Tuy nhiên, đợt triển khai này được xem là khá hạn chế so với những phát biểu mà giới chức Mỹ đưa ra vào thời điểm ngay sau khi xảy ra loạt vụ tấn công ngày 14/9. Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi vụ tấn công này là "hành động chiến tranh" và có thời điểm Tổng thống Trump còn cân nhắc về khả năng sử dụng vũ lực để đáp trả.
"Cần phải nhấn mạnh rằng bước đi này nhằm thể hiện cam kết của chúng tôi đối với các đối tác trong khu vực, và an ninh, sự ổn định của khu vực Trung Đông" - Jonathan Hoffman, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, nói trong một tuyên bố.
Dù chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực trong tương lai, nhưng tuyên bố này cho thấy ở thời điểm hiện tại, ông Trump muốn tập trung củng cố phòng thủ hơn là tấn công.
Hiện vẫn chưa rõ liệu lực lượng binh sĩ và số khí tài trên được chuyển từ các căn cứ của Mỹ ở Trung Đông hay từ Mỹ. Hiện có khoảng 500 binh sĩ Mỹ đóng quân ở Arab Saudi, một phần trong tổng số 2.000 binh sĩ được triển khai tới Trung Đông sau loạt đòn tấn công nhằm vào các tàu chở dầu trên Vịnh Oman và vụ Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ ở eo biển Hormuz.
Số khí tài trong đợt triển khai lần này bao gồm 1 hệ thống tên lửa Patriot - hệ thống tên lửa đất-đối-không có từ thời Chiến tranh Lạnh mà nay vẫn được quân đội Arab Saudi sử dụng. Các khí tài khác bao gồm 4 hệ thống radar Sentinel có khả năng bắt tín hiệu drone và tên lửa hành trình. Hôm 26/9, hãng Lockheed Martin, nhà sản xuất radar Sentinel, đã giành được hợp đồng trị giá 281 triệu USD trong việc cung cấp cho quân đội Arab Saudi 18 hệ thống Sentinel.
Trong tuyên bố mới đưa ra, ông Hoffman nói rằng việc triển khai quân tới Arab Saudi sẽ "tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không của các cơ sở quân sự và dân sự". Lầu Năm Góc cũng hy vọng rằng một số nước châu Âu - như Anh, Pháp và Đức - sẽ đóng góp thêm quân cho Arab Saudi để ngăn chặn Iran. Được biết cả 3 nước này đều nói Iran đứng đằng sau loạt vụ tấn công Arab Saudi trong một tuyên bố đưa ra hôm đầu tuần này.
Tuyên bố còn thêm rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã chỉ thị đặt 2 hệ thống Patriot cùng một hệ thống tên lửa đất-đối-không vào tư thế sẵn sàng, phòng trường hợp Arab Saudi cần thêm khả năng đánh chặn.
Tuần trước, ông Trump tuyên bố áp đặt lớp lệnh trừng phạt mới nhằm vào ngân hàng quốc gia Iran. Chính quyền Washington cũng đang cân nhắc thêm các lựa chọn phi quân sự để trừng phạt Iran - trong đó có các đòn tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng nước này.
Tehran đã cực lực bác bỏ thông tin cho rằng họ dính líu tới loạt vụ tấn công hôm 14/9, dù cho giới chức Mỹ khẳng định rằng đòn tấn công không bắt nguồn từ Yemen, nơi mà lực lượng Houthi đã nhiều lần tổ chức đòn tấn công bằng drone và tên lửa nhằm vào lãnh thổ Arab Saudi.
Vụ tấn công mới đây không gây ra tổn thất về sinh mạng, nhưng lại làm gián đoạn các thị trường dầu mỏ toàn cầu và làm dấy lên nhiều câu hỏi về khả năng phòng thủ của Arab Saudi. Quân đội Arab Saudi đã chi hơn 150 tỷ USD để mua các trang thiết bị quân sự tối tân của Mỹ - từ xe tăng chiến đấu cho tới chiến đấu cơ - nhưng vẫn không thể sử dụng chúng một cách hiệu quả trong suốt 4 năm chiến sự ở Yemen.