Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá hải quân Jeff Davis, cho biết hôm 27-7 rằng, hai bên đang thảo luận về việc đảm bảo và cung cấp hậu cần, nhưng ông từ chối bình luận về số quân và số máy bay chiến đấu dự kiến sẽ triển khai tới Căn cứ không quân Incirlik và, có thể là 3 căn cứ không quân khác, tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Lầu Năm Góc, khoảng 1.700 binh lính Mỹ - chủ yếu là nhân viên không quân, sẽ được triển khai tới Căn cứ không quân Incirlik, nằm gần biên giới với Syria.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận rằng họ vẫn đang tiến hành đàm phán với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhằm xác định những lực lượng và phương tiện nào cần được sử dụng trong các hoạt động quân sự chung.
Trước đó, một quan chức cao cấp trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama cho biết, mục đích của hoạt động này là nhằm "dọn sạch" các tay súng ở khu vực biên giới và đóng cửa biên giới với Daesh (IS).
Tuy nhiên, quan chức giấu tên này nhấn mạnh rằng Mỹ không có ý định lập nên một "vùng cấm bay" cụ thể tại Syria dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, mà Ankara từ lâu đã đề nghị thiết lập, thay vào đó, thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bao gồm việc thiết lập một "khu vực không có IS".
Tuần trước, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ cho phép Mỹ sử dụng Căn cứ không quân Incirlik để tiến hành các chiến dịch không kích chống IS tại Syria.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần khẳng định họ không quan tâm đến việc tấn công vào Syria, nhưng một làn sóng bạo lực gần đây dọc theo đường biên giới với Syria có thể đã thay đổi chính sách đó.
Hôm 20-7, một kẻ đánh bom liều chết tình nghi là của IS đã kích nổ quả bom, giết chết 32 học sinh tại một thị trấn biên giới. Hôm 23-7, các cuộc đụng độ tại biên giới với các tay súng IS đã làm một sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.
Theo: An ninh Thủ đô