Trang tin Aviationweek ngày 10.5 cho biết 12 chiếc F-22 Raptor đã từ châu Âu về lại căn cứ không quân Tyndall ở bang Florida ngày 9.5, sau khi được đưa sang căn cứ Lakenheath ở Anh hồi giữa tháng 4.2016.
Khi ở châu Âu, các chiếc F-22 này còn tham gia diễn tập chung với không quân châu Âu ở Anh, sang thăm Pháp, và bay đến Romania, Lithuania (sát nách Nga).
Việc triển khai F-22 rầm rộ như trên là nhằm thử nghiệm chương trình có tên gọi Rapid Raptor, tức triển khai chớp nhoáng tiêm kích tàng hình F-22 ra ngoài lãnh thổ Mỹ đến các điểm nóng trên thế giới để phô diễn lực lượng và nhằm dằn mặt các đối thủ như Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, theo nhà phân tích Kyle Mizokami viết trên PopularMechanicsngày 11.5.
Việc triển khai chớp nhoáng này cũng cho phép Không lực Mỹ kiểm tra khả năng đưa F-22 trong đội hình chiến đấu đến bất cứ nơi đâu trên thế giới và sẵn sàng hoạt động ngay sau khi đến nơi.
F-22 (thứ ba từ trên xuống) tham gia bay tập luyện cùng 2 chiếc F-15 của Mỹ và 1 chiếc Typhoon của Anh (dưới cùng) ngày 26.4.2016 ở Anh - Ảnh: Không lực Mỹ |
Rapid Raptor đã từng được thử nghiệm ở Không đoàn số 3 đóng tại căn cứ không quân Elmendorf-Richardson ở Alaska với 40 máy bay F-22. Rapid Raptor có thể điều động 4 biên đội F-22 cùng với máy bay vận tải C-17 có thể đến bất kỳ căn cứ không quân nào trên thế giới trong vòng 24 giờ.
Rapid Raptor giả định sẽ triển khai lập tức nếu máy bay của Nga, Trung Quốc gia tăng hoạt động gần lãnh thổ các đồng minh của Mỹ, cũng như Triều Tiên tiến hành chương trình hạt nhân.
Việc triển khai 12 chiếc F-22 tiến hành Rapid Raptor vừa qua ở châu Âu là do Không đoàn số 48 ở bang Florida đảm nhiệm. Tốp 12 chiếc tiêm kích tàng hình Raptor này xuất phát từ căn cứ Tyndall bay sang Anh. Bốn chiếc đầu bay thẳng đến Anh vào ngày 11.4 không mang theo bình dầu phụ, còn 8 chiếc sau có mang theo. Nếu không có bình dầu phụ, các chiếc F-22 chỉ có thể thực hiện phi vụ đầu tiên trong vài giờ sau khi đến nơi.
Sau khi đến Anh, có hai cặp F-22 bay sang thăm Romania và Lithuania.
Hồi năm 2015, 4 chiếc F-22 cũng bay đến thăm Ba Lan và 2 chiếc khác đến Estonia.
Những chiếc F-22 này thường được điều đến thăm ở các nước NATO gần Nga, nhằm biểu dương sức mạnh không quân Mỹ, bảo đảm các đồng minh rằng Mỹ sẽ giúp đỡ tức thì nếu bị Nga đe doạ.
F-22 Raptor tại căn cứ Seongnam, phía nam Seoul, Hàn Quốc ngày 19.10.2015 - Ảnh: AFP |
Còn ở châu Á - Thái Bình Dương, Không đoàn số 3 đã điều F-22 bay qua Tây Thái Bình Dương để gửi thông điệp cảnh cáo Triều Tiên và Trung Quốc. Hồi tháng 1.2016, chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần 4 (nói là thử bom nhiệt hạch), Mỹ đã đưa 12 chiếc F-22 đến căn cứ không quân Yokota bên ngoài thủ đô Tokyo. Và khi Triều Tiên thử tên lửa tầm xa sau đó, Không lực Mỹ điều 4 chiếc F-22 bay đến căn cứ Osan của Hàn Quốc.
F-22 còn thường xuyên bay đến căn cứ Kadena trên đảo Okinawa, gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang là tâm điểm tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên biển Hoa Đông.
Tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Không lực Mỹ, loại máy bay chiến đấu tàng hình đang hoạt động duy nhất trên thế giới tính đến thời điểm này (2016) - Ảnh: Không lực Mỹ |
Bài báo của PopularMechanics nhận định rằng Rapid Raptor vẫn còn là công cụ hữu hiệu của Không lực Mỹ vì là máy bay chiến đấu tàng hình duy nhất trên thế giới. Nhưng đến khi Nga đưa vào sử dụng tiêm kích tàng hình T-50 PAK FA và Trung Quốc cho hoạt động chiếc Chengdu J-20 thì các chuyến thăm viếng của F-22 có lẽ sẽ không còn ý nghĩa. Thay vào đó F-22 có thể sẽ chuyển sang chế độ... săn mồi!
Theo Thanh Niên