Mặc dù hai nước này vẫn kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc, nhưng sức ép đang ngày càng gia tăng, nhất là sau khi Chủ tịch FIFA Sepp Blatter tuyên bố từ chức.
FBI quyết định mở rộng cuộc điều tra tham nhũng, và hiện họ đang tìm hiểu xem làm thế nào mà Nga và Qatar giành được quyền đăng cai World Cup năm 2018 và 2022. Nhiều ý kiến chỉ trích trên thế giới lên tiếng yêu cầu tước bỏ quyền đăng cai World Cup của hai nước này. Vì vậy, dư luận tỏ ra hoài nghi về khả năng Nga và Qatar tiếp tục đăng cai World Cup. Tuy nhiên, cả Nga và Qatar đều khẳng định họ sẽ tiếp tục chuẩn bị cho vòng chung kết bóng đá thế giới vào năm 2018 và 2022.
Người phát ngôn của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov đã từ chối bình luận về nguy cơ Nga bị tước quyền đăng cai World Cup 2018 và nói rằng công tác chuẩn bị hiện vẫn đang được tích cực thúc đẩy. Còn theo người phát ngôn của Liên đoàn Bóng đá Nga Evgeny Dzichkovsky, giả sử các nhà điều tra có phát hiện ra bằng chứng tham nhũng, thì cũng không nên tước bỏ quyền đăng cai World Cup của nước này. Ông nói: "Đó là trách nhiệm của cá nhân, chứ không phải lỗi của một đất nước". Trong khi đó, nếu phải từ bỏ quyền đăng cai World Cup 2022, Qatar có nguy cơ lãng phí nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng trị giá khoảng 100 tỷ USD.
Trong diễn biến liên quan, theo một bản ghi chép của 1 phiên tòa được công bố cùng ngày, Charles Blazer - công dân Mỹ từng là thành viên trong Ban điều hành của FIFA - hồi tháng 11/2013 đã bí mật khai với tòa án rằng ông từng nhận các khoản hối lộ liên quan đến World Cup 1998 tổ chức tại Pháp và World Cup 2010 ở Nam Phi.
Theo: Báo Tin Tức