Minh bạch các gói cứu trợ bằng app điện tử dùng chung toàn dân

Minh Tuấn
Minh Tuấn

Nhà giáo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Hoạt động cứu trợ dân sinh từ lâu vẫn chưa thật minh bạch, gây những bất cập không nhỏ. Cần sớm có biện pháp khắc phục hữu hiệu, củng cố niềm tin trong nhân dân, huy động toàn dân tham gia cứu trợ và cùng quản trị đất nước.

Khi đất nước có thiên tai địch họa, các cơ quan đoàn thể của Nhà nước đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người dân vượt qua khó khăn; tuy thế, không phải bao giờ và ở đâu mọi việc cũng suôn sẻ, tốt lành.

Việc quản lý ngân sách, đặc biệt là nguồn ngân sách chi cho những gói hỗ trợ/cứu trợ liên quan trực tiếp tới người dân, lâu nay vẫn có những bất cập, làm thất thoát không ít nguồn lực của quốc gia, đồng thời làm suy giảm không ít lòng tin của người dân; đặc biệt, vấn đề ấy đã bộc lộ và trở nên nóng bỏng hơn trong đại dịch Covid-19 đang diễn ra.

Trong đợt dịch này, trên các phương tiện báo chí, mạng xã hội và qua chia sẻ trực tiếp của người dân, thông tin về sự "bất cập", thiếu công bằng trong phân bổ và triển khai các gói hỗ trợ đã được nêu rất nhiều, ở đây chúng tôi thiết nghĩ không cần phải minh chứng thêm nữa; khi mà các cách nói như “lên ti vi mà nhận” đã trở nên quen thuộc và phổ biến trong cộng đồng thì chứng tỏ thực trạng ấy không còn là "cá biệt" nữa. Cuộc hồi hương hàng vạn người trong suốt 10 ngày qua đã thêm một minh chứng rất rõ cho điều này khi mà sự trợ giúp đã không đến được tay tất cả những người cần giúp đỡ. Vấn đề là làm thế nào để giải quyết, đó mới là mấu chốt.

Ảnh người dân chạy dịch về qua hầm Hải Vân sau nhiều tháng thất nghiệp - VietTimes

Ảnh người dân chạy dịch về qua hầm Hải Vân sau nhiều tháng thất nghiệp - VietTimes

Tiền bạc luôn là vấn đề nhạy cảm có ảnh hưởng bậc nhất tới các mối quan hệ trong xã hội, trong đó có quan hệ giữa người dân và nhà nước. Việc công khai, minh bạch bằng một cơ chế có thể “truy vết” và kiểm chứng cùng trách nhiệm giải trình của nhà chức trách là vô cùng cần kíp trong lúc này để vực dậy lòng tin của nhân dân.

Như chúng ta đã biết, GDP quý III đã giảm sâu với mức âm 6,17%; chưa hết, hàng chục vạn người đang ồ ạt rời khỏi các đô thị lớn và các vùng công nghiệp trọng điểm suốt gần 10 ngày qua đã dần phơi bày một tình thế thiếu lao động trầm trọng và nhãn tiền, có nguy cơ đe dọa nền sản xuất một cách toàn diện. Lúc này, niềm tin của dân chính là chiếc phao cứu sinh giúp điều tiết các vấn đề an sinh và nhất là việc khôi phục nền kinh tế.

Rất may, dữ liệu về dân cư quốc gia đã hoàn thiện từ tháng 6/2021, phải chăng đây là một cơ sở tuyệt vời cho việc minh bạch hóa các dòng tiền thuộc gói hỗ trợ của Chính phủ? Chúng ta có thể xây dựng một ứng dụng (app) tra cứu trực tuyến cho toàn dân để họ xác nhận số tiền mình đã nhận? Ngày nay, đa số người dân đều sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet, việc tự tra cứu là vô cùng tiện lợi và nhanh chóng.

Có thể hình dung trang điện tử này như việc tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT, mỗi công dân/hộ dân/doanh nghiệp sẽ truy cập vào tài khoản của mình bằng số CCCD/số CMND, ở đó đã có sẵn những thông tin liên quan đến họ về việc nhận hỗ trợ (nhận/chưa nhận, thuộc /không thuộc đối tượng nhận hỗ trợ v.v.).

Ví dụ khi công dân đăng nhập bằng số CCCD/CMND, thấy thông tin “đã nhận”, số tiền là “X” nhưng trên thực tế thì chưa được nhận hoặc số tiền đã nhận không đúng như trong dữ liệu thì sẽ phản hồi ngay trên tài khoản của mình. Đây là cách sẽ giúp Chính phủ quản lý được một cách trực quan, dễ dàng và có thể quy trách nhiệm cho từng cá nhân, đơn vị một cách nhanh chóng sau khi nhận phản hồi của người dân và tiến hành xác minh.

Sẽ luôn có những thông số thống kê được cập nhật tự động mà tất cả người dân đều có thể xem được dưới dạng %, biểu đồ, phân loại v.v. (như là các phần mềm thống kê về dịch Covid của ngành Y tế chẳng hạn).

Với một cách kiểm soát minh bạch như thế, Chính phủ sẽ không còn phải lo nhiều đến sự thất thoát nữa, và bộ máy cũng sẽ vận hành nhẹ nhàng mà hiệu quả, đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Rất khó để kiểm tra nếu người phát tiền lại cũng đồng thời là người báo cáo như cách làm từ trước đến nay.

Trên tinh thần đổi mới phương thức quản trị, việc ứng dụng chuyển đổi số như đã trình bày hoàn toàn có thể được triển khai và áp dụng ở những lĩnh vực khác. Những góc khuất, góc tối khác sẽ được rọi sáng, nhiều vấn nạn tham nhũng cũng sẽ được đẩy lùi một cách đáng kể và căn bản.

Hãy để người dân tham gia cùng Chính phủ quản trị quốc gia qua những nền tảng dùng chung, hãy thực hiện phương châm"Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", bộ máy sẽ trở nên thông minh hơn, hiệu quả hơn và điều quan trọng là niềm tin sẽ được bồi đắp, nuôi lớn và đi kèm sẽ là sự đồng lòng với Chính phủ trong công cuộc xây dựng đất nước.