Nga khiến NATO ngồi trên lửa với ba yếu huyệt

VietTimes -- NATO - liên minh quân sự thành công nhất trong lịch sử hiện đang đang phải đối phó với ba lỗ hổng không chỉ đơn thuần về mặt cơ học, hãng thông tấn Mỹ UPI nhận định.
Hải quân Nga tập trận đổ bộ
Hải quân Nga tập trận đổ bộ

Lỗ hổng đầu tiên là về chiến lược. Sự can thiệp của Nga vào cuộc khủng hoảng Ukraine và việc sáp nhập bán đảo Crimea đã khiến NATO kinh ngạc. Hơn nữa sự hoạt động tích cực của Nga trong các vấn đề quốc tế đang làm náo loạn nền chính trị hai bên bờ Đại Tây Dương. Ở Syria, sự can thiệp của Nga đã giúp duy trì chế độ tổng thống Bashar al-Assad. Và Nga cũng đang ngày càng có nhiều ảnh hưởng ở Libya và Vùng Vịnh.

Dù NATO vẫn cố tạo ra các khái niệm chiến lược mới để đối phó với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và sự sụp đổ của Liên Xô, lần sửa đổi chiến lược thực sự cuối cùng của khối này chính là báo cáo của Harmel năm 1967.

Dưới sự dẫn dắt của Ngoại trưởng Bỉ Pierre Harmel, ủy ban của ông được phân công nhiệm vụ đối phó với mối đe dọa đến từ việc Liên Xô gia tăng số lượng vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường, đồng thời vào thời điểm đó tổng thống Pháp Charles de Gaulle đã rút khỏi Bộ chỉ huy NATO. Kết quả này là sự chuyển dịch từ trông cậy hoàn toàn vào sự răn đe hạt nhân sang chiến lược đáp trả linh hoạt để đối phó lợi thế của Nga ở mọi cấp độ xung đột.

Sự sáng tạo của biện pháp đối phó linh hoạt đã giải quyết được câu hỏi hóc búa về chính trị chia rẽ hai bên bờ Đại Tây Dương. UPI cho rằng Mỹ không hứng thú đổi Boston lấy Bonn nếu chiến tranh hạt nhân diễn ra. Do đó, Mỹ chọn cách tăng cường khả năng thông thường để ngăn chặn Khối hiệp ước Vácxava tấn công vào phương Tây. Châu Âu lại coi sự răn đe hạt nhân là biện pháp giảm thiểu tối đa chi phí quốc phòng. Sự đối phó linh hoạt cho phép cả Mỹ và châu Âu tập trung vào phòng thủ hoặc răn đe mà không cần phá vỡ liên minh.

Theo UPI, hiện nay phản ứng của NATO trước các hành động của Nga vẫn phản ánh tư duy của thế kỷ XX, thay vì tư duy của thế kỷ XXI. Thực chất tổng thống Nga Vladimir Putin không có ý định gây chiến với NATO. Thay vào đó, các chính sách của ông phụ thuộc vào nhiều thứ hơn là sức mạnh quân sự. Mátxcơva có vẻ cũng không mấy ấn tượng trước việc NATO đóng 4 tiểu đoàn ở khu vực Baltic và luân phiên triển khai một lữ đoàn chiến đấu ở Ba Lan để trấn an đồng minh.

Lính Mỹ vừa được điều động đến thành viên NATO ở Đông Âu là Ba Lan nhằm đối phó Nga
Lính Mỹ vừa được điều động đến thành viên NATO ở Đông Âu là Ba Lan nhằm đối phó Nga
Hạm đội NATO bám theo cụm tác chiến hải quân Nga trên đường qua eo biển Anh sang Syria tham chiến
Hạm đội NATO bám theo cụm tác chiến hải quân Nga trên đường qua eo biển Anh sang Syria tham chiến

Điều NATO cần lúc này là một chiến lược mới để đối phó với tình hình hiện nay, cũng như để đối phó với lỗ hổng thứ hai, mang tên đối phó với “những biện pháp chủ động” của Nga, hay còn gọi là “chiến tranh bất đối xứng”. Theo UPI, NATO nên áp dụng chiến lược phòng thủ xù lông nhím, đặc biệt là với các thành viên Đông Âu. Khái niệm này là để đáp trả lại các cuộc tấn công một cách đẫm máu, để Mátxcơva không thể nghĩ đến việc sử dụng bạo lực quân sự trong bất kỳ trường hợp nào.

NATO sẽ cần số lượng lớn các hệ thống vũ khí như các tên lửa chống tăng và chống phương tiện bọc thép Javelin, các tên lửa đất đối không như Stinger và Patriot. Việc sử dụng hàng ngàn máy bay không người lái sẽ khiến cuộc tấn công trở nên quá đắt đỏ. Hãng thông tấn Mỹ còn khuyên lực lượng vệ binh quốc gia mỗi nước cũng phải sẵn sàng thực hiện chiến tranh du kích. Trong khi đó, các thành viên NATO sở hữu quân đội lớn sẽ được tăng cường. Tuy nhiên, đó mới là những biện pháp cần nhưng vẫn chưa đủ.

Chiến đấu cơ Su-35 Nga đã được triển khai tại Karelia ở biên giới phía Tây nhằm đối phó với sự hiện diện của NATO sát biên giới Nga
Chiến đấu cơ Su-35 Nga đã được triển khai tại Karelia ở biên giới phía Tây nhằm đối phó với sự hiện diện của NATO sát biên giới Nga
Binh sĩ Nga trong một cuộc tập trận
Binh sĩ Nga trong một cuộc tập trận

UPI lặp lại những cáo buộc lâu nay của phương Tây rằng Nga hiện nay đang hoạt động tích cực trong các lĩnh vực không gian mạng, tuyên truyền, chiến tranh thông tin, sẵn sàng răn đe và can thiệp vào các nước khác. Trong khi đó, NATO lại gần như không có khả năng để đối phó với những biện pháp này. Do đó NATO ngay lập tức phải nỗ lực lấp đầy lỗ hổng trên.

Lỗ hổng cuối cùng là việc mua sắm các hệ thống vũ khí mới. Quá trình này lại mất quá nhiều thời gian, quá rườm rà và không thể đuổi kịp những tiến bộ vượt bậc về công nghệ. NATO và các nước thành viên phải hành động để đối phó với lỗ hổng thứ ba này.

UPI kết luận, vẫn còn quá sớm để xác định tác động của Brexit (nước Anh rời khỏi EU), chủ nghĩa dân túy cùng cuộc bầu cử đang diễn ra ở Pháp và sau đó là ở Đức, cũng như sự cam kết trên thực tế của ông Trump với NATO. Nhưng dù sao lúc này NATO cũng cần một Ủy ban Harmel mới cho thế kỷ XXI. Những câu hỏi liệu NATO có lắng nghe và ai sẽ là người dẫn đầu đều là những vấn đề mang tính sống còn đối với tương lai của khối quân sự này.