*Xin anh chia sẻ về hành trình từ lần thứ nhất tới lần thứ 15 đoạt giải thưởng ảnh báo chí trong nước?
Nhiếp ảnh gia – nhà báo Trần Thế Phong: Từ năm 2001 đến 2022, tôi vinh dự được 15 lần giành giải thưởng tại các cuộc thi báo chí trong nước, về thể loại ảnh báo chí với các phóng sự ảnh: Trẻ em ở bãi rác Đông Thạnh – Hóc Môn, Lội nước đến trường, Lòng nhân ái, Bão Chan Chu – nỗi đau còn đó, Vượt qua bóng tối, Mang ánh sáng cho đời, Thành phố nghĩa tình, Tình người trong đại dịch, Nụ cười tỏa nắng, Nhiệm vụ thiêng liêng….
Sẽ khó có thể kể hết về cả một hành trình rất dài trong đôi lời ngắn gọn. Tôi chỉ biết cho đi tất cả những gì trong khả năng của mình mà thôi.
*Sở hữu cả một gia tài ảnh đồ sộ với hàng ngàn đề tài, hàng chục cuốn sách ảnh và 15 lần nhận giải thưởng ảnh báo chí, anh có thể chia sẻ với bạn đọc VietTimes về những kỷ niệm đáng nhớ trong đời làm báo của mình?
Nhiếp ảnh gia – nhà báo Trần Thế Phong: Trong cuộc đời tác nghiệp để thực hiện các phóng sự ảnh đăng báo, có rất nhiều câu chuyện và kỷ niệm mà tôi luôn nhớ mãi.
Đó là phóng sự ảnh đầu tay khi tôi mới bước vào nghề báo “Trẻ em ở bãi rác Đông Thạnh (Hóc Môn-TP.HCM)” đăng trên Báo Yêu trẻ, phóng sự ảnh báo chí duy nhất đoạt giải của Hội Nhà báo TP.HCM năm 2001.
Khi thực hiện phóng sự này, cho tới giờ này nhớ lại, những hình ảnh về các em nhỏ tứ xứ đến đây để mưu sinh, kiếm sống tại một bãi rác lớn kinh khủng trong môi trường ô nhiễm, độc hại… vẫn còn nguyên vẹn trong đầu tôi.
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong đi tác nghiệp trong thời kỳ COVID-19 hoành hành. Ảnh: NVCC |
Hay phóng sự ảnh “Bão Chan Chu – nỗi đau còn đó”, những hình ảnh khó quên vì sự mất mát, tang thương của những người dân đánh cá mưu sinh ở vùng biển miền Trung phải gánh chịu, hy sinh ngoài biển giữa cơn bão dữ…..
Hoặc mới đây khi thực hiện phóng sự ảnh “Nhiệm vụ thiêng liêng” trong tâm dịch COVID-19 tại TP.HCM (2021), lần đầu tiên trong đời, tôi tận mắt nhìn thấy sự tang thương, mất mát kinh khủng, với cảnh rất nhiều hũ cốt của đồng bào không may tử nạn vì dịch bệnh được các chiến sĩ quân đội tiếp nhận, thắp hương và bàn giao lại cho người thân, gia đình nạn nhân tử vong vì dịch bệnh.
*Nghề báo dù ở đâu và vào thời điểm nào, chắc chắn là lúc được vinh danh thì mọi người chỉ biết tới hào quang, nhưng nhìn những loạt ảnh và các cuốn sách mà anh đã xuất bản, có thể thấy được đã rất nhiều mồ hôi rơi. Anh có thể cho biết thêm về những cực nhọc ở hậu trường nghề báo của mình?
Nhiếp ảnh gia – nhà báo Trần Thế Phong: Các hình ảnh và những tập sách ảnh tôi đã triển lãm và xuất bản, ngoài sự thành công, niềm vui, được vinh danh, bên trong luôn chất chứa bao vất vả, nhọc nhằn, dấn thân những lúc tác nghiệp.
Đặc biệt là những thời điểm nóng, phải chấp nhận nếu có sự cố rủi ro, ranh giới giữa cái sống và cái chết rất mong manh, chẳng hạn như khi tôi tác nghiệp tại những nơi lũ lụt, bãi rác, hay trong tâm dịch COVID-19 trên toàn cầu vừa qua.
Nhà báo, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong. Ảnh: NVCC |
*Thưa anh, nghề báo ngày nay đứng trước sự nhiễu loạn thông tin rất mạnh mẽ, anh đã giữ cho mình tâm thế làm nghề thế nào?
Nhiếp ảnh gia – nhà báo Trần Thế Phong: Ngày nay đứng trước sự nhiễu loạn thông tin của thế giới kỹ thuật số, chỉ cần cầm chiếc điện thoại trên tay bất cứ người dân nào cũng có thể “làm báo”. Cá nhân tôi, nếu mình còn đam mê và làm nghề báo, thì cần phải làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp với công việc mà mình yêu thích.
*Theo anh, nhà báo thời nay cần các tố chất gì để có thể đáp ứng với thời sự và thích ứng với các thay đổi chóng mặt về công nghệ sản xuất thông tin?
Nhiếp ảnh gia – nhà báo Trần Thế Phong: Theo tôi, nhà báo thời nay phải luôn giữ mình, bản lĩnh, chân thật, tác nghiệp nhạy bén với những diễn biến nóng, cố gắng học hỏi, cập nhật với những công nghệ, sản xuất, thông tin hiện đại trong cuộc sống thường nhật.
*Xin cảm ơn anh rất nhiều!