Người thầy-đạo diễn: phải ở phía sau để 'lấy học sinh làm trung tâm' không còn là câu khẩu hiệu

Minh Tuấn
Minh Tuấn

Nhà giáo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nếu đến lớp chỉ là để thầy truyền giảng trò ghi chép theo lối cũ thì thời chuyển đổi số mỗi bộ môn chỉ cần một thầy cô xuất sắc nhất giảng bài rồi ghi hình phát online cho học sinh cả nước xem, nghe là đủ.

Cách dạy-học một chiều thầy giảng trò ghi cổ truyền từ lâu đã lộ rõ sự bất cập, phi lý, và lại càng phi lý khi chuyển đổi số sâu rộng đã cho phép việc nhân bản, sao chép, truyền gửi bài giảng diễn ra siêu tốc, với chi phí ngày càng thấp, tiến nhanh đến gần zero nếu tính quân bình trên đầu người.

Trong nỗ lực chấn hưng nền giáo dục nói chung hay giải bài toán văn mẫu nói riêng, việc xác quyết vị trí của người thầy trong tinh thần của giáo dục tiến bộ là rất hệ trọng. Một sự thông suốt phải được biểu hiện ra trong từng chi tiết và hành xử nơi học đường, tỷ như vị trí của người thầy trong lớp học.

"Lấy học sinh làm trung tâm" vốn là slogan được treo từ lâu trong nhà trường, tuy nhiên trên thực tế, khi người thầy còn đứng trên bục giảng như một nhà truyền đạo thì câu nói thời thượng ấy đã bị biến thành khẩu hiệu từ lúc nào không hay. Cần phải nhìn lại và xác định một cách rõ ràng để biến nhận thức thành hành động.

1. Tri thức (chân lý) phải đi bằng con đường tự thân ngộ nhập, nếu không đó chỉ là những giáo điều. Nghĩa là, người học phải tự mình khám phá, phát hiện; tự mình “hiểu ra” bằng con đường của lao động trí óc (và cả thể chất nữa). Với tinh thần ấy, lớp học và môi trường học đường nói chung phải là nơi mà ở đó người học có cơ hội tốt nhất cho lao động của mình. Đó là tinh thần kiến tạo một nhà trường-xã hội mẫu mực, của nhà triết học giáo dục John Dewey, để người học trưởng thành trong cuộc sống-học đường ấy. Với tư tưởng đó, lớp học phải là “sân khấu” của người học chứ không phải giáo đường của người thầy.

2. Từ đó, chỗ mà người thầy nên ở là CUỐI LỚP. Người thầy nên ở phía sau vì mọi lý do. Chân lý không thể được ban phát như một ân huệ từ kẻ khác; người cần phải trưởng thành là học sinh chứ không phải thầy giáo. Chỉ có thể giao lớp học lại cho người học để học sinh trình bày, thảo luận, phản biện, tranh luận v.v, thì các em mới dần có được sự tự tin khi đứng trước đám đông, có được văn hóa ứng xử trong tranh luận, có được sự sắc bén trong lập luận. Chỉ trong thảo luận người ta mới nhìn thấy hết (hoặc thấy nhiều nhất) các khía cạnh của một vấn đề để tránh đi sự độc đoán và định kiến trong tư duy. Chỉ trong thảo luận, vấn đề mới được đào sâu, bởi con người vốn có bản tính ngại thay đổi, cũng có thể nói là ì, "lười nhác", thường chỉ đẩy vấn đề đi xa trước các áp lực phải giải quyết (để bảo vệ danh dự).

3. Trước khi buổi học diễn ra, công việc đã phải được chuẩn bị: kế hoạch xuyên suốt cho cả năm học với những “bài học” – chủ đề cần giải quyết. Người học sẽ tìm hiểu và hình thành quan điểm của mình về những vấn đề ấy. Tất nhiên ở khoảng giữa này cần có nhiều công việc trung gian nữa để đảm bảo người học đã chuẩn bị tốt trước khi lên lớp. Và trong suốt khoảng thời gian này, vai trò của người thầy là cực kỳ quan trọng trong tư vấn, giới thiệu tài liệu, trợ giúp phương pháp v.v.

Buổi học sẽ là buổi thuyết trình và tranh biện của những học sinh trong lớp với nhau. Thầy giáo lui về cuối lớp để đóng vai trò cố vấn, và chỉ lên tiếng khi thật sự cần thiết. Thầy giáo sẽ tôn trọng mọi quan điểm, miễn là những quan điểm ấy không trái pháp luật, không trái luân thường đạo lý, và không chống lại các chân lý khoa học hiển nhiên.

Lúc ấy, lớp học sẽ trở thành một nơi đầy sinh khí với sự hăng say mà quyết liệt của một hành trình tri thức. Cái tình trạng ngủ gà ngủ gật như hiện nay trong các nhà trường Việt Nam sẽ được giải quyết. Người học được đánh thức cả tâm hồn và trí tuệ vốn đã ngủ vùi quá lâu. Dân khí sẽ được từng bước chấn hưng từ giảng đường như thế đó.

Tuy nhiên, do tình trạng trì trệ quá lâu và bệnh thành tích đã ăn sâu nên cần có những thao tác có tính chuyển tiếp trước khi dẫn tới được một học đường “thuần tịnh tri thức"; ví dụ, người giáo viên sẽ cho điểm trực tiếp trong suốt quá trình thảo luận của người học (theo chiều hướng ghi nhận và trân trọng).

4. Khi chúng tôi theo đuổi tinh thần này bằng sự hiện thực hóa nó với cách tổ chức hoạt động dạy - học như đã trình bày thì kết quả đầu tiên nhìn thấy ngay được đó là việc xóa dần tính nhút nhát, tăng sự tự tin của học trò; các em mạnh dạn trình bày và bảo vệ quan điểm của mình; tư duy trở nên mỗi lúc một sắc bén hơn; từ chỗ "cãi nhau" học sinh dần biết tranh luận một cách có văn hóa và đúng trọng tâm.

Một hiệu quả rõ rệt khác là năng lực sử dụng ngôn từ và kỹ năng diễn đạt mỗi lúc một sáng và chặt chẽ hơn. Dạy văn không phải để học thuộc các bài văn mà là để phát triển ngôn ngữ và năng lực thẩm mỹ. Như thế, không có con đường nào khoa học hơn một đường lối lấy sự hình thành quan điểm và bảo vệ quan điểm trên nền tảng của tư duy làm căn bản.

Nhưng, khi quyết liệt thực hiện phương pháp này được hơn một năm thì chúng tôi buộc phải dừng lại do sự can thiệp thô bạo của Ban giám hiệu vì họ cho rằng không cần thiết và nhất là sẽ "làm hư học sinh". Đúng, học sinh "khó bảo" hơn nhưng là cái khó bảo do sự phát triển bản thân và sự trưởng thành nhân cách cũng như độc lập suy nghĩ. Một sự trưởng thành như thế sẽ là mối đe dọa đối với bất cứ một nhà trường nào khi nó đang chứa đựng quá nhiều những vấn đề từ chuyện thu chi tài chính đến quản lý và bưng bít thông tin do cơ chế quyền lực hành chính thiếu tính khoa học gây ra.

Một lần nữa, chúng ta phải nhìn trực diện vào vấn đề từ ví dụ thực tiễn của chúng tôi ở trên: những "cải cách" này hoàn toàn nằm trong khung khổ tinh thần đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên nó vẫn bị chặn đứng và cấm đoán một cách công khai mà không ai có thể chống lại được. Nó đặt ra cho chúng ta cái yêu cầu phải thay đổi cơ cấu và cách vận hành của quản lý hành chính trong giáo dục nếu muốn công cuộc "đổi mới căn bản toàn diện" thực sự được tiến hành có kết quả.

5. Tóm lại, chừng nào giáo viên còn ngự trên bục giảng để phán truyền chân lý, chừng ấy chúng ta vẫn chưa thể hy vọng về một sự đổi mới.

Một “chi tiết nhỏ” như vị trí của người thầy trong lớp học nhưng không bao giờ là chuyện tầm thường. Để làm được điều ấy, có thể cần sự chuyển dịch của cả thiết chế bộ máy và tư tưởng xã hội lẫn sự hiểu biết về con người. Tinh thần tự do, tất nhiên thứ tự do gắn liền với tất yếu chứ không phải là bừa bãi buông tuồng, phải được đề cao một cách tôn nghiêm.

Vực dậy một nền giáo dục có lẽ không cần nhiều tiền như đây đó người ta đang làm. Nhưng sẽ phải cần rất nhiều sự dũng cảm và thật ít lòng ích kỷ (nếu không có thì càng tốt).

Lưu ý: Bài viết này đặt trọng tâm nhiều hơn vào các môn khoa học xã hội, và mức độ áp dụng theo tỷ lệ thuận với chiều đi lên của lứa tuổi và cấp học – càng lên cao càng triệt để hơn. Một điểm quan trọng nữa cũng cần thống nhất một cách tường minh, chi tiết: để áp dụng được thì những khâu chuẩn bị có tính chất tiền đề trước khi buổi học diễn ra đòi hỏi phải cực kỳ nghiêm túc, bài bản và chu đáo.