Đại tướng Pavel đang ở Singapore để tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 15, khai mạc tối nay 3.6 và kéo dài đến ngày 5.6.
Vị tướng 4 sao của quân đội Cộng hòa Séc vừa đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO từ tháng 6.2015 và rất quan tâm đến diễn đàn an ninh thường niên quan trọng nhất châu Á - Thái Bình Dương này.
Sáng 3.6, ông Pavel đã có cuộc đối thoại kéo dài gần một giờ với một số phóng viên của vài tờ báo lớn ở châu Á. Trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Niên về quan điểm của khối quân sự Bắc Đại Tây Dương đối với tranh chấp Biển Đông ở góc độ chủ quyền và nguy cơ xung đột vũ trang, vị tướng 54 tuổi nói thẳng: “Chúng tôi không có cơ sở pháp lý để can dự vào vấn đề Biển Đông”.
Ông nhắc lại 2 chức năng của NATO là kênh thông tin hợp tác của đồng minh trong khối và quản lý khủng hoảng an ninh trong khu vực của mình một cách tích cực.
Quan ngại về tình hình Biển Đông
Tướng Pavel nói rằng về mặt nguyên tắc, “NATO chủ trương cố gắng xử lý các khủng hoảng an ninh ngay trong khu vực của mình và không can thiệp ra ngoài khối”.
“Tuy nhiên, chúng tôi có thể lập luận rằng trong thời đại toàn cầu và đan xen này, chúng ta phụ thuộc lớn vào tự do thương mại và sự thông quan của các tuyến đường biển. Vì vậy, những tuyến đường biển huyết mạch phải luôn luôn mở cho mọi quốc gia”, ông phân tích.
Và trên lập trường đó, “Ý kiến của chúng tôi là Trung Quốc phải làm minh bạch tuyên bố chủ quyền và ý đồ của mình ở Biển Đông.
Chúng tôi không rõ Trung Quốc muốn đi đến đâu và bản chất các tuyên bố chủ quyền của họ là gì. Điều đó dĩ nhiên làm chúng tôi quan ngại”, vị tướng 4 sao của Cộng hoà Séc nói.
“Chúng tôi luôn ủng hộ những giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia tuân thủ luật pháp, thông lệ quốc tế và thảo luận thay vì dùng vũ lực”, ông Pavel nói thêm.
Tướng Pavel cũng quả quyết NATO sẽ không can thiệp quân sự, chẳng hạn thực hiện các chuyến tuần tra bảo đảm tự do an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông như Mỹ đã và đang làm.
“Dù vậy, chúng tôi ủng hộ tự do hàng hải và sẵn sàng hợp tác với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, thông tin tình báo như một cách xây dựng năng lực bảo vệ biển”, theo ông Pavel.
Ông cho biết thêm NATO có hợp tác an ninh biển với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand nên cũng có những quan tâm chung, đồng thời có kinh nghiệm dày dặn trong việc bảo vệ an ninh biển ở Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương...
Ủng hộ bình thường hóa quân đội Nhật Bản
Trong cuộc đối thoại cởi mở và chân tình, người đứng đầu Ủy ban quân sự NATO cũng tiết lộ 2 vấn đề làm ông đau đầu nhất là Nga và nạn khủng bố cùng với sự di cư của các phần tử khủng bố.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Ashahi Shimbun về thái độ của NATO đối với nguyện vọng của Thủ tướng Shinzo Abe về bình thường hóa hoạt động của quân đội Nhật Bản, ông Pavel đáp: “Tôi không thấy có lý do gì để phản đối điều đó”.
Sau Thế chiến 2, quân đội Nhật Bản đã bị triệt thoái thành lực lượng phòng vệ quốc gia với nhiều hạn chế trong vấn đề hợp tác với bên ngoài. Từ khi nhậm chức cuối năm 2012, Thủ tướng Abe đã có nhiều động thái để "cởi trói" cho quân đội, nhằm đưa lực lượng này ra hoạt động ở ngoài nước.
Ông Pavel cũng nhìn nhận châu Á - Thái Bình Dương đang và sẽ là “trung tâm an ninh” của cả thế giới, và việc Mỹ xoay trục về khu vực này là “chuyện đúng nên làm”.
Theo Thanh Niên