Nga loại biên tàu ngầm nguyên tử lớn nhất thế giới: Tại sao "Cuồng phong" dần suy yếu?

VietTimes – Hải quân Nga đã chính thức xác nhận loại biên tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạn nhân lớp Typhoon Dmitry Donskoy, theo TASS.
Nga chính thức tuyên bố loại biên tàu ngầm lớp Typhoon (Ảnh: Military Watch)

Tuyên bố chính thức được đưa ra sau nhiều lời đồn đoán về số phận của con tàu này, trong đó có tin đồn rằng nó có thể vẫn được duy trì hoạt động để phục vụ mục đích nghiên cứu mặc dù không còn trong biên chế.

Typhoon (Cuồng phong) tính đến thời điểm này vẫn là lớp tàu ngầm lớn nhất thế giới từng được hạ thủy, với độ choán nước 48.000 tấn khi lặn hoàn toàn, lớn hơn kích thước của các tàu sân bay lớp Invincible của Anh và chỉ kém hơn đôi chút kích thước của các tàu sân bay lớp Izumo của Nhật Bản. Con tàu đầu tiên của lớp này đi vào hoạt động năm 1976, và kể từ đó 6 chiếc đã được biên chế vào Hải quân Liên Xô.

Mặc dù là lớp tàu ngầm mạnh mẽ nhất của Liên Xô khi được biên chế và tích hợp nhiều tên lửa đạn đạo có tầm bắn liên lục địa với nhiều đầu đạn, nhưng sự sụp đổ của nền kinh tế Nga sau khi Liên Xô tan rã đã khiến cho hạm đội tàu ngầm lớp Typhoon thu hẹp chỉ còn 3 chiếc vào năm 2000. Con số này sau đó tiếp tục giảm dần, được thay thế bởi các tàu mới hơn thuộc lớp Borei.

Lớp Borei được đánh giá là ưu việt hơn so với Typhoon do chi phí vận hành thấp hơn nhiều, và mặc dù chỉ có kích thước bằng một nửa so với mẫu tiền nhiệm nhưng tàu lớp Borei có thể mang theo 80% lượng tên lửa đạn đạo mà lớp Typhoon có thể tải được. Quan trọng hơn, khả năng tàng hình của Borei cũng lớn hơn so với Typhoon.

6 tàu ngầm lớp Borei hiện đang trong biên chế Hải quân Nga, và 4 chiếc khác đã được hạ thủy, một trong số này đang trong quá trình thử nghiệm trên biển và 2 chiếc khác đã được lên kế hoạch chế tạo, với tổng số lượng là 12 chiếc. Chiếc mới nhất được biên chế vào ngày 29/12/2022, ngay trong lúc nhiều người đang đồn đoán về khả năng tàu Dmitry Donskoy sắp bị loại biên.

Mặc dù các tàu lớp Typhoon nhanh chóng bị loại biên, nhưng tàu Dmitry Donskoy lại là chiếc duy nhất trong lớp này được nâng cấp đáng kể nhiều lần, bao gồm tích hợp các tên lửa đạn đạo RSM-56 – vốn được phát triển như vũ khí chính của lớp Borei, và thay thế cho các tên lửa R-39 cũ kỹ của Donskoy.

Tuy nhiên, Donskoy vẫn phải lùi sau tiền tuyến và chủ yếu phục vụ cho huấn luyện. Nó cũng đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu và phát triển, và được nhiều lần chỉnh sửa để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ này. Một số báo cáo cho rằng các đợt chỉnh sửa bao gồm tích hợp RSM-56 để thử nghiệm loại tên lửa này.

Một số nâng cấp cho lớp Typhoon – bao gồm đề xuất bất thường biến chúng thành các tàu ngầm mang tên lửa hành trình, giống như việc cải biến lớp Ohio của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh – đã bị bác bỏ, do khả năng tàng hình của tàu lớp này đã lỗi thời, trong khi chi phí vận hành quá cao, cao hơn nhiều so với việc đóng tàu mới.

Trường hợp của lớp Typhoon tương phản so với các tàu chiến mặt nước hạng nặng của Nga. Trong khi ngành công nghiệp tàu ngầm của nước này vẫn đang duy trì được sức khỏe, ngày càng hạ thủy thêm nhiều tàu ngầm tấn công và tàu ngầm hạt nhân mới; thì không có chiến hạm mặt nước mới nào được hạ thủy kể từ khi Liên xô tan rã vào năm 1991.

Typhoon "nghỉ hưu" bất chấp danh tiếng của nó từ thời Liên Xô đã nhấn mạnh về ưu tiên của Nga trong việc hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm, trong khi hạm đội tàu mặt nước vẫn chủ yếu dựa vào các tuần dương hạm và khu trục hạm có từ thời Liên Xô.

Theo Military Watch