Máy bay không người lái liệu có thể thay đổi được cục diện chiến tranh Nga-Ukraine?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vụ tấn công cầu Kerch hôm 8/10 đã khiến giao tranh Nga-Ukraine leo thang, Nga sau đó đã tấn công trả đũa các cơ sở dân sự của Ukraine. Trong quá trình đó, vai trò của máy bay không người lái đã rất gây chú ý.
Một máy bay không người lái Geran-2 của Nga bay trên bầu trời Kiev hôm 17/10, sau đó lao xuống một tòa nhà (Ảnh: AP).
Một máy bay không người lái Geran-2 của Nga bay trên bầu trời Kiev hôm 17/10, sau đó lao xuống một tòa nhà (Ảnh: AP).

Chỉ sau một ngày, hôm10/10, quân đội Ukraine tuyên bố Nga đã huy động 24 máy bay không người lái và 84 tên lửa hành trình để tấn công ít nhất 14 khu vực ở Ukraine; ngày 13/10, còi báo động phòng không đã vang lên ở Kiev trong ngày thứ tư liên tiếp và Ukraine cáo buộc Nga thực hiện cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Iran khiến một số cơ sở hạ tầng bị hư hại; ngày 17/10, nhiều nơi ở Ukraine bị tấn công bằng tên lửa, thủ đô Kyiv cũng báo động phòng không và một số vụ nổ đã xảy ra do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko sau đó đã đăng trên Telegram hình ảnh về đống mảnh vỡ của chiếc máy bay không người lái bị rơi, nói rằng Nga đã huy động "máy bay không người lái kiểu kamikaze". Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng ngày cho biết "máy bay không người lái kamikaze và tên lửa đang tấn công Ukraine".

Cái mà Ukraine gọi là "máy bay không người lái kamikaze" (kamikaze drones” là chỉ "máy bay không người lái tự sát"), là một hệ thống vũ khí hàng không nhỏ di động thường được gọi là " Loitering munition” (bom đạn lảng vảng), có thể bay chờ đợi các mục tiêu một khoảng thời gian, sau đó phát động tấn công bằng điều khiển từ xa.

Về việc tại sao Nga có "máy bay không người lái kamikaze", các cơ quan tình báo Ukraine và Mỹ cho rằng chúng do Iran sản xuất và bán lại cho Nga. Bộ Ngoại giao Iran ngày 17/10 đã bác bỏ cáo buộc này, nói rằng Iran chưa bao giờ cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Một đám cháy được cho là do UAV Nga gây ra ở Kiev hôm 17/10 (Ảnh: AP).

Một đám cháy được cho là do UAV Nga gây ra ở Kiev hôm 17/10 (Ảnh: AP).

Tuy nhiên, dù máy bay không người lái của Nga đến từ đâu và liệu chúng có phải do Iran cung cấp hay không, thế giới bên ngoài vẫn lo ngại hơn về ảnh hưởng thực chất của máy bay không người lái đối với cục diện chiến tranh Nga-Ukraine.

'Cuộc cách mạng máy bay không người lái' có giới hạn

Kể từ khi máy bay không người lái (UAV) quân sự ra đời, nhiều phân tích đã khẳng định rằng chúng có thể thúc đẩy cuộc cách mạng trong chiến tranh. Cơ sở của luận điểm này có thể được chia thành ba điểm sau:

Thứ nhất, UAV có thể đột phá các hệ thống phòng không hiện đại, do đó nâng cao ưu thế tấn công của chủ sở hữu; thứ hai, UAV có chi phí sản xuất thấp và độ phức tạp hạn chế, vì vậy chúng có thể hạ thấp ngưỡng cho các hoạt động quân sự và đạt được "sức mạnh quân sự cân bằng" giữa các nước lớn và nước nhỏ; thứ ba, UAV có thể phát động các cuộc tấn công mà không bị hạn chế chỉ triển khai trên mặt đất, vì vậy cự ly tác chiến không còn là điều quan trọng.

Công bằng mà nói, những lý thuyết trên có một số điều đúng, nhưng nhìn lại biểu hiện của máy bay không người lái ở Trung Đông và chiến trường Caucasus, câu chuyện về cái gọi là "cuộc cách mạng máy bay không người lái" dường như có những hạn chế.

Đầu tiên, trong cuộc nội chiến Syria bắt đầu vào năm 2011. Mặc dù máy bay không người lái đóng vai trò do thám nhưng chúng không mang lại ưu thế tấn công cho phe nổi dậy mà lại bị hệ thống phòng không Nga chế áp; mặc dù cả quân nổi dậy và các tổ chức khủng bố đều sử dụng máy bay không người lái nhưng chúng vẫn chưa thể đạt được " cân bằng sức mạnh quân sự" giữa họ và quân đội chính quy, bởi vì lực lượng vũ trang của các quốc gia như Mỹ cũng sử dụng máy bay không người lái, có tính năng tốt hơn và độ chính xác của các cuộc tấn công cao hơn, kết quả là mở rộng thêm sự bất đối xứng giữa hai bên.

UAV tấn công tự sát đánh trúng một tòa nhà ở Kiev hôm 17/10 (Ảnh: AP).

UAV tấn công tự sát đánh trúng một tòa nhà ở Kiev hôm 17/10 (Ảnh: AP).

Về việc liệu máy bay không người lái có thể thay thế hoàn toàn việc tác chiến tầm gần hay không, tình hình chiến trường ở Syria là một câu trả lời phủ định, tình trạng cát cứ của các bên ở Syria hiện nay, ở một mức độ lớn hơn, là kết quả cân bằng của quá trình lâu dài tiến công, bao vây, giao tranh trực diện, rút ​​lui và phản công, chứ không phải là một cuộc tấn công thuần túy bằng máy bay không người lái.

Thứ hai là cuộc chiến máy bay không người lái ở Libya từ năm 2019 đến năm 2020. Hai phe Quân đội chính phủ Liên hiệp Quốc gia Libya (GNA) và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tham chiến đều sử dụng máy bay không người lái, nhưng hệ thống phòng không cũng đóng một vai trò quan trọng: LNA đã nhận được từ UAE hệ thống phòng không tầm ngắn của Nga, tiêu diệt một số lượng lớn UAV của GNA. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã can thiệp vào cuộc chiến và cung cấp cho GNA các tên lửa đất đối không và hệ thống tác chiến điện tử, từ đó triệt tiêu ưu thế to lớn của các máy bay không người lái LNA.

Từ đó mà xét, cuộc chiến bằng máy bay không người lái ở chiến trường Libya cũng không đạt được sự "tái cân bằng sức mạnh quân sự" giữa hai bên tương tự như trường hợp của Syria. Cả hai bên mạnh và yếu đều sử dụng máy bay không người lái, bên mạnh hơn có nhiều hơn điều kiện tối ưu sử dụng máy bay không người lái hiệu quả, kết quả là mở rộng sự mất cân bằng chiến trường, cuối cùng tình hình chỉ được dịu lại do sự can thiệp của các lực lượng nước ngoài.

Ngoài ra, máy bay không người lái cũng không thể thay thế cận chiến ở chiến trường Libya. Dù là LNA hay GNA, cả hai bên đều phải dựa vào bộ binh và lính đánh thuê để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, bao gồm kiểm soát và bảo vệ cơ sở hạ tầng chiến lược, phát động tấn công mặt đất, chiếm lại địa điểm chiến lược hoặc tiến hành càn quét; máy bay không người lái không thay thế được hành động nào ở trên.

Hình ảnh xác UAV Geran-2 của Nga do Thị trưởng Kiev Klischko đưa trên mạng Telegram

Hình ảnh xác UAV Geran-2 của Nga do Thị trưởng Kiev Klischko đưa trên mạng Telegram

Cuối cùng là cuộc xung đột Nagorno-Karabakh năm 2020. Máy bay không người lái dường như đóng một vai trò quan trọng, nhưng thực tế nó phản ánh sức mạnh của Azerbaijan chống lại Armenia. Armenia không có hệ thống phòng không tích hợp nhiều tầng để đối phó với các mối đe dọa tầm ngắn và xa, tầm thấp và cao; tên lửa phòng không là trang bị thời Liên Xô, khả năng tác chiến điện tử hạn chế nên không thể phát hiện các UAV của Azerbaijan và khó đánh chặn chúng hiệu quả; ngược lại, hệ thống quân sự của Azerbaijan hiện đại hơn đáng kể so với Armenia và nước này cũng nhận được sự hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ, một cường quốc ngoài khu vực.

Chính vì vậy, ít lâu sau khi chiến tranh nổ ra, Armenia đã bị đánh tơi tả, và diễn biến tiếp theo của cuộc chiến cũng khác xa với dự đoán về "cuộc cách mạng máy bay không người lái". Armenia yếu hơn không hy vọng dùng máy bay không người lái để thực hiện “cân bằng sức mạnh quân sự”, mà bắt đầu sử dụng tên lửa đạn đạo phản kích. Ngoài ra, cận chiến cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh. Mặc dù tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, vũ khí dẫn đường chính xác và máy bay không người lái đều đóng vai trò sát thương, lực lượng bộ binh và thiết giáp vẫn là chủ lực để bảo vệ phòng tuyến và tiến công trên mặt trận.

Khoảng cách lực lượng quân sự tổng thể mới là then chốt

Từ những phân tích trên, UAV thực sự đã thay đổi loại hình chiến trường ở một mức độ nhất định, nhưng chúng vẫn có những hạn chế: khi hệ thống phòng không của đối phương mạnh và nền tảng quân sự vững chắc, UAV có thể không đạt được ưu thế tấn công. Hơn nữa, nếu hai bên đối địch đều sử dụng máy bay không người lái, cuộc xung đột có thể xảy ra tình huống kẻ mạnh trở nên mạnh hơn và kẻ yếu yếu thêm; nhưng ngay cả trong trường hợp này, các cường quốc ngoài khu vực vẫn có thể tái cân bằng tình hình chiến trường sau khi máy bay không người lái tham chiến bằng cách viện trợ hệ thống phòng không và hệ thống tác chiến điện tử.

Sơ đồ chiếc UAV Shahed-136 (Nga gọi là Geran-2) có giá 20 ngàn USD được sử dụng cho các cuộc tấn công tự sát (Ảnh: AP).

Sơ đồ chiếc UAV Shahed-136 (Nga gọi là Geran-2) có giá 20 ngàn USD được sử dụng cho các cuộc tấn công tự sát (Ảnh: AP).

Ngoài ra, mặc dù sức mạnh sát thương của UAV không thể bị đánh giá thấp, nhưng nó vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn tác chiến tầm gần trong thời gian ngắn.

Nói cách khác, để tối đa hóa hiệu quả của UAV và giành được ưu thế trên chiến trường, khoảng cách sức mạnh quân sự tổng thể giữa hai bên là rất quan trọng, bao gồm trình độ hiện đại hóa hệ thống phòng không và mức độ hỗ trợ quân sự từ bên ngoài.

Quan sát trận chiến bằng máy bay không người lái trên chiến trường Nga-Ukraine từ góc độ này, chúng ta có thể tìm ra điểm mạnh và điểm yếu trong diễn biến của cục diện. Trước hết, bản thân Ukraine không có ngành công nghiệp máy bay không người lái trưởng thành và đội bay, nhưng sau khi chiến tranh bùng nổ, nước này đã có được máy bay không người lái Bayraktar TB2 từ Thổ Nhĩ Kỳ và hệ thống “Starlink” của Elon Musk, thừa cơ phát động tấn công khi hệ thống phòng không Nga chưa kịp triển khai. Trong vài tuần đầu tiên sau khi chiến tranh bùng nổ, các UAV của phía Ukraine thỉnh thoảng tiêu diệt được các xe tăng và đoàn xe của Nga, do vào thời điểm này, quân đội Nga thường hành động theo các đơn vị đơn lẻ và biệt lập, hầu như không có yểm trợ trên không nên rất dễ trở thành mục tiêu săn lùng của máy bay không người lái. Thế nhưng, kể từ tháng 4, quân đội Nga đã chuyển sang tác chiến ở khu vực Donbas, đồng thời xây dựng hệ thống phòng không hiệu quả, làm suy yếu đáng kể hiệu quả tấn công của TB2.

Các UAV mà Ukraine nhận được không chỉ là TB2, mà còn có hàng trăm UAV "Switchblade" của Mỹ có phương thức tấn công tương tự như UAV Nga tấn công Kiev lần này, tức là tấn công tự sát kiểu kamikaze; nhược điểm của chúng cũng giống TB2, nghĩa là không dễ dàng thoát khỏi hệ thống phòng không của Nga, rất dễ bị đánh chặn và tiêu diệt. Ukraine trước đó đã đề nghị Mỹ hỗ trợ loại máy bay không người lái MQ-1C Grey Eagle có giá hơn 20 triệu USD, nhưng Mỹ không đồng ý, vì lo ngại hệ thống phòng không chặt chẽ của quân đội Nga sẽ làm chiếc MQ-1C đắt tiền "có đi không về", thậm chí rơi vào tay Nga, làm lộ bí mật.

Nói tóm lại, hệ thống phòng không của quân đội Nga đã ngăn chặn hiệu quả cuộc tấn công của UAV của Ukraine; ngược lại, hệ thống phòng không của Ukraine mỏng yếu hơn nhiều, vì vậy sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV, Ukraine đã liên tục yêu cầu châu Âu và Mỹ hỗ trợ hệ thống phòng không. Tuy nhiên, sự phát triển này không có nghĩa là Nga sẽ có thể sử dụng máy bay không người lái để giành được ưu thế trên chiến trường, bởi vì các mục tiêu tấn công của họ cơ bản không ở tiền tuyến, mà tập trung vào các cơ sở dân sự ở các thành phố lớn. Nói cho cùng, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần đây của Nga vẫn nhằm mục đích trả thù vụ tấn công cầu Kerch và đe dọa Ukraine, thay vì tập trung vào các các thành trì trên chiến trường.

Cuộc chiến Nga-Ukraine đã kéo dài hơn 7 tháng. Đối với Nga hiện đang quan tâm đến việc củng cố lãnh thổ chiếm được, cả tên lửa và máy bay không người lái đều không thể thay thế hoàn toàn chiến dịch của bộ binh. Kết hợp với tình hình Ukraine không thể đột phá hiệu quả hệ thống phòng không của Nga, và quân đội Nga không có ý định đưa nhiều máy bay không người lái vào chiến trường, thắng bại giữa hai bên vẫn dựa trên so sánh về sức mạnh quân sự tổng thể. Mặc dù máy bay không người lái đã đóng vai trò nhất định trong các thời kỳ khác nhau, nhưng chúng hoàn toàn không phải là chìa khóa để thắng hay thua.