Mỹ thành lập hạm đội tàu không người lái, mở ra xu hướng mới giành quyền kiểm soát đại dương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hải quân Mỹ sẽ thành lập hạm đội tàu mặt nước không người lái đầu tiên trong lịch sử thế giới vào mùa hè năm 2023. Đây được cho là mở ra một cuộc cách mạng trong việc giành quyền kiểm soát đại dương.  
Tàu không người lái Sea Hunter tham gia cuộc tập trận hải quân Pacific Rim 2022 (Ảnh: Chinatimes).
Tàu không người lái Sea Hunter tham gia cuộc tập trận hải quân Pacific Rim 2022 (Ảnh: Chinatimes).

Hồi tháng 11/2022 Hạm đội 5 Hải quân Mỹ đã tổ chức một cuộc diễn tập trên biển mang tên “Digital Horizon” (Chân trời số) kéo dài ba tuần với các nghiên cứu tích hợp tàu không người lái với trí tuệ nhân tạo (AI). Theo một bản thông cáo báo chí từ bộ chỉ huy cuộc diễn tập cho biết, đây là một bước quan trọng trong việc tích hợp các tàu mặt nước không người lái và các phương tiện khác trong đó có máy bay không người lái trước khi hạm đội mặt nước không người lái đi vào hoạt động vào mùa hè 2023 tới.

Theo một bài viết trên mạng tin tức quân sự Defense News ngày 4/1, mặc dù hải quân và quân đội Mỹ trong phần lớn thời gian của năm 2022 đều tập trung vào chiến trường châu Âu sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, chưa kể đến tình hình Trung Quốc và eo biển Đài Loan, nhưng bộ phận phụ trách phương tiện không người lái của Hải quân đã âm thầm nỗ lực làm việc cùng với Hạm đội 5 ở vùng biển Trung Đông, thử nghiệm và phát triển nhiều loại tàu mặt nước không người lái khác nhau.

Tàu không người lái hỗn hợp nổi và ngầm Triton thử nghiệm (Ảnh: Chinatimes).

Tàu không người lái hỗn hợp nổi và ngầm Triton thử nghiệm

(Ảnh: Chinatimes).

Lực lượng Đặc nhiệm 59 (Task Force 59, TF59), được Hải quân Mỹ thành lập vào tháng 9/2021 để chuyên phụ trách giám sát đốc thúc công việc này, đã tiến hành ​​hơn 25.000 giờ hoạt động của tàu không người lái mặt nước ở vùng biển ở khu vực này trong khoảng một năm qua; đặc biệt chiếc tàu “Saildrone Explorer” đã ghi nhận kỷ lục 220 ngày hoạt động liên tục trên biển mà không cần tiếp nhiên liệu hoặc bảo trì trong suốt khoảng thời gian đó.

Đại úy Michael Brasseur, chỉ huy của TF59, cho biết trong một tuyên bố: "Tốc độ đổi mới nhanh một cách phi thường. Chúng ta đang thách thức các đối tác về khả năng đáp ứng nhanh chóng trong hoàn cảnh tác chiến khó khăn nhất với khả năng thần tốc và hiệu quả”.

Tàu không người lái L3 Harris MAST-13 (Ảnh: Chinatimes).

Tàu không người lái L3 Harris MAST-13 (Ảnh: Chinatimes).

Tư lệnh Hạm đội 5 Brad Cooper khẳng định trong một tuyên bố: "Bằng cách lợi dụng các công nghệ không người lái mới này và kết hợp chúng với trí tuệ nhân tạo, chúng ta sẽ nâng cao an ninh hàng hải khu vực và tăng cường khả năng răn đe. Điều này sẽ tốt cho tất cả mọi người."

Cuộc diễn tập “Digital Horizon” hồi tháng 11/2022 có sự tham gia của 15 hệ thống khác nhau, 10 trong số đó lần đầu tiên vận hành trong Hạm đội 5. Sự kiện này có sự tham gia của hai hệ thống máy bay không người lái cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, cũng như một số lượng lớn tàu không người lái trên mặt nước.

Tàu không người lái “Saildrone Explorer”hoạt động liên tục 220 ngày trên biển (Ảnh: Chinatimes).

Tàu không người lái “Saildrone Explorer”hoạt động liên tục 220 ngày trên biển

(Ảnh: Chinatimes).

Trước đó, vào cuối tháng 7/2022, Hải quân Mỹ đã công bố kế hoạch triển vọng 2022. Theo đó, từ 2022 đến năm 2045, ngoài việc có hơn 370 tàu có người lái và 3.000 máy bay chiến đấu, Hải quân Mỹ sẽ có 150 tàu mặt nước không người lái cỡ lớn được triển khai ở 7 vùng biển trên thế giới để đối phó Nga và Trung Quốc. Các chuyên gia chỉ ra rằng việc phát triển máy bay quân sự và tàu chiến theo hướng không người lái là xu hướng tác chiến trong tương lai.

Theo các cơ quan truyền thông đưa tin trước đây, trong những năm gần đây, tất cả các quân chủng của quân đội Mỹ đều tăng cường phát triển và ứng dụng các hệ thống không người lái và công nghệ trí tuệ nhân tạo. Ví dụ được thể hiện rõ trong các tài liệu “Mục tiêu hệ thống không người lái của Bộ Hải quân” và "Lộ trình chiến lược các hệ thống không người lái của Bộ Hải quân" năm 2018. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng rất coi trọng các công việc về lĩnh vực này. Trong ngân sách năm tài chính 2022, Lầu Năm Góc đã yêu cầu Quốc hội Mỹ phân bổ 112 tỷ USD cho việc phát triển, thử nghiệm và đánh giá các hệ thống không người lái và công nghệ trí tuệ nhân tạo. Đây là yêu cầu ngân sách lớn nhất từ ​​​​trước đến nay trong lĩnh vực này.

Tàu không người lái Seasats X3 của Mỹ (Ảnh: Chinatimes).

Tàu không người lái Seasats X3 của Mỹ (Ảnh: Chinatimes).

Chiếc tàu không người lái chống tàu ngầm “Sea Hunter” của quân đội Mỹ có hình dạng ba thân độc đáo chạy trên mặt nước đã được cho tham gia cuộc diễn tập hải quân lớn Pacific Rim 2022 và Hải quân Mỹ dự định từ nay tới 2045 sẽ cho đóng hàng loạt hạm tàu mặt nước không người lái. Ông Tô Tử Vân (Su Ziyun), Giám đốc Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Chiến lược Quốc phòng thuộc Học viện Quốc phòng Đài Loan, cho biết: "Trong tương lai, tàu và máy bay sẽ phát triển theo hướng không người lái, đó sẽ là một xu thế, đối ứng với việc Trung Quốc Đại Lục mở rộng sức mạnh trên biển ở Tây Thái Bình Dương, sẽ có tác dụng kiềm chế rất tốt. Cuộc diễn tập phong tỏa và kiểm soát Đài Loan của PLA phô trương hỏa lực và cũng là ngăn chặn khu vực, những tàu không người lái (của quân đội Mỹ) này sẽ rất khó bị phát hiện, đồng thời cũng đồng nghĩa với việc ngăn cản PLA phát huy hỏa lực.”

Các tàu mặt nước không người lái của Mỹ tham gia cuộc diễn tập “Digital Horizon” tổ chức tháng 11/2022 (Nguồn: Chinatimes).

Tuy nhiên, các tàu không người lái của Trung Quốc cũng đã đạt được những thành quả ban đầu. Tàu D3000, cũng là một loại tàu ba thân, đã được Bắc Kinh công bố vào năm 2017. Ngoài ra còn có nhiều loại máy bay không người lái có cả khả năng trinh sát và tấn công, khiến Trung Quốc trở thành quốc gia xuất khẩu máy bay không người lái quân sự lớn nhất thế giới.

Đối với Đài Loan, quá trình phát triển các phương tiện không người lái chỉ mới bắt đầu và tất cả các loại máy bay không người lái hiện mới chỉ có chức năng trinh sát. UAV “Đằng Vân” (Tengyun) cỡ lớn và Thụy Uyên (Ruiyuan) cỡ trung bình vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lắp đặt vũ khí. Mặc dù loại máy bay không người lái chống bức xạ “Kiếm Tường” (Jianxiang) của Đài Loan có thể thực hiện các cuộc tấn công tự sát, nhưng hiện nó vẫn đang trong giai đoạn sản xuất hàng loạt, chưa được đưa vào trang bị cho quân đội.