Nghiêng về đức tin và gia đình, nhiều tín đồ tại ngôi đền Darl al Hijrah ở Falls Church, Virginia, trước đây từng bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa.
Ngày nay hầu hết những người này nói họ sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton với lý do duy nhất là ngăn đối thủ của bà bên đảng Cộng hòa thắng cuộc.
Ông Azmee Rehman, một cử tri Hồi giáo tại Mỹ, cho biết:
“Chúng tôi tất cả đều nghĩ theo cùng một hướng. Nói về cách tuyên truyền chống lại chúng tôi, chúng tôi không thể để yên như vậy.”
Một cử tri khác tên là Sarah Severoni chia sẻ:
“Điều quan trọng là chúng ta không đưa tư tưởng chống Hồi giáo vào Nhà Trắng. Do đó, theo tôi, tất cả những người Hồi giáo chưa ghi tên đi bầu nên ghi danh đi bỏ phiếu để có thể bầu cho đảng Dân chủ.”
Cô Fazia Deen, phụ trách đối ngoại của đền Darl al Hijrah, hướng dẫn một toán tình nguyện viên trẻ ghi danh đi bầu cho các cử tri nữ trong khuôn khổ một chiến dịch rộng rãi trên toàn quốc ghi danh đi bầu cho một triệu cử tri Hồi giáo.
Lý lẽ của cô thật đơn giản, cô nói:
“Đây là một năm quan trọng. Chúng ta có bà Clinton và có một ứng cử viên ngớ ngẩn như ông Trump. Điều quan trọng là nếu chúng ta không đi bầu, ông Trump có thể vào Nhà Trắng.”
Giống như cô Deen sanh tại Guyana, hầu hết người Hồi giáo ở Mỹ là di dân. Các cuộc thăm dò cho thấy là phần lớn trong số 3,5 triệu người Mỹ Hồi Giáo nghiêng về phía đảng Dân chủ và càng ngày càng có những quan điểm cấp tiến.
Giáo sư John Esposito từ Trường đại học Georgetown nói cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000 là một ngoại lệ khi đại đa số người Hồi Giáo ủng hộ ông George W. Bush:
“Về mặt lịch sử, đảng Dân chủ được xem là đảng của nhân dân, bao gồm nhiều thành phần hơn đảng Cộng hòa, đảng Cộng hòa vẫn bị xem là đảng của các thành phần có đặc quyền, đặc lợi …”
Cử tri Mỹ theo đạo Hồi quay sang ủng hộ đảng Dân chủ càng sâu rộng hơn vì những lời lẽ bị xem là chống Hồi giáo của ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump.
Dù số phiếu của người Hồi Giáo ở Mỹ vẫn còn ít, nhưng các nhà hoạt động nói cộng đồng người Hồi Giáo tại Florida, Ohio, Virginia, Michigan và Pennsylvania có thể chứng tỏ họ là một lực lượng cử tri quan trọng.
Cô Fazia Deen nói:
“Có thể những người Hồi Giáo tại những tiểu bang khó đoán trước đó sẽ tạo nên sự khác biệt. Tỷ lệ 1% sẽ rất quan trọng, đặc biệt tại những tiểu bang đó, một khi số phiếu của hai bên sát sao như vậy.”
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, về lâu về dài, khi cộng đồng người Mỹ Hồi Giáo ngày càng trở nên đa dạng hơn về phương diện kinh tế-xã hội, khuynh hướng chính trị của họ cũng đa dạng.
Và điều đó, theo Giáo sư Espisoto thuộc đại học Georgetown, là có ích cho nền chính trị và cho cộng đồng Mỹ.