Trong suốt nhiều tháng qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bị bủa vây bởi những luồng thông tin khó đoán: Liệu vị "thuyền trưởng" của con tàu chính sách ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo, có từ chức để chạy đua giành một ghế trong Thượng viện Mỹ, như các thành viên trong đảng Cộng hòa yêu cầu ông hay không?
Ý tưởng này nghe đã thấy khôi hài. Tại sao một nhà ngoại giao chóp bu của nước Mỹ có sự nghiệp lên "như diều gặp gió" dưới thời Trump - từ nghị sĩ trong Quốc hội trở thành Giám đốc CIA và giờ là quan chức quyền lực nhất trong chính quyền - lại muốn đánh đổi tất cả để trở thành một Thượng nghị sĩ?
Ông Pompeo được cho là đang rất thèm muốn vị trí Tổng thống, và có ý định tranh cử vào năm 2024 trong cuộc đua giành vị trí ứng viên đại diện đảng Cộng hòa. Và dù cho sếp của ông - Tổng thống Donald Trump - có bị đánh bại trong kỳ bầu cử năm sau hoặc trong trường hợp nào đó bị luận tội và phế truất, thì ông Pompeo vẫn có thể dễ dàng huy động nguồn tiền tài trợ để phục vụ cho chiến dịch tranh cử của bản thân.
Nhưng có nhiều nhân tố cần phải xét đến. Không giống như người tiền nhiệm của mình - cựu Ngoại trưởng Rex W. Tillerson - ông Pompeo là một người lính trung thành, như nhà báo Susan Glasser của tờ New Yorker đã mô tả ông: "Thư ký riêng của ông Trump". Nhưng về bản chất, ông Pompeo vốn là người dễ thay đổi. Ông từng không ủng hộ ông Trump trong cuộc đua giành chức ứng viên đại diện đảng Cộng hòa năm 2016, thay vào đó ủng hộ ứng viên Marco Rubio. Nhưng không giống như những người tẩy chay ông Trump, ông Pompeo sau đó vẫn phục vụ như người đại diện cho chiến lược tranh cử Tổng thống của ông Trump và sau đó nhận được vị trí cấp cao trong chính quyền sau chiến thắng đầy bất ngờ của ông Trump.
Bài phát biểu mà ông Pompeo đưa ra hồi đầu năm tại Viện Claremont - nơi được xem như pháo đài của những người ủng hộ ông Trump - cùng bài phát biểu của ông trước Quỹ German Marshall tại Brussels hồi năm ngoái khiến người ta phần nào hiểu được quan điểm của ông. Ông Pompeo rõ ràng không coi sự trỗi dậy của Trump như một màn xuất hiện chớp nhoáng của người nổi tiếng. Vị Ngoại trưởng này xem chủ nghĩa Trump (Trumpism) như một thế lực chính trị vĩnh cửu và hy vọng sẽ kế thừa được lợi ích chính trị từ đó.
Sau khi nghe bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ tại Viện Calremont, nhà bình luận nổi tiếng Walter Russel Mead nhận định rằng, ông Pompeo đã lấy tư tưởng "Nước Mỹ trên hết" làm nền tảng chính trị của bản thân. Như ông Mead mô tả, ông Pompeo là "một người theo chủ nghĩa quốc tế bảo thủ", luôn tin tưởng rằng "Sự tham gia của Mỹ đối với các vấn đề toàn cầu nên được thu hẹp để tập trung vào các lợi ích của Mỹ".
Còn trong bài phát biểu tại Brussels, ông Pompeo đã đập tan những quan ngại về kỷ nguyên của Trump - về trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc - trong đó nói rằng "chủ nghĩa đa phương rất thường xuyên bị xem như sự kết liễu của chính nó...Chúng ta ký càng nhiều hiệp ước, chúng ta càng được an toàn". Ông còn nói đùa: "Chúng ta càng có nhiều cơ quan, chúng ta càng giải quyết được công việc tốt hơn". Bình luận của ông đã luồn lách khéo léo giữa một bên là những người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ủng hộ Trump và một bên là những người có tư tưởng bảo thủ truyền thống nhất ở nước Mỹ.
Nhưng có một khía cạnh khác về ông Pompeo. Ông là người thường xuyên phải đứng giữa những phe phái đối lập nhau. Nhưng một khi buộc phải lựa chọn đứng về một bên, ông luôn đứng về phe ủng hộ Tổng thống Trump. Nói cách khác, ông Pompeo là một chính trị gia truyền thống, nhưng rất hứng thú với ông Trump. Ông Pompeo thậm chí còn thuê một cây viết của tờ Wall Street Journal, nhà phê bình Mary Kissel từng chuyên chỉ trích ông Trump, hay những người có tư tưởng bảo thủ kiểu mới như Elliot Abrams làm cố vấn cấp cao.
Việc ông Pompeo đang nhòm ngó một ghế trong Thượng viện Mỹ - dù phải đối mặt với hàng loạt gương mặt ứng viên tiềm năng khác - cho thấy ông luôn vạch sẵn một lối thoát cho bản thân mình. Ông Pompeo luôn luôn lo ngại rằng một người khó đoán và thích lao vào rủi ro như ông Trump sẽ có lúc bị hạ bệ, bởi vậy đã vạch sẵn một đường thoát là Thượng viện. Ngoài ra, nếu như kỳ bầu cử năm 2024 không thuận lợi cho các ứng viên đảng Cộng hòa hay đối với chủ trương "chủ nghĩa quốc tế bảo thủ" của ông, ông Pompeo có thể tìm được một vị trí thuận lợi và nhàn hạ hơn trong Thượng viện.
Tuy nhiên, vụ bê bối liên quan tới Ukraine đang bủa vậy chính quyền Trump có thể buộc ông Pompeo phải rút sớm khỏi vị trí hiện tại trong khi ít lựa chọn hơn - thậm chí có thể làm hỏng kế hoạch chạy vào Thượng viện của ông. Tờ Washington Post hôm thứ Sáu vừa qua còn kêu gọi ông Pompeo - người dính líu trực tiếp tới bê bối điện đàm Trump-Zelensky - từ chức.
Ông Pompeo khẳng định rằng ông sẽ không hợp tác trong tiến trình điều tra luận tội mà Hạ viện khởi động, và chính quyền Trump cũng nói rằng họ có cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn trong vụ việc này. Sau khi giành chiến thắng trong cuộc đấu đá nội bộ bằng cách hất cẳng Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton ra khỏi chính quyền Trump, viễn cảnh Ngoại trưởng Mike Pompeo rời khỏi vị trí hiện tại là điều khó xảy ra. Thế nhưng, vụ bê bối hiện tại hoàn toàn có thể thay đổi cục diện.
Theo National Interest