“Vũ khí tương lai”: Nga bắt đầu sản xuất hàng loạt robot chiến đấu tự động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Quân đội Nga sẽ sớm được trang bị các robot chiến tranh tự động có khả năng hành động độc lập trên chiến trường, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho hay.
Hệ thống chiến đấu tự động Uran-9 của Nga (Ảnh: RT)
Hệ thống chiến đấu tự động Uran-9 của Nga (Ảnh: RT)

“Đây không phải các phiên bản gốc thử nghiệm mà là những robotcos thể thực sự xuất hiện trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, bởi chúng có thể tự chiến đấu” – Bộ trưởng Shoigu nói với kênh Zvezda trong diễn đàn “New Knowledge” (Kiến thức mới) hồi cuối tuần trước. Đây là một sự kiện giáo dục có sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

“Nỗ lực lớn” đã được dành ra để phát triển “các vũ khí của tương lai”, ông Shoigu nói, nhắc tới những con robot chiến tranh được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI). Những con robot này – được cho là có thể tham gia vào các tình huống chiến đấu một cách độc lập – là một phần trong chương trình vũ khí tương lai mà quân đội Nga đang tập trung phát triển.

Ông Shoigu không nêu cụ thể một hệ thống vũ khí nào khi ông nói về những con robot trên. Tuy nhiên, Nga đã từng cho ra mắt vô số cỗ máy tự động và bán tự động kiểu này, một vài trong số chúng cũng đã trình diễn khả năng tự chiến đấu.

Một trong số những robot chiến đấu kể trên là Uran-9, hệ thống chiến đấu đa dụng tự động nhìn giống một cỗ xe tăng cỡ nhỏ được trang bị súng 30mm, một số súng phun lửa và 4 tên lửa dẫn đường chống tăng. Được thiết kế để làm nhiệm vụ do thám và yểm trợ hỏa lực, nó có thể hỗ trợ binh sĩ trên chiến trường để giảm thiểu thương vong.

Một mẫu robot khác cùng dòng “Uran” là một hệ thống tự động có tên Uran-6. Con robot nhìn giống như chiếc máy ủi này nặng 6 tấn, được thiết kế để tạo ra những tuyến đường an toàn cho binh sĩ di chuyển trên các bãi mìn. Cả 2 mẫu robot “Uran” này đều đã chứng minh được độ hiệu quả trong chiến dịch chống khủng bố mà Nga thực hiện ở Syria.

Quân đội Nga có thể sớm có thêm nhiều cỗ máy chiến tranh lợi hại như vậy. Hiện tại, các kỹ sư Nga đang nghiên cứu các hệ thống tự động lắp đặt trên các mẫu xe tăng T-72 và T-14 Armata vốn có khả năng mang vũ khí hạng nặng. Trở lại năm 2020, xe tăng T-14 Armata đã trải qua một cuộc thử nghiệm mà trong đó hệ thống AI của nó phát hiện thành công vô số mục tiêu ở địa hình hiểm trở khi hoạt động mà không cần người điều khiển.

Trong khi đó, lực lượng hải quân Nga cũng được tăng cường sức mạnh nhờ các drone Poseidon. Đây là mẫu tàu ngầm tự động cỡ nhỏ được trang bị một lò phản ứng hạt nhân thu nhỏ, có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Quân đội Nga lần đầu công bố các cuộc thử nghiệm của nó vào năm 2019.

Tàu ngầm tự động này có thể từ từ tiếp cận lãnh thổ của dịch thủ từ sâu dưới mặt nước, với vận tốc chậm. Nếu bị phát hiện, nó có thể nhanh chóng tăng tốc và thoát khỏi sự truy đuổi, sau đó lại trở về trạng thái ẩn mình. Việc công bố Poseidon đã khiến một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nêu quan ngại về khả năng tạo nên một trận “sóng thần phóng xạ” của nó ở các bờ biển của Mỹ.

Robot không phải là công nghệ đột phá duy nhất mà quân đội Nga đang theo đuổi. Theo Bộ trưởng Shoigu, Moscow còn đang có kế hoạch phát triển cả vũ khí laser. “Cách đây 20 năm, điều này chỉ là viễn tưởng”, ông nói, “nhưng giờ nó đã trở thành hiện thực”.

Mặc dù chúng ta có thể chưa được chứng kiến những binh sĩ Nga trên tay cầm thanh kiếm laser như trong phim, nhưng quân đội Nga thực sự đã sở hữu một loại vũ khí laser.

“Peresvet”, một cỗ pháo laser cực kỳ bí mật, từng là một trong số những vũ khí được Tổng thống Vladimir Putin tiết lộ vào năm 2018. Rất ít thông tin về nó được công bố, nhưng nó được cho là có khả năng bắn hạ cả tên lửa và máy bay. Ông Shoigu xác nhận rằng quân đội Nga đã nhận được hệ thống vũ khí này, thêm rằng nó vẫn còn nhiều tiềm năng để cải thiện.

Chiến dịch chống khủng bố ở Syria đã giúp cho quân đội Nga có cái nhìn sâu hơn về chiến tranh hiện đại và thay đổi nhu cầu của họ để đối phó với những thách thức hiện thời, ông Shoigu nói. Ông nói, Syria không chỉ là một nơi tốt để thử nghiệm một số loại vũ khí, mà còn giúp họ phát hiện ra những sai sót cần khắc phục.

“Chúng tôi đã ngừng phát triển hơn một chục hệ thống vũ khí và không sản xuất chúng nữa” – ông Shoigu nói.