Hiện tại, Mỹ đang không muốn khiến Tổng thống Philippines có thêm cớ để tung ra những phát ngôn mạnh bạo và tìm cách tạo cơ hội tăng cường hợp tác với Philippines trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trước đó, ông Duterte đã ví mình với trùm phát xít Adolf Hitler.
Hai quan chức cấp cao Mỹ cho biết, mặc dù việc bất đồng với Manila sẽ khiến Mỹ gặp bất lợi ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang ngày càng có những hành động gây hấn, Mỹ không có bất kỳ kế hoạch chấm dứt viện trợ với Philippines.
Hiện Mỹ không muốn có bất kỳ phát biểu nào để khiến ông Duterte có thể thực thi những lời mạnh bạo của mình.
“Không ai trong chúng tôi phải mất ngủ vì những lời trên”, một trong hai quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên lên tiếng trấn an. Người còn lại thì khẳng định rằng “tất cả chỉ là những lời nói suông”.
Trong vòng một tháng qua, ông Duterte đã gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama là “tên khốn”, khiến Nhà Trắng phải hủy bỏ một cuộc gặp mặt trực tiếp, và tự ví mình với Hitler, nói rằng ông “cảm thấy vui mừng” khi tiêu diệt 3 triệu người nghiện hút và buôn bán ma túy ở Philippines.
Sau đó ông Duterte đã nói rằng ông hối hận khi nói những lời trên với ông Obama và xin lỗi cộng đồng người Do thái vì phát biểu của mình.
Mới đây vào ngày 2/10, ông Duterte cho biết ông đã nhận được tín hiệu ủng hộ từ phía Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev và một quan chức cấp cao giấu tên của Trung Quốc sau khi phàn nàn rằng Washington đã không hành xử đúng đắn.
Mặc dù ông Duterte ám chỉ rằng ông sẽ chấm dứt tập trận quân sự với Mỹ, yêu cầu các lực lượng đặc nhiệm của nước này rời khỏi miền Nam Philippines và xem lại hiệp ước hợp tác quân sự được ký kết hi năm trước, các quan chức Mỹ khẳng định những hành động trên chưa từng xảy ra.
Hiện tại, các quan chức Mỹ đang tỏ ra quan ngại khi đã có hơn 3.100 người chết kể từ khi ông Duterte nhậm chức Tổng thống và tiến hành một chiến dịch truy quét các băng đảng ma túy.
“Ông ta giống như Donald Trump vậy”, một quan chức cấp cao của một nước Đông Nam Á cho biết, “Ông ta thích thu hút sự chú ý, và càng được nhiều người quan tâm thì ông ta càng mạnh miệng. Cách tốt nhất đó là chúng ta hãy bỏ qua ông ta đi”.
Một phát ngôn viên quân đội Philippines cho biết, hiện tại Mỹ đang có 100 binh sĩ đóng tại thành phố Zamboanga, thấp hơn nhiều so với con số 1.200 lính Mỹ mà Washington đã hứa triển khai để giúp huấn luyện và cố vấn chiến lược cho Philippines chống lại các phần tử khủng bố Hồi giáo Abu Sayyaf. Người này cũng nói thêm, Mỹ không có kế hoạch đưa 100 binh sĩ này trở về.
Trong quá khứ, Philippines từng là thuộc địa của Mỹ từ năm 1898 sau một cuộc chiến lâu dài với Tây Ban Nha.
Đến năm 1946, Mỹ công nhận Philippines là một quốc gia độc lập. Hai nước đã từng ký hiệp định hợp tác quốc phòng vào năm 1951, song sau đó quan hệ của họ đi xuống và Philippines đã trục xuất lính Mỹ khỏi căn cứ Hải quân tại vịnh Subic.
Tuy nhiên, Philippines và Mỹ đã ký kết Thỏa thuận Hợp tác Hỗ trợ Quốc phòng (EDCA), qua đó cho phép quân đội Mỹ xây dựng kho chứa ở Philippines để đảm bảo an ninh trên biển cũng như hỗ trợ các công tác tìm kiếm cứu nạn.
Nguồn: Infonet.vn