|
Cô giáo Đỗ Diệu Vân cho chim bồ câu ăn ở Moscow. Ảnh do gia đình cung cấp. |
Anh Nguyễn Ngọc Huấn vào trong phòng riêng lấy ra tấm ảnh được đóng khung trang trọng, khẽ nói với tôi: “Đây là tấm ảnh đẹp nhất của chị Vân Anh trong chuyến đi Nga giữa năm 2013, hai năm trước khi chị mất.”
Chị Vân Anh là tên gọi ở nhà của cô Đỗ Diệu Vân, giáo viên Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (nay là Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Cô mất năm 2015, vì bệnh ung thư phổi.
Hôm đó, tôi lần đầu tiên đến thăm nhà anh Huấn, vừa với vai học trò với cô Diệu Vân, vừa là hàng xóm ngày xưa với cô. Tôi học cô năm thứ hai, môn Ngữ pháp.
|
Cô giáo Đỗ Diệu Vân - Ảnh gia đình nhân vật cung cấp |
Một cô giáo rất yêu nghề và quá tử tế với học trò
Trước khi sang nhà anh Huấn, tôi đã đến phỏng vấn chính thức chị Nguyễn Thị Minh Lê, cũng là học trò của cô Diệu Vân và sau này là đồng nghiệp, cũng như người bạn thân thiết với cô. Chị nhớ tất cả về cô Diệu Vân, chứ những người học trò cũ của cô mà tôi hỏi trước đó đều nhớ rất lờ mờ, thậm chí chữ tác ra chữ tộ.
Chẳng hạn, Nguyễn Phan Tuấn, học trò cô rất yêu quí ở lớp K13A chỉ nhớ cô Diệu Vân rất tươi và dạy môn lý thuyết tiếng rất giỏi. Đặng Bảo Hiếu bạn học cùng lớp thì khá hơn: “Nhớ về cô Diệu Vân, một người phụ nữ nhẹ nhàng, thông minh, và nữ tính. Nhớ khuôn mặt thanh tú của cô, giọng nói với âm sắc có lẽ từ gốc miền Trung rõ với âm S, và nụ cười với ánh mắt lấp lánh sáng sau cặp kính cận”.
Nhưng hỏi về cách dạy của cô thì không ai nhớ. Thậm chí lớp tôi, K14A, mọi người còn nói cô Diệu Vân dạy phát triển khẩu ngữ. Tôi đành phải kể tên các cô, thầy từng dạy và nhờ Vũ Thanh Tâm, bạn cùng lớp dạy ở Đà Nẵng, xem học bạ mới khẳng định được rằng cô dạy lớp tôi môn Ngữ pháp.
Và trí nhớ cứ dần dần vá lại những ký ức rời rạc để kết thành một kỷ niệm về cô Diệu Vân. Tôi nhớ cô Diệu Vân có một cách dạy ngữ pháp khác hẳn những cô dạy trong khoa, thôi tôi không kể tên đâu. Đó là trong tiết dạy của cô, các ví dụ văn học được đưa ra rất nhiều, vì vậy tiết dạy không khô khan, nặng nề, mà rất sôi nổi, dễ hiểu.
Tôi còn nhớ trước khi tôi đi Liên Xô, mùa hè năm 1978, tôi có sang nhà bác Kiểm, bố cô Diệu Vân, để nghe truyền đạt kinh nghiệm. Bác Kiểm - người trước đó từng làm ở Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô - thì nói về kỷ luật, cách sống của sinh viên. Cô Diệu Vân thì kể về những khó khăn mà buổi đầu sinh viên gặp phải.
Cô Diệu Vân kể lúc đầu sinh viên người Việt gặp rất nhiều khó khăn về mặt tiếng Nga, nhất là đối những người học tiếng Nga và văn học Nga như cô. Bởi cô phải đọc những cuốn như “Chiến tranh và Hòa bình” bằng nguyên bản và kể tóm tắt lại.
“Cũng khóc lên khóc xuống nhưng vẫn phải đọc và cuối cùng cũng đọc được” - cô kể kinh nghiệm của mình cho tôi.
Cũng vì lòng say mê văn học Nga nên về sau này cô đọc rất nhiều sách văn học. Ba tôi cứ dịch xong cuốn sách nào lại mang cho cho “cô cháu gái” đọc trước để góp ý, trước khi mang in.
Và hồi làm ở Nhà Xuất bản Văn học, có cuốn nào hay mới ra, ông đều mang về cho cô đọc. Trí tưởng tượng phong phú mà cô mang vào giờ dạy của mình, bất kể là ngữ pháp hay phát triển khẩu ngữ, đều xuất phát từ vốn văn chương phong phú của cô.
Chính vì vậy, cái vốn liếng văn chương của cô rất giàu của cô đã giúp cho cô biến giờ Ngữ pháp khô khan thành một môn học hết sức sinh động, dễ hiểu và khơi gợi sự tưởng tượng của học trò. Chúng tôi say mê giờ Ngữ pháp của cô.
Minh Lê kể với tôi rằng hồi dạy lớp của Minh Lê, K10A, cô dạy phát triển khẩu ngữ. Cô hay bắt học sinh học thuộc lòng các bài thơ Nga, rồi đọc diễn cảm trước lớp và kể lại tóm tắt bằng văn xuôi, để kiểm tra khả năng hiểu thơ của sinh viên.
“Cô hiền, nhưng rất nghiêm khắc với học trò” - Minh Lê nói.
Minh Lê kể rằng có những khi học trò lười học, không nghiêm túc, cô Diệu Vân rất đau khổ. Từ kinh nghiệm học hành của mình, cô không hiểu được tại sao học trò lại lười học. Cô thay đổi phương pháp, áp dụng những cái mới, cốt làm sao sinh viên thích môn cô dạy.
Minh Lê còn kể thêm rằng cô rất quý K10A của Minh Lê và K13A của Nguyễn Phan Tuấn. Phan Tuấn thông minh, học giỏi, sau này được giữ lại trường làm giáo viên môn Đất nước học. Liên Xô sụp đổ đã thay đổi cuộc đời của Phan Tuấn, cuối cuộc đời anh lại trở thành một doanh nhân khai mỏ. Bạn Đặng Bảo Hiếu của anh sau thời gian dài là doanh nhân du lịch khá thành công, cuối đời lại trở thành nhà đóng tàu thủy thiện nghệ.
“Có lẽ, chúng tôi đã học được ở cô Diệu Vân trí tưởng tượng, điều mà Albert Einstein, nhà vật lý lý thuyết thiên tài, đánh giá cao nhất ở con người” - Phan Tuấn chiêm nghiệm.
Vào dịp 11/2010, tôi có gặp cô Diệu Vân tại Lễ Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và Cách mạng Tháng 10 Nga, cô đã nói với tôi cô đã chuyển sang dạy tiếng Anh, sau khi có phong trào “chuyển tay lái”, liên quan đến sự sụp đổ của Liên Xô cuối năm 1991.
“Mình vẫn phải nuôi các cháu ăn học” - cô nói.
Tôi lúc đó thầm nghĩ rằng với lòng say mê và sự nghiêm túc của mình, chắc chắn cô dạy tiếng Anh cũng giỏi. Không ngờ, đó là lần cuối cùng tôi gặp cô, trước khi vào năm 2015, tôi phải nhìn cô qua tấm kính của quan tài.
|
Anh Nguyễn Ngọc Huấn và chị Đỗ Diệu Vân thời yêu nhau ở Liên Xô cũ. Anh do gia đình nhân vật cung cấp. |
Mối tình qua những bức thư và một người con hiếu thảo
Anh Huấn kể rằng anh chị biết nhau, khi anh rời lớp dự bị ở Trường Bách khoa Leningrad (sau này đổi thành Saint Peterburg), và chị vào học dự bị tại đó.
“Tiếng sét ái tình, nhưng cũng mất rất nhiều công sức mới chinh phục được chị” - anh nói.
Sau một năm học dự bị tại Leningrad, chị Vân Anh về Trường Đại học Tổng hợp ở Ростов на Дону, trong khi anh Huấn vẫn học ở Trường Khí tượng Thủy văn Leningrad.
“Anh chị chủ yếu liên lạc qua những bức thư, sau ngần ấy năm có một va li thư to chị mang về nước. Chỉ có đến hè anh chị mới được gặp nhau” - anh Huấn nhớ lại.
Trong thư qua lại, anh chị kể về tình yêu, nỗi nhớ nhung rồi những điều mới mẻ trong cuộc sống xứ người và cả những điều anh chị đọc được trong các tác phẩm văn học Nga hoặc văn học nước ngoài được dịch sang tiếng Nga.
“Nhờ tình yêu văn học của chị mà anh cũng yêu văn học luôn. Sau này, học tiếng Anh, anh cũng sử dụng phương pháp học tiếng Nga, cũng tự học và đọc sách truyện tiếng Anh” - anh Huấn chia sẻ.
Nhưng cũng chỉ có vậy thôi, bởi khi tôi hỏi thêm về chị Vân Anh, giọng anh Huấn lại nghẹn lại, trong tiếng nấc nhẹ. Nhậu với nhau mấy lần, cũng y hệt như nhau.
May là có Minh Lê nhớ hết. Khi chị Vân Anh nghỉ hưu, chị có tham gia “Khối giáo chức nghỉ hưu” và mỗi khi hội gặp nhau, đều có anh Huấn đi cùng.
Anh hát bài hát tiếng Nga rất hay, tính tình vui vẻ, hòa đồng, nên các “giáo chức nghỉ hưu” rất thích. Trong Lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 năm nay của cựu sinh viên – nghiên cứu sinh của Đại học Tổng hợp Lomonosov, tôi đã chứng kiến anh hát tiếng Nga, “hết sẩy” luôn.
Minh Lê còn kể thêm rằng có lần chị Vân Anh than thở rằng anh Huấn mỗi lần uống bia, đêm ngủ ngáy rất to. Chị đã tính đến chuyện phải ngủ tráo đầu đuôi, nhưng có vẻ không ổn.
Minh Lê mới khuyên chị rằng “anh Huấn và cô đã đến tuổi này, nhà chung cư lại nhiều phòng, cứ mỗi người ngủ một phòng, có sao đâu”.
Chị nói: “Vợ chồng như thế sao được, cứ như là ly thân ấy. Thôi mình đành chịu vậy”.
Minh Lê là người con gái rất yêu mến cha mẹ và các em của mình nên lại tìm thấy sự đồng cảm ở chị. Nhà chị Vân Anh có ba người con, anh Việt - con út - sau khi đi bộ đội về, học Trường Đại học Ngoại giao và mất vì tai nạn giao thông. Chị cả Diệu Tâm theo chồng vào Sài Gòn, rồi cũng ra đi vì bệnh tật ở trong đó. Bố mẹ chị ở luôn với chị.
“Vui nhất là hồi anh ở Hào Nam, nhà anh chị cả bốn cụ ở” - anh Huấn nói.
Rồi khi anh chuyển lên chung cư Trần Hữu Dực năm 2007, bố mẹ chị Vân Anh lại theo anh chị lên chung cư và mất ở đó.
“Cô (cách gọi theo thói quen của Minh Lê - PV) chăm sóc các cụ hai bên rất chu đáo. Mỗi khi bọn tôi tới chơi, các cụ hai bên đều rất vui vẻ” - Minh Lê kể lại.
|
Cô giáo Đỗ Diệu Vân thứ hai từ trái sang trong chuyến đi du lịch ở Nga 6/2013. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp. |
Sinh nghề tử nghiệp
Khoảng ba tháng trước khi chị Vân Anh mất, chị ho khá nhiều. Những năm tháng đi dạy, nói nhiều, hít bụi phấn nhiều, đã ảnh hưởng tới hai lá phổi của chị.
“Nhưng ác nhất là chị đã lên mộ bố mẹ chị, làm lễ cả nửa ngày cho các cụ, nhân dịp giỗ các cụ” - Minh Lê nói.
Chị Vân Anh nói với Minh Lê trên người xuất hiện một số nốt đỏ. Minh Lê khuyên chị đi chụp và phát hiện ra chị bị ung thư phổi.
Minh Lê có nhờ một nhà ngoại cảm ở Trâu Quỳ, gần Trường Đại học Nông nghiệp, xem bệnh cho chị và khi nghe nói rằng chị đã lên mộ bố mẹ chị nửa ngày, bà ta từ chối chữa bệnh.
“Ở một nơi lạnh và ám khí nhiều như nghĩa trang những nửa ngày, người lại yếu như thế, tôi chịu không chữa được” - nhà ngoại cảm thốt lên trong bất lực.
Tôi hỏi Minh Lê là liệu chị Vân Anh có biết mình sẽ mất không, Minh Lê nói “không”, chị vẫn lạc quan đến phút chót. Chị vẫn vui tươi, cười nói mỗi khi bạn bè tới thăm, còn hỏi Minh Lê có phải sắp đi du lịch Trung Quốc không.
Tôi có hỏi Minh Lê có biết về việc chị đã lẳng lặng đốt đi vali to đựng những lá thư hai anh chị trao đổi suốt 5 năm không, anh Huấn sau khi chị mất mới biết. Minh Lê trả lời là không biết tí gì về vali thư đó.
“Khoảng 2 ngày trước khi mất, chị gần như mất hẳn khả năng nhận biết, người rất yếu” - Minh Lê nói.
Đêm hôm chị mất, khi thấy Khôi, người con cả gọi điện sang, Minh Lê cùng với chị Phạm Chi Mai, một giáo viên tiếng Anh nổi tiếng Hà Nội, và em gái chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cũng là bạn chị Vân Anh, cùng sang nhà anh Huấn để tụng kinh, suốt 7-8 tiếng.
Sau này, có hôm rất khuya, Minh Lê nhận được cú điện thoại của anh Huấn. “Anh có tâm sự buồn, không biết tâm sự cùng ai, muốn nói với em” - anh Huấn nói với Minh Lê trong sự chán nản đến tột cùng.
Minh Lê hiểu rằng đây là phút yếu lòng nhất của người đàn ông, cô sẵn sàng nghe. Hóa ra, đang có một số hiểu lầm giữa anh Huấn và “giáo chức nghỉ hưu” bạn chị Vân Anh.
Một nén nhang của kẻ theo Tin Lành
Tôi đứng trước bàn thờ chị, thắp một nén nhang cúng chị. Những người theo Đạo Tin lành, như tôi, thường không dính đến nhang khói. Nhưng, với chị, tôi vẫn làm.
Đứng trước nén nhang đang cháy, tôi thầm nghĩ chị hoàn toàn biết trước được cái chết sẽ đến với chị, điều mà Minh Lê vẫn nghĩ là chị không biết. Chị không muốn làm cho những người khác phải lo lắng cho mình.
Chị đã lẳng lặng đốt đi vali thư, mang trọn mối tình tươi đẹp, lạc quan giữa hai con người đẹp đẽ, tài hoa, tình cảm, yêu đời và rất yêu nhau, đến tận cuối đời. Chị muốn cho anh sự tự do.
Anh còn rất khỏe, ở tuổi 70 vẫn đá bóng rất hay, vẫn vui tươi kể chuyện tiếu lâm, vẫn sắc sảo trong đánh giá thế cuộc và vẫn hát rất hay. Hơn nữa, hai cậu con trai của anh chị vẫn chưa lập gia đình…
Khôi quá yêu mẹ, nên không muốn lấy vợ. Tuấn mới thôi người yêu.
Ngồi nhậu với ba bố con, mà anh gọi đùa là hai đệ tử, tôi hiểu nỗi lo của chị!