Theo dự thảo hiệp định Nga-ASEAN, hai bên đồng ý sẽ «bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải, quyền tự do lưu thông trên biển và trên không», đồng thời chủ trương rằng các bên phải «tự kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình theo đúng các nguyên tắc được cả thế giới thừa nhận của luật pháp quốc tế».
Dự thảo hiệp định còn ghi rõ là Nga và ASEAN ủng hộ việc «thực thi đầy đủ và thật sự bản Tuyên bố chung của các bên trên Biển Đông (DOC) và ủng hộ việc sớm đạt được bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)».
Trong khối ASEAN hiện nay, nhiều quốc gia vẫn chủ trương giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc trong khuôn khổ đa phương, trong khi Bắc Kinh vẫn đòi giải quyết tranh chấp này thông qua đàm phán song phương. Campuchia, đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc trong khu vực, ủng hộ lập trường của Bắc Kinh và vẫn bác bỏ những lời kêu gọi giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua ASEAN.
Campuchia và nước Lào là hai nước vẫn nhận rất nhiều trợ giúp tài chính của Trung Quốc trong những năm gần đây, như vậy có thể sẽ lâm vào thế khó xử nếu buộc phải tuân thủ những nguyên tắc của hiệp định nói trên.
Để vận động các nước Đông Nam Á, trong bản hiệp định, Nga đề nghị một hiệp định tự do mậu dịch «toàn diện» giữa ASEAN với Liên minh Kinh tế Âu-Á, một thị trường chung với tổng sản phẩm nội địa lên tới 4 ngàn tỷ USD. Các nước ASEAN đã cho biết họ sẽ xem xét đề nghị đó.
Theo các nhà quan sát, chưa chắc hiệp định Sochi sẽ tạo ra những tác động như mong muốn của Nga. Giáo sư John Ciorciari, một chuyên gia về Đông Nam Á, thuộc Đại học Michigan, nhắc lại rằng nước Nga của ông Putin đang tìm cách khôi phục sự hiện diện và vị thế của quá khứ cường quốc thế giới. Ông lưu ý rằng các công ty quốc phòng của Nga cũng đang tìm các thị trường xuất khẩu, mà châu Á là một thị trường hấp dẫn. Nga còn là đối tác lý tưởng cho những quốc gia ASEAN nào muốn đa dạng hóa quan hệ với các cường quốc trong bối cảnh Trung Quốc có ảnh hưởng ngày càng lớn.
Theo ông Chheang Vannnarith, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Campuchia, cho dù hiệp định Sochi là dấu hiệu cho thấy Nga tăng cường hợp tác với vùng Đông Nam Á, điều đó chưa hẳn có nghĩa rằng Nga sẽ trở thành một đối tác chiến lược của ASEAN.
Ông Vannnarith nhận định: «Do bị áp lực về ngoại giao và kinh tế từ phía châu Âu và Mỹ, trong những năm gần đây, Nga đã chuyển trọng tâm sang châu Á, như là một cửa ngõ để Nga tiếp tục phát triển kinh tế và tiếp tục vận động ngoại giao trong khu vực».