NATO coi Trung Quốc là “thách thức có hệ thống”, tuyên bố chống lại sự trỗi dậy của Bắc Kinh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lần đầu tiên trong lịch sử 72 năm của mình, NATO dán nhãn Trung Quốc là nước gây ra “những thách thức có hệ thống” và tuyên bố chống lại sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Các nhà lãnh đạo NATO trong một phiên họp tổ chức hôm đầu tuần này tại Brussels, Bỉ (Ảnh: AP)
Các nhà lãnh đạo NATO trong một phiên họp tổ chức hôm đầu tuần này tại Brussels, Bỉ (Ảnh: AP)

Trong cuộc họp quy tụ 30 nhà lãnh đạo các nước thành viên NATO lần đầu tiên kể từ năm 2019, Trung Quốc trở thành tâm điểm trong các cuộc thảo luận – cũng giống như trong hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Cornwall, Anh hồi tuần trước.

Gộp chung lại – và thêm cả một hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ tổ chức tại Brussels trong hôm 15/6 – những sự kiện này là sự biểu lộ rõ rệt cho những kế hoạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm tái xây dựng khối đồng minh xuyên Đại Tây Dương với mục đích mà ông từng thể hiện công khai là ngăn chặn những mối đe dọa bắt nguồn từ Trung Quốc.

“Những tham vọng mà Trung Quốc từng tuyên bố và cả hành vi áp đặt của họ đã gây ra những thách thức có hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và những lĩnh vực liên quan tới an ninh” – trích tuyên bố của NATO – “Chúng tôi quan ngại trước những chính sách đe dọa này, chúng đối lập với những giá trị cơ bản được ghi trong Hiệp định Washington”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tới tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels, Bỉ hôm 14/6 (Ảnh: EPA)

Tổng thống Mỹ Joe Biden tới tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels, Bỉ hôm 14/6 (Ảnh: EPA)

Trong cuộc họp báo tổ chức sau hội nghị, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay tổ chức này quan ngại rằng Trung Quốc “đang nhanh chóng tăng cường sức mạnh hạt nhân, thêm nhiều đầu đạn hơn cùng với số lượng lớn các hệ thống phóng tinh vi”, hợp tác quân sự với Nga và cả việc “lợi dụng thông tin sai lệch”.

“Các nhà lãnh đạo NATO kêu gọi Trung Quốc giữ vững các cam kết quốc tế và hành động một cách có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế, bao gồm trong không gian, không gian mạng và trên biển, phù hợp với vai trò một cường quốc” – ông Stoltenberg nói.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong một cuộc họp báo hôm đầu tuần (Ảnh: Reuters)

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong một cuộc họp báo hôm đầu tuần (Ảnh: Reuters)

Tuyên bố gồm 79 điểm của NATO có 3 đoạn và 10 lần nhắc tới Trung Quốc. Liên quan tới quan điểm của NATO trước sự thay đổi của Trung Quốc trong vòng 18 tháng qua, Trung Quốc được nhắc tới một lần duy nhất sau hội nghị thượng đỉnh năm 2019 – thời điểm mà NATO “nhận thức được về tầm ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc cùng với những chính sách quốc tế của nước này đại diện cho cả những cơ hội và thách thức”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu bật sự thay đổi của Trung Quốc trong một cuộc họp báo sau hội nghị, nói rằng “lần cuối cùng mà NATO đưa ra một kế hoạch chiến lược như vậy là vào năm 2010, khi Nga còn được xem là một đối tác và Trung Quốc thậm chí còn chưa được nhắc tới”.

Ông nói rằng, cả hai nước này giờ “đang cố gắng gây chia rẽ sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương”. Ông gọi Điều 5 của NATO – trong đó quy định mỗi nước thành viên phải hỗ trợ phòng thủ cho một nước đang bị tấn công về mặt quân sự - là điều “thiêng liêng”.

Trước đó, khi được hỏi rằng liệu có một “lằn ranh” nào mà một khi Trung Quốc vượt qua, nước này sẽ được chuyển từ “thách thức có hệ thống” lên mức “thù địch”, ông Stoltenberg nói rằng: “Chúng tôi chưa hề xác định rõ ràng một lằn ranh chính xác, nhưng chúng tôi đang cùng nhau nhìn vào thực tế là Trung Quốc sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, họ sẽ có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai và hạm đội hải quân lớn nhất”.

“Họ đang đầu tư mạnh tay vào cho sức mạnh hiện đại, trong đó bao gồm đầu tư vào các công nghệ đột phá như những hệ thống tự động, nhận diện khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo, và rồi áp dụng chúng trong nhiều hệ thống vũ khí khác nhau. Chúng đang trong tiến trình làm thay đổi bản chất của chiến tranh theo cái cách mà chúng ta chưa từng thấy trước đây” – ông Stoltenberg nói thêm.

Phát biểu trước các phòng viên trước hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng họ cảm thấy Trung Quốc hiện là một trong những thách thức về chính sách quốc phòng và đối ngoại lớn nhất của NATO.

“Trung Quốc ngày càng đi theo hướng ngược lại với NATO, dù là ở châu Phi, ở Địa Trung Hải hay đặc biệt là ở Bắc Cực, trong lúc họ đang tham dự vào nhiều hơn” – Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu tại Diễn đàn Brussels, một sự kiện tổ chức song song với hội nghị thượng đỉnh NATO – “Là một khối đồng minh, chúng ta cần phải đảm bảo rằng phải nhận thức rõ về tầm ảnh hưởng toàn cầu mà Trung Quốc đang có”.

Giới lãnh đạo NATO cũng nhấn mạnh về sự cần thiết phải phục hồi mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, sau những năm mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng chính sách cô lập và đe dọa rút khỏi NATO.

“Hội nghị thượng đỉnh này là một phần trong tiến trình tái khẳng định, tái xây dựng lại khối đồng minh cơ bản của Mỹ, vốn đã bị suy yếu dưới thời chính quyền trước” – Thủ tướng Italy Mario Draghi nói.

Thủ tứng Italy Mario Draghi tại hội nghị thượng đỉnh NATO (Ảnh: Reuters)

Thủ tứng Italy Mario Draghi tại hội nghị thượng đỉnh NATO (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo NATO vẫn cố gắng tránh mô tả thế đối đầu với Trung Quốc như một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”.

Phát biểu trước các phóng viên khi đến tham dự hội nghị, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng ông “không nghĩ bất cứ ai trên bàn thảo luận đều muốn lao vào một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc”.

Một trong số rất ít những đồng minh của Trung Quốc xuất hiện trong cuộc thảo luận này, Thủ tướng Hungary Viktor Orban, cũng phản đối luận điểm như vậy. “Tôi năm nay 58 tuổi. Tôi đã sống 26 năm cuộc đời trong Chiến tranh Lạnh. Tin tôi đi, nó rất tồi tệ, bởi vậy đừng làm thế” – ông Orban nói.

Tuyên bố của NATO mặt khác cũng khuyến khích hợp tác với Trung Quốc “nếu có thể”, đặc biệt là ở những lĩnh vực như biến đổi khí hậu.

“Dựa trên những lợi ích của chúng tôi, chúng tôi hoan nghênh những cơ hội hợp tác với Trung Quốc trong những lĩnh vực xác đáng với khối đồng minh và là thách thức chung như biến đổi khí hậu” – tuyên bố nêu rõ - “Ngoài ra, việc trao đổi thông tin về chính sách và hoạt động cũng có giá trị, giúp tăng nhận thức và thảo luận về các vấn đề bất đồng có thể nảy sinh”.

Giới chuyên gia phân tích cho rằng NATO sẽ không đưa ra các biện pháp quân sự trực diện, như triển khai các chiến hạm của họ tới Biển Đông, hay tổ chức các cuộc diễn tập quân sự ngay sát vách Trung Quốc.

“Trên hết, NATO sẽ bảo vệ những mối quan hệ đối tác của họ với các nước châu Á-Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia” – Pierre Marcos, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định – “Vậy nên, sự tập trung của NATO nhằm vào Trung Quốc là để hiểu hơn về những ảnh hưởng về an ninh bắt nguồn từ tâm ảnh hưởng đang tăng của Trung Quốc và sự hiện diện của nước này ở châu Âu”.