Mỹ sẽ buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của Tòa quốc tế

VietTimes -- Mối quan hệ Trung-Mỹ đang chuyển sang một giai đoạn bất ổn và căng thẳng hơn sau phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế La Haye về những tuyên bố “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Hai cụm tàu sân bay tấn công chủ lực Mỹ trên Biển Đông
Hai cụm tàu sân bay tấn công chủ lực Mỹ trên Biển Đông

Nhưng các chuyên gia địa chính trị khu vực cũng nhận định: những mâu thuẫn và căng thẳng mới không phải là nguyên nhân khiến hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới lao vào một cuộc chiến tranh có thể khó tránh khỏi trong tương lai.

Các nhà phân tích cho rằng, cả hai bên sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực trong bối cảnh tình hình sẽ nóng lên trên Biển Đông sau phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế, nguy cơ xung đột quân sự do tính toán sai lầm hoặc không chủ ý tăng lên đáng kể.

Ngày 12.07.2016  Tòa Trọng tài đã đưa ra phán quyết có lợi cho vụ kiện của Philipines trong tranh chấp với những tuyên bố của Trung Quốc về cái gọi là “chủ quyền lịch sử” trên Biển Đông. Tòa án cũng ra phán quyết bác bỏ hoàn toàn tuyên bố của Trung Quốc về “đường 9 đoạn” liên quan đến những hành lang của tuyến đường vận tải thương mại chiến lược quan trọng nhất thế giới.

Ông Zhu Zhiqun, giám đốc Viện Trung Quốc tại Đại học Bucknell ở Pennsylvania cho rằng: "Phán quyết sẽ có tác động lâu dài trong quan hệ Mỹ-Trung. Sự không tin tưởng lẫn nhau và nghi kỵ sẽ tiếp tục gia tăng và làm sâu sắc thêm sự khác biệt".

Ông Zhu nhận định rằng quyết định của Mỹ vài ngày trước đây triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại Hàn Quốc, một động thái quân sự mà Bắc Kinh phản đối kịch liệt cũng làm cho sự nghi ngờ và mất lòng tin ngày càng tăng giữa Washington và Bắc Kinh.

Miles Yu, giáo sư về quân sự Đông Á và lịch sử hải quân tại Học viện Hải quân Mỹ nhận định rằng hai nước sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, nhất là Bắc Kinh muốn chứng minh "do thực sự tức giận và thể hiện khả năng sẵn sàng đối đầu quân sự" của PLA trên biển Đông trước thềm phán quyết của tòa án.

"Nhưng không có gì khẳng định Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến đến một cuộc chiến tranh mà Bắc Kinh hiểu rất rõ là không thể giành chiến thắng", ông Yu nói.

Các nhà phân tích cũng nhận định rằng, những tranh chấp trên Biển Đông đã khoét sâu thêm cái hố ngăn cách giữa hai nước, đồng thời cũng đào sâu thêm khoảng cách giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. Dễ thấy tình huống xảy ra là hai siêu cường đua tranh, giành giật ảnh hưởng trong khu vực.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama đã thống nhất hai nước sẽ hợp tác trong những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu trong suốt thời gian qua. Nhưng căng thẳng nhanh chóng leo thang trong những năm qua sau những tuyên bố và hành động ngày càng quyết đoán hơn của Trung Quốc trên Biển Đông.

Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế đã làm phức tạp hơn nữa mối quan hệ vốn rất khó khăn giữa Washington và Bắc Kinh. Liệu Trung Quốc sẽ có những động thái gì với phán quyết của tòa án?

Phản ứng của Bắc Kinh có thể sẽ bao gồm việc tuyên bố khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông. Trong khu vực ADIZ, PLA sẽ đòi hỏi các chuyến bay nước ngoài phải thông báo định danh và kế hoạch bay cho Trung Quốc trước khi vào không phận Biển Đông. Trung Quốc đã công bố khu vực tương tự trên biển Hoa Đông năm 2013.

Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc phát biểu cho rằng Bắc Kinh có quyền tuyên bố một khu vực nhận dạng phòng không trên Biển Đông.

Bắc Kinh cũng có thể đáp trả phán quyết của tòa án bằng biện pháp gia tăng tốc độ cải tạo mở rộng các rạn san hô và các đảo nhỏ trong khu vực tuyên bố chủ quyền, những thực thể địa lý này Trung Quốc đã chiếm đóng phi pháp trong vùng biển đang tranh chấp.

Benjamin Herscovitch, giám đốc nghiên cứu Chính sách Trung Quốc thuộc một công ty phân tích chính sách và tư vấn ở Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc sẽ không tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ trên Biển Đông trong bối cảnh gia tăng căng thẳng sau phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế.

"Mặc dù Trung Quốc có thể sẽ thành lập vùng ADIZ trên Biển Đông trong những năm tới, nhưng Bắc Kinh nhận định rằng một tuyên bố như vậy có thể sẽ quá khiêu khích sau khi Trung Quốc chính thức bác bỏ phán quyết của Tòa án quốc tế," ông nhận xét.

Nhưng Trung Quốc sẽ tiến hành các hoạt động minh chứng cho sự bác bỏ ý nghĩa thực tế của phán quyết bằng chiến dịch bồi đắp đảo nhân tạo trên bãi cạn Scarborough trên Biển Đông, nhà phân tích nhận định.

"Bắc Kinh thấy được những lợi ích chiến lược trong kế hoạch bồi đắp đảo nhân tạo tại địa điểm này và đây sẽ là thời điểm then chốt để thực hiện một hành động tương tự," ông Herscovitch đánh giá.

Một câu hỏi được đặt ra: Mỹ sẽ hành động thế nào sau phán quyết Tòa án quốc tế. Tổng thống Obama tuyên bố quyết tâm ngăn chặn Trung Quốc mở rộng vùng lấn chiếm nếu Bắc Kinh lựa chọn định hướng đi ngược lại luật pháp và chuẩn mực quốc tế.

Washington thường xuyên điều động các chiến hạm, bao gồm cả cụm tàu sân bay tấn công chủ lực tuần tra ở Biển Đông trong sứ mệnh thực thi “tự do hàng hải” những tháng gần đây. Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Philippines theo quy định của Hiệp ước phòng thủ chung giữa Manila và Washington.

Các nhà phân tích cho rằng phán quyết  của tòa án có thể sẽ củng cố quyết tâm của Mỹ duy trì và thậm chí đẩy mạnh các hoạt động tuần tra hải quân trong khu vực.

Nhà phân tích  Zhu thuộc Đại học Bucknell nhận xét: "Có nhiều khả năng cho thấy, theo quan điểm của Nhà Trắng hiện nay,  Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện lực lượng quân sự đủ mạnh ở Biển Đông trong một thời gian để ổn định tình hình".

Từ quan điểm này, theo ông Zhu,  Washington sẽ kêu gọi các bên tranh chấp, trước hết là Trung Quốc và Philippines, hướng tới việc giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Ông nói: "Mỹ sẽ gây áp lực buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng phán quyết của tòa án".

Ông Herscovitch phân tích: Những tuyên bố của Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của tòa án quốc tế sẽ dẫn đến gia tăng căng thẳng  quan hệ Trung-Mỹ. Trung Quốc nhận định những hoạt động của Mỹ trong sứ mệnh “tự do hàng hải” (FONOP) như những hành động khiêu khích. Ông nói:

"Mỹ cần phải dự tính kỹ trước khi gia tăng các hoạt động trong khuôn khổ FONOP trong khu vực 12 hải lý xung quanh những đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp và đang kiểm soát như  Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi. Trong những tình huống như vậy, các tàu thực thi pháp luật hàng hải và hải quân Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao và có thể tiến hành ngăn chặn nếu chiến hạm Mỹ thâm nhập vào khu vực nhạy cảm.”

John Ciorciari, chuyên gia về Trung Quốc của Trường Chính sách công Ford thuộc trường Đại học Michigan, nhận xét rằng: sẽ có nguy hiểm nếu tiếp tục dồn Trung Quốc vào góc tường ngoại giao và pháp lý quốc tế.

Bí thế, Bắc Kinh có thể sử dụng sức mạnh quân sự và các biện pháp cưỡng chế mạnh đối với các thực thể vật lý trên Biển Đông nếu các chiến lược khác thất bại.

Ông lưu ý rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lựa chọn lập trường công khai không khoan nhượng đối với phán quyết của tòa án. Bắc Kinh cho rằng phán quyết của Tòa án nhằm kiềm chế hoạt động của Trung Quốc và buộc quốc gia này phải lùi bước.

Nhưng ông Ciorciari cũng nhận định rằng cả Bắc Kinh và Washington đều không muốn xảy ra các sự cố vượt quá tầm kiểm soát.

"Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của PCA là hợp pháp, nhưng Bắc Kinh hoàn toàn không có lợi ích trong những động thái mà hậu quả sẽ kích động các quốc gia châu Á láng giềng gia tăng sức mạnh nhằm cân bằng lực lượng," ông Ciorciari phân tích rằng: "Cả hai bên đều không muốn vấn đề này thống trị và đầu độc những mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Trung-Mỹ.".

Andrew Mertha, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc tại trường Đại học Cornell nhận định, phán quyết sẽ cô lập Trung Quốc trên trường quốc tế. Bắc Kinh cũng có thể cảm nhận đang bị dồn vào góc tường với những tuyên bố mang tính chủ nghĩa dân tộc trong tranh chấp Biển Đông. Một làn sóng tình cảm dân tộc cực đoan của Trung Quốc sẽ tiếp tục cô lập quốc gia này hơn nữa chứ không phải hòa đồng vào hệ thống quốc tế. Điều đó có thể sẽ ảnh hướng rất xấu đến những  động thái của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Một số nhà phân tích quan ngại những diễn biến chính trị Mỹ trong chiến dịch bầu cử tổng thống cũng có thể đổ thêm dầu vào lửa.

Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, Hillary Clinton của đảng Dân chủ và Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa đều kêu gọi tất cả các bên phải tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế. Clinton nói bà hoan nghênh phán quyết và tuyên bố thêm rằng Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ.

Một cố vấn của Trump phát biểu cho rằng các nước liên quan trong tranh chấp Biển Đông nên tôn trọng phán quyết của tòa án, Trung Quốc không có những bằng chứng lịch sử về chủ quyền trên vùng biển này.

Giáo sư Yu tại Học viện Hải quân Mỹ nhận định rằng bà Clinton sẽ có khó khăn trong quan hệ đối với Trung Quốc hơn ông Trump, nhưng lập trường của đảng Cộng hòa thường sẽ rất cứng rắn nếu cảm nhận vị trí chiến lược toàn cầu của Mỹ bị Trung Quốc đe dọa trên Biển Đông.

Jessica Chen Weiss, giáo sư Mỹ tại Đại học Cornell cảnh báo, xét từ hậu quả của phán quyết Tòa án Quốc tế, Mỹ và các đồng minh không nên khẳng định đây là thất bại chính trị quan trọng của Trung Quốc.

"Nếu chúng ta càng thổi phồng lên sự thất bại hoặc làm mất mặt Trung Quốc, áp lực trong nước sẽ buộc chính quyền Bắc Kinh tiến hành những biện pháp đáp trả với sự cuồng nộ hơn," bà nói.

Ông Zhu thuộc Viện Trung Quốc tại Đại học Bucknell nhận định trong tương lai,  Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng phải ngồi lại đàm phán cho một thỏa thuận để " hai con hổ có thể thống trị trên một ngọn núi".

"Nếu những cuộc đàm phán song phương thất bại, nguy cơ sẽ là xung đột và bão tố cực đoan trong các mối quan hệ địa chính trị khu vực", Zhu Zhiqun kết luận.

TTB