Video “chiến xa chống UAV” của Nga gây xôn xao
Cả Nga và Ukraine đều sử dụng nhiều loại máy bay không người lái (UAV) khác nhau, bao gồm cả FPV (UAV góc nhìn thứ nhất) tấn công và UAV tự sát. Cả hai bên hiện đang phát triển các biện pháp đối phó UAV và sau đó là phát triển UAV mới để đáp trả.
Một đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố gần đây cho thấy quân đội nước này bắt đầu sử dụng loại chiến xa đơn giản được hoán cải chuyên dụng để chống UAV.
Có một điểm khác biệt lớn là trước đây quân đội Nga chủ yếu sử dụng “softkill”, tức gây nhiễu điện tử để vô hiệu hóa các UAV kiểu FPV, nhưng nay chuyển sang biện pháp cứng rắn hơn nhiều. Họ lắp đặt một dàn phóng ngắn giống các ống phóng rocket cỡ nhỏ cùng 6 khẩu súng trường tấn công AK-12 đặt song song trên xe địa hình mui trần. Kết hợp cùng nhau, chúng tạo thành một "ma trận phòng không" tầm thấp trông khá đáng sợ.
Xem xét từ mức độ đơn giản về công nghệ, đây có thể không phải là trang bị tiêu chuẩn của quân đội Nga, nhưng những người lính ở mặt trận đã sử dụng phương pháp riêng của họ để chế ra một xe chiến đấu chống UAV bằng những vật liệu sẵn có.
Trang TheWarZone của Mỹ cho rằng phát minh độc đáo này cho thấy tính hiệu quả của súng trường trong việc chống lại UAV, nhưng nó cũng những hạn chế riêng. Dù sao đây cũng là kinh nghiệm và bài học mà những người lính Nga đã rút ra bằng xương máu của mình, và chắc chắn phải có giá trị về mặt hiệu quả.
Đoạn video được Bộ Quốc phòng Nga tung lên mạng xã hội cho thấy 2 xe chiến đấu chuyên dụng chống UAV về cơ bản có hình dáng giống nhau. Cả hai đều có tháp có thể điều khiển từ xa, phía trên được lắp kết cấu bệ phóng cỡ nhỏ 24 nòng. Theo TheWarZone, họ không chắc đó là gì. Ban đầu họ phán đoán nó có thể được sử dụng để phóng đạn nổ, văng ra các viên bi hay mảnh nhỏ, nhưng không rõ nó được ngắm bắn như thế nào, vì không thấy có các thiết bị như radar hoặc cảm biến nhỏ, chỉ có một vật thể hình khối trông khá lớn trông giống một cục pin hoặc thứ gì đó tương tự.
Phần đuôi xe là một khung sắt được hàn vào để chứa 6 khẩu súng trường AK-12 bắn đạn 7,62×39 mm xếp cạnh nhau. Nó được cho là mạnh vì không giống như 24 ống phóng ngắn phía trước, "ma trận súng trường" này được điều khiển hoàn toàn bằng tay, và phương pháp ngắm cũng rất đơn giản và thô sơ: chỉ có một kính ngắm lớn ở giữa. Do quy trình sản xuất đơn giản và các vật liệu cần thiết đều có sẵn trên chiến trường, cả độ tin cậy và sức bền của hỏa lực đều là vấn đề đáng nghi ngờ.
Nhiều người cho rằng quân Nga đang sử dụng "đồ cũ" bởi Liên Xô hơn 80 năm trước đã sử dụng cách tương tự.
Năm 1928, nhà thiết kế vũ khí Liên Xô Fyodor Tokarev đã lắp đặt 4 khẩu súng máy hạng nặng M1910 bắn đạn 7,62×54mmR cạnh nhau trên xe tải GAZ-AAA để trở thành vũ khí phòng không di động. Súng máy hạng nặng M1910 là một phiên bản của súng máy Maxim của Nga. Ngoại trừ việc thay thế khung bánh xe Sokolov, nó không khác gì nguyên bản của Đức. Vũ khí này đã xuất hiện rất nhiều trong các bộ phim lấy chủ đề Chiến tranh Vệ quốc Nga. Năm 1938, Quân đội Liên Xô sử dụng loại vũ khí này và đặt tên là GAZ-AAA/4M.
Sự khác nhau giữa hai loại là, Maxim là loại súng máy sử dụng nòng nặng chống mài mòn và mỗi khẩu súng máy đều được trang bị ổ đạn 250 viên, trong khi súng AK-12 sử dụng băng đạn 30 viên, uy lực và độ chính xác có lẽ không bằng phiên bản phòng không 80 năm trước.
Phiên bản xe súng máy chống UAV mới dường như có phiên bản khác. Hình ảnh từ tiền tuyến cho thấy có ít nhất một xe chiến đấu chống UAV ở phía sau không có gì thay đổi, nhưng phía trước đã được thay thế bằng 2 khẩu súng máy song song, trông giống như súng máy đa năng dòng 7.62 PK với đạn 7,62×54mmR.
Cuộc đua chống UAV
Trên thực tế, không chỉ quân đội Nga, mà cả phía Ukraine cũng đang tích cực phát triển nhiều phương pháp chống UAV khác nhau, trong đó súng ngắn bắn đạn chùm có thể được sử dụng rộng rãi nhất, vì về cơ bản nó không chiếm biên chế và cũng không quá đắt tiền.
Trong nhiều đoạn video chiến trường Nga-Ukraine được đăng tải trên mạng, người ta nhận thấy cả hai bên đều có các hệ thống "Thợ săn UAV" với súng bắn đạn ria (đạn ghém) như một thứ bổ sung hoặc hỗ trợ cho hệ thống gây nhiễu điện tử.
Theo TheWarZone, mặc dù hệ thống chống UAV có phần đơn giản và không đẹp mắt, nhưng nó vẫn hiệu quả và cho thấy lối suy nghĩ cũng như thẩm mỹ độc đáo của người Nga.
Điều này cũng cho thấy việc gây nhiễu điện tử, vốn được coi là lực lượng chống UAV chủ lực trước đây, vẫn còn tồn tại những bất cập trong nhiều trường hợp, chẳng hạn như khó che giấu trên chiến trường và dễ dàng bị kẻ thù phản công, dễ bị mù khi gặp máy bay không người lái FPV điều khiển bằng cáp quang.
Vì sao Nga không thể đánh chặn đòn tấn công bằng UAV tầm xa của Ukraine?
Ukraine tiết lộ hệ vũ khí laser "Đinh ba" có thể bắn hạ UAV ở khoảng cách 2 km
Loạt UAV bí ẩn gây chấn động nước Mỹ: Điều gì xảy ra? Tại sao không thể bắn hạ?
Theo QQnews, NetEasy