Sau Thế chiến I, những nước thắng trận áp đặt lên nước Đức chiến bại tất cả những giấc mơ bấy lâu họ tìm kiếm về những quốc gia phương Tây tự do. Vũ khí, quân đội, máy bay và sức mạnh biển của đế chế Đức đều bị cấm đoán một cách thô bạo. Nước Đức bị áp đặt một hiến pháp dân chủ mới và nhà hoàng đế Đức đã bị phế truất trong khi không ai được bầu lên để thay thế vị trí của ông. Bên dưới tấm ván mỏng manh của một trật tự dân chủ mới vẫn sôi sục cơn thịnh nộ của những người Đức vẫn hùng mạnh và chưa bị đánh bại.
Trong cuốn “The Gathering Storm: The Second World War” (Tạm dịch: Cơn bão tích tụ: Thế chiến thứ hai), nhà lãnh đạo Anh Winston Churchill đã bàn về sự nổi dậy và sụp đổ của Adolf Hitler và chủ nghĩa quốc xã Đức. Churchill tuyên bố rằng sau Thế chiến I, chính sách khôn ngoan sẽ lên ngôi và củng cố nước Cộng hòa Weimar với quốc chủ là của một cháu trai của hoàng đế Đức, dưới sự quản lý của Hội đồng nhiếp chính.
Tuy nhiên, định kiến của người Mỹ về chế độ quân chủ cho thấy Đức sẽ được phe đồng minh đối xử tốt hơn nếu là một nước cộng hòa thay vì là một nước quân chủ. Nhưng ở vị trí của hoàng đế Đức, người Đức lại bị những kẻ chiến thắng bỏ lại với một chính phủ yếu kém và bất ổn. Đối với những ai chưa từng may mắn được thử nghiệm một nền dân chủ, việc bị nước khác áp đặt một nền dân chủ khiến cho tính chính danh của chính phủ mới bị hạn chế so với khái niệm của nó.
Một thế kỷ sau cuộc Đại chiến thế giới thứ nhất, phương Tây lại tiếp tục áp dụng chính sách cứng rắn với các đối thủ địa chính trị mà cha ông họ đã không cân nhắc tới các hệ quả lịch sử. Liên Xô sụp đổ tháng 12/1991 và trong hơn 15 năm sau đó, người Nga đã phải gánh chịu thất bại về kinh tế và chính trị mà không hề có chiến tranh thực tế. Với những ai chỉ biết tới các Đại công tước và Sa hoàng kể từ khi thành lập nước Nga năm 862 trước công nguyên, thì việc chính phủ Nga hiện nay có cả tổng thống và quốc hội đã là một thành tựu lịch sử. Tuy nhiên đối với những người đứng đầu nước Nga thế kỷ trước, sẽ chẳng có gì có thể làm nguôi dịu đam mê của họ ngoài một nước Nga dân chủ theo phong cách phương Tây.
Vladimir Putin, người bị phương Tây cáo buộc là thay thế Sa hoàng thời trước, là một nhân tố đang gây tranh cãi hiện nay. Đối với một số người ở phương Tây, ông Putin sẽ luôn bị coi là một cựu trung tá tình báo KGB, một thiên tài ám ảnh, một nhân vật bí ẩn và là mối đe dọa tiềm tàng. Nhưng đối với nhiều người dân Nga, sức mạnh và tài lãnh đạo của ông đã cứu họ thoát khỏi tình cảnh nội bộ lục đục và bị thế giới chê cười.
Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, hận thù của Mỹ đối với Nga đã sớm đi theo hướng ngược lại. Người Mỹ đã bày tỏ sự đồng cảm và thậm chí là ngưỡng mộ đối với nước Nga. Tuy nhiên cùng lúc đó Nga lại rơi vào những biến động chính trị. Dưới thời tổng thống Boris Yeltsin vào những năm 1990, GDP của Nga giảm 30%, lạm phát tăng vọt lên tới trên 2.500%, tỷ lệ thất nghiệp lên đến đỉnh điểm 26%, đồng thời chia rẽ nội bộ và đấu đá chính trị đã làm rung chuyển đất nước. Cuộc khủng hoảng lập hiến năm 1993 ở Nga đã dẫn đến cuộc chiến đẫm máu nhất trên đường phố kể từ cách mạng năm 1917 với 187 người chết và tòa nhà quốc hội Nga đã bị xe tăng quân đội nã pháo. Những năm biến động chính trị và xã hội đã khiến mức độ tín nhiệm của ông Yeltsin suy giảm nghiêm trọng và đe dọa đẩy nước Nga lao vào một cuộc nội chiến.
Trong khi những sự kiện không thuận lợi đang diễn ra, giữa lúc những ồn ào không ngừng từ phía Mỹ và Nga, một lãnh đạo mới ở Nga xuất hiện và ông Vladimir Putin đã kế nhiệm chức tổng thống sau khi ông Boris Yeltsin đột ngột từ chức vào ngày 31/12/1999.
Trong nước, những biện pháp điều hành kinh tế mà ông Putin áp đặt đầu những năm 2000 đã khiến lạm phát tiêu dùng giảm từ 20,2% vào năm 2000 xuống còn 13,3% vào năm 2008, thất nghiệp giảm từ 10,6% xuống còn 6,3% và GDP thực tế tăng với tốc độ trung bình 7%. Cho dù tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp vẫn cao, nhưng với nước Nga, nó đã báo hiệu cho một sự tiến bộ đáng kể vượt qua những tháng ngày tăm tối của những năm 1990. Ngoài ra, trên trường quốc tế, ông Putin đã tái cơ cấu lại quân đội Nga, tiến hành cuộc chiến ngắn với Georgia dưới danh nghĩa đáp trả cuộc xâm lược của Georgia vào Nam Ossetia và Abkhazia.
Tuy nhiên phương Tây lại tiếp tục sợ hãi nước Nga sâu sắc như trong thời kỳ Xô Viết. Nỗi lo sợ này đã thúc đẩy một số nước trước đây từng trong khối Hiệp ước Vácxava tìm kiếm sự bảo vệ an toàn của NATO năm 2004 nhằm chống lại người láng giềng lớn hơn họ nhiều lần. Vào nửa cuối những năm 2000, các nước này từ chỗ coi Putin không liên quan gì đến họ đã chuyển sang coi ông là một mối phiền toái, hay đúng hơn là một mối đe dọa trực tiếp.
Các nước Đông Âu phụ thuộc vào dầu lửa của Nga đã bị đe dọa nếu họ kích động chú gấu Nga tức giận. Thậm chí ở Mỹ, lúc quan hệ tốt đẹp dưới thời ông Clinton và những năm đầu của thời Bush, hành vi đối kháng của ông Putin cũng là một thử thách cần phải vượt qua. Quan hệ giữa hai nước đã suy giảm nghiêm trọng kể từ khi ông Obama tranh cử năm 2008 với chính sách “tái thiết lập” quan hệ Nga-Mỹ.
Ở khu vực lân cận biên giới Nga, mục tiêu của ông Putin là tái thiết lập quyền bá chủ của nước Nga trong khu vực. Ông có vẻ như đang bắt chước vua Louis XIV, vị “Vua mặt trời” của nước Pháp, đó là biến ông Putin thành người có thẩm quyền tối cao ở Nga và sau đó biến Nga thành nước có thẩm quyền tối cao ở châu Âu. Với ông Putin, mục tiêu của ngoại giao không phải là thiết lập một quốc gia anh hùng mà là giúp quốc gia đó có thể tồn tại và hưng thịnh.
Cuộc xung đột với Ukraine năm 2014, việc hiện đại hóa các vũ khí hạt nhân của Nga, hỗ trợ cho chính phủ Syria, chia rẽ và làm mất lòng các thành viên NATO đã tái khẳng định ảnh hưởng toàn cầu của Nga. Tuy nhiên các quan chức Mỹ lại nổi giận trước sự can thiệp của Nga vào trật tự thế giới sau Chiến tranh lạnh. Quả thực ông Bush và ông Obama đã vươn cánh tay hòa bình và tái khởi động quan hệ để cố gắng thuyết phục Nga tham gia vào trật tự dân chủ tự do do Mỹ tạo ra. Nhưng ông Obama đã đi quá xa khi hủy bỏ các thiết bị chống tên lửa đạn đạo ở Đông Âu để thể hiện thiện chí. Còn ông Putin vẫn tiếp tục theo đuổi tham vọng mở rộng ảnh hưởng và điều này đã gây phương hại đến quá trình hợp tác đa phương.
Bị ảnh hưởng bởi những quan điểm phổ biến và tức giận trước cáo buộc ông Putin xâm phạm của đến các lợi ích Mỹ, các phe phái chính khách Mỹ lại gia nhập lực lượng tham gia vào vòng xoáy chính trị xưa cũ ngay trong thế kỷ XXI. Họ coi sự cạnh tranh và ảnh hưởng của Nga vào các khu vực có lợi ích truyền thống của Mỹ như thể Nga là mối đe dọa hiện hữu như Liên Xô trước đây đối với lối sống của Mỹ. Các chính khách trường phái tự do tỏ vẻ khinh thường ông Putin, lên án ông đã làm bẽ mặt ông Obama trong khi ông Obama rộng lượng đề xuất tái thiết lập quan hệ, và họ cũng buộc tội Nga tấn công mạng Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Thay vì cư xử như các chính khách, các nhà chính trị gia này lại hứng thú với việc ghi điểm hơn là tạo ra sự thay đổi. Họ bày tỏ sự chống đối Nga một cách điên cuồng trên các phương tiện truyền thông thay vì chỉ đối đầu với Nga khi cần thiết. Có vẻ họ đã đúng khi nói rằng ông Putin đã kích động làn sóng chống Mỹ ở Nga để phục vụ cho thắng lợi chính trị riêng của mình. Tuy nhiên họ lại không nhận ra rằng đó không chỉ là “chó chê mèo lắm lông” mà còn chứng minh là ông Putin đã đúng, rằng một bộ phận quan chức Mỹ rất muốn ngăn chặn Nga không quay trở lại chính trường quốc tế theo cách riêng của mình chứ không phải theo cách Mỹ muốn.
Winston Churchill trong hồi tưởng về những năm tháng giữa hai cuộc chiến tranh đã lưu ý rằng nước Đức, đằng sau chính phủ cộng hòa và các tổ chức dân chủ do những nước chiến thắng áp đặt lên và Đức buộc phải chấp nhận vì thất bại, quyền lực chính trị trong nước Đức phù du như mây khói. Đại bộ phận các cử tri bất mãn, chính phủ đã không thể kiểm soát được tình hình khi đất nước rơi vào tay chế độ độc tài phát xít…
Ngược lại, với một Vladimir Putin đối kháng với phương Tây, một Putin bị phương Tây cáo buộc là độc tài, thực chất ông Putin đã cứu nước Nga không bị sụp đổ, và cũng chính ông đã ngăn chặn các thành viên cực đoan của cánh tả - cánh hữu không làm rối loạn thể chế chính trị trong nước. Trên thực tế, phương Tây có một đối thủ như ông Putin có thể lại là điều may mắn.
* Lược thuật bài viết của tác giả Matthew J.A Shoemaker, một chuyên gia phân tích của BAE System tại Hawaii. Ông chuyên nghiên cứu về chiến lược chiến tranh hạt nhân cũng như các vấn đề an ninh của Mỹ, Anh và NATO.