NATO sẽ lập Liên minh an ninh Đại Tây Dương chống Trung Quốc?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau hội nghị thượng đỉnh G7, hội nghị thượng đỉnh các nước thành viên NATO họp hôm 14/6, cũng tập trung vào vấn đề Trung Quốc. Một liên minh chống Trung Quốc có thể sẽ hình thành.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg: một liên minh an ninh xuyên Đại Tây Dương cần được thành lập để đối phó với những thách thức do sự trỗi dậy của Trung Quốc (Ảnh: AP).
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg: một liên minh an ninh xuyên Đại Tây Dương cần được thành lập để đối phó với những thách thức do sự trỗi dậy của Trung Quốc (Ảnh: AP).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 15/6, trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng một liên minh an ninh xuyên Đại Tây Dương cần được thành lập để đối phó với những thách thức do sự trỗi dậy của Trung Quốc và để ứng phó với sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Joe Biden, người lần đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, nói rằng Trung Quốc và Nga đã trở thành những thách thức mới đối với NATO. Nhà Trắng cho biết các nhà lãnh đạo của 30 quốc gia thành viên NATO sẽ khởi động một loạt kế hoạch đầy tham vọng để đảm bảo rằng NATO tiếp tục bảo vệ công dân của các quốc gia thành viên vào năm 2030 và hơn thế nữa.

Tờ New York Times của Mỹ đưa tin, văn bản dự thảo tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh NATO đã được hoàn thành hôm thứ Bảy (12/6), với tổng cộng 79 đoạn. Tuyên bố đề cập đến tham vọng mà Trung Quốc đã tuyên bố và hành vi tự tin của họ đặt ra thách thức có hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các lĩnh vực liên quan đến an ninh của liên minh. Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân và lực lượng hạt nhân “tam vị nhất thể” (tức bộ ba vũ khí hạt nhân phóng từ trên không, tàu ngầm và mặt đất) của họ; đồng thời theo đuổi chiến lược hợp nhất quân sự - dân sự, cũng như hợp tác quân sự với Nga. Hai nước Trung – Nga đã tổ chức các cuộc tập trận ở châu Âu, Đại Tây Dương.

Hội nghị thượng đỉnh NATO lần đầu tiên gọi Trung Quốc là “thách thức mang tính hệ thống” (Ảnh: Getty).

Hội nghị thượng đỉnh NATO lần đầu tiên gọi Trung Quốc là “thách thức mang tính hệ thống” (Ảnh: Getty).

NATO quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc thường xuyên thiếu minh bạch và phổ biến thông tin sai lệch, đồng thời kêu gọi Trung Quốc thực hiện các cam kết quốc tế của mình, bao gồm cả về không gian và Internet. NATO sẽ cố gắng duy trì đối thoại mang tính xây dựng với Trung Quốc nhiều nhất có thể và hoan nghênh hợp tác với Trung Quốc về những thách thức chung, chẳng hạn như biến đổi khí hậu.

Ông Stoltenberg nói rằng sức mạnh quân sự của Trung Quốc từ Biển Baltic đến châu Phi đang tăng lên từng ngày, điều đó có nghĩa là NATO cần phải chuẩn bị để bảo vệ an ninh phương Tây và các giá trị dân chủ, nhưng ông phủ nhận cuộc Chiến tranh lạnh mới đã bắt đầu.

Đông Phương cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói khi gặp ông Jens Stoltenberg tại trụ sở NATO: "NATO rất quan trọng đối với Mỹ. Tôi hy vọng cả châu Âu biết rằng Mỹ đang ở đây. Mỹ coi Điều 5 của Công ước là một nghĩa vụ thiêng liêng". Theo Điều 5 của Công ước Bắc Đại Tây Dương (NATO): nếu một quốc gia thành viên NATO được xác nhận là bị tấn công, các quốc gia thành viên khác sẽ phản ứng ngay lập tức và có thể thực hiện các hành động cần thiết bao gồm cả vũ lực để hỗ trợ quốc gia bị tấn công khôi phục và duy trì an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương.

Ngày 13/6, Tổng thống Mỹ Biden tới Brussels họp Hội nghị thượng đỉnh NATO, Thủ tướng Bỉ De Croo ra sân bay đón (Ảnh: AP).

Ngày 13/6, Tổng thống Mỹ Biden tới Brussels họp Hội nghị thượng đỉnh NATO, Thủ tướng Bỉ De Croo ra sân bay đón (Ảnh: AP).

Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ các quốc gia thành viên NATO sẽ cam kết sửa đổi các khái niệm chiến lược của họ trong 10 năm tới để ứng phó với môi trường chiến lược luôn thay đổi, bao gồm “các chính sách và hành động xâm lược của Nga, các mối đe dọa của Trung Quốc đối với an ninh tập thể, sự thịnh vượng và các giá trị của NATO”, cũng như chủ nghĩa khủng bố, các mối đe dọa mạng, biến đổi khí hậu và các mối đe dọa xuyên quốc gia khác. Khái niệm chiến lược mới sẽ được thông qua và có hiệu lực tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào năm tới. Các nhà lãnh đạo NATO sẽ ủng hộ chính sách phòng thủ mạng mới, tăng cường phối hợp giữa các quốc gia thành viên, đảm bảo rằng tất cả các nước thành viên trong liên minh đều dựa vào các nhà cung cấp đáng tin cậy để xây dựng thế hệ mạng viễn thông tiếp theo.

Trang tin Đa Chiều phổ biến trong thế giới Hoa ngữ ngày 15/6 đưa tin và nhận xét: Hội nghị thượng đỉnh NATO (NATO) họp ngày 14/6 tại thủ đô Brussels của Bỉ. Thông cáo của hội nghị lần đầu tiên gọi Trung Quốc là “thách thức mang tính hệ thống”. Giáo sư Serge Jomein tại Đại học Tự do Brussels (Université Libre de Bruxelles, ULB) cho rằng các nước NATO đã tăng cường chú ý đến mối đe dọa từ Trung Quốc, điều này chứng tỏ NATO đã xác định lại địa chính trị.

Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thư ký Jens Stoltenberg tại Hội nghị thượng đỉnh NATO (Ảnh: AP).

Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thư ký Jens Stoltenberg tại Hội nghị thượng đỉnh NATO (Ảnh: AP).

Hãng thông tấn Nga Sputnik ngày 15/6 đưa tin, ông Serge Jomein nói: "Chúng ta thực sự đã trở thành nhân chứng cho việc NATO định nghĩa lại địa chính trị. Sự xuất hiện của Trung Quốc trên trường quốc tế và khối lượng kinh tế khổng lồ ngày càng tăng của họ đòi hỏi NATO phải nghiên cứu kỹ lưỡng".

"Về mặt lịch sử, 75 năm đã trôi qua kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Những gì chúng ta thấy là cuộc đối đầu bí mật giữa Mỹ và Liên Xô và sau đó là xung đột giữa Nga và Mỹ. Cần phải chỉ ra rằng khi mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô xấu đi, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã được cải thiện và ngược lại".

Ông cũng nói: "Các nước châu Âu có thái độ khác nhau đối với Trung Quốc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ ra với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Trung Quốc hiện không ở gần Đại Tây Dương và nhiều nước như Đức có quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc".

Serge Jomein nhấn mạnh rằng đối với ông Biden, điều quan trọng là phải thể hiện mặt trận thống nhất dân chủ phương Tây trước Nga và Trung Quốc. Điều này rất có ý nghĩa tượng trưng. NATO sẽ không dành hai tiếng rưỡi với 30 quốc gia thành viên để xác định một chiến lược mới trên bàn đàm phán.

Ông cũng chỉ ra rằng Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đến thăm Washington và hội đàm với tổng thống Mỹ vào tuần trước. “Nhưng chúng ta mới chỉ thấy bước đầu của quá trình này. Dù sao thì NATO cũng đang xem xét hoặc nhận thức lại, xem đó là một phần của diễn biến chiến lược”.

Hội nghị thượng đỉnh NATO được họp vào ngày 14/6 tại Brussels, thủ đô của Bỉ. Trong thời gian họp, các chủ đề như tầm nhìn chiến lược trước năm 2030, Nga, Trung Quốc, và tăng cường phát triển công nghệ, giải quyết biến đổi khí hậu, không gian mạng và các mối đe dọa không gian đã được thảo luận.

Trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 15/6 cho biết, phát biểu trong phiên bế mạc hội nghị, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói: “Trong thời đại cạnh tranh toàn cầu, châu Âu và NATO cần đứng ra chống các chính quyền chuyên chính Nga và Trung Quốc”.

Thông cáo được đưa ra khi kết thúc hội nghị viết: "Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân, với nhiều đầu đạn hơn và nhiều hệ thống mang đầu đạn tiên tiến hơn, nhằm thiết lập hệ thống bộ ba vũ khí hạt nhân".

NATO chỉ trích kế hoạch phát triển vũ khí "không minh bạch" của Trung Quốc và "chiến lược hợp nhất quân sự - dân sự được công bố công khai", đồng thời cáo buộc Trung Quốc hợp tác với Nga trong lĩnh vực quân sự.

Ông Jens Stoltenberg nói trong bài phát biểu bế mạc hội nghị: "Trung Quốc đang tiếp tục tiếp cận chúng ta. Chúng ta thấy Trung Quốc trên không gian mạng, chúng ta thấy Trung Quốc ở châu Phi, và chúng ta cũng thấy Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng ta".

Theo Deutsche Welle, điều mà ông Stoltenberg đề cập đến trong bài phát biểu của mình có thể là động thái của Trung Quốc để xây dựng các cảng ở châu Phi và tích cực nỗ lực xây dựng mạng 5G đa quốc gia toàn cầu với Huawei. Ông chỉ rõ: "NATO phải đưa ra phản ứng tổng thể. Chúng ta không bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Trung Quốc không phải là đối thủ của chúng ta, không phải là kẻ thù của chúng ta. Là một liên minh, chúng ta cần làm việc cùng nhau để giải quyết những thách thức mà sự trỗi dậy của Trung Quốc gây ra cho an ninh của chúng ta".

Hội nghị thượng đỉnh NATO hôm 14/6 đánh dấu quan hệ NATO - Trung Quốc bước vào thời kì tồi tệ (Ảnh: Seehua).

Hội nghị thượng đỉnh NATO hôm 14/6 đánh dấu quan hệ NATO - Trung Quốc bước vào thời kì tồi tệ (Ảnh: Seehua).

Sau hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Đức Merkel cho rằng NATO cần tìm kiếm sự "cân bằng" khi giải quyết các vấn đề của Trung Quốc. Bà Merkel nói với các phóng viên: "Nếu bạn nhìn vào các mối đe dọa mạng và các mối đe dọa hỗn hợp, nếu bạn nhìn vào sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc, thì bạn không thể bỏ qua Trung Quốc, nhưng bạn cũng không thể đánh giá Trung Quốc quá nhiều. Chúng ta cần phải tìm ra sự cân bằng phù hợp".

Đồng thời, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo rằng việc tập trung vào Trung Quốc không nên phân tán sự chú ý khỏi cốt lõi của NATO và nhiều thách thức khác. Ông nhấn mạnh NATO là một liên minh quân sự và mối quan hệ của khối này với Trung Quốc còn rộng hơn. Ông chỉ ra rằng quốc gia Đông Á này "không liên quan gì đến Bắc Đại Tây Dương”.

Ngoài ra, NATO cũng tập trung vào các vấn đề liên quan đến Nga trong thông cáo chung. Thông cáo chung nêu rõ: “Hành vi xâm lược của Nga gây ra mối đe dọa đối với an ninh của châu Âu và Đại Tây Dương”. NATO lên án việc Nga tiếp tục vi phạm “các giá trị, nguyên tắc, sự tin tưởng và cam kết được nêu trong các văn kiện đã thỏa thuận tạo cơ sở cho mối quan hệ NATO - Nga".

Ông Stoltenberg chỉ ra trong bài phát biểu kết thúc hội nghị: "Mối quan hệ của chúng ta với Nga đang ở điểm thấp nhất kể từ thời kì Chiến tranh Lạnh. Chúng ta sẽ duy trì khả năng phòng thủ vững chắc trong khi tiếp tục chuẩn bị cho các cuộc đàm phán". Ông nhấn mạnh rằng mục tiêu cuối cùng của NATO là tránh hiểu lầm và leo thang tranh chấp.