Các chuyên gia hôm 30/3 lên Ever Given, con tàu container khổng lồ đã bịt kín kênh đào Suez của Ai Cập và làm gián đoạn thương mại toàn cầu trong gần một tuần, để tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi có thể có ý nghĩa pháp lý hàng tỷ USD: lỗi thuộc về ai?
Giới chức chính phủ Ai Cập, công ty bảo hiểm, công ty vận chuyển và nhiều bên khác đều đang chờ đợi thêm thông tin chi tiết về nguyên nhân khiến tàu Ever Given mắc cạn, chắn ngang kênh từ ngày 23/3 đến 29/3.
Sự việc có thể dẫn đến nhiều năm kiện tụng về chi phí sửa chữa tàu, sửa sang kênh đào và bồi thường cho những bên bị gián đoạn chuyển hàng. Việc con tàu thuộc sở hữu của công ty Nhật Bản, do công ty vận tải biển ở Đài Loan vận hành, treo cờ Panama và mắc kẹt ở Ai Cập khiến vấn đề này trở thành nỗi đau đầu quốc tế.
"Con tàu này là sự kết hợp đa quốc gia", John Konrad, người sáng lập và là giám đốc điều hành của trang web tin tức về vận chuyển hàng hóa gcaptain, cho biết.
Chủ sở hữu con tàu, công ty Nhật Bản Shoei Kisen Kaisha, hôm 30/3 cho biết họ sẽ tham gia cuộc điều tra cùng với các bên khác. Họ từ chối thảo luận về những khả năng có thể là nguyên nhân sự cố, bao gồm tốc độ của con tàu và gió lớn ập đến khi bão cát xảy ra. Công ty cho biết họ không thể bình luận về một cuộc điều tra đang diễn ra. Ban đầu có thông tin rằng tàu đã gặp sự cố mất điện nhưng quản lý kỹ thuật của Ever Given đã bác bỏ.
Nhà điều hành kỹ thuật của Ever Given, Bernhard Schulte Shipmanagement (BSM), liên tục khẳng định tàu gặp sự cố và đâm chéo vào bờ kênh Suez do gió mạnh. Tuy nhiên, Osama Rabie, lãnh đạo Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA), cuối tuần trước nói rằng không thể loại trừ lỗi kỹ thuật hay con người. Sự chú ý đang đổ dồn vào hai hoa tiêu của SCA, những người đã lên tàu Ever Given để dẫn đường qua, giúp thuyền trưởng điều khiển tàu di chuyển an toàn qua kênh.
"Nếu là do lỗi máy móc hoặc con người thì BSM và công ty vận hành Đài Loan Evergreen Marine phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong tình trạng gió lớn nguy hiểm, các hoa tiêu lẽ ra không nên đưa Ever Given vào kênh. Trong trường hợp này, lỗi thuộc về hoa tiêu. Hãy nhớ rằng, con tàu mới chỉ đi được 8 km trong tổng chiều dài 193 km của kênh khi nó mắc cạn", Sal Mercogliano, giáo sư tại Đại học Campbell ở Bắc Carolina, nhận định.
Nhưng ngay cả khi các hoa tiêu bị phát hiện mắc sai sót, luật pháp Ai Cập quy định rằng trách nhiệm không thuộc về họ, bởi thuyền trưởng là người ra mọi quyết định cuối cùng đối với con tàu và có thể không làm theo chỉ dẫn từ hoa tiêu.
James Davey, thuộc Viện Luật Hàng hải của Đại học Southampton, liệt kê 5 khía cạnh có thể nảy sinh nhiều vụ kiện tụng: thiệt hại với con tàu, thiệt hại với hàng hóa của nó, chi phí hoạt động cứu hộ và tổn thất tài chính của SCA, bao gồm thiệt hại với con kênh và với những con tàu bị liên lụy. Việc tàu mắc cạn đã khiến hàng tỷ USD hàng hóa thương mại hàng hải mỗi ngày bị ùn tắc.
"Chi phí giải cứu tàu có thể rất lớn", ông nói và nhận định số tiền này có thể sẽ được chia sẻ giữa các công ty bảo hiểm của con tàu và hàng hóa. Ngoài ra, còn có câu hỏi ai sẽ chịu chi phí bồi thường thiệt hại cho con kênh. "Vì việc này có liên quan đến hàng trăm triệu USD, sẽ mất nhiều thời gian để xác định", Davey cho hay.
Công ty pháp lý toàn cầu Clyde and Co. cho rằng chủ sở hữu của Ever Given có khả năng sẽ trả tiền cho SCA. Chính quyền Ai Cập cũng có thể phạt chủ tàu Ever Given. "Sẽ có một cuộc điều tra chi tiết để xác định nguyên nhân", công ty cho biết. "Rõ ràng là nguyên nhân sẽ ảnh hưởng đến các trách nhiệm pháp lý của tàu và quyền lợi hàng hóa".
Jamil Sayegh, làm việc tại công ty bảo hiểm Lloyd's ở Beirut, cho biết thuyền trưởng của tàu ít khả năng phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng có thể bị phạt nếu bị phát hiện là đã lơ là trách nhiệm. Ông nhận định tương lai của Ever Given sẽ gồm những cuộc chiến pháp lý chồng chéo phức tạp. Fitch Ratings gọi đây là một "sự kiện thua lỗ lớn đối với ngành tái bảo hiểm".
Hầu hết các khiếu nại của bên thứ ba dự kiến do công ty bảo hiểm của Ever Given, Hội Bảo vệ và Bồi thường Anh, gánh vác. Tuần này họ nói rằng tất cả các khiếu nại hợp lệ sẽ được họ, chủ tàu và các cố vấn pháp lý xem xét theo đúng quy trình.
Sayegh đánh giá quá trình có thể liên đới đến hàng chục tỷ USD và vài năm kiện tụng. Công ty "sẽ có những năm bận rộn và các luật sư hàng hải cũng vậy", chuyên viên bảo hiểm này nói.
Theo Vnexpress