Máy bay ném bom tàng hình bí ẩn của Trung Quốc “đủ khả năng tấn công các mục tiêu tầm xa”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Máy bay ném bom chiến lược thế hệ tiếp theo của Trung Quốc, Xian H-20, có thể có thiết kế phần cánh giúp chúng tấn công những mục tiêu thuộc chuỗi đảo thứ hai và xa hơn nữa, theo giới phân tích.
Số ra mới nhất của một tạp chí quốc phòng Trung Quốc có ảnh đồ họa của máy bay Xian H-20 (Ảnh: Weibo)
Số ra mới nhất của một tạp chí quốc phòng Trung Quốc có ảnh đồ họa của máy bay Xian H-20 (Ảnh: Weibo)

Số ra mới nhất của Modern Weaponry (Vũ khí hiện đại) – một tạp chí được xuất bản bởi tập đoàn quốc phòng nhà nước Norinco – đã đăng tải 4 bức ảnh đồ họa máy tính về thiết kế của mẫu máy bay ném bom Xian H-20. Chiếc máy bay này đã được phát triển suốt nhiều năm, và những bức ảnh về nó chưa từng được chính thức công bố.

4 bức ảnh được đăng tải mới đây cho thấy mẫu máy bay này có một ụ vũ khí, 2 cánh đuôi ngang có thể điều chỉnh được, 1 radar lắp đặt ở đằng trước và 2 bộ nạp khí ở hai bên, tất cả đều được bao phủ bởi một lớp chất liệu hấp thu sóng radar màu xám tối.

Hình dáng của nó rất giống với mẫu máy bay từng xuất hiện trong một đoạn video quảng bá của một công ty nhà nước khác, Tổng công ty Hàng không Trung Quốc (AVIC), hồi tháng 1 năm nay, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập của Tổng công ty Máy bay Xian (XAC) – bên chịu trách nhiệm phát triển H-20.

Nhiều báo cáo trước đó nói rằng H-20 sẽ được trang bị cả tên lửa truyền thống lẫn tên lửa hạt nhân, có trọng lượng cất cánh tối đa là 200 tấn và sức tải 45 tấn. Nó được dự kiến sẽ bay với vận tốc cận âm và có thể phóng 4 tên lửa hành trình tàng hình siêu thanh.

Jon Grevatt – chuyên gia về máy bay quân sự và là nhà phân tích quốc phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương – nói rằng các bức ảnh mới được công bố cho thấy H-20 tập trung vào khả năng tàng hình và tấn công tầm xa thay vì tốc độ.

“Điều này có nghĩa rằng, kiểu lợi thế chiến lược của loại máy bay này là chúng có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách rất xa, có lẽ tới chuỗi đảo thứ hai và xa hơn nữa” – ông Grevatt nói – “Như vậy, nó sẽ đe dọa các tài sản và lợi ích của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Nếu như máy bay này đi vào hoạt động, nó sẽ có thể trở thành nhân tố thay đổi cục diện”.

Là một phần trong chiến lược chuỗi đảo trong chính sách đối ngoại của Mỹ, chuỗi đảo thứ hai bao gồm các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản, đảo Guam, Philippines và nhiều quốc gia khác. Chuỗi đảo thứ ba thì mở rộng tới Hawaii và vùng bờ biển Australia.

Ông Grevatt nói rằng, ông dự đoán H-20 có thể đi vào hoạt động vào khoảng cuối những năm 2020, và rằng Trung Quốc đã tiếp thu được kinh nghiệm và kiến thức tốt trong việc phát triển máy bay tàng hình trong thập kỷ qua.

Việc Trung Quốc phát triển máy bay ném bom H-20 đã thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Tháng 10/2020, Viện nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia (RUSI) có trụ sở tại London, nói trong một báo cáo rằng mẫu máy bay ném bom tàng hình cận âm này sẽ giúp Trung Quốc có được khả năng tấn công “liên lục địa thực sự”.

“Được trang bị cả tên lửa truyền thống và tên lửa hạt nhân, H-20 sẽ đại diện cho một bước đột phá khỏi học thuyết và thực tiễn phát triển vũ khí của không quân Trung Quốc” – báo cáo nói.