Những tuyên bố chỉ trích qua lại giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc thời gian qua xuất hiện hầu như hàng tuần trên truyền thông, khiến bầu không khí đối đầu, đặc biệt trên Biển Đông không ngừng gia tăng.
Mới đây nhất, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ đã có chuyến bay thị sát kéo dài nhiều giờ trên Biển Đông, khiến Bắc Kinh nổi giận. Nhưng có một thực tế thú vị và không được biết đến nhiều đó là quan hệ giữa quân đội hai cường quốc này đang ngày một cải thiện.
RIMPAC 2014, cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất, diễn ra định kỳ hai năm một lần do Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ chủ trì chính là một dịp như vậy. Từ năm 2008, Trung Quốc bắt đầu tham gia các chiến dịch chống cướp biển trên Ấn Độ Dương do Mỹ điều phối. Ban đầu, do khác biệt về ngôn ngữ, cũng như sự lạ lẫm của Trung Quốc với các quy trình, kỹ, chiến thuật của Mỹ và đồng minh, binh sỹ Trung Quốc được giao tuần tra một khu vực riêng.
Tuy nhiên, trong 7 năm qua, sự phối hợp đã chặt chẽ hơn khi Mỹ tìm cách tăng cường phối hợp các chiến dịch, cũng như xích lại gần hơn với các tàu chiến Trung Quốc, thông qua các cuộc diễn tập chung năm 2013 và 2014.
Nhờ sự tăng cường trao đổi, binh sỹ Trung Quốc đã nắm được các chiến thuật chống cướp biển, các công nghệ cũng như quy trình, đặc biệt trong cách thức hỗ trợ tàu được triển khai ngoài khơi xa, trong thời gian dài. Họ cũng học được cách thức tiến hành những chuyến thăm các cảng nước ngoài, điều chỉnh tàu để giúp vừa tăng tính hiệu quả, vừa giúp thủy thủ đoàn thoải mái hơn.
Chỉ huy trên tàu Trung Quốc giờ nhận ra rằng việc để binh sỹ của họ điện thoại về gia đình giúp củng cố tinh thần và kỷ luật, thay vì gây tác dụng ngược như suy nghĩ trước đây. Họ học được cách thực hiện những nhiệm vụ phức tạp hơn như tiêu hủy vũ khí hóa học, nhờ tham gia trợ giúp hải quân Mỹ phá hủy vũ khí của chính quyền Syria giao nộp.
Trong các cuộc diễn tập tác chiến, tàu Mỹ sẽ “săn” bất kỳ tàu ngầm nào của Trung Quốc như một mục tiêu cần tiêu diệt, cho dù trong môi trường hợp tác. Trung Quốc biết điều này và có thể tranh thủ sự tham gia của mình tại các chiến dịch đa quốc gia, để tìm hiểu chiến thuật tác chiến chống ngầm của các lực lượng Mỹ đóng tại đảo Diego Garcia, phía Nam Ấn Độ, cũng như các lực lượng của Mỹ và đồng minh tại Vịnh Aden.
Tàu Trung Quốc cũng thường ghé thăm Djibouti, nơi Mỹ đặt Lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp châu Phi, chịu trách nhiệm chống các phần tử cực đoan trên lục địa đen, để học hỏi cách Mỹ xây dựng và chỉ huy lực lượng đặc nhiệm.
Sau những lần tham gia các chiến dịch chống cướp biển đó, Trung Quốc đã sắm và trang bị mạng thông tin MERCURY của EU, giúp hải quân có thể chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực về các tàu đang bị truy đuổi, cũng như liên lạc dưới dạng đàm thoại, truyền dữ liệu, thư điện tử.
Nhờ đó Trung Quốc nắm được một cách chính xác các đồng minh NATO phối hợp ra sao trong các chiến dịch trên biển, từ khâu lập kế hoạch tới triển khai và đánh giá.
Ngoài khuôn khổ RIMPAC, các lực lượng vũ trang Mỹ và Trung Quốc còn có nhiều hoạt động hợp tác khác, như tham quan các trường, học viện của hải quân Mỹ, tìm hiểu cách người Mỹ diễn giải Quy tắc đối đầu không định trước trên biển. Đây là văn kiện được 21 quốc gia thông qua, nhằm tránh leo thang căng thẳng.
Ngoài mục tiêu giảm nguy cơ sai sót trong thông tin liên lạc, quá trình huấn luyện giúp Trung Quốc nắm rõ cách thức tàu chiến Mỹ phản ứng khi bất ngờ gặp tàu nước ngoài - những thông tin này rất giá trị nếu tàu lạ đó có ý định thù địch.
Các cuộc huấn luyện chung về Ứng phó thảm họa và hỗ trợ nhân đạo, lập kế hoạch huấn luyện chung về tìm kiếm cứu nạn cũng đang được hải quân Mỹ và Trung Quốc bàn thảo.
Việc quân đội Mỹ quyết định huấn luyện cho các lực lượng Trung Quốc đã nhận được phản ứng khác nhau từ phía các nhà phân tích quân sự và chính trị. Đô đốc hải quân Mỹ đã nghỉ hưu James Lyons chỉ trích Mỹ đang “giúp đỡ một quốc gia hiếu chiến cố hữu phát triển năng lực quân sự, mà chính Mỹ là người phải trả giá”.
“Có điều gì đó rất không ổn trong cốt lõi các chính sách của chính quyền Tổng thống Obama và Lầu Năm Góc đối với Trung Quốc”, ông Lyons nói.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc hạn chế trao đổi quân sự giữa hai nước sẽ không giúp cải thiện tình hình. Trái lại, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice mới đây còn kêu gọi tăng cường quan hệ giữa quân đội hai nước. Tuy nhiên, Mỹ cũng cần bảo vệ các chiến thuật, công nghệ và quy trình nhạy cảm nhất của mình trong quá trình hợp tác.
“Và chừng nào không bên nào nổ súng, những tranh chấp trên Biển Đông có thể tìm được các giải pháp ngoại giao”, cây bút William Johnson củaReutersnhận định.
Hoàng Nguyên theo VnExpress