Nga không phải mối đe dọa duy nhất đối với cuộc bầu cử của Mỹ năm 2020

VietTimes -- Giới chức Mỹ vẫn cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử của Tổng thống Mỹ năm 2016 và cũng có thể sẽ lặp lại điều tương tự trong cuộc bầu cử sắp tới, thế nhưng, đây không phải quốc gia duy nhất “để mắt” đến chính trị Mỹ.
Nga không phải là quốc gia duy nhất "để mắt" đến Mỹ (Ảnh: AP)
Nga không phải là quốc gia duy nhất "để mắt" đến Mỹ (Ảnh: AP)

Các quan chức Mỹ gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nỗ lực của các quốc gia nhằm phá hoại cuộc bầu cử năm 2020 của nước này. Có nhiều lo ngại không chỉ về khả năng xảy ra các cuộc tấn công của tin tặc vào chiến dịch bầu cử mà còn về sự lan truyền thông tin sai lệch trên phương tiện truyền thông xã hội và những nỗ lực để vi phạm cơ sở dữ liệu bỏ phiếu, thậm chí thay đổi phiếu bầu.

Trên thực tế, các nước đối đầu Mỹ khó có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả bầu cử, tuy nhiên, sự can thiệp của họ có thể làm suy yếu niềm tin của công chúng vào công tác kiểm phiếu.

James Lewis, một chuyên gia an ninh mạng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nói rằng: “Thật không may là không chỉ có mỗi Nga đâu. Cả Trung Quốc, Iran và một vài nước khác nữa đã nghiên cứu về những gì Nga làm trong cuộc bầu cử của Mỹ năm 2016.”

Các cơ quan tình báo Mỹ đã báo cáo các hoạt động ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc và Iran nhắm mục tiêu vào năm ngoái, thời điểm giữa nhiệm kỳ. Một quan chức cấp cao của FBI thì gần đây đã chỉ ra Bắc Kinh là một mối lo ngại đặc biệt. Trong khi đó, Microsoft cũng báo cáo rằng tin tặc Iran đã nhắm mục tiêu vào một chiến dịch tranh cử tổng thống không xác định.

Bất kỳ nỗ lực nào của nước ngoài để can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020 sẽ không nhất thiết giống với cuộc tấn công của Nga hồi năm 2016. Khi đó, các sĩ quan tình báo quân sự liên kết với Kremlin đã xâm nhập vào email của đảng Dân chủ và chia sẻ chúng với WikiLeaks để cố gắng giúp ông Donald Trump của đảng Cộng hòa đánh bại ứng viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ.

Nhiều khả năng là các chiến dịch truyền thông xã hội, như một chiến dịch có trụ sở ở Nga đã định hình dư luận trong cuộc bầu cử năm 2016 và chia rẽ người Mỹ với các chủ đề nóng như chủng tộc và tôn giáo. Gần đây, Facebook tuyên bố đã gỡ bỏ bốn mạng lưới các tài khoản giả mạo thông tin sai lệch được nhà nước hậu thuẫn có trụ sở tại Nga và Iran. Công ty cho biết các mạng lưới này tìm cách phá vỡ các cuộc bầu cử ở Mỹ, Bắc Phi và Mỹ Latinh.

Một báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng viện mô tả các hoạt động truyền thông xã hội của Nga là một cuộc tấn công chiến lược vào Mỹ và phức tạp hơn nhiều so với những gì được hiểu ban đầu. Một bản ghi nhớ gần đây do FBI và Bộ An ninh Nội địa của Mỹ cảnh báo rằng Nga có thể sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để chia rẽ các đảng chính trị sâu sắc hơn trong các cuộc bầu cử sơ bộ hoặc tấn công các trang web bầu cử để truyền bá thông tin sai lệch về quy trình bỏ phiếu.

Bộ Tư pháp Mỹ lo ngại về việc Trung Quốc thực hiện các hoạt động tương tự. Twitter cho biết đã đình chỉ hơn 200.000 tài khoản mà họ tin là một phần của chiến dịch ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc nhằm vào phong trào phản kháng ở Hồng Kông.

Quan chức Mỹ cho biết các chiến dịch ảnh hưởng của nước ngoài đã không làm thay đổi tổng số phiếu giữa nhiệm kỳ. Bên cạnh việc xâm nhập và phát tán email bị đánh cắp, các đặc vụ Nga năm 2016 đã tìm kiếm các lỗ hổng trong hệ thống bầu cử ở tất cả 50 bang và vi phạm hệ thống bầu cử của hai quận Florida nhưng dường như không gây ra thiệt hại nào.

Nhưng một số chuyên gia hoài nghi rằng, trong cuộc bầu cử năm tới, các quốc gia đó sẽ sử dụng công cụ tấn công dữ liệu để cố gắng thúc đẩy một ứng cử viên cụ thể, hoặc để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.

Chẳng hạn như Trung Quốc, cho đến nay, đã sử dụng thế mạnh về không gian mạng của mình cho các mục đích gián điệp, đánh cắp tài sản trí tuệ và để tiếp tục mục tiêu thách thức vai trò là một cường quốc kinh tế toàn cầu của Mỹ.

Trong khi đó, các tin tặc Iran gần đây đã tìm cách đánh cắp thông tin nhạy cảm từ hàng trăm trường đại học, công ty tư nhân và cả các cơ quan chính phủ Mỹ.

Jung Pak, một chuyên gia của Viện Brookings nhận định, Triều Tiên có xu hướng tập trung vào những người đào ngũ, các học giả và những người bất mãn với đất nước. Sony Pictures Entertainment đã từng bị hacker tấn công và phát tán các email riêng tư của các giám đốc điều hành như một sự trả thù rõ ràng vì một bộ phim hài Hollywood đã chế giễu Kim Jong Un.

Theo ông Jame Lewis, sự quan tâm của Nga đối với chính trị Mỹ trong suốt hàng thập kỷ qua đã khiến Nga trở thành đối thủ thách thức và thực tế nhất. “Họ hiểu quá rõ về chúng tôi”, ông nói.

Theo AP