Khủng hoảng Suez là viễn cảnh tồi tệ nhất của thương mại toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Mặc dù khủng hoảng tàu mắc kẹt trên kênh đào Suez đã được giải quyết một cách êm thấm trong hôm 29/3, nhưng từ vụ việc này đã làm dấy lên quan ngại về viễn cảnh thương mại toàn cầu trong tương lai.
Ảnh vệ tinh cho thấy tàu Ever Given bị mắc kẹt ở kênh Suez (Ảnh: Maxar)
Ảnh vệ tinh cho thấy tàu Ever Given bị mắc kẹt ở kênh Suez (Ảnh: Maxar)

Theo ước tính, khoảng 90% thương mại thế giới là thông qua đường biển. Nếu nhìn từ góc độ người tiêu dùng, chúng ta hiếm khi nghĩ tới việc làm thế nào những hàng hóa mà chúng ta mua được vận chuyển khắp hành tinh và đến được nhà chúng ta. Phải đến khi những vụ việc như vừa qua xảy ra, cụ thể là với tàu Ever Given, ở kênh đào Suez, chúng ta mới nhận thấy điểm yếu của hệ thống vận chuyển này.

Sức gió mạnh được cho là nguyên nhân khiến con tàu chở container này bị kẹt trên một eo biển nhỏ hẹp vốn đóng vai trò quan trọng trong thương mại, bởi kết nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ. Tuyến vận chuyển này phụ thuộc quá nhiều vào các con kênh nhỏ hẹp như vậy, bởi vậy rủi ro xảy ra một vụ việc tương tự là khá cao.

Xét về góc độ các nhà nghiên cứu an ninh hàng hải, họ xem những sự kiện như tàu Ever Given mắc cạn như tư liệu để hiểu rõ hơn về những hậu quả ngắn và dài hạn có thể xảy ra. Trên thực tế, sự kiện vừa qua đã cho thấy một viễn cảnh gần như tồi tệ nhất đối với kênh Suez và cả những hậu quả nó gây ra đối với thương mại toàn cầu.

Kênh Suez được coi như “cánh cửa” vận chuyển hàng hóa giữa châu Âu và châu Á, và đây là tuyến đường biển có lưu lượng hơn 19.000 tàu thuyền đi qua trong năm 2019, tương đương gần 1,25 tỉ tấn hàng hóa. Kênh Suez chiếm khoảng 13% tổng lượng thương mại của toàn thế giới, bởi vậy việc tắc nghẽn tại đây sẽ gây ra những hậu quả ghê gớm.

Cơ quan quản lý Kênh Suez đã bắt đầu mở rộng tuyến đường biển hẹp này trong năm 2014 nhằm tăng khả năng tiếp nhận hàng ngày từ 49 tàu hiện nay lên 97 tàu vào năm 2023. con số này đã cho thấy có bao nhiêu tàu thuyền chịu ảnh hưởng từ sự việc vừa qua. Có nhiều báo cáo nói rằng vụ việc đã khiến cả chục tàu chở dầu – với 13 triệu thùng dầu – không thể đi qua.

Mức độ nghiêm trọng của vụ việc là do kích cỡ của các con tàu đi qua kênh. Tàu Ever Given – được vận hành bởi công ty Evergreen Marine – có chiều dài 400 m, chiều ngang lớn nhất là 59 m, và phần sâu nhất của tàu nằm ở độ sâu 16 m. Thông số trên khiến nó trở thành một trong những tàu chở hàng lớn nhất thế giới, có sức mang hơn 18.000 container.

Do mức độ nghiêm trọng của vụ mắc kẹt, nên việc cứu hộ kiểu tàu trọng tải lớn này rất phức tạp, đòi hỏi nhiều trang thiết bị chuyên biệt và rất nhiều thời gian.

Mặc dù chưa rõ số lượng chính xác tàu chở hàng cỡ lớn như trên đi qua kênh này, nhưng các tàu chở hàng chiếm gần ¾ tổng số tàu băng qua kênh. Do kích cỡ lớn mà các tàu này rất khó để điều khiển đi qua con kênh nhỏ hẹp.

Với khả năng mang tải trên 150.000 tấn hàng hóa, những con tàu kiểu này không thể ngừng đột ngột trong lúc di chuyển. Nếu có vấn đề xảy ra, đội ngũ thủy thủ đoàn chỉ có rất ít thời gian để phản ứng trước khi con tàu bị mắc kẹt.

Vụ việc như vậy xảy ra khiến cho cả con kênh này bị chặn, đặc biệt là khi chiều dài của những con tàu như trên vượt xa chiều rộng của kênh. Nhưng điều khiến cho sự việc vừa qua đặc biệt nghiêm trọng là vị trí mắc kẹt của tàu.

Do kênh Suez đã được mở rộng, điểm cuối bên Địa Trung Hải của con kênh này giờ có 2 đường kênh để tàu đi qua, cho phép tàu thuyền đi qua ngay cả khi 1 đường kênh bị chặn. Thế nhưng tàu Ever Given lại bị kẹt ở điểm cuối phía bên Suez của con kênh này, nơi chỉ có một đường duy nhất, nên không tàu nào có thể qua được.

Khi tàu thuyền di chuyển qua con kênh dài 193 km, con tàu đi đầu bị mắc kẹt có thể khiến các tàu phía sau va chạm, khó di chuyển lui và nhiều vấn đề khác. Ngoài ra, còn chưa kể tới hàng hóa trên các tàu bị mắc kẹt có phải các mặt hàng cần vận chuyển nhanh chóng hay không (như thuốc men hoặc thực phẩm).

Nhiều yếu tố khác cũng có thể gây tác động tới những vụ việc mắc kẹt như trên. Một trong số đó là thời điểm trong năm. Thường thì giai đoạn sắp tới Giáng sinh, tháng 10 hoặc 11 là lúc tàu thuyền thương mại hoạt động bận rộn nhất. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trong giai đoạn này có thể gây ảnh hưởng lớn hơn, và có thể trùng với thời điểm điều kiện thời tiết khó khăn – như sương mù.

Một yếu tố khác là sự không đồng nhất của các bờ con kênh Suez. Nếu sự việc vừa qua xảy ra ở vị trí cách cảng biển Suez vài km, thì tàu Ever Given sẽ bị mắc trên đá chứ không phải cát, và khiến con tàu này hư hại nặng hơn, hoạt động cứu hộ cũng khó khăn hơn.

Sự kiện vừa qua sẽ chỉ mang ảnh hưởng dài hạn khá hạn chế, nhưng những sự kiện như vậy lại gây tác động rất rộng lớn đối với thương mại toàn cầu và cả thương mại địa phương. Theo giới chuyên gia, đã đến lúc để thế giới nhìn nhận những yếu điểm trong hệ thống vận chuyển hàng hóa hiện tại.

Theo Asia Times