩm của mình. Đấy chính là lý do nhiều năm tôi không dùng điện thoại di động. Cho đến giờ, tôi vẫn không dùng mạng xã hội, không đọc báo. Khen quá dễ “đưa nhau lên mây”, còn chê quá lại phân tâm. Tôi viết ít nhưng vẫn tập trung viết những thứ mình thích, có những thứ không đăng được.

*Sau tập truyện ngắn “Chuyện xưa, kết đi được chưa?” giờ ông đang viết cuốn nào? Nghe nói ông sắp ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ hai?

Nhà văn Bảo Ninh: Đó là tiểu thuyết “Đường về”, tôi có công bố một phần trên tạp chí “Viết và Đọc” của NXB Hội Nhà Văn, chỗ anh Nguyễn Quang Thiều chủ biên. Tên của cuốn tiểu thuyết cũng chỉ là cái tên tạm thời và bản thảo toàn bộ của “Đường về vẫn nằm trong dạng bản thảo đang sửa chữa. Đấy là một câu chuyện lớn của thời đại.

*Xin cảm ơn nhà văn!